Lần cuối bạn nghe câu hỏi trên là lúc nào. Vào một lần nào đó trước đây bạn có thể đã nghe từ người thân, người yêu, bạn bè. Nhưng có lẽ nếu để đếm thì chắc chưa hết 2 bàn tay… Hoặc nó được thay thế bởi câu: “Dạo này mày thế nào?” như một lời chào hỏi thông thường.
Chúng ta đa số sẽ nhận được những câu hỏi như: Đang làm gì rồi, lên chức, tăng lương chưa, thu nhập tốt không, có kênh đầu tư nào ngon,...
Chúng ta có lẽ từ khi nào đã tự ngầm hiểu rằng những thứ bên ngoài nó sẽ phản ánh giá trị của một người nào đó.
Dù chúng ta có nói với nhau rằng giá trị bên trong mới là thứ chúng ta hướng tới, thứ chúng ta trân trọng. Nhưng cái gọi là giá trị bên trong đang được định nghĩa bằng những gì bên ngoài. Đó là chức vị, tiền bạc, danh vọng, người theo dõi, lượt tương tác mạng xã hội,...
Đó là thứ xã hội mong muốn - luôn theo đuổi một tiêu chuẩn cao hơn về sự phát triển. Và nó được đo bằng lường bằng các chỉ số kinh tế, chứ không phải việc chúng ta đang cảm thấy thế nào.
Thời điểm “từ khi nào” mà mình nói ở trên thì nó đã bắt đầu từ khi chúng ta sinh ra rồi.
Chúng ta luôn “được” so sánh với một đứa hàng xóm hoặc một hình mẫu lý tưởng “con nhà người ta” nào đó.
Môi trường chúng ta đang sống “giáo dục” mỗi người cần phải theo đuổi những chỉ số kinh tế (bảng điểm, bằng cấp, trường top, ngành hot,...)
Có thể bây giờ phần nào đó bạn tin rằng giá trị cốt lõi của bản thân mới quan trọng. Sống trong hiện tại mới là điều nên làm. Thỏa mãn với những gì mình đang có mới là hạnh phúc.
Nhưng nó mới chỉ thoáng qua vài lần không đủ khiến chúng ta tin vào điều đó thật sự.
Vấn đề đáng nói ở đây đó là chúng ta đang sống trong xã hội - nơi được tạo nên bởi một tập thể với hàng triệu vòng tròn mối quan hệ phức tạp.
Chúng ta sẽ trở thành người mà chúng ta tin.
Nhưng điều chúng ta tin hình thành vì những người xung quanh chúng ta tin.
Số đông - Từ này theo mình là một tín ngưỡng chứ không phải danh từ đơn thuần nữa.
Bản năng con người là điều chúng ta không được học - mà chỉ đơn thuần là điều chúng ta làm theo.
Xã hội này được hình thành theo bản năng con người.
Nhóm bản năng sinh tồn và phát triển, nhóm bản năng duy trì nòi giống, nhóm bản năng phát triển cộng đồng.
Tuy nhiên bản năng con người không có định nghĩa tốt hay xấu, và nó cũng không biết giới hạn. Nó chỉ đơn thuần đã được cài đặt sẵn để làm thế nào con người tồn tại được.
Nó không hề phục vụ cho mục đích khiến con người hạnh phúc hay vui vẻ.
Đố kỵ, tham lam, tranh giành, bắt chước, tham ăn, dục vọng, lười biếng,... đều là bản năng của con người.
Những hành vi trên không xấu. Khởi đầu của chúng đều là thứ chúng ta nên có.
Chúng ta phát triển, cố gắng, động lực, kỷ luật,... đều là hành vi tốt (dựa trên mặt chữ) bắt nguồn từ bản năng. Nhưng nếu chúng ta quá phát triển vì tham lam, quá cố gắng vì đố kỵ, quá động lực vì dục vọng,... thì nó là một câu chuyện khác.
Chúng ta đều hiểu rằng biết đủ là tốt. Nhưng không phải ai cũng biết giới hạn của bản thân.
Nếu con người ai cũng luôn biết giới hạn thì đã không xuất hiện 7 đại tội trong Kinh Thánh hay 10 điều phiền não của Phật Giáo rồi.
Khi đẩy lên cao trào mà không có sự kiểm soát thì đấy cũng chính là lý do ngày xưa có chiến tranh thế giới, rồi cho tới bây giờ nó ở hình thái khác là áp lực, trầm cảm, lo âu, tuyệt vọng, mệt mỏi,... Và một điểm đáng sợ hơn nữa là nếu không có pháp luật thì con người sẽ sẵn sàng dẫm đạp lên nhau để sinh tồn (theo nghĩa đen).
Vì chúng ta không được học cách kiểm soát bản năng nên sẽ dễ dàng bị nó kiểm soát.
Khi xã hội được hình thành bởi số đông không có khả năng kiểm soát thì gần như tất cả mọi người trong xã hội đấy cũng dễ bị ảnh hưởng.
Để có thể kiểm soát được thì một là tách rời ra khỏi số đông, hai là có nội lực mạnh hơn số đông.
Ở cái thứ nhất thì lên núi sống không phải ai cũng làm được.
Còn ở cách thứ hai thì mình nghĩ đây cũng chính là lý do chúng ta cần học cách kiểm soát hành vi, học hỏi người đi trước, rèn luyện nội lực để có thể đứng ra khỏi vòng xoáy của xã hội.
Và một điều cũng không dễ dàng để chấp nhận là chúng ta không biết chúng ta bị xã hội và bản năng kiểm soát.
Ví dụ như chuyện chúng ta muốn kiếm tiền.
Chúng ta tin rằng tiền là công cụ. Nhưng để hỏi kỹ hơn thì lại thấy rằng chúng ta kiếm tiền bởi sự lo lắng tương lai - thứ không đo lường được, hoặc kiếm tiền bởi sự so sánh - thứ không có giới hạn. Rồi tới khi chúng ta có tiền rồi, lại muốn kiếm nhiều hơn để khẳng định giá trị bản thân - thứ mà ban đầu chúng ta nói rằng giá trị xuất phát từ bên trong.
Chúng ta luôn tìm cách bận rộn thay vì dành thời gian thật sự hiểu bản thân cần gì. Và chúng ta sẽ có xu hướng muốn nhiều hơn những thứ chúng ta cần. Nó như một thứ vỏ bọc hoàn hảo cho việc chúng ta không hạnh phúc lắm.
Nhưng mọi người cũng đang làm vậy nên chúng ta mặc nhiên nó là điều đúng …
-
Chúng ta luôn nói tới cái tôi. Và cái tôi cũng được hình thành nên bởi một bản năng chính đáng là bảo vệ bản thân ta khỏi những thứ bên ngoài.
Miễn là chúng ta còn sống thì cái tôi chúng ta còn đúng. Chứ nó không phụ thuộc vào địa vị, tiền bạc mà chúng ta có.
Nhưng vấn đề là cái tôi được hình thành bởi những gì chúng ta lắng nghe, trải nghiệm từ bé tới giờ - nơi mà cái gọi là kiểm soát bản năng chưa từng được dạy (trừ khi chúng ta chủ động tìm kiếm).
Vậy nên cái tôi hiện tại của chúng ta có thể nó là điều mà số đông hay bản năng mong muốn - chứ không phải thật sự điều chúng ta mong muốn.
Ở đây mình không hề nói có cái tôi là tốt hay xấu. Với mình là nên có cái tôi - tuy nhiên nó cần được hình thành trên những điều đúng.
Thế làm sao xác định được điều đúng?
Đó chính là câu hỏi đầu bài viết này.
Hôm nay bạn cảm thấy thế nào?
Bạn có thấy bình an, vui vẻ, đủ đầy, nhiều tình yêu thương, sự tử tế, tò mò, trân trọng những điều xung quanh, không sân si, không tham lam, không đố kỵ,... hay không.
Nếu phần lớn thời gian như vậy thì bạn đã sống 1 ngày hạnh phúc.
Còn nếu đa phần là những điều ngược lại thì có lẽ phần nào đó trong bạn đang để cho bản năng kiểm soát thay vì chính bạn.
Ở đây ý mình không hề nói chúng ta sẽ tiến đến cõi niết bàn. Không tham sân si với thế tục nhé :))
Thực tế không phải ngày nào chúng ta cũng vui được.
Đau đớn, gục ngã, tức giận, thất bại, sự yếu kém,... đều là thứ chúng ta cần trải qua để có thể rèn luyện được nội lực của mình.
Chúng ta sẽ chỉ trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu.
Nhưng không phải vì thế mà cho rằng cuộc sống này không đáng sống.
Thực ra chúng ta luôn đặt câu hỏi: Sống để làm gì? Thì có lẽ một phần trong chúng ta muốn được sống hạnh phúc.
Ý ở đây là mình muốn bạn hiểu rằng xã hội này đang vận hành như thế nào để bạn có thể biết cách để kiểm soát bản thân. Tránh rơi vào vòng lặp của bản năng hay sự ham muốn.
Để rồi nó là bước đầu để chúng ta học cách chấp nhận hiện tại, học cách để nhìn thế giới này với nhiều sự tự tế và lòng yêu thương hơn và học cách để sống hạnh phúc.
Với bước đầu bằng việc hỏi và trả lời chính mình mỗi ngày câu: “Hôm nay bạn cảm thấy thế nào?”
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Chúc bạn một ngày tốt lành.
Cường.
Bạn đọc các bài viết khác của mình tại đây nha ^^