Bức hình không liên quan với nội dung bài viết, nhưng mình đã chọn bức hình này vì mình rất thích. Mình đã chụp tấm hình này 3 năm trước, mình đã một mình đến một nơi thật xanh chỉ để được ở gần cây xanh và nghe tiếng gió
Bức hình không liên quan với nội dung bài viết, nhưng mình đã chọn bức hình này vì mình rất thích. Mình đã chụp tấm hình này 3 năm trước, mình đã một mình đến một nơi thật xanh chỉ để được ở gần cây xanh và nghe tiếng gió
Vào tuổi 27 mình chọn đi xăm hình 
Hình xăm mình chọn là một bông hoa nhỏ, bên cạnh là một tiểu vũ trụ xoay tròn, điểm xuyết một nốt nhạc, một ngôi sao và một mặt trăng nhỏ. Có thể, trong xã hội hiện đại, việc sở hữu một hình xăm không còn là điều gì quá xa lạ. Nhưng với mình, việc đi xăm và đặc biệt là việc viết ra, chia sẻ về hình xăm ấy – là một quyết định cần rất nhiều dũng cảm. Mình đã suy nghĩ rất lâu mới có thể viết nên những dòng chữ này.
Với vai trò là một cô giáo, mình luôn ý thức giữ gìn hình ảnh nhẹ nhàng, điềm đạm và tích cực. Là một người viết, mình luôn mong muốn lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến bạn đọc và cả những người xung quanh.
Nhưng sự thật là, bên trong mình tồn tại nhiều mảng màu khác nhau mình ít khi dám bộc lộ đó là sự nhạy cảm, khía cạnh dễ tổn thương, trận chiến thầm lặng giữa con người thật và hình ảnh mình cố gắng thể hiện ra bên ngoài.
Tại sao mình lại có cảm giác như vậy, và vì sao mình luôn nghĩ nhiều về những điều này?
Cũng chẳng biết từ khi nào nữa, nhưng mình dần nhận ra bản thân mình luôn có cảm giác KHÔNG ĐỦ TỐT. Cảm giác "không đủ" ấy hình như xuất phát từ việc mình chưa thật sự chấp nhận bản thân. Nó còn bắt nguồn từ nhiều nỗi sợ bên trong mình: nỗi sợ không được yêu thương, sợ bị từ chối nếu mình sống đúng với con người thật của mình.
Dù có thể những người xung quanh không hề nghĩ như vậy, nhưng trong lòng mình vẫn luôn tồn tại cảm giác rằng: nếu ai đó nhìn thấy hết con người thật của mình – một người đôi khi phức tạp, đôi khi khó hiểu thì họ sẽ rời đi, hoặc sẽ không thể yêu thương mình một cách trọn vẹn.
Mình bắt đầu hiểu rõ điều đó nhất khi học cách quan sát những mâu thuẫn ở mình, giữa những điều mình chọn để thể hiện ra ngoài, và những gì mình vẫn luôn cố gắng che giấu. 
Mình yêu viết lách. Mình chọn theo đuổi con đường này không chỉ vì lý do kinh tế, mà phần nhiều vì những giá trị tinh thần mà nó mang lại. Viết giúp mình hiểu mình hơn, được là chính mình, và chữa lành theo một cách rất riêng. Mình cũng ấm ủ hy vọng một ngày nào đó, câu chữ của mình cũng có thể chạm đến ai đó, mang lại điều gì đó ý nghĩa – như cách mà những cuốn sách hay những bài viết từng chạm vào mình.
Thế nhưng, nhiều năm qua, mình không dám chia sẻ điều đó với ai. Có lẽ vì mình sợ bị coi là kẻ mộng mơ, không thực tế. Mình sợ ánh mắt hoài nghi, sợ cảm giác không được thấu hiểu – đặc biệt là từ những người mình yêu thương nhất.
Cũng có một thời gian, mình luôn cố gắng trở thành một phiên bản khác. Mình cố tỏ ra hài hước, pha trò, khiến mọi người cười. Nhưng thật lòng mà nói, mình không phải là người có khiếu hài hước. Mình không giỏi trêu đùa. 
Bản chất mình là một người thích những thứ nhỏ nhẹ, mình thích được ngồi nói những chuyện sâu sắc, những thứ mang ý nghĩa về cuộc đời; mình cũng yêu những khoảng lặng, những buổi chiều được ngồi viết trong một quán cà phê yên tĩnh. Và mình cũng thấy bình yên nhất khi được ở trong không gian riêng tư, sau những ngày dài làm việc mỏi mệt. Nhưng vì sợ bị đánh giá là "nhàm chán", mình từng gồng lên để trở nên vui vẻ hơn.
Mình cũng từng tỏ ra một người lý trí, một người giải quyết mọi việc bằng lý lẽ, gọn gàng và dứt khoát. Nhưng sự thật là, mình là một người vô cùng cảm xúc. Và phần lớn thời gian qua mình chịu sự chi phối của cảm xúc nhiều hơn lý trí.
Mình lớn lên trong một gia đình có những người phụ nữ rất mạnh mẽ và độc lập. Mẹ và các dì luôn dạy tụi mình rằng: phụ nữ phải biết chủ động, phải tự lo cho bản thân, và đừng bao giờ phụ thuộc vào ai.
Mình hiểu rằng, những lời dạy được đúc kết sau những va vấp và trải nghiệm tổn thương. Bằng tất cả tình yêu thương, gia đình chỉ mong con cháu, đặc biệt là con gái, có thể sống một cuộc đời ít chịu tổn thương hơn.
Nhưng chính lời dạy đó đã khiến mình luôn cố gắng chối bỏ phần tính cách nhạy cảm và dễ tổn thương của bản thân. Một cách vô thức, mình chọn che giấu bằng cách luôn cố gắng tỏ ra mạnh mẽ, ổn thỏa, dù có những lúc trong lòng hoàn toàn ngược lại. Chỉ khi ở bên những người bạn thân thiết nhất, mình mới dám bộc lộ phần dễ bị tổn thương: sự nhạy cảm, xúc động, đầy hoang mang, cả những khao khát được thấu hiểu và được yêu thương.
Những người thấy được khía cạnh đó nơi mình, thường là những người bạn đã đồng hành lâu năm, những người hiểu hoàn cảnh sống và những điều mình đã trải qua.
Có nhiều trận chiến diễn ra bên trong mình, không chỉ là những cuộc chiến trên hành trình theo đuổi sự nghiệp hay cố gắng hoàn thiện bản thân như mình từng viết. Mà còn là những cuộc chiến lặng thầm trong thế giới nội tâm – một thế giới hỗn độn ẩn sau dáng vẻ an tĩnh bên ngoài.
Bên trong thế giới của mình, tồn tại một con người dễ tổn thương, nhưng cũng có một con người khác mạnh mẽ, luôn đấu tranh và nhiều khao khát.
 Đôi khi, mình chỉ muốn được sống nhỏ bé, đơn giản là chính mình, không cần cố thể hiện cá tính hay phải cố tỏ ra mạnh mẽ suốt cả chặng đường dài. Nhưng cũng có đôi khi, mình lại tha thiết muốn làm điều gì đó thật có ý nghĩa – cho người khác, cho cuộc đời.
Sau những cú va đập của tuổi trẻ, con người ấy – là mình – vẫn âm thầm giữ mong muốn được sống tốt, được yêu thương cuộc sống bằng tất cả sự chân thành và tử tế. Dù vậy, mình cũng dần nhận ra được bài học quan trọng: mình không phải lúc nào cũng dịu dàng, không phải lúc nào cũng đúng mực, và càng không phải lúc nào cũng hoàn hảo.
Hình xăm trên tay mình ở tuổi 27 giống như một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời, nó như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng rằng mình cần yêu và chấp nhận chính mình với tất cả những khía cạnh bên trong, dù là mạnh mẽ hay yếu đuối, sáng suốt hay hỗn loạn.
img_0
Bông hoa và vũ trụ xoay quanh là hình ảnh biểu tượng cho những gì vừa mong manh, vừa dữ dội; vừa đơn giản, lại vừa phức tạp. Nó đại diện cho những khía cạnh đối lập không ngừng va chạm và đối lập, giống như một vụ nổ Big Bang âm thầm trong thế giới nội tâm của mình mỗi ngày.
Dù "trận chiến" ấy vẫn luôn âm ỉ và dai dẳng, mình vẫn hướng đến một lý tưởng sống: Những năm tháng có mặt trên cuộc đời, mình muốn học cách yêu thương bằng tất cả sự tử tế và chân thành, đồng thời cho phép bản thân được nổi loạn, đôi khi cực đoan, thỉnh thoảng đủ can đảm để đập vỡ những khuôn mẫu cũ kỹ mà chính mình từng dựng lên.
Hình xăm như một lời nhắc nhở mình rằng: mình có đủ, và mình đủ tốt khi là chính mình.
Rằng mình có thể vừa là một cô giáo tốt, một người viết những điều tích cực và có ý nghĩa, vừa là một người đầy hoang mang, mong manh, mang theo những vết thương lòng chưa lành.
Mình muốn học được cả cách yêu thương và trân trọng con người đầy ngổn ngang  trong mình, cả phần bóng tối vẫn đang không ngừng đấu tranh để trở thành một phiên bản hoàn thiện hơn. 
Mình muốn học cách điềm tĩnh bước qua cơn hỗn loạn bên trong và đủ dũng cảm tìm ra chính mình trên hành trình nội tâm ấy.
Câu chuyện về hình xăm mình kể hôm nay chỉ là một mảnh ký ức nhỏ, mình muốn chia sẻ với bạn rằng trong một thành phố rộng lớn, chật chội và nhiều xô bồ, có một cô gái đang âm thầm sống một cuộc đời lặng lẽ.
Cô ấy đang từng bước trên hành trình học cách yêu thương và chấp nhận chính mình. Trong cô luôn tồn tại nhiều sự giằng xé, nỗi sợ, nhưng cô ấy cũng không ngừng học hỏi để trở nên dũng cảm, thoát ra khỏi cái kén của sự tự ti bao lấy.
Từng ngày, cô ấy học cách sống trọn vẹn hơn — không phải với phiên bản hoàn hảo mà là phiên bản sống động của chính mình, có nhiều tổn thương nhưng muốn sống chân thật và yêu thương thật nhiều. 
Cô gái ấy chính là mình - Tiểu Hy. Cám ơn bạn đã ở đây để lắng nghe chia sẻ chia sẻ hôm nay của mình nhé.