Hơn bốn mươi năm về trước, vào mùa đông năm 1951.
Năm đó, tôi hăm ba tuổi. Vừa trở về nước sau khóa đào tạo sĩ quan chính trị của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh ở Thượng Hải, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Về nước chưa đầy một tuần, tôi đã được cấp trên giao nhiệm vụ vào Nam để tuyên truyền kháng chiến, giác ngộ tư tưởng cho những người còn chưa nhìn rõ bản chất của ngoại bang.
Tôi lên đường trên một con thuyền vượt biển Bắc – Nam của Pháp, mang theo hành trang gọn nhẹ: vài món đồ thiết yếu và một cuốn sổ từ điển mã hóa được cất kín trong chiếc cặp da.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Ngày 30 tháng 4 năm 1951, tôi đặt chân lên cảng Nhà Rồng.
Lực lượng địa phương đã sắp sẵn cho tôi một danh tính mới để che mắt chính quyền địa phương: một nhà báo từ Hà Nội vào thu thập tin tức về tệ nạn xã hội.
Công việc được giao phó – ban đầu tôi nghĩ không quá khó, chỉ cần giao tiếp khéo léo và xây dựng quan hệ chắc chắn – những điều tôi vốn làm khá tốt.
Nhưng đến khi bước vào công việc tình báo, tôi mới thấy mình đã đánh giá quá thấp sự nguy hiểm.
Tin tức từ chỉ huy truyền đi không ít lần bị chặn đứng trước khi đến tay tôi. Tôi không rõ nguyên do, chỉ biết rằng tôi đã làm chưa đủ tốt.
Có lẽ vì vậy mà các đồng chí địa phương quyết định cử thêm một người phối hợp với tôi.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Ngày 13 tháng 6 năm 1951, tôi được liên lạc trong một buổi chiều muộn ở công viên Gia Định.
Một người lạ mặt lặng lẽ tiến đến, nhét vào túi quần tôi một mảnh giấy rồi rời đi.
Tôi giả vờ ngồi yên một lúc, nhìn ngắm đường phố, rồi mới chậm rãi mở nó ra.
"Quán nước đầu hẻm Nguyễn Huỳnh, 7 giờ tối."
--------------------------------------------------------------------------
Tôi đến điểm hẹn đúng giờ, thấy lo lắng vì không biết mình sẽ cộng tác với người thế nào. Chút thắc mắc… Và rồi, tôi đã thấy em.
Em nhỏ hơn tôi vài tuổi, dáng người thanh mảnh, đôi mắt có nét sắc sảo nhưng trong ánh nhìn vẫn phảng phất vẻ hồn nhiên.
Em tự xưng là cộng sự của tôi trong nhiệm vụ này, một người có thể che chắn khi tôi sơ suất, có thể nhắc nhở khi tôi mắc sai lầm.
Tôi không hỏi nhiều về em. Ở thời điểm ấy, biết ít sẽ an toàn hơn biết nhiều.
Chúng tôi làm việc cùng nhau, giao tiếp cẩn trọng, chỉ giữ khoảng cách vừa đủ gần.
....Nhưng khoảng cách ấy cũng chẳng thể ngăn được những điều âm thầm lớn dần lên theo năm tháng.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Một ngày nọ, em hỏi tôi.
"Từ Thăng Long đến Sài Gòn mất bao lâu?"
Tôi khi đó đã không thể trả lời, vì tôi cũng không biết. Trên chuyến đi từ Bắc lần trước có quá nhiều điều đã làm tôi rối trí.
Hôm ấy, em hỏi. Tôi chỉ nhìn em rất lâu, rồi lắc đầu.
Em chợt bật cười. Một nụ cười thật trong sáng, thật đẹp mà cũng thật buồn...
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Cộng tác với em hơn ba năm, thì giữa tháng 7 năm 1954 – Cuối cùng quân dân nước Việt cũng đã thành công giành lấy độc lập.Tôi vui vì điều đó, nhưng cũng thoáng chạnh lòng, vì biết sắp phải xa em.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Như tôi dự đoán. Chẳng bao lâu sau khi kí hiệp định Giơ–ne–vơ, tôi cũng đã được lệnh tập kết ra Bắc. Tôi rầu rỉ vì biết mình không thể đưa em đi cùng, vì em còn một người em trai nhỏ và người cha già phải chăm sóc.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Đột ngột lúc rời khỏi Sài Gòn, tôi nhớ ra một câu hỏi đã rất lâu của em.
Tôi đã hứa với em một điều gì đó. Một lời hứa khi đó tôi nghĩ là viễn vông.
"Nếu có dịp trở lại, anh sẽ tìm em, và nói cho em biết từ Hà Nội đến Sài Gòn mất bao lâu."
Em nghe, nhưng không đáp.
Lặng lẽ tiễn tôi lên xe. Em không hẹn gì vào lúc chia tay, chỉ chúc tôi bình an. Và rồi cứ nhìn tôi mãi như thế.
Trong khoảnh khắc chia ly ngắn ngủi. Tôi dù còn nhiều điều muốn nói, nhưng dặn lòng không thể.
Vì nếu nói ra, tôi biết chắc chắn mình mãi mãi sẽ không thể rời đi.
Tôi ghét mình đã không ích kỷ, vì nếu tỏ lòng mình ra, biết đâu được…
Tôi giận mình vì đã không nói rõ lòng mình với em. Tôi luôn hận chính mình… Day dứt suốt năm tháng sau này vì điều đó…
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chuyến xe đưa tôi ra Bắc lăn bánh trên con đường đất đỏ gập ghềnh. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ, lặng lẽ đếm những ngày tháng sẽ trôi qua. Một tháng đường bộ. Một tuần đường thủy. Một vài ngày nếu đi tàu hỏa.Nhưng tôi không tính được khoảng thời gian của chia xa.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------
Mùa xuân hè 1976.
Cũng may mà tôi còn sống để chứng kiến ngày Bắc Nam về một nhà.
Tôi trở lại Sài Gòn, giờ đây đã mang tên mới: Thành phố Hồ Chí Minh.
Tôi đã chờ đợi giây phút này từ lâu, không chỉ vì nhiệm vụ, mà còn vì lời hứa năm nào.
Trong hơn một năm công tác, tôi dành nhiều thời gian tìm kiếm em.
Thành phố sau chiến tranh bộn bề. Có những thứ đổi thay, có những điều vẫn vẹn nguyên.…Tôi lần theo những manh mối ít ỏi, hỏi han những con người có thể biết em.
Và rồi, tôi tìm thấy em.
Thời gian đã in dấu trên dáng hình em, nhưng ánh mắt vẫn thế – sắc sảo mà dịu dàng.
Chúng tôi ngồi trước hiên nhà, dưới tán cây già, nghe gió chiều xào xạc.
Không ai nhắc đến những ngày cũ, cũng không ai nói về những gì đã lỡ làng.
Chúng tôi chỉ lặng lẽ ngắm nhìn mây trời qua lại, như thể tất cả chỉ là một giấc mộng xa xăm.
Em kể có hai người con, tất cả đều được ăn học thành tài.
Con trai em năm nay cũng hai mươi lăm, trạc tuổi con gái tôi...
Và còn một cô con gái nhỏ. Người đã khiến tôi bồi hồi biết bao khi gặp, cô ấy mang đôi mắt và đôi môi của em, thuở xuân thì...
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Khi chuẩn bị ra về, đứng trước cánh cửa, tôi cảm thấy lòng trĩu nặng những điều chẳng thể nói thành lời.…Cuối cùng, tôi chỉ có thể trả lời câu hỏi của em năm đó.
"Hơn hai mươi hai năm, hơn cả một thanh xuân, em ạ.
"Em khẽ cười – một nụ cười thấp thoáng chút chua chát, chút nhẹ nhõm.
Thời gian có thể đo bằng ngày, bằng tháng, bằng những chuyến xe xuôi ngược Bắc - Nam.
Nhưng có những khoảng cách chẳng thể đo đếm – như nỗi nhớ, như một lời hứa muộn màng, như những điều đã trôi xa theo năm tháng.
Hơn hai mươi hai năm.
Hơn cả một thanh xuân.
Ký tên: Giản Giao

Nguồn: Pinterest

Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
phamquangphu
Truyện làm tôi nhớ tới những kỉ niệm khó quên
- Báo cáo