“God is a concept by which we measure our pain”
“Chúa là một khái niệm ta dùng làm thước đo cho sự khổ đau”
Kết quả hình ảnh cho John Lennon

Để viết về John Lennon là một điều có vẻ như là khó khăn vô nghĩa hơn cả việc giải thích được tại sao John Lennon - cái tên mà không ai là không biết, lại được tôn sùng đến như vậy.
Nhìn lại lịch sử, John Lennon là một con người khó có thể diễn tả hơn ngoài hai từ “dị hợm”. Ông suy nghĩ dị hợm, hành động dị hợm với phong cách sống cũng không kém phần khác người.
Bản thân Lennon là con người của những mâu thuẫn. Ông yêu hòa bình, yêu việc tạo ra cái đẹp nhưng lại là nạn nhân cái tôi cao ngạo. Là thủ lĩnh ban nhạc vĩ đại nhất của mọi thời đại nhưng vẫn luôn đau đáu đi tìm kiếm hạnh phúc riêng cho bản thân. Là hiện thân của sự tự do và phá cách nhưng dường như luôn bị giam cầm vây hãm bởi chính nhà tù của tâm trí.
Kết quả hình ảnh cho John Lennon 50s

John Lennon sinh thời tại trong một gia đình tầng lớp lao động tại Liverpool, Anh, người mẹ Julia và bố là Alf Lennon. Bố mẹ ông ly thân ngay từ lúc John chào đời; John chỉ tái hợp với bố mình vào những năm tháng đỉnh cao nhất của sự nghiệp. Thuở nhỏ, ông được đánh giá là một cậu bé quậy phá với cá tính nóng nảy, bốc đồng. Ông giao du với nhiều cậu bé cũng thuộc tầng lớp lao động khác và thường xuyên gây gổ, đánh nhau, không chú tâm vào việc học hành. Điểm số của John luôn bết bát và được đánh giá là “không có tương lai”. Cho đến một ngày, John bén duyên với âm nhạc khi mẹ ông tặng một cây guitar năm ông 15 tuổi và mọi thứ thay đổi từ đó. John gặp Paul McCartney và cả hai cùng nhau lập một ban nhạc vào năm 1956, lấy tên The Quarrymen - chính là tiền thân của The Beatles. Một năm sau đó, mẹ của John qua đời vì một vụ tai nạn giao thông - một viên cảnh sát đã đâm phải bà khi đang qua đường. Kể từ đó, John tạm biệt sự ngây thơ trong trắng để tiến đến dẫn đầu cho ban nhạc vĩ đại nhất phong trào phản văn hóa thập niên 60.
Là một nửa còn lại của cặp đôi sáng tác vĩ đại Lennon-McCartney, Lennon có cách tiếp cận âm nhạc ngược lại hoàn toàn so với Macca; giai điệu đến với Lennon một cách không thể tách rời với phần lyrics. Lyrics của Lennon ở những giai đoạn kể từ album Rubber Soul trở đi không mang cái nặng nhọc của tình duyên, cuộc sống, thì cũng chịu ảnh hưởng không hề nhẹ của triết học phương Đông hay...các chất thức thần.
Kết quả hình ảnh cho John Lennon 1965


Lennon thẳng thắn thú nhận từng là một con người bạo lực và tổn thương những người mình yêu thương bằng cách này hay cách khác mỗi khi giận quá mất khôn như trong “Getting Better”. Ông hát về hòa bình thế giới trong “Imagine” nhưng có những phát ngôn luôn như thể gây chiến với giới truyền thông.
Lucy in the Sky with Diamonds bộc tả một cách rõ nét khung cảnh thi vị như trong một giấc mộng của Alice ở xứ sở thần tiên, đầy màu sắc qua lăng kính ảo diệu, phi logic và ngây dại như trong những cuộc trip LSD.
Ông nhìn nhân sinh, nhìn vũ trụ theo bản hòa ca tuyệt mỹ trong Across The Universe. Nhìn tuổi thơ mình một cách lờ mờ, mộng ảo trong sự hoài niệm về những khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời - Strawberry Fields Forever.
Có lúc ông bất cần đời không ngại ngùng bung lụa thú vui tao nhã nhìn đời qua lăng tính vui tươi, lố bịch như trong I Am The Walrus. Có những lúc lại tự do, tự tại, John thành người đàn ông vô định - Nowhere Man - vô can, chỉ thấy những gì mình muốn thấy, chỉ làm những gì mình muốn làm.
Kết quả hình ảnh cho John Lennon psychedelic

Có lúc John lại lả lướt, yếu ớt, làm một đứa trẻ thiếu vắng đi tình thương của người mẹ trong Julia.
hay trong track đầu tiên của album đầu tiên của John, ngay sau khi Tứ Quái tan rã: Mother.
“Mother, you had me
But I never had you…”
Mỗi câu từ trong bài hát Mother là một mảnh ghép tạo nên một bức tranh đầy tính giằng xé trong tâm thế lẫn lộn lúc bấy giờ của John (ngay sau khi tan rã Beatles và ông đang tham gia một chương trình điều trị tâm lý bằng liệu pháp bản chất - primal therapy). Mỗi câu hát xuất phát từ trong sâu thẳm nhất của một đứa bé chập chững, ngây thơ và khờ dại chỉ mong được người Mẹ e ấp và chở che qua mọi sóng gió gian lao. Người nghe như được chạm vào một phần nào đó là John thật sự, là John Lennon chứ không phải là một thành viên của Tứ quái.
Kết quả hình ảnh cho John Lennon 1970

Dằn vặt là như thế, nhưng John, như một người Anh chính gốc, chẳng phải lúc nào cũng là một người nghệ sĩ nghiêm nghị, “thẳng như ruột ngựa”. Trái lại, ngay từ những ngày đầu trong The Beatles, John đã luôn là một kẻ hoạt ngôn năng nổ hiếu thắng của The Beatles, vặn vẹo lại được mọi câu hỏi của những phóng viên khó ưa bằng những câu trả lời thâm nho, những câu nói có nhiều hơn một nghĩa và mang tính trêu ngươi ngay cả trong những thời khắc trọng đại. Thậm chí, ông cùng các thành viên còn lại của Tứ quái khi dị kiến nữ hoàng Anh còn lén lút...hút cần sa ở trong cung điện Buckingham.
Ông luôn luôn là một kẻ nổi loạn mọi lúc mọi nơi, luôn có những chứng kiến và phán xét ở một góc độ dị hợm, đạp đổ dư luận thể chế mỗi khi có thể và rồi đưa ra những luận điểm đầy cay đắng và chỉ trích - một sự dị biệt, khác người có chủ đích và ông dường như mê đắm điều đó.
John chỉ thích bất cứ thứ gì mà ông cảm thấy chướng tai gai mắt. Thậm chí là cả McCartney trong How Do You Sleep? John chỉ trích Paul không nhất thiết là vì ông ghét bỏ Paul hay những sáng tác của người bạn tri kỷ; trái ngược lại, không có ai yêu Paul hơn John. John chỉ trích bởi vì đó là một trong nhiều cách để ông thể hiện sự quan tâm của mình đối với Paul; và Paul, như hiểu rõ bạn mình hơn bao giờ hết, chấp nhận sự chỉ trích của John như một lời “tri ân” từ người bạn lắm tài nhiều tật của mình.
Có những người lại gọi ông là tội đồ của nhân loại, kẻ “đại chống Chúa” vì phát ngôn rằng The Beatles nổi tiếng hơn cả chúa Jesus. Có những người tôn Lennon lên làm một vị thánh nhân của mọi thời đại. Là người đi đầu, khai phá những lãnh địa tư tưởng thoát ly hoàn toàn khỏi sự gò bó của một bộ máy xã hội mục rữa và cũ nát. Những câu chuyện mà người đời gán ghép, những bức tranh quá đỗi hoàn hảo họ tô vẽ lên để rồi thất vọng khi nhận ra một điều hình mẫu John Lennon cũng chỉ là một “thương hiệu” trong nhiều thương hiệu khác để họ bấu víu vào. Một phần nào của hình ảnh này đã tan vỡ khi John hậu The Beatles ra mắt album đầu tiên cùng với Plastic Ono Band.
“I don’t believe in Beatles. I just believe in me. Yoko and Me.”
John không còn tin vào Beatles nữa. John chỉ tin vào mình và Yoko mà thôi. Ông đã từng là kẻ kiến tạo nên những giấc mơ, là kẻ đi đầu, chỉ đường dẫn lối. Nay ông là một John hoàn toàn mới mà cũng hoàn toàn mộc. Một John đại diện cho sự thật; hay nói cách khác, một John đại diện cho chính John, một con người như bao người khác với những tâm tư tình cảm, trắc trở hiện sinh trong vòng luẩn quẩn đi tìm kiếm lẽ sống của đời mình. Dù đó là qua âm nhạc, LSD, những khẩu hiệu về hòa bình hay là Yoko Ono.
Kết quả hình ảnh cho John Lennon 1970s

Yoko Ono, có bị các fan ghét bỏ đến mấy vì góp phần làm tan rã The Beatles đi chăng nữa, vẫn là tình yêu đích thực của cuộc đời John. Yoko như một mảnh ghép còn thiếu của John, gặp ông trong giai đoạn gần như bấp bênh nhất cuộc sống. Yoko đóng vai trò làm hình mẫu người mẹ, mang lại tình thương và sự chở che cho linh hồn lạc lối bên trong John, kẻ thức thời xoay hồi hết từ bản thể này sang bản thể khác để rồi cuối cùng mới nhận ra được cái ngã nguyên thủy, những thứ rốt cuộc là quan trọng bậc nhất đối với bản thân ông - đó là tình yêu thương, là sứ mệnh mang đến hòa bình cho toàn bộ nhân loại.
“All we are saying, is give peace a chance”
Style cặp kính tròn và mái tóc dài lượt thượt đã hằn sâu trong tiềm thức của nhiều thế hệ; Những câu trích dẫn, lyrics, các giai điệu gắn liền với Lennon mỗi khi tên ông được nhắc tới là minh chứng rõ ràng nhất: Lennon không chỉ là một người nghệ sĩ, mà Lennon, dù ta có xét hình mẫu mà mọi người mong ông trở thành hay là Lennon - một người nhạc sĩ phấn đấu vươn lên từ tầng lớp lao động - đã trở thành một hệ tư tưởng, một minh chứng sống và cũng là kinh điển nhất cho nguyên mẫu tâm hồn dằn vặt, nổi loạn, đi ngược lại với chuẩn chung của số đông.
Kết quả hình ảnh cho John Lennon yoko

Một kẻ phóng khoáng tự do và cũng bị mắc kẹt trong chính sự tự tại của mình. Thủ lĩnh của ban nhạc vĩ đại nhất mọi thời đại. Thiên tài điên kẹt trong vũng đầm lầy của sự vô minh. Kẻ luôn hằng mơ mộng về một thế giới đại đoàn kết.
Và có vẻ như tồn tại trong John, trong suốt cả kiếp sống ông, một bản thể luôn đoái hoài trăn trở, vật lộn để đi tìm kiếm sự an nhàn. Một sự an nhàn tuyệt đối mà trong album cuối cùng của ông, ra mắt chưa đến một tháng trước khi bị bắn chết, đã dường như mường tượng được phần nào.
“Why don't we take off alone
Take a trip somewhere far, far away
We'll be together all alone again
Like we used to in the early days…”
Hãy tưởng tượng cùng tôi, một căn nhà nho nhỏ trên thảo nguyên, ở nơi đó sẽ có Yoko ngồi cạnh là Sean và Julian, có Paul, có George và Ringo, dì Mimi, cha ông, có người mẹ quá cố quây quần cười nói bên John để nghe ông chơi guitar những giai điệu thuở nào của Tứ quái. Ở nơi đó, sẽ không còn bất cứ nỗi niềm nào cản trở John tiến tới hạnh phúc đích thực, niềm hạnh phúc nơi tâm thế của một tâm hồn quá đỗi đẹp đẽ so với thế giới này.
Hãy tưởng tượng.
Hình ảnh có liên quan

R.I.P. John Lennon. (1940-1980)