Nếu các bạn hỏi một người nào đó có kinh nghiệm dày dặn về việc “Làm thế nào để giao tiếp tốt.” Câu trả lời các bạn nhận được sẽ là “lắng nghe”. Lắng nghe được, thì giao tiếp được, giao tiếp được thì thứ gì cũng sẽ thuận lợi.
Mà thậm chí nếu các bạn đi phỏng vấn xin việc, câu trả lời của các bạn cũng sẽ không bao giờ thiếu cụm từ “lắng nghe”. Từ việc làm thế nào để trở thành một nhân viên tốt, một người chủ tốt, câu trả lời lúc nào cũng sẽ là hãy “lắng nghe” trước.
Có vấn đề xảy ra, lắng nghe trước khi đưa ra những giải pháp.Khi nhân viên phàn nàn, lắng nghe trước khi đưa ra quyết định.Khi bị trách mắng, lắng nghe trước khi phản kháng.Nhưng mà, lại chẳng ai nói cho chúng ta biết “lắng nghe” là lắng nghe như thế nào, làm thế nào để tập lắng nghe, và bằng cách nào thì có thể lắng nghe hiệu quả và đúng nhất. Không một ai dạy chúng ta về điều đó cả, họ chỉ cho chúng ta lời khuyên về sự lắng nghe như một mặc định. Và chúng ta phải tự hỏi, “ủa, mình có lắng nghe trong mỗi cuộc trò chuyện chưa nhỉ?”, “Mình có đủ kiên nhẫn khi nói chuyện với người khác, để lắng nghe câu chuyện của họ chưa?”.
Thật ra là hàng tá câu hỏi như thế sẽ hiện ra trong đầu chúng ta sau khi nghe những lời khuyên như thế.Và có một sự thật là, ai trong chúng ta cũng ít nhất một lần trong đời đã không hề lắng nghe.
Bởi vì chúng ta còn trẻ, chúng ta để cái tôi trước cái lợi mình sẽ có.
Bởi vì chúng ta không hiểu, chúng ta cũng chẳng biết cảm thông.
Nên chúng ta không muốn lắng nghe những gì mà chúng ta bất đồng quan điểm, những gì khiến chúng ta khó chịu, bực dọc. Nhưng đó là tuổi trẻ, ai rồi cũng sẽ trải qua một đoạn thời gian như thế mà thôi.Cái tôi đặt trước tất cả, luồng cúi là cụm từ đáng khinh bỉ nhất trên trần đời. Mà điều đó thì đâu có sai, chúng ta có quyền được cãi đúng, chúng ta có quyền được lên tiếng. Nhưng câu trả lời của tất cả mọi lời khuyên lại luôn là “lắng nghe”.
Thật ra, những lời khuyên này cũng không hề sai, chỉ là, có lẽ chúng ta đã đặt sai đối tượng.Lắng nghe, không phải là lắng nghe người ta trò chuyện, tâm sự, trách mắng bởi vì trong mọi cuộc trò chuyện, đó là điều tất yếu mà bản năng con người sẽ làm. Chúng ta sẽ có xu hướng im lặng trước khi lên tiếng. Còn lắng nghe ở đây, lại là lắng nghe chính bản thân mình.
Có bao giờ bạn lắng nghe bản thân chưa? Có bao giờ, bạn ngồi xuống ở một góc nhỏ nào đó, hỏi lại bản thân mình rằng “Bản thân mình đã được lắng nghe tiếng lòng của mình thật kĩ càng chưa?”. Chúng ta nhận lời khuyên về sự lắng nghe. Chúng ta tập im lặng trong những cuộc hội thoại, chúng ta tập cảm thông trước những tình cảnh trong xã hội, và chúng ta tập đặt mình vào vị trí người khác. Nhưng chúng ta lại quên mất bản thân mình.
Chính bản thân chúng ta, mới là người cần được lắng nghe nhiều nhất. Chúng ta phải hiểu thật rõ bản thân thì chúng ta mới có thể đưa ra quyết định, và dùng thái độ như thế nào khi đối diện một tình huống phức tạp. Chúng ta không cần cảm thông cho người khác trước, chúng ta cần cảm thông cho chính bản thân chúng ta trước đã.
Bản thân của chúng ta buồn, hãy để bản thân buồn đi. Đừng đè nén những cảm xúc tiêu cực đó vào lòng. Bất kỳ một loại hình thức cảm xúc nào cũng như một viên đá pha lê xinh đẹp và đáng được trân trọng. Chúng ta đi làm bị trách mắng, chúng ta tự bảo “không buồn, không được buồn, cứ cố gắng lên.”. Rồi nỗi buồn sẽ bị đè nén trong lòng được bao lâu? Sự cố gắng ảo đó có thể kéo bạn đi thêm được bao xa?
Thật ra nếu buồn, thì chúng ta cứ buồn thôi. Cứ để những cảm xúc đẹp đẽ đó trải tràn trong cơ thể, ừ thì hôm nay làm việc không được, ừ thì hôm nay bị trách mắng. Buồn trước đã, yêu chiều bản thân bằng một ly trà sữa yêu thích, mua một món đồ chơi mà mình muốn sưu tầm. Nhưng mà, sau đó, hãy lắng nghe lại tiếng lòng mình lại một lần nữa.
Chúng ta buồn vì bị trách mắng, nhưng chúng ta có muốn buồn mãi hay không?
Chúng ta có thể làm gì khác để nỗi buồn đó sẽ không đến nữa hay không?
Và chúng ta có làm gì sai hay không?
Cứ đặt ra hàng tá câu hỏi cho bản thân về cảm xúc của mình, hiểu rõ cảm xúc đó là gì, lắng nghe những cảm xúc trong từng tế bào cơ thể. Rồi thì chúng ta tò mò làm thế nào để những cảm xúc tiêu cực đó biến hóa thành những cung bậc cảm xúc tích cực.
Chúng ta sai à? ừ, thì sai thôi. Tuổi trẻ cho chúng ta cái quyền làm sai, nhưng sẽ không cho chúng ta cái quyền làm lại. Nên sai rồi à, vậy thì phải thay đổi thôi. Chấp nhận bản thân sai, chấp nhận những khuyết điểm mà bản thân có, rồi từ đó chúng ta tò mò cách để cải thiện. Từng chút, từng chút một, mỗi một quá trình như thế, chính là cách chúng ta học “lắng nghe”.Chúng ta sẽ chẳng thể im lặng để lắng nghe, khi những cảm xúc trong lòng cứ gào thét muốn bộc lộ.
Chúng ta sẽ chẳng thể cảm thông khi nghe những câu chuyện của người khác, vì những nỗi buồn và bất mãn cứ không ngừng chồng chất và cần một nơi để giải tỏa.
Chúng ta sẽ chẳng thể thật sự “lắng nghe” một ai đó, khi chúng ta chưa thật sự “lắng nghe” bản thân mình.
Điềm đạm với người ngoài không quan trọng, lắng nghe người ngoài không quan trọng.
Điềm đạm với bản thân trước mới quan trọng, và lắng nghe bản thân mình trước mới đáng giá.
Chỉ cần chúng ta chấp nhận đối mặt với bản thân, chúng ta chịu lắng nghe những gì mà bản năng và tính cách của chúng ta đang có. Thì chúng ta mới có thể thay đổi, để phát triển.
Vậy nên, cứ lắng nghe bản thân mình trước nhé. Hãy để những cảm xúc được quyền lên tiếng, hãy để những khuyết điểm và tật xấu được quyền trách cứ, hãy để những ưu điểm và đặc tính tốt của bản thân được quyền tự hào. Đừng kiềm nén bất cứ những gì bên trong mình, nhưng cũng đừng chiều chuộng bản thân quá mức để gây ra hậu quả. Cách tốt nhất là hãy để chúng ta tự mình lắng nghe những cảm xúc và tiếng lòng của bản thân mình trước. Sai thì sửa, tốt thì phát huy, hãy lắng nghe thật kĩ và nhìn nhận thật kĩ những gì chúng ta muốn, chúng ta làm, và từ đó mà phát triển bản thân.
Lời khuyên của mọi người chưa bao giờ là sai, chỉ là chẳng ai dạy chúng ta phải làm thế nào mới đúng. Nên cứ để bản thân được từng bước một mà làm. Chấp nhận bản thân, lắng nghe bản thân, và phát triển bản thân. Chúng ta làm được, vì tuổi trẻ này cho chúng ta cái quyền được học tập và phát triển, đừng sợ không kịp, chỉ sợ chúng ta không làm mà thôi.
-LDN-
Theo dõi tụi mình thêm tại: Facebook:
https://www.facebook.com/Nganhduhocsinh/?ref=page_internal