Tối hôm trước Dân đi đá bóng về, 11 giờ tối lận rồi, vẫn hỏi đi hỏi lại Dân đói không? Dù Dân đã nói lại nói đi "Không. Em không đói", vẫn trăn trở mà không buông tha "Em có ăn gì không?" 
Hình như, bản năng và tầm nhìn của một con lợn trong tớ quá to lớn, nên sự quan tâm hay tình yêu cứ quy đổi ra chuyện ăn, và đồ ăn. Cứ như thể trong cuộc đời đó là nỗi bận tâm cao cả nhất. Cao cả đến nỗi phi lý, mất hết cả lý trí. Bản thân thì biết thì nghĩ không nên ăn quá nhiều quá no. Biết rằng người Nhật thì khuyên dừng ăn khi đã no ở mức 80% với câu hara hachi bu, Ấn Độ thì kêu 75%, Trung Quốc lại bảo 70% thôi. Rằng trong tiếng Pháp khi bị đói người ta nói Tôi có cơn đói , và không nói Tôi no, họ nói Tôi không còn cơn đói nữa. Ấy vậy mà làm đồ ăn cho hai đứa, lúc nào cũng cố nhồi nhét hết sức cho nhiều. Ăn cơm chúng nói no rồi cũng kêu ăn thêm nữa đi. Làm bún thì cho đầy ắp một tô hổ đốn. Làm bánh mì thì nhét hết cả thế giới. Làm mọi cách dùng mọi thủ đoạn để chúng ăn nhiều hơn. Ăn đi thì chị rửa bát cho là một thủ thuật chưa bao giờ mất tác dụng.
Một lần giật mình là Dân nói, thôi em không ăn nữa đâu. Tí em đi đá bóng. Hôm trước em đi đá bóng mà ăn no quá mà vỡ trận ngay tại sân khi mới chạy mới có tí. Em khiếp rồi. Chị nghe chị cũng khiếp. Chị khiếp bản năng và tầm nhìn một con lợn của chính mình.
.
Vừa hay, có chút liên quan, Hiếu lại hỏi Hạnh nghĩ sao về hai bài viết của hai chị nổi tiếng. Mọi người xung quanh Hiếu bàn nhiều.
Ôi hai chị thì là hai người nổi tiếng rồi, một người thì nhà văn, một người là tiến sĩ khoa học. Não hình cấu hình thấp của Hạnh sao mà đi phân tích được những cái não cấu hình advanced kia. Nó chỉ đang thấy hai người đang chia sẻ hai góc nhìn, hai quan điểm cá nhân riêng nhau khác nhau thôi. 
Chị Miêu hay chị Mai thì cũng là quan điểm cá nhân cả, kinh nghiệm cá nhân hay dẫn chứng khoa học, giọng điệu quy chụp hay "có vẻ" công bằng khách quan, cũng đều chẳng mấy khách quan như mình nghĩ đâu. Tất cả đều đang dùng kinh nghiệm quan niệm cảm nhận về hình ảnh bếp núc trong cuộc sống của họ để nêu lên mà viết bài. Người đọc cũng sẽ dùng kinh nghiệm và hiểu biết có trong kho chứa đầu mình để đối chiếu vấn đề. Mà vấn đề về Toán học hay Hóa học chi thì đã đành, chứ vấn đề bếp núc thì nó chẳng khách quan nổi thật rồi. Đó là việc cá nhân của mỗi nhà, mỗi người, đâu phải được đưa vào luật quốc gia quy định, thúc ép hay xử phạt. Nghe đâu ép uống rượu còn bị phạt 2 triệu, ép làm bếp chưa thấy nhà nước nói gì. Làm bếp, làm việc nhà là quan niệm và là lối sống. Mà mỗi người một cuộc sống. Những người mẹ khác nhau, gia đình khác nhau nên ảnh hưởng nhận thức khác nhau. Công việc, lịch trình sống, mối quan tâm và sở thích khác nhau nên quan điểm cũng khác nhau. Cái bếp, gian nhà của họ cũng khác nhau nữa. Mà nhé, đừng tưởng bếp đẹp thì thích làm. Mấy cô bác lúi húi bếp củi ở quê quanh năm lửa vẫn đỏ, cơm vẫn nóng hổi ngày 3 lần. Có người bếp xịn bếp sang nhưng thi thoảng chỉ để chụp hình post Facebook, vẫn đi hỏi các chuyên gia mạng rằng Đến nhà người yêu có nên rửa bát hay không đó thôi?
Đứng bếp nhà này nhận xét bếp nhà kia, nó có gì đó hơi buồn cười. Thành ra nó chia thành hai phe, không tương đồng cũng không đối lập, vì đâu cùng một hệ quy chiếu, nên tớ thấy không có gì mà so sánh nhận xét.
Tự dưng tớ nghĩ, phụ nữ, tùy theo từng giai đoạn hay khoảnh khắc, nhưng nhìn chung được phân ra hai kiểu suy nghĩ của phụ nữ về làm bếp - làm việc nhà. Một kiểu phụ nữ coi đó là công việc, là trách nhiệm, và tính giờ như tính giờ lương làm việc vậy. Công việc, trách nhiệm thì có lương cao cũng thấy mệt mỏi và áp lực, nên họ cần sự công bằng phân chia. Một kiểu còn lại, xem đó là hành vi biểu hiện của việc chăm lo yêu thương gia đình. Kiểu phụ nữ đó coi bếp núc hay chăm bẵm người khác là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của cuộc đời. Không có ý niệm về thời gian hay công sức. Họ thấy đuối thật mệt thật, nhưng gia đình họ ăn hết các đĩa trên mâm là họ lại thấy vui mà quên.
Tớ nghĩ không bên nào đúng bên nào sai cả. Mỗi bên có một định nghĩa yêu thương và cách thể hiện yêu thương khác nhau. Cách nào thì cũng hằng mong hướng đến giữ cho mối quan hệ hài hòa hạnh phúc bền lâu. Họ chẳng cần so sánh làm gì, nhìn nhau chê nhau làm gì, khi không cùng một hệ quy chiếu. Có chăng rằng, thứ họ cần là kéo người đồng hành của mình, người chung bếp chung nhà của mình vào cùng hệ quy chiếu với họ, để thống nhất rằng chúng ta sẽ thường xuyên đi ăn nhà hàng, việc trong nhà thì thuê người ngoài, việc nhà thì phân bổ tính giờ. Hay rằng chúng ta sẽ cùng nhau có một sợi chỉ đỏ, cùng nhìn ngắm, cùng tô thêm, cùng gìn giữ.

Có thể tớ sẽ lại thay đổi nhanh xoành xoạch, như cách trước đây luôn la ó khi làm việc nhà, muốn đi thuê tất cả, xa lánh bếp núc đỉa sợ vôi, còn nay thì thích sáng dậy làm cơm lặng lẽ trong ánh đèn vàng vàng, thích đóng hộp cơm ăn trưa cho Thủy qua lấy đi học và bực Dân bực Cún vì chị nấu đó mà không ăn, ăn ngoài đồ không sạch. Nhưng hiện tại thì não cấu hình thấp này vẫn thích câu Women make home, mê mẩn hình ảnh người vợ trong bộ phim giáng sinh yêu thích It's a Wonderful Life năm 1946, và tớ đề cao Năng lượng của căn bếp ấm.
Đọc đến đây, các cậu hãy quan sát nhưng cảm giác nổi lên trong mình nãy giờ. Có thể có chút đồng tình, có thể cáu bực mịe cái con bánh bèo đọc mùi văn sặc mùi cổ hủ. Nhưng, hãy thử im lặng, quan sát dòng cảm xúc đang chảy đó, và xin hiểu cho tớ rằng À đây cũng chỉ là một góc nhìn, suy nghĩ cá nhân thôi. Và nãy giờ mình, tức các cậu, cũng đang dùng quan điểm, kinh nghiệm cá nhân để đánh giá quan điểm cá nhân của tớ vậy đó. Các cậu có thể bình luận hoặc viết một bài để chia sẻ điều cá nhân đó, nhưng xin đừng gắn vào đó cảm xúc nào cả. Đừng mong rằng mình sẽ thắng hay bài viết sẽ nhận được nhiều ủng hộ, chia sẻ. Nó không để làm gì cả. Thật đấy.
Đương nhiên, dòng suy nghĩ vừa rồi, bài viết này, hay tất cả những bài viết của tớ, đều là quan điểm cá nhân.
Quan điểm cá nhân này cho rằng, lười làm việc nhà và làm bếp dở thì vẫn được phát biểu.
Và một quan điểm sâu sắc nữa cần thẳng thắn nêu lên. Đó là phim It's a Wonderful Life năm 1946 hay lắm. Các cậu thử xem đi.
Chúc các cậu, dù chia công hay chỉ đỏ, cũng có một wonderful life.
Còn tớ đi tận hưởng chủ nhật tuyệt vời của tớ đây.