“Trong phút lâm chung, ta không cảm thấy hối hận về những gì ta đã làm mà chỉ hối tiếc về những gì ta không làm.” – Randy Pausch
Ikiru (1952) của đạo diễn huyền thoại Nhật Bản Akira Kurosawa là câu chuyện đi tìm lẽ sống của Kanji Watanabe – trưởng ban Công vụ tại tòa thị chính Tokyo, khi ông phát hiện ra mình bị ung thư dạ dày và chỉ còn sống được 6 tháng nữa. Chỉ khi đồng hồ tử thần bắt đầu đếm ngược số ngày ông còn trên cõi đời, ông Watanabe mới thực sự nhìn lại cuộc đời ảm đạm đầy nhàm chán của ông gắn liền với chiếc bàn giấy tại tòa thị chính nơi ông làm hơn suốt 30 năm qua mà không thèm nghỉ lấy một ngày. Người dẫn chuyện trong phim đã giới thiệu ngay trong 5 phút đầu phim rằng ông Watanabe chỉ còn lại là một cái xác chết, ông đã chết được hơn 20 năm rồi và cuộc đời hiện tại của ông chả đáng theo dõi một chút nào. Nhàm chán thôi chưa đủ, vai trò của ông cũng như mọi bộ phận khác tại nơi đây gần như vô dụng khi những người quan chức này, tựa như những con kí sinh trùng bám víu vào người dân Tokyo, chỉ biết ngồi yên một chỗ giả vờ bận rộn làm việc nhưng thực chất họ từ chối làm việc với khiếu nại của người dân và đuổi khéo họ sang một ban ngành khác, đồng thời họ vẫn giữ được công việc cao quý, địa vị xã hội và cuối tháng vẫn được nhận lương từ chính tiền thuế của những người dân đen này. Điều này đã trở thành lẽ thường tại xã hội Nhật thời điểm bấy giờ, đến mức họ bị biến thành một câu đùa trong phim như sau:
- “Anh chưa từng nghỉ phép lần nào à?
- Đúng rồi.
- Có phải vì tòa thị chính sẽ không vận hành trơn tru nếu không có anh phải không?
- Không, bởi vì mọi người sẽ nhận ra rằng tòa thị chính sẽ không bao giờ cần tới tôi.”
Điều đầu tiên ông Watanabe làm sau khi biết được bệnh tình của mình là nghỉ phép vô hạn định, điều mà trong suốt 30 năm qua ông chưa từng làm để suy ngẫm về cuộc đời mình từ trước đến nay và tìm cách sống những ngày cuối đời một cách trọn vẹn nhất. Sự khủng hoảng của nhân vật Watanabe được hiện rõ qua triết lý khi con người đối mặt với cái chết của triết gia người Đức Martin Heidegger. Theo ông, sự sống và cái chết không phải là thứ mà con người được phép chọn mà là họ bị quẳng vào đó, và ngay khi họ được đưa vào sự sống thì chủ nghĩa Dasein (dịch theo nghĩa đen là: hiện hữu ở đây) đã bắt đầu. Chủ nghĩa này nói về sự hiện hữu đặc thù của riêng loài người trên thế giới này, khác hẳn với sự tồn tại của đồ vật hoặc loài vật khác. Heidegger tuyên bố rằng sự tồn tại của mỗi người đều thay đổi liên tục, cả trong tư duy lẫn cơ thể. Con người luôn nằm trong quá trình biến đổi và trưởng thành theo những trải nghiệm mà cuộc đời quẳng vào họ, trong trường hợp của ông Watanabe là cái chết cận kề, từ đó định hình lại danh tính và hành vi của mình phù hợp với thế giới của họ. Thuật ngữ Dasein chỉ dành riêng cho con người bởi vì họ nhận thức được sự sinh tử trên cuộc đời và vì vậy con người phải sống thật với chính mình, tạo ra được tính cá nhân thay vì mù quáng đi theo số đông và hành xử dựa theo ý kiến của người khác. Một Dasein – sự tồn tại đủ đầy là khi một người hiểu rõ mình cần gì để sống một cuộc đời chân thật với chính mình và có trách nhiệm với nó, đồng thời có ảnh hưởng tích cực lên thế giới xung quanh.
Trong thời gian đầu khi biết mình sắp chết, Watanabe gặp một nhà văn viết tiểu thuyết ba xu và anh đã dẫn ông đi thử các trò vui cuộc đời như bài bạc, mỹ nữ và rượu chè. Trong khoảnh khắc đó, ông Watanabe vui cùng thích thú vì ông chưa từng thử qua những thứ này bao giờ. Tuy vậy, đến cuối buổi, ông lại cảm thấy trống rỗng vì những thú vui này không phải là thứ ông đang tìm kiếm. Ông muốn những thứ giúp ông quên đi căn bệnh của mình, nhưng thứ ông cần lại là một mục đích sống có ý nghĩa. Ông bị quẳng vào một xã hội giả tạo nơi con người ta tự đánh lạc hướng bản thân họ bằng những cám dỗ và trò tiêu khiển nông cạn, bằng vật chất để tạm quên đi sự tồn tại trên cuộc đời đang vơi đi từng giây một của họ. Phân đoạn này trong phim cũng hiện lên sự phê phán xã hội hiện đại của Heidegger nơi bị chi phối bởi sự văn hóa tiêu thụ và quên đi sự tồn tại của họ.
Một trong những ý chính trong triết học của Heidegger là mối quan hệ độc nhất giữa con người và thời gian. Như đã đề cập ở trên, con người bị ném vào sự sống tại một thời điểm nhất định trong dòng thời gian và sự tồn tại của họ được xác định bởi mối quan hệ với quá khứ, hiện tại và tương lai. Một người sinh ra ở thế kí 19 sẽ có một cuộc đời hoàn toàn khác với đứa bé sinh năm 2023. Vậy nên sự thấu hiểu của ta dành cho bản thân, thế giới và vị trí của ta tại nơi này liên tục được tiến hóa chứ không bị cố định như các loài động vật. Vì thế tôi cho rằng không bao giờ là quá trễ để sống một cuộc đời ý nghĩa và có ích kể cả khi ta chỉ còn sống được vài tháng nữa thôi. Ông Watanabe đã phí hơn 20 năm cuộc đời mình sống như một xác chết, nhưng ông chỉ cần 6 tháng để biến cuộc đời đó trở nên đầy ý nghĩa. Cái chết đến với ông Watanabe như một nỗi đau về thể chất lẫn tinh thần, nhưng đồng thời nó là một món quà để ông tìm được ý nghĩa cuộc sống của ông trước khi quá muộn. Khi ông biết mình sắp chết, ông vẫn đang nắm giữ một chức vụ quan trọng tại tòa thị chính và sử dụng quyền hạn của mình để giúp đỡ người dân, để rồi ông có thể ra đi trong thanh thản. Đặt trong trường hợp ông có thể sống thêm 10 năm nữa khi mà ông có lẽ đã nghỉ hưu, ông sẽ phải chịu đựng sự vô nghĩa của cuộc đời mình thêm tận 10 năm, và khi đó ông sẽ ân hận vì không làm được điều gì có ích cho dân chúng khi mình còn tại vị.
Ông Watanabe được tái sinh khi nhận ra điều cuối cùng ông có thể làm là tạo ra một điều gì đó cho những đứa trẻ. Nghĩ về sức sống tràn đầy của tuổi trẻ, ông cũng có niềm tin và sức mạnh để vượt qua mọi thử thách trong quá trình xây dựng khu vui chơi trẻ em. Sự tồn tại của mỗi người không chỉ đơn độc thuộc về bản thân họ, mỗi người đều được kết nối với những người và bản thể khác của chính họ trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Chúng ta sẽ không được sinh ra nếu không có bố mẹ, và cũng không thể đổi danh tính của ta thành những bậc phụ huynh nếu như ta không có con cái. Vì thế, ý nghĩa của cuộc đời không chỉ là thứ ta làm cho bản thân ta ở hiện tại, mà là thứ tốt đẹp ta để lại cho thế hệ mai sau. Điều này đặc biệt đúng hơn dành cho những quan chức trong chính phủ bởi vì họ là những người có khả năng thay đổi thế giới nhiều nhất, quyền lực của họ càng lớn thì phải đi kèm trách nhiều càng cao.
Sau khi ông Watanabe qua đời, những người khác có thể thay thế vị trí của ông tại tòa thị chính, nhưng họ vẫn duy trì lối làm việc như cũ thay vì đổi mới tư duy như đã hứa tại đám tang ông Watanabe, đó là vì họ chưa được trải nghiệm sự đối mặt với tử thần như ông Watanabe đã làm. Theo Heidegger, cái chết của người khác không đem lại trải nghiệm thực thụ cho chúng ta, ta chỉ cảm nhận cái chết một cách gián tiếp. Điều quan trọng là những người thay thế cái ghế của ông Watanabe có biết làm những điều có ích trong thời khắc đến lượt họ đối mặt trực tiếp với tử thần hay không.
Bộ phim khép lại với hình ảnh ông Watanabe đơn độc ngồi trên chiếc xích đu tại khu vui chơi do chính ông xây nên giữa một màn đêm lạnh giá, nhưng trên mặt ông lại lộ rõ một vẻ thanh thản và hát bài “Cuộc đời ngắn ngủi”. Chính lúc này đây, ông đã tìm được sự yên bình trong nội tâm và sẵn sàng nhắm mắt xuôi tay. Người hùng của bộ phim, sau khi tìm được ý nghĩa của cuộc đời thông qua hành động có ích, ông hoan nghênh mọi khó khăn, thành tựu trong đời, và cả chính bản thân cuộc đời đó. Đó là cách ông học cách để sống, và cách để chết.
Sự đích thực của điện ảnh, hay thậm chí mọi tác phẩm thuộc bất kì loại hình nghệ thuật nào khác, nằm ở sự nhân tính trong cốt lõi của nó và sự phô bày bản tính con người, bất kể tốt hay xấu. Thông qua bộ phim Ikiru, đạo diễn Kurosawa thể hiện lòng tin của ông vào một cơ hội thứ hai của con người, dù đó là một người lớn tuổi chỉ còn sống được vài tháng. Suy cho cùng, Kurosawa là một đạo diễn của tình yêu, sự công bằng và niềm hi vọng vào tương lai.
Hãy cùng mơ mộng/ Một giấc mơ đẹp đẽ, lớn lao, và tuyệt vời nhất/ Cả thế giới hòa làm một. Cả địa cầu như là một thể/ Giấc mơ liệu có là đây?/ Có là mơ cũng chả làm sao cả.”
- Akira Kurosawa
**Các bạn có thể theo dõi blog cá nhân chuyên viết về điện ảnh của mình tại: https://www.facebook.com/day.dreamerDN