[Homo Scachorum] Paul Morphy dưới góc nhìn Phân tâm học (Phần 2/4)
Tuyển tập hai tác phẩm về chủ đề phân tích Paul Morphy dưới góc nhìn phân tâm học, tác giả Ernest Jones và Reuben Fine, dịch giả Nguyễn Tuấn Linh (Tornad). Tuyển tập dài 17.000 chữ, chia làm 4 phần.
ᴥ ᴥ ᴥ
TẠP CHÍ PHÂN TÂM HỌC QUỐC TẾ
TẬP XII THÁNG MỘT 1931 PHẦN 1
NGHIÊN CỨU NGUYÊN BẢN
ᴥ ᴥ ᴥ
VẤN ĐỀ CỦA PAUL MORPHY
MỘT ĐÓNG GÓP CHO NGÀNH PHÂN TÂM HỌC CỜ VUA
CỦA
ERNEST JONES
ᴥ ᴥ ᴥ
Nguyễn Tuấn Linh (Tornad) dịch
ᴥ ᴥ ᴥ
Thật không dễ dàng để miêu tả các phẩm chất của Morphy dưới tư cách kì thủ bằng các thuật ngữ phi đại chúng mà không tiền giả định rằng người đọc đã có kiến thức về cờ vua. Tôi hi vọng rằng việc khái quát hoá mà mình sắp đánh bạo làm sẽ đáng tin ở mức độ nào đó; dù sao đi nữa, chúng tôi sở hữu rất nhiều dữ liệu để đi đến việc khái quát hoá, bởi ở đây vẫn còn lại khoảng bốn trăm ván cờ của Morphy và nguồn tài liệu phong phú gồm các bài phê bình của giới chuyên gia về các nước cờ của ông ấy.
Trước hết, có nhiều phong cách chơi cờ khác nhau mà một phần phụ thuộc vào tính cách và mục đích của kì thủ và phần khác phụ thuộc vào hoàn cảnh mà họ đang chơi. Nói một cách đại thể thì nó phụ thuộc vào việc người ta nhắm tới chơi để thắng hay để không thua. Lấy ví dụ, trong các giải đấu nơi thất bại sẽ bị phạt nặng, thì sẽ có lợi hơn khi nhắm tới một vài ván thắng và nhiều ván hoà thay vì nhiều ván thắng hơn nhưng cũng nhiều ván thua hơn. Có hai thái cực là lối chơi tấn công dồn dập nhưng nhiều rủi ro và lối chơi đắp thành phòng thủ tẻ nhạt. Hiển nhiên là kì thủ lí tưởng sẽ kết hợp những cái tốt nhất của hai thái cực. Họ dành chút thời gian để củng cố đội hình, không hẳn là để phòng thủ mà là để đưa quân vào vị trí mạnh nhất nhằm thực hiện một cuộc tấn công. Một kì thủ có thể xuất sắc ở một trong hai kĩ năng trên, hoặc việc củng cố của họ có thể chỉ nhằm mục đích gần như phòng thủ thuần tuý mà ở đó bất kì cơ hội tấn công nào cũng đều đến dưới dạng cơ may. Trong cờ vua có hai lối chơi nổi tiếng – nếu chúng ta bỏ qua lối chơi “siêu hiện đại” gần đây – được gọi là phối hợp và thế trận, mà đôi khi được gọi theo thứ tự tương ứng là lãng mạn và kinh điển. Vào thời kì mà chúng ta đang bàn, khoảng giữa thế kỉ trước, chỉ tồn tại lối chơi thứ nhất và, thực ra, lối chơi thứ hai về cơ bản là sản phẩm của năm mươi năm gần đây. Điểm khác biệt chính giữa hai phương pháp, ít nhất ở hình thức cực đoan của chúng, có thể được ví như giữa một cuộc tấn công được tính toán tinh vi trong chiến trận và một cuộc vây hãm kiên định. Mục đích của phương pháp phối hợp là lên kế hoạch hội quân một cách khéo léo để phối hợp nhằm đột kích quân vua, trong khi phương pháp thế trận thì thận trọng hơn – nhưng cuối cùng thì hiệu quả hơn – là dần dần xây dựng một thế trận kiên cố và tận dụng những điểm yếu nhỏ nhất trong thế trận của đối thủ, bất kể điểm yếu ấy lộ ra ở đâu.
Giờ thì chắc chắn là Morphy sở hữu ở mức độ cao nhất của thứ tài năng cần có cho một bậc thầy chơi cờ vua phối hợp, tài năng nhìn xa, tính toán và năng lực đoán biết ý định của đối thủ. Một số ván cờ của ông là kiệt tác mà trong lĩnh vực này hiếm có cái gì sánh bằng và thực tế rằng ấn tượng phổ biến trong lối chơi của ông đối với giới kì thủ là những cuộc đột kích dữ dội và đắc thắng. Do đó người ta có thể nói trước một cách quả quyết rằng một người sở hữu tài năng như vậy, và có màn trình diễn xuất sắc ở độ tuổi trẻ như vậy, hẳn là đạt được thành công nhờ ở thứ thiên tài trác tuyệt về phẩm chất nhạy bén và liều lĩnh mà theo lẽ tự nhiên vẫn thường có ở người trẻ. Thế nhưng điều thú vị, và cũng là điều làm sáng tỏ vấn đề tâm lí của Morphy, là ông đã vượt xa khỏi lối chơi này và, trên thực tế, ông được xếp vào hàng kì thủ tiên phong của lối chơi thế trận – dẫu rằng sau này Steinitz mới là người phát triển các nguyên tắc cho nó. Quả là sự trùng hợp may mắn khi kì thủ duy nhất trong lịch sử có tài năng chơi cờ vua phối hợp ở mức ngang bằng với Morphy lại không chỉ đang ở trên đỉnh cao sự nghiệp khi ấy, mà lại còn gặp gỡ Morphy trong thực chiến. Tôi đang nói đến Anderssen, cho đến thời điểm đó ông là kì thủ lỗi lạc nhất và thực tế là nhà vô địch thế giới – dẫu danh hiệu này chỉ được dùng chính thức vào một thập kỉ sau. Murray nói về hai con người này: “Cả hai đều là những kì thủ mang tài năng mường tượng hiếm có, và lối chơi của họ không có gì sánh ngang về sự xuất sắc trong phong cách, vẻ đẹp trong ý tưởng, và độ sâu trong tính toán. Ở Morphy những phẩm chất này sáng chói nhờ thiên tài bẩm sinh; ở Anderssen chúng là kết quả của việc luyện tập và nghiên cứu lâu dài.” Reti, trong quyển Modern Ideas in Chess [Các ý tưởng hiện đại trong cờ vua] của mình, đã giải thích cặn kẽ rằng chiến thắng nổi tiếng của Morphy trước Anderssen không nhờ ở việc ông xuất sắc hơn theo nghĩa nói trên, mà ở việc thiết lập một phương pháp xuất sắc dựa trên nền tảng lối chơi thế trận một cách chín muồi hơn. Đích thực là cảnh tượng đáng nhớ khi được chứng kiến chàng trai mảnh khảnh này áp đảo Teuton khổng lồ và vạm vỡ ở tuổi bốn mươi, không phải theo kiểu truyền thống nơi một người hùng trẻ tuổi chế ngự một gã khổng lồ nhờ ở trí tưởng tượng táo bạo hơn – bởi ở phẩm chất này họ ngang tài ngang sức và không tiến thêm được – mà nhờ ở sự hiểu biết sâu sắc và chín muồi hơn. Thành quả của việc quan sát này đối với mục đích của chúng tôi là cái chỉ dấu cho thấy trong tâm trí Morphy cờ vua phải là biểu thị cho hoạt động hoàn toàn trưởng thành, và để thành công trong cờ vua cần sự nghiệp nghiêm túc của một người đàn ông chứ không phải hoài bão nổi loạn của một cậu bé. Tôi sẽ trình bày sau rằng việc bị chấn động trong vấn đề này đã trở thành một trong những yếu tố dẫn đến tai ương tâm lí của ông ấy.
Morphy là bậc thầy của mọi khía cạnh trong trò chơi này ở trình độ cao như vậy, ông không có phong cách riêng và đặc điểm cá nhân trong lối chơi, nên không dễ để chỉ ra bất kì điểm đặc trưng cụ thể nào. Cờ vua, thật vậy, như mọi trò chơi khác, chứa đầy tính biểu tượng vô thức. Lấy ví dụ, người ta có thể nhận xét về kĩ năng mà ông thể hiện trong việc tấn công quân vua từ phía sau hoặc chia rẽ vua và hậu của đối thủ; việc thứ hai, tiện nói, là minh hoạ cho một trong những ván cờ đầu tiên ông lưu lại, ván mà ông chơi với cha mình. Nhưng những chi tiết như vậy không nằm trong mục đích của chúng tôi, bởi sự vượt trội trong cờ vua phụ thuộc ở sự tổng hợp phong phú của nhiều phẩm chất đặc biệt chứ không ở kĩ năng trong bất kì thủ thuật hay phương pháp cụ thể nào. Xem xét kĩ càng toàn bộ tác phong của Morphy trên bàn cờ, tôi đi đến kết luận rõ ràng rằng đặc điểm nổi bật mà ông thể hiện ở đó là sự tự tin tót vời đến gần như không tin nổi. Ông ấy biết, như thể đó là một hiện tượng tự nhiên đơn giản, rằng mình chắc chắn sẽ thắng, và ông ấy lặng lẽ hành động dựa trên hiểu biết này. Lúc những người Mĩ từng xem ông chơi cờ đã tiên tri rằng khi gặp bất kì nhà vô địch châu Âu nào ông cũng sẽ, theo cách nói của Raphael, “khiến trán họ đổ mồ hôi hột,” thì giới kì thủ châu Âu chỉ cười nhạo lời tiên tri ấy như một lời ba hoa kiểu Mĩ, và câu hỏi duy nhất trong đầu họ là liệu chàng trai này có xứng đáng để các bậc thầy của họ chơi cùng không. Những ai đã biết rằng phải mất bao nhiêu năm luyện tập cần mẫn và kinh nghiệm dồi dào để đạt tới trình độ thông thạo cờ vua, hẳn cũng thấy là không có gì bất khả thi cho bằng việc một tân binh mới bắt đầu dấn thân vào con đường gian khổ này, như Paul Morphy, lại đạt được thành tích mà ông đã thực sự đạt được khi đến châu Âu. Tuy nhiên trước khi rời quê hương, ông đã bình thản dự đoán những chiến thắng sắp tới của mình với sự chắc nịch tuyệt đối. Sẽ hợp lí khi coi lòng tự tin đến thế là chứng hoang tưởng vĩ cuồng, nếu như không có sự thật khó tin sau đó biện minh cho. Khi trở về nhà, không hề tỏ ra kiêu ngạo, ông nhận xét rằng mình vẫn chưa chơi tốt đến hết khả năng, và ở khía cạnh nào đó điều này đúng, bởi có một vài lần thi đấu trong tình trạng miễn cưỡng, ông đã phạm lỗi bằng vài nước đi yếu hơn tiêu chuẩn bình thường của mình, và thậm chí phải trả giá bằng vài ván thua. Không có gì đáng ngạc nhiên khi với lòng tự tin vào sức cờ của mình đến thế, lối chơi của ông được đặc trưng bằng sự táo bạo và thậm chí càn rỡ trong các nước đi mà gây ra ấn tượng ban đầu là quá sức liều lĩnh, và thậm chí là phó thác cho may rủi, cho tới khi người ta nhận ra sự chắc chắn của những tính toán đằng sau chúng. Sự can trường của ông được thể hiện rõ ràng hơn khi đấu với những kì thủ yếu hơn. Lúc này ông có thể hành xử liều lĩnh một cách lộ liễu, ngông cuồng ném đi hết quân này đến quân khác cho tới đi bằng một nước đi bất ngờ, lực lượng nhỏ còn sót lại sẽ đột ngột tung ra một đòn ân huệ; trong một dịp như vậy ông từng giành được chiến công vang dội bằng cách chiếu hết qua hành động nhập thành. Sự táo bạo và ý thức về tầm quan trọng của thế trận trong cờ vua của ông được thể hiện ở hai đặc điểm nổi tiếng khác: mức độ coi trọng mà ông dành cho việc phát triển quân từ sớm và liên tục, và sự sẵn lòng thí quân để tạo nên thế trận đẹp. Có một câu chuyện, chắc là nguỵ tạo, kể rằng khi còn bé ông đã nôn nóng muốn phát triển quân lên phía trước đến nỗi ông coi quân tốt của bên mình là thứ phiền toái cần được loại bỏ càng sớm càng tốt: khác biệt làm sao với Philidor vĩ đại, người đã tuyên bố quân tốt là linh hồn của cuộc cờ! Dù sao đi nữa, thật chính xác khi cái tên “khai cuộc Morphy” trong cờ vua được gán cho chiến thuật sau đây. Thứ được gọi là khai cuộc Muzio có đặc trưng là tấn công táo bạo mà ở đó quân mã được thí trong nước đi thứ năm nhằm kiến tạo nên thứ được cho là một ưu thế tương xứng ở thế trận.(a) Trong khai cuộc Morphy, chiến thuật tương tự được thực hiện rồi sau đó còn thí thêm một quân tượng, vậy nên đôi khi nó được gọi bằng cái tên “thí kép Muzio.” (b) Quả thực rất hiếm người có đủ tự tin vào kĩ năng tấn công của mình đến mức mạo hiểm nhận sự tổn thất ban đầu nặng nề như vậy. Ngay cả khai cuộc phòng thủ đặt theo tên ông – phòng thủ Morphy đáp trả khai cuộc Ruy Lopez, thứ có giá trị đến mức đã được phát triển thành khoảng hai mươi biến thể có tên riêng – cũng là loại phòng thủ giàu tính công kích nhất trong các loại phòng thủ dùng để đáp trả khai cuộc này. (c)
(a) Muzio Gambit (1.e4 e5 2.f4 exf4 3.Nf3 g5 4.Bc4 g4 5.0-0). (b) King's Gambit Accepted: Double Muzio Gambit (1.e4 e5 2.f4 exf4 3.Nf3 g5 4.Bc4 g4 5.O-O gxf3 6.Qxf3 Qf6 7.e5 Qxe5 8.Bxf7+). (c) Ruy López Opening: Morphy Defense (1.e4 e5 2.Nf3 Nc6 3.Bb5 a6).
Đối với Morphy thì trực giác cờ vua, nếu có thể dùng từ ngữ ấy, thuộc về bẩm sinh hơn là luyện tập. Ông đọc rất nhiều sách, nhưng luôn tặng lại ngay sau khi đã xem qua. Ông nói rằng không có tác giả nào có nhiều giá trị với mình cả, và rằng “ông ấy sẽ kinh ngạc nếu tìm được thế cờ và lời giải nào đó mới lạ – các nước đi nhất định dẫn đến các kết quả nhất định, v.v., bởi vì bản thân ông cũng tự tìm được chúng từ trước rồi, như một hệ quả tất yếu của một thế cờ nhất định” (Edge). MacDonnell, người chứng kiến ông đấu cờ ở London, sau này đã viết lại vào tác phẩm Chess Life-Pictures của mình: “Tôi cho rằng cậu ấy bao giờ cũng tìm ra nước đi chuẩn ngay khi liếc qua, và chỉ chần chừ thực hiện nước đi một phần vì tôn trọng đối thủ và một phần để xác nhận sự chuẩn xác của nó, để kiểm chứng lần nữa, và để bản thân quen với phong thái điềm đạm trong mọi hoàn cảnh.” Câu chuyện sau đây đặt ra toàn bộ câu hỏi về phương pháp tính nhẩm của ông. Ở nước đi thứ mười bảy nổi tiếng trong ván cờ khai cuộc Tứ Mã mà chơi với Paulsen vào 8 tháng Mười một 1857, Morphy đã đề nghị đổi hậu lấy tượng với đối thủ. Paulsen dĩ nhiên nghi ngờ có bẫy và đã cẩn thận xem xét các khả năng. Sau khi suy nghĩ hơn một giờ đồng hồ, và không phát hiện ra bẫy, ông ta chấp nhận lời đề nghị và hơn mười một nước sau liền đầu hàng. Nhiều năm sau, Steinitz phân tích toàn diện thế cờ và kết luận rằng các khả năng tương lai của ván cờ ấy có quá nhiều và phức tạp đến nỗi không bộ não con người nào có thể tính toán và dự đoán được hết. Chuyện là có một khán giả đã hỏi Morphy sau khi ván cờ kết thúc rằng liệu ông có thấy trước kết cục của ván cờ kể từ nước đi nổi tiếng ấy hay không; trước câu hỏi này ông chỉ trả lời một cách bí ẩn: “Tôi biết rằng nước đi ấy sẽ khiến Paulsen gặp nhiều rắc rối.” Steinitz chắc chắn đã kết luận đúng trong lĩnh vực ý thức, nhưng người ta thắc mắc liệu cái gọi là trực giác cờ vua có ngụ ý về một sức mạnh đặc biệt của việc tính toán tiền ý thức hay không. Các thí nghiệm do Milne Bramwell tiến hành đã cho thấy năng lực tiềm thức của việc tính toán số học, khi được kiểm tra trong lúc thôi miên, vượt xa năng lực ý thức, và điều tương tự cũng có thể áp dụng với việc tính toán các nước cờ.
Chúng ta có thể nói rằng sự kết hợp suất sắc của năng lực và tự tin này sẽ không thể xảy ra trừ khi nó là đại diện trực tiếp của dòng xung năng tính dục chính yếu và đã cung cấp giải pháp tốt nhất có thể cho bất kì xung đột nào trong các khuynh hướng sâu nhất của nhân cách. Theo đó, bất kì điều gì can thiệp vào một biểu hiện tối cần thiết của nhân cách như vậy đều có khả năng gây hại nghiêm trọng đến tính toàn vẹn của nhân cách, và các sự kiện thực tế đã chứng minh điều đó. Kiến thức về động cơ vô thức của việc chơi cờ cho chúng ta biết rằng những gì nó biểu lộ chỉ có thể là mong muốn vượt qua người cha theo cách thức có thể chấp nhận được. Đối với Morphy, các điều kiện cần thiết để có thể chấp nhận được bao gồm ba cái cơ bản: hành động trong vấn đề này phải được đón nhận một cách thân thiện; hành động ấy phải được gắn với những động cơ cao đẹp; hành động ấy phải được coi là một hoạt động nghiêm túc và trưởng thành. Chúng ta sẽ thấy rằng các điều kiện này đã bị vi phạm thô bạo trong chuyến du lịch định mệnh tới châu Âu của ông và sẽ cố gắng lần theo dấu vết các hậu quả tâm lí của việc này. Rõ ràng là cuộc phiêu lưu vút cao của Morphy vào vương quốc cờ vua thượng đẳng được bắt đầu ngay vào một năm sau cái chết – vô cùng đột ngột – của cha ông(4), sự này vốn là cú sốc lớn đối với ông, và chúng ta có thể phỏng đoán rằng nỗ lực phi thường của ông trong việc thăng hoa, như Hamlet của Shakespeare và Traumdeutung của Freud, là một phản ứng tâm lí với sự kiện hệ trọng này.
(4) Việc này diễn ra vào 22 tháng Mười một 1856.
Bây giờ tôi sẽ xem xét giai đoạn quan trọng trong cuộc đời này của Morphy một cách chi tiết hơn, và vì mục đích này nên đầu tiên tôi thấy mình cần phải giới thiệu tới những ai không rành lịch sử cờ vua về một số nhân vật lỗi lạc nhất thế giới thời đó. Sáu trong số những người ấy cần được nhắc tới ở đây: bốn người trong số họ đã trở thành người mến mộ Morphy, hai người còn lại gây cho ông vấn đề tâm lí mà ông không vượt qua được.
Người đầu tiên theo thứ tự thời gian là Löwenthal, người mà Morphy đã có một cuộc chạm trán thành công vào hồi còn nhỏ. Löwenthal đã có nhiều tiến bộ kể từ lúc ấy và ở Giải đấu Birmingham diễn ra trong thời gian ghé thăm Anh quốc của Morphy, giải đấu mà Morphy không tham gia, ông ta giành được giải nhất, bất chấp có cả Staunton lẫn St. Amant làm đối thủ. Trong một cuộc đấu được sắp xếp cho hai người, Morphy đã đánh bại ông ta một cách dứt khoát, và Löwenthal trở thành người bạn và người hâm mộ kiên trung của ông kể từ đó, đứng về phía ông trong cuộc tranh cãi đáng buồn mà chúng ta sắp nhắc đến sau đây. Ông ta đã tiên báo rằng sau khi các ván cờ của Morphy được xuất bản – một nhiệm vụ mà sau này chính ông ta đã thực hiện thành công – thế giới cờ vua sẽ xếp ông đứng trên tất thảy kì thủ, dù còn sống hay đã chết. Tiền cược trong cuộc đấu với Löwenthal là £100, và sau khi thắng, Morphy đã ngay lập tức tặng Löwenthal một món nội thất trị giá £120 cho ngôi nhà mới mà ông ta đang ở. Chúng tôi sẽ còn nhiều lần lưu ý rằng Morphy đã kĩ tính đến thế nào trong chuyện tiền nong. Trước khi rời Mĩ, lấy ví dụ, khi Hội quán Cờ vua New Orleans đề nghị quyên tiền để ông được tham gia Giải đấu Birmingham, ông đã từ chối với lí do không muốn đi du lịch dưới tư cách kì thủ chuyên nghiệp.
Người tiếp theo là Paulsen, một người Mĩ, nổi tiếng thời bấy giờ nhờ những màn trình diễn đáng nể trong môn cờ bịt mắt và sau đó là nhờ chiến thắng hai ván trước Anderssen cũng như nhờ những đóng góp quan trọng của ông cho lí thuyết cờ vua. Ông ta là đối thủ nặng kí duy nhất của Morphy tại Giải đấu New York và bằng việc đọc một số ván cờ đã xuất bản của Morphy mà ông ta đoán trước rằng Morphy sẽ đánh bại mình trong lần gặp mặt; ngay trước giải đấu họ đã chơi ba ván cờ bịt mắt, trong đó Morphy thắng hai và hoà một. Paulsen cũng trở thành một người bạn tận tuỵ của Morphy.
St. Amant vào thời điểm đó là kì thủ hàng đầu ở Pháp. Ông ta không chơi bất kì ván đấu tay đôi nào với Morphy, nhưng từng thua năm và hoà hai trong bảy ván đấu hiệp lực trước ông. Ông ta cũng trở thành người hâm mộ cuồng nhiệt của Morphy, và nói về ván cờ bịt mắt của Morphy rằng nó khiến xương cốt của Philidor và La Bourdonnais cũng phải kêu lách cách dưới mộ, đây chắc chắn là lời khen hào phóng nhất mà một người Pháp có thể tặng.
Anderssen tốt bụng là người chúng ta đã nói về rồi. Ông ta là nhà vô địch cờ vua còn sống và đầu tiên trên thế giới cho đến khi bị Steinitz đánh bại vài năm sau đó; ông ta đoạt giải trong hết thảy mười hai giải đấu mình tham gia và đoạt giải nhất ở bảy giải đấu trong số chúng. Mongredien, chủ tịch Hội quán Cờ vua London, đã nhận xét rằng “ngoại trừ Morphy, ông ấy là kì thủ xuất sắc và hào hiệp nhất mà tôi từng gặp,” và cách cư xử của ông ta với Morphy chắc chắn đã kiểm chứng lời đánh giá này. Bất chấp các đồng nghiệp của mình gây áp lực rất lớn để ngăn chặn việc làm giảm sút thanh thế của nước Đức qua hành động xuất ngoại để thi đấu với một gã trai trẻ không có địa vị chính thức nào, và bất kể mình không có cơ hội để luyện tập trước, Anderssen không viện cớ gì hết mà đi thẳng đến Paris để đối mặt với định mệnh của mình trong bàn tay Morphy. Sau đó bị trách móc vì đã chơi không đủ xuất sắc như ở cuộc đấu nổi tiếng với Dufresne, ông ta đã rộng lượng đáp, “Không, Morphy sẽ không để cho tôi chơi được như thế.”
Mối quan hệ của Morphy với bốn con người này tương phản một cách đáng buồn với trải nghiệm của ông với hai con người mà chúng ta sẽ nói đến tiếp sau. Người quan trọng hơn trong nhóm này chính là Staunton, và để giải thích về tầm quan trọng của ông ta đối với Morphy thì phải nói qua về địa vị mà ông ta đang đứng. Ông ta là người có thanh thế cao hơn so với những gì mà thành tích đấu cờ của ông ta biểu lộ. Đã đành rằng với chiến thắng trước St. Amant, Horwitz và Harrwitz trong những năm bốn mươi, ông ta có thể được công nhận là kì thủ hàng đầu thế giới, nhưng ông ta đã không bảo vệ được địa vị này, chẳng hạn như đã bị đánh bại trong Giải đấu London 1851 và Giải đấu Birmingham 1858. Tuy nhiên ông ta là một nhà phân tích vĩ đại; và quyển sách giáo khoa mẫu mực do ông ta viết, kết hợp với địa vị là một trong những biên tập viên cờ vua đầu tiên, khiến ông ta trở thành cây đa cây đề trong thế giới cờ vua ở Anh quốc, nếu không muốn nói là ở toàn châu Âu. Vào giữa thế kỉ trước, Anh quốc dễ dàng đứng trên đỉnh cao cờ vua, và có lẽ điều này góp phần tạo nên lí do khiến Morphy chọn Staunton làm đối thủ mà mình muốn gặp nhất; chính mong muốn được đấu cờ với Staunton là động lực cốt yếu để ông băng qua Đại Tây Dương. Trong ngôn ngữ phân tâm học, chúng ta có thể nói rằng Staunton là hình tượng người cha tối cao và Morphy đã coi việc vượt qua ông ta là bài thử cho năng lực chơi cờ của mình, cùng nhiều điều khác nữa một cách vô thức. Một bằng chứng còn tồn tại cho thấy sự lựa chọn hình tượng người cha này không hề là một lựa chọn mới hình thành. Ở tuổi mười lăm Morphy được tặng một bản sao của các ván cờ đã chơi tại Giải đấu Quốc tế lần đầu tiên năm 1851, ở đó Staunton là thư kí. Ông đã tự tay viết lên trang nhan đề: “Bởi H. Staunton, Esq., tác giả của Cẩm nang Cờ vua, Sổ tay Kì thủ, v.v. (cùng một số ván cờ dở tệ).” Sau chiến thắng của Morphy tại Giải đấu New York, một số người hâm mộ đã bàn tán về khả năng một nhà vô địch châu Âu sẽ đến Mĩ để đấu với ông ấy. Nghe được điều này Staunton liền đăng một đoạn văn chê bai trong chuyên mục cờ vua hàng tuần của mình và nhận xét rằng “các kì thủ giỏi nhất ở châu Âu đều không phải người chơi cờ chuyên nghiệp mà họ còn có nhiều công việc nghiêm túc hơn.” Việc ám chỉ rằng cờ vua của Morphy hoặc là thú tiêu khiển trẻ con hoặc là phương tiện kiếm tiền đều là những lời cạnh khoé khiến ông tổn thương sâu sắc, bởi có nhiều bằng chứng cho thấy ông nhạy cảm một cách bệnh lí với cả hai điều đó. Thế nhưng khi bạn bè ở New Orleans của ông gửi lời thách đấu để Staunton đến Mĩ thì ông lại khước từ một cách không tự nhiên, tuy nhiên ông đưa ra một ám chỉ công khai rằng sẽ thu xếp để tìm đến Staunton nếu tới châu Âu. Bốn tháng sau Morphy vượt biển và khi được dẫn tới trước Staunton ông đã ngay lập tức mời chơi một ván cờ. Staunton viện cớ là đang bận và sau đó là một chuỗi hành vi thiếu lịch sự đến mức chỉ có thể giải thích là do nỗi sợ hãi loạn thần; trong thực tế người ta nói rằng ông ta bị chứng bệnh gọi là “chứng cáu kỉnh thần kinh.” Suốt ba tháng, trong thời gian ở Anh quốc và sau đó, Morphy đã nỗ lực một cách hết sức nhã nhặn để sắp xếp một trận đấu, nhưng Staunton đáp lại bằng một chuỗi những trốn tránh, khất lần, thất hứa và thoái thác rằng bộ não của ông ta “bị quá tải vì các công việc quan trọng hơn” – dẫu rằng điều này không ngăn được việc ông ta tham gia Giải đấu Birmingham vào cùng tháng ấy. Thất vọng, Morphy trình bày toàn bộ vấn đề lên Huân tước Lyttelton, Chủ tịch của Hiệp hội Cờ vua Anh quốc, người đã đưa ra lời phúc đáp cảm thông, và vấn đề gác lại ở đó. Tuy nhiên trong thời gian ấy, trên chuyên mục cờ vua của mình, Staunton vẫn đều đặn phóng ra những lời chỉ trích nhắm vào người mà ông ta tránh mặt, gièm pha lối chơi của ông ấy, bóng gió rằng ông ấy là một tay du đấu vì tiền. Một câu văn có lẽ là trích từ bức thư cuối cùng Morphy gửi cho ông ta: “Cho phép tôi nhắc lại những gì tôi vẫn luôn tuyên bố trong mọi cộng đồng cờ vua mà tôi có vinh dự được tham gia, rằng tôi không phải là kì thủ chuyên nghiệp – rằng tôi chưa bao giờ muốn dùng bất kì kĩ năng nào mình có để làm phương tiện thăng tiến về tiền bạc.”(5) Toàn bộ vụ việc đã dẫn đến một cuộc tranh cãi gay gắt trong thế giới cờ vua mà ở đó đại đa số ủng hộ Morphy, và các quan điểm theo sau hầu hết nhất trí rằng hành vi của Staunton là hoàn toàn mất phẩm cách. Sự ấy ảnh hưởng trực tiếp lên Morphy, và dẫn ông đến ác cảm mạnh mẽ đối với cờ vua. Như Sergeant, người viết tiểu sử hay nhất và gần nhất về Morphy, viết, “Morphy phát bệnh lên với những mưu chước cờ vua được dùng bên ngoài bàn cờ. Có gì đáng ngạc nhiên không?”
(5) F. M. Edge, Exploits and Triumphs of Paul Morphy (Kì tích và chiến thắng của Paul Morphy), 1859.
Ở đoạn cuối vụ việc này, Morphy đến Paris nơi ông ngay tức khắc được gặp Harrwitz, le roi de la Regence. Quý ông này cũng không tỏ ra thân thiện cho lắm trong cách đối đãi với Morphy mà được đặc trưng bởi thái độ kiêu ngạo bệnh lí và hoàn toàn thiếu tinh thần hiệp sĩ (Sergeant). Chúng ta không cần đi sâu vào các chi tiết khiếm nhã vốn đã được Edge miêu tả đầy đủ, mà hãy nhảy tới kết quả cuối cùng là Harrwitz đã bỏ đi khỏi phòng đấu khi bại trận một cách tuyệt đối. Ban đầu Morphy từ chối nhận tiền cược, tổng cộng là 290 phật lăng, nhưng khi được thông báo rằng những người khác sẽ mất tiền trừ khi chiến thắng của ông được chính thức xác nhận theo cách này, ông đành nhận, nhưng dành khoản tiền này để thanh toán chi phí đi tới Paris của Anderssen. Chứng loạn thần của Morphy gia tăng sau chuyện này, và nó chỉ tạm thời biến mất nhờ khoảng thời gian dễ chịu khi đấu cờ với Anderssen, đợt bùng phát cuối cùng trong cơn sốt cờ vua của ông.
ᴥ ᴥ ᴥ
Bài gốc: The Problem of Paul Morphy của Ernest Jones.
ᴥ ᴥ ᴥ
TORNAD
23/06/2024
Hình ảnh được tạo nhờ AI Gemini
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất