PHẦN I. NHỮNG HÀNH VI CỦA QUỶ DỮ

Ảnh: Jeffrey Dahmer tại phiên toà xét xử, Nguồn: Britannica
Ảnh: Jeffrey Dahmer tại phiên toà xét xử, Nguồn: Britannica
Hãy thử tưởng tượng nhé. Bạn là một thanh niên 18 tuổi, đang hừng hực sức trẻ, thích đi nhảy buổi tối, uống rượu xả hơi, nhảy nhót giải trí. Khi ngà ngà say, bạn mong muốn có được những trải nghiệm tình dục trọn vẹn, xa hơn là một tình yêu chân thành.
Tuy nhiên, bạn là một người đồng tính. Bạn đang ở một thị trấn nhỏ tại nước Mỹ những năm 1980s, khi mà trào lưu kỳ thị người đồng tính tại Mỹ vẫn còn đang thịnh hành hơn bao giờ hết. Cách duy nhất bạn vừa có thể được là chính mình, vừa có thể tìm kiếm đối tượng phù hợp với mình đó là đi tới những hộp đêm dành cho đồng tính nam.
Tại đây, trong men rượu say, bạn bắt gặp ánh mắt của một chàng trai da trắng thư sinh, trông có vẻ hiền lành ít nói. Anh ấy mời bạn thêm ly nữa, giới thiệu rằng, anh ấy có đam mê chụp ảnh những chàng trai có ngoại hình nổi bật và mời bạn tới nhà anh ấy làm mẫu ngay đêm nay. Bạn sẽ nói gì?
Thật khó để từ chối lời mời ấy nhỉ? Khi về tới nhà, anh ấy mời bạn cốc rượu mạnh pha với coca, bạn có uống tiếp không? Nếu có, rất có thể bạn đã sa bẫy một kẻ giết người hàng loạt. 
Ảnh chụp Jeffrey Dahmer khi bị bắt năm 1982. Nguồn: Getty Images
Ảnh chụp Jeffrey Dahmer khi bị bắt năm 1982. Nguồn: Getty Images
Trong trường hợp này đó là Jeffrey Dahmer. Khi bị công an bắt giữ năm 1991, Dahmer đã lấy đi tính mạng tổng cộng 17 nam giới từ 19 tới 31 tuổi. Hầu hết nạn nhân đều là những thanh niên khỏe mạnh và ưa nhìn gặp hắn ở trong hộp đêm dành cho giới đồng tính nam, bị hắn đưa về nhà, chuốc thuốc, và giết ngay tại chỗ. Hắn giữ lại cho mình kỷ niệm và quà lưu niệm qua những tấm ảnh polaroid chụp hình xác nạn nhân, những phần cơ thể được cất giấu khắp nơi trong nhà, cả những bộ phận bị nấu lên ăn trực tiếp và thậm chí còn cấp đông tới vài tuần.
Khi bị bắt, cảnh sát đã tìm thấy trong tủ lạnh của Dahmer bảy chiếc đầu lâu và bốn chiếc đầu còn nguyên da thịt, hàng loạt tấm ảnh polaroid của các nạn nhân, một thùng 57 ga-lông (khoảng gần 250 lít), chứa những thân thể không đầu đang trong quá trình phân huỷ trong thứ dung dịch acid đậm đặc. Trong tiến trình lấy lời khai, Dahmer thú nhận đã ăn cả nội tạng nạn nhân và quan hệ tình dục với các tử thi.
Tội ác của hắn đã phần nào được tái hiện trên Netflix qua series trinh thám “ Monster: The Jeffrey Dahmer Story” và chuỗi phim tài liệu “Conversations with a Killer: The Jeffrey Dahmer Tapes. Câu chuyện của hắn cũng được giới khoa học nghiên cứu nhiều năm với hy vọng giải đáp những câu hỏi như
“Điều gì đã khiến Dahmer trở nên tàn độc như vậy?”
“Phần nào của hắn là phần của một con người bị tổn thương, và phần nào là linh hồn của quỷ dữ”
“Liệu những người như hắn nếu không tử hình thì nên đưa vào nhà thương điên hay nhà tù?”
Ảnh: Toàn bộ nạn nhân đã bị Jeffrey sát hại Nguồn: Wikipedia
Ảnh: Toàn bộ nạn nhân đã bị Jeffrey sát hại Nguồn: Wikipedia

PHẦN II - ĐIỀU GÌ ĐÃ KHIẾN DAHMER CÓ NHỮNG HÀNH VI TÀN ĐỘC NHƯ VẬY?

Chúng ta hãy cùng bắt đầu với câu hỏi lớn đầu tiên: Điều gì đã khiến Dahmer có những hành vi tàn độc như vậy?

1. RỐI LOẠN TÂM THẦN

Thứ nhất, đó là những rối loạn tâm thần đã có mầm mống từ thuở thiếu thời. Dahmer là con đầu lòng của Lionel Dahmer - một tiến sĩ nghiên cứu hóa học và Joyce Dahmer - một người mẹ hiền lành với một số khó khăn tâm lý (ảnh hưởng của yếu tố gia đình sẽ được mình sẽ đề cập tới ở phần sau)
Ngay từ nhỏ, Jeff đã biểu hiện một niềm say mê to lớn với sự chết chóc. Tuy Jeff chưa bao giờ thú nhận rằng hắn giết động vật nhưng hắn luôn có cách để tìm kiếm xác chết của những con động vật chết ven đường. Sau khi thu lượm xác chết, hắn sẽ cắt chúng thành nhiều mảnh nhỏ, trước khi róc hết thịt ở xương bằng việc ngâm chúng vào chất hoá học. Cuối cùng, những bộ xương khô được Jeff cất giữ như những món đồ chơi hay que tính. 
Một lần nọ, cậu bé Jeff bắt được một đàn nòng nọc để tặng cho cô giáo. Cô giáo này sau đó đã đem hũ nòng nọc đó cho một học sinh khác. Jeff đã tìm tới tận nhà học sinh này để đòi lại hũ nòng nọc và ngay lập tức đổ dầu hỏa vào để thiêu trụi chúng.
Nhà tâm lý học Heather Piper cho rằng, về mặt lý thuyết, một đứa trẻ có nhiều uẩn ức và những khó chịu, bực bội sẽ tìm cách giải tỏa cảm xúc bằng nhiều cách khác nhau. Một trong những số đó là hành hạ động vật nhỏ. Hành vi hành hạ hay bỏ mặc vật nuôi bao gồm việc không cho thú cưng đồ ăn, nước uống, thuốc thang, đánh, và xâm hại tình dục thú cưng. Trong cuộc sống đời thường, một nghiên cứu vào năm 2009 cũng cho thấy, những hành vi bạo hành động vật thường xuất hiện ở những trẻ đã từng chứng kiến bạo lực gia đình. Liệu những tổn thương trong gia đình là nguyên nhân trực tiếp hay chỉ là chất xúc tác cho những hành vi tàn độc với động vật đã có sẵn trong bộ gene di truyền của Jeff thuở nhỏ? Đây chắc chắn là mối quan hệ hai chiều không thể phân tách.
Tuy nhiên, Piper cũng nhấn mạnh rằng, hiện nay chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy việc hành hạ động vật thuở nhỏ có thể dẫn tới hành vi giết người trong tương lai. Ở Dahmer, bản năng chết được hình thành trong suốt quá trình trưởng thành.
Bên cạnh đó, Louis Schlesinger, giáo sư Tâm lý học tại Đại học Tư pháp Hình sự John Jay, một chuyên gia về giết người hàng loạt cho biết, ở Jeff có một số hành vi từ thuở ấu thơ cho thấy hắn có thể trở thành tên giết người hàng loạt trong tương lai. Ông cho rằng, những hành vi kinh khủng này không chỉ xuất hiện một sớm một chiều mà thường có mầm mống từ rất sớm.
Louis nói rằng, ở tuổi thiếu niên, Dahmer đã có những nhu cầu tình dục cao hơn bình thường. ⅔ số ngày, hắn thường xuyên mơ tưởng về viễn cảnh được giết người và ngủ với những xác chết. Đây là một dạng của rối loạn hành vi tình dục, necrophilia hay ái tử thi. 
Bên cạnh đó, sau khi bị bắt, hắn còn được các chuyên gia chẩn đoán với chứng splanchnophilia - một chứng rối loạn hành vi tình  khiến người mắc phải cảm thấy hứng tình với việc nhìn thấy nội tạng và những thứ nhầy nhụa hoặc bóng bẩy. Đây là một chứng rối loạn hiếm gặp tới mức nó ít khi được đề cập tới trong các nghiên cứu khoa học. Khi mới 13 tuổi, Dahmer đã không thể vượt qua ham muốn ái dục với một thanh niên chạy bộ quanh khu vực. Hắn quyết định núp trong một lùm cây để đánh chết thanh niên này nhưng rất may mắn, ngày hôm đó, không ai chạy qua cung đường này. 
Dahmer lớn lên trong cô độc và bị xa lánh bởi bạn bè xung quanh. Không một ai phát hiện ra chứng rối loạn ái tử thi của hắn hay các biểu hiện của những hành vi chống đối xã hội khác. Theo hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, rối loạn cư xử [conduct disorder] thường được chẩn đoán ở trẻ em dưới 18 tuổi. Nhìn chung, rối loạn này bao gồm một loạt những hành vi bạo lực không phù hợp với lứa tuổi, vi phạm pháp luật, quyền và lợi ích của người khác. Trẻ có rối loạn hành vi cư xử thường không thấy hành động của mình là sai. Những hành vi thường  gặp nhất ở những trẻ có rối loạn này là phá hoại của cải, sử dụng rượu và chất kích thích, thao túng tâm lý, bắt nạt, đốt nhà và trốn học. 
Theo Viện Chăm sóc và Sức khỏe Quốc gia Cấp cao London, Nếu không được can thiệp và hỗ trợ kịp thời, khoảng 50% những trẻ có rối loạn này sẽ lớn lên thành những người có rối loạn tính cách chống đối xã hội [antisocial personality disorder] - đặc trưng bởi sự thiếu hụt năng lực nhận thức về tính “đúng / sai" và lạnh thờ ơ với nỗi đau của người khác. 
Trong những năm tháng đi học, khi mẹ phải nằm viện vì những rối loạn cảm xúc của mình còn bố thì miệt mài với con đường học vấn, Jeff đã nổi tiếng ở trường với những trò đùa xuẩn ngốc để thu hút sự chú ý từ người khác và hành vi uống rượu vô tội vạ. Cấp ba, trong tủ đồ của Jeffrey thường xuyên có rượu và việc hắn say xỉn đi học đã trở thành một điều bình thường. 
Sau này, rượu đã trở thành một phần quan trọng trong tất cả những vụ án do Jeffrey gây ra. Trong án mạng thứ hai hắn gây ra sau gần 10 năm im hơi lặng tiếng, do quá say xỉn, Dahmer đã không thể nhớ rằng mình đã giết Steven Tuomi mà chỉ thức dậy với xác của Tuomi bên cạnh, đầy thương tích và một vết lõm sâu ở ngực. Mỗi lần gây án, Jeffrey xác nhận rằng bản thân hắn cũng cảm thấy ghê tởm với hành vi giết người nên đều cần uống cho tới khi say mèm trước khi ra tay. 
Tiến sĩ tâm lý pháp y Park Dietz, người trực tiếp làm chứng tại tòa cho vụ án của Jeffrey cho biết, chứng nghiện rượu có thể được coi là một cách để Dahmer quên đi sự thù ghét, chán nản với bản thân và xu hướng tính dục của mình. Ông cũng xác nhận rằng, Dahmer được chính thức chẩn đoán với:
1. Chứng rối loạn tính cách ranh giới , một rối loạn tâm thần ảnh hưởng tới cách ta nhìn nhận về bản thân mình và các mối quan hệ, khiến người có rối loạn khó điều hoà cảm xúc và xây dựng một mối quan hệ ổn định.
2. Chứng rối loạn tính cách dạng hoang tưởng là rối loạn tâm thần đặc trưng bởi nỗi lo âu choáng ngợp trong các tình huống xã hội, những suy nghĩ hoang tưởng, xa rời thực tế, những cơn loạn thần thoáng qua và những niềm tin kỳ lạ.
3. Loạn thần với những ảo tưởng và ảo giác không có thực. Tuy nhiên, khi giết người, hắn hoàn toàn tỉnh táo, ý thức được sự sai trái của việc giết người và quyết định dùng rượu để quên đi những cảm xúc kinh tởm khi thực hiện các hành vi man rợ này.
Song, liệu, những rối loạn này là do bẩm sinh hay do môi trường hình thành nên?
Ảnh: Jeffrey Dahmer thởi thơ ấu và niên thiếu, Nguồn: Scenacriminis
Ảnh: Jeffrey Dahmer thởi thơ ấu và niên thiếu, Nguồn: Scenacriminis

2. BẨM SINH 

Một mặt, ta khó có thể từ chối ảnh hưởng tiềm ẩn của gen di truyền lên hành vi của Dahmer. Trong một cuộc phỏng vấn, bố của Jeff đã chia sẻ rằng, thời niên thiếu, ông cũng từng có những ám ảnh về chuyện làm hại người khác. 
Trong khoa học Tâm lý, không dễ để các nhà nghiên cứu bóc tách ảnh hưởng của gen di truyền lên hành vi ra khỏi sự ảnh hưởng của các yếu tố khác. Đặc biệt là, qua cơ chế di truyền biểu sinh, môi trường cũng có thể kích hoạt một số gen nhất định.
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu dài hơi trên các cặp song sinh và bố mẹ chúng, nhà tâm lý học Eavas và cộng sự đã khẳng định rằng, mối quan hệ giữa những trải nghiệm tiêu cực tuổi ấu thơ và hành vi chống đối xã hội mạnh mẽ hơn bất kỳ mối liên hệ nào giữa các hành vi chống đối xã hội với gen di truyền.

3. GIA ĐÌNH

Nghiên cứu này khiến ta chú ý đến mặt còn lại của vấn đề, đó là những trải nghiệm tuổi thơ tiêu cực Jeff đã trải qua từ những năm tháng đầu đời. Trái với tưởng tượng thông thường rằng một kẻ sát nhân sẽ thường sống trong một gia đình đầy bạo lực, máu me vả thảm kịch, gia đình của Dahmer được đánh giá là tương đối “bình thường". Cha của Dahmer - Lionel Dahmer, là một người bố vất vả với tấm bằng tiến sĩ nghiên cứu hóa học và vợ là bà Joyce Dahmer - một người mẹ với những rối loạn tâm lý dai dẳng và nghiện thuốc chống an thần.
Tuy nhiên, dưới con mắt của các nhà tâm lý học, cuộc đời của Dahmer chứa đựng nhiều mầm mống của sự độc hại. Trong đó, có ba lý do chính.
Thứ nhất, khi sinh Dahmer, bà Joyce đột nhiên có dấu hiệu liệt nửa người. Để tiếp tục với quá trình sinh nở, bác sĩ đã phải tiêm cho bà thuốc giảm đau cực mạnh morphine, thuốc an thần và thuốc ngủ. Liệu biến cố lúc mới sinh này có ảnh hưởng tới tâm lý của Dahmer hay bà Joyce không, mình chưa thấy tài liệu khoa học nào nhắc tới nhưng đấy cũng là một điểm cần được lưu tâm.
Thứ hai, năm lên 4, Dahmer bị mắc chứng thoát vị bẹn, rồi phải trải qua một cuộc phẫu thuật vô cùng đau đớn. Sau này, theo lý thuyết Phân tâm học đang thịnh hành thời bấy giờ tại Mỹ, bố của Jeff cho rằng, chính cuộc phẫu thuật này đã khiến cậu bé Jeff cảm thấy tự ti về khả năng sinh đẻ của bản thân và dần dần trở nên ngày một rụt rè, kín tiếng.
Đặc biệt, sau khi cha mẹ mới sinh thêm em bé vào lúc Jeff 6 tuổi, cảm giác bị bỏ rơi của Jeff ngày một gia tăng. Sau hai lần chuyển nhà, Dahmer trở thành một cậu bé, theo lời bố là “vô cùng rụt rè và dễ hoảng sợ trước những những tình huống mới. 
Bên cạnh đó, thứ ba, cha mẹ Jeff thường xuyên bận bịu, cãi cọ và gần như không có thời gian để tâm tới hắn khi còn là một cậu bé. Một điều không thể chối cãi đó là bằng một cách nào đó, cha mẹ Dahmer đã không hề mảy may nghi ngờ về thứ thú vui quái gở của con trai mình, đó là thu lượm xác động vật chết về chơi. Rất có thể, là một nhà khoa học, bố của Dahmer đơn thuần chỉ nghĩ rằng, đó là bản năng tò mò của một nhà khoa học trẻ tuổi. Ông dạy Dahmer cách róc thịt bằng chất hoá học, chính là một phần trong công việc của ông, với hy vọng về một tương lai tươi sáng cho Dahmer.
Ngay khi Jeffrey lên 18, bố mẹ hắn ly hôn. Là một người trưởng thành theo quy định của pháp luật, khi ấy, Jeffrey bắt buộc phải sống một mình với những sở thích và hoang tưởng ngày một lớn dần. Các chuyên gia cho rằng, Dahmer khi ấy đã quyết định chọn cách tự mình đối phó với các cảm xúc khó chịu của bản thân bằng rượu và sự chết chóc thay vì tìm kiếm sự hỗ trợ từ người khác. Kiến thức về tâm lý của phần đông dân cư Mỹ ngày đó thậm chí còn kém hơn ở Việt Nam hiện nay, việc tìm kiếm sự trợ giúp tinh thần gần như là không tưởng.
Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1994, Jeffrey kể lại rằng, hắn ta chưa từng thực sự tâm sự và chia sẻ với cha của mình. Mọi cuộc trao đổi đều chỉ dừng lại ở mức bề nổi. Chính ông Lionel cũng thú nhận rằng, lần đầu nghe lời thú tội của Jeffrey trước toà cũng là lần đầu tiên ông hiểu chuyện gì đang diễn ra bên trong tâm can con trai của mình. Mẹ của Jeffrey cũng vậy. Sự bỏ mặc về mặt tinh thần và những trải nghiệm bất trắc tuổi ấu thơ từ lâu đã được các nhà tâm lý học nghiên cứu trong mối tương quan với các hành vi bạo lực và cả hành vi giết người.
Gia đình không chỉ là khởi nguồn của những suy nghĩ hay hành vi này mà còn đóng một vai trò quan trọng trong việc phát hiện và phòng ngừa sự biến tướng của những bất thường cho dù là nhỏ nhất ở trẻ.
Ngoài ra, về cách Jeffrey dần phát triển con ác quỷ trong mình, theo nghiên cứu phân tích trường hợp của hai nhà xã hội học và tội phạm học Stephen Singer và Christopher Hensley vào năm 2004, hành vi “giết người hàng loạt" bao gồm các đặc điểm có thể ngày một lớn dần thông qua các trải nghiệm xã hội. Theo hai nhà nghiên cứu này, thông thường, những kẻ giết người hàng loạt từng có những trải nghiệm gây nên cảm giác vô cùng bực tức và khó chịu. Trong trường hợp của Dahmer, khi bị cha mẹ bỏ mặc thuở ấu thơ, Jeff đã giữ trong lòng những sự giận giữ, khó chịu và bực tức hắn gặp phải. Sau này, những cảm xúc này dần chuyển hoá thành những hành vi chống đối và điên loạn, thậm chí ảnh hưởng lên cả cách lựa chọn nạn nhân của hung thủ. 
Tuy nhiên, từ góc độ cá nhân, mình cho rằng, ở Dahmer, việc lựa chọn hung thủ lại không phụ thuộc vào những cảm xúc tiêu cực bị dồn nén mà như chính hắn có chia sẻ, hắn chỉ chọn các nạn nhân có thân hình đẹp như một kỷ niệm muốn được lưu giữ. Khác với những kẻ giết người hàng loạt khác, hành vi giết người của Dahmer không khởi phát từ nỗi hận thù mà có gốc rễ từ thứ thường bị lầm tưởng là tình yêu, hay sự mê đắm thể xác và mong muốn được chiếm hữu.
Những mong muốn được kiểm soát trong mối quan hệ có thể được truy vết trong những trải nghiệm thuở ấu thơ khi Dahmer từng phải những kiến những trận cãi cọ kinh hoàng từ cha mẹ, đặc biệt là khi mẹ của hắn phải chịu đựng trầm cảm sau sinh dưới sự thờ ơ của người bố. Bà Dahmer chỉ còn cách trút toàn bộ sự tức giận của mình lên gia đình. Bản thân bà cũng lớn lên trong một môi trường bạo lực và bà cho rằng chuyện đó là “hoàn toàn bình thường".  Liệu đây có phải là cách sự cảm thông dành cho đau khổ của con người ngày càng thui chột trong Jeffrey, khiến hắn ngày một thờ ơ với sự sống của bản thân và cả của người khác?
Giả thuyết của mình, đó là trong thâm tâm, Dahmer quá sợ hãi trước sự chia ly, như một nỗi sợ kéo dài từ thuở thơ ấu mỗi khi bị cha mẹ bỏ mặc. Đồng thời, hắn cũng không có bất kỳ hình mẫu nào về một mối quan hệ lành mạnh, việc “giữ chân" một ai đó bằng tình yêu là điều gần như không thể. Cộng thêm mầm mống của bạo lực, sở thích ái tử thi, và đam mê với nội tạng. Hắn quyết định đối phó với cơn hoảng sợ khi người tình rời đi và có được những điều mình muốn qua bạo lực và giết chóc. Việc giết người và giữ tử thi ở bên cạnh khiến hắn có được cảm giác thật sự sở hữu một ai đó, được âu yếm, vuốt ve và ngắm nhìn họ hàng ngày. Sự sở hữu này cao hơn tất cả sự cảm thông của hắn đối với loài người. Chính Jeffrey Dahmer cũng thú nhận rằng, nếu hắn có thể tìm ra cách để lấy đi ý thức của một người, biến họ thành zombie để ở bên hắn mãi mãi, hoặc có cách ướp lạnh tử thi, thì hắn đã không phải giết nhiều người hơn. Việc Dahmer ăn thịt các tử thi trên thực tế cũng là một cách để hắn cho phép những nạn nhân “sống mãi" trong hắn.
Ảnh chụp thật căn hộ của Jeffrey, Nguồn: Milwaukee Journal Sentinel files
Ảnh chụp thật căn hộ của Jeffrey, Nguồn: Milwaukee Journal Sentinel files
Đến đây, chúng ta cần phải tiếp tục đặt câu hỏi, vì sao một loạt những vụ mất tích và giết người kinh hoàng như vậy lại không hề được cảnh sát khu vực để mắt tới? Điều này dẫn đến nguyên nhân thứ 4 đằng sau chuỗi tội ác kinh hoàng của Jeff.

4. XÃ HỘI

Thứ nhất, vì sự thiếu hiểu biết của cảnh sát về các mối quan hệ đồng tính và thứ hai, sự phân biệt chủng tộc rõ ràng khi tiếp nhận lời cảnh báo của những người hàng xóm da màu của Jeff. Trong những nhóm người đề cao tính cộng đồng như nhóm người châu Á hay da màu, những người hàng xóm thường hiểu rõ về nhau hơn và có một sự quan tâm nhất định đến đời sống hàng ngày của nhau. Thậm chí, ở Việt Nam, trong những khu chung cư cũ, ta hoàn toàn có thể biết hàng xóm của mình hôm nay ăn gì, ngủ lúc mấy giờ. Tuy có thể gây ra phiền hà nhưng đây lại là yếu tố xã hội quan trọng để ngăn chặn các vụ giết người hàng loạt. 
Trong số các nạn nhân, hai nạn nhân trẻ nhất James Doxtator và Konerak Sinthasomphone bị giết khi mới chỉ 14 tuổi. Khi Konerak bị Jeff đưa về nhà và chuốc rượu, xác của nạn nhân Tony Hughes vẫn còn ở trên sàn. Jeff khoan một lỗ nhỏ vào hộp sọ của Konerak với hy vọng có thể nhỏ acid vào não, khiến Konerak trở thành Zombie nhưng vẫn sống với mình cả đời. Thậm chí, Konerak đã trốn thoát, chạy lên phố, và còn va vào hai cảnh sát khu vực; nhưng với tình cảnh thảm hại của Konerak khi ấy, chỉ có độc chiếc chăn cuốn lên người, lảo đảo một mình bước trên khu phố vắng vẻ, nơi chủ yếu chỉ có người nghèo, người da đen và người nhập cư sinh sống, Jeff đã thuyết phục được hai cảnh sát rằng Konerak khi đó đã 19 tuổi, là người yêu của hắn và giờ Konerak chỉ đang quá say mà thôi. Sau khi đưa Konerak về nhà, hắn cắt xác cậu bé làm nhiều phần và giữ phần đầu ở trong tủ lạnh. 
Khi bắt gặp nạn nhân 14 tuổi Konarak lảo đảo trên đường, do muốn “tôn trọng” mối quan hệ của người đồng tính nam và xem những lời tố cáo của những người da màu xung quanh là những lời phàn nàn phi lý, cảnh sát hoàn toàn bỏ qua việc khám xét Jeffrey, mặc dù hắn đã từng có tiền án tiền sự. 
Ảnh người dân phản đối cách hành động của cảnh sát, Nguồn: Milwaukee Journal Sentinel files
Ảnh người dân phản đối cách hành động của cảnh sát, Nguồn: Milwaukee Journal Sentinel files

PHẦN III. JEFFREY DAHMER CÓ XỨNG ĐÁNG NHẬN ĐƯỢC SỰ CẢM THÔNG

Từ bốn nguyên nhân khả dĩ nêu trên, những nguyên nhân và động cơ đằng sau hành vi của Jeff cũng dần được sáng tỏ. Tuy được chẩn đoán với các rối loạn tâm thần khác nhau dưới con mắt của các nhà tâm lý học, trong phiên xét xử, Jeffrey vẫn được coi là một người “bình thường, hoàn toàn tỉnh táo khi gây án” dưới con mắt của pháp luật.  Vì vậy, hắn bắt buộc phải chịu án trong tù chứ không phải trong nhà thương điên. Cuối cùng, Jeffrey bị giết bởi một tù nhân khác khi quản tù đang lơ là không để ý.
Khi nhìn Jeffrey dưới con mắt của một người học Tâm lý, mình có phần bàng hoàng khi nhận ra những đặc điểm ở Jeffrey mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể thấy một phần của bản thân ở đó. 
- Đầu tiên là sự bối rối của một thanh niên thèm khát hơi ấm của tình yêu, nhưng thứ tình yêu ấy lại không được xã hội chấp nhận.
- Thứ hai là sự khao khát được nắm giữ quyền lực trong mối quan hệ để bù đắp cho những quãng thời gian chịu đựng áp lực dồn nén.
- Tiếp theo đó là sự sợ hãi tột cùng khi nhận thấy dấu hiệu bị bỏ rơi bởi người ta thương mến - một sự phản ánh sâu sắc dư âm của quãng thời gian gia đình bất ổn thuở ấu thơ.
- Bên cạnh đó là việc không thể kiểm soát và điều hoà cơn giận dữ và những thôi thúc phi lý của bản thân. Ẩn sau đó là những mong muốn được hiểu về bản thân không thể được đáp ứng.
- Và cuối cùng là mong muốn trốn thoát khỏi những cảm xúc, và cảm giác khó chịu, vào trong rượu bia và chất kích thích.
 Mình không thể không đặt ra câu hỏi, liệu Jeffrey có xứng đáng nhận được bất kỳ sự cảm thông nào ở đây?
“Cảm thông" ở đây không có nghĩa là chấp nhận những hành vi kinh hoàng hắn đã gây ra với các nạn nhân và gia đình họ. “Cảm thông" ở đây nghĩa là chấp nhận rằng, một phần linh hồn quỷ dữ bên trong tên sát nhân hàng loạt Jeffrey Dahmer có tồn tại trong mỗi chúng ta. Chỉ có điều, trong sự xoay vần của vũ trụ, ở ta không hội tụ cả bốn yếu tố đã nêu ở trên để hình thành nên tâm trí và hành vi man rợ của kẻ giết người.
Hy vọng những góc nhìn trên đã mở rộng quan điểm của bạn hơn về nguyên nhân đằng sau những suy nghĩ và hành vi của Jeffrey Dahmer để bản thân mỗi chúng ta có thể học được một bài học nào đó cho chính bản thân mình. Qua mỗi hành vi nhỏ nhất của bản thân, ta hoàn toàn có thể giúp giảm thiểu nguy cơ tồn tại hay phát triển của những mầm mống bạo lực bên trong mỗi con người. 
Tác giả: Keira Ngo
Nguồn tham khảo:
CBS Publishers & Distributors, Pvt. Ltd. (2017). Diagnostic and statistical manual of mental disorders: DSM-5. Amazon. Retrieved October 19, 2022, from https://www.amazon.com/Diagnostic-Statistical-Manual-Mental-Disorders/dp/9386217961 
Conduct disorders. Symptoms, Causes, Diagnosis and Treatment. (n.d.). Retrieved October 19, 2022, from https://www.nationwidechildrens.org/conditions/conduct-disorders#:~:text=Conduct%20disorder%20refers%20to%20a,hostile%20and%20sometimes%20physically%20violent.
Higgs (2012) "Jeffrey Dahmer: Psychopathy and Neglect" . All Regis University Theses. 240. https://epublications.regis.edu/theses/240
Jeffrey Dahmer had 17 male victims - here's everything you should know about them. UK. (2022, September 27). Retrieved October 19, 2022, from https://thetab.com/uk/2022/09/27/jeffrey-dahmer-victims-tony-hughes-konerak-sinthasomphone-errol-lindsey-275388
Penny. (2022). Splanchnophilia: The diagnosis of Jeffrey Dahmer, the "milwaukee cannibal": Health & Wellness. Chile Detail Zero. Retrieved October 19, 2022, from https://chile.detailzero.com/entertainment/46759/Splanchnophilia-the-diagnosis-of-Jeffrey-Dahmer-the-Milwaukee-Cannibal--Health--Wellness.html
Singer, S. D., & Hensley, C. (2004). Applying social learning theory to childhood and adolescent firesetting: Can it lead to serial murder? International Journal of Offender Therapy and Comparative Criminology, 48(4), 461–476. https://doi.org/10.1177/0306624x04265087
U.S. National Library of Medicine. (n.d.). Antisocial behaviour and conduct disorders in children and Young People: Recognition and Management. National Center for Biotechnology Information. Retrieved October 19, 2022, from https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32073810/