Học để làm gì?
Theo mình, đây là một chủ đề không mới. Mình đã thử search cụm từ này trên Spiderum và đã có vài bài viết viết về chủ đề này. Tuy nhiên,...
Theo mình, đây là một chủ đề không mới. Mình đã thử search cụm từ này trên Spiderum và đã có vài bài viết viết về chủ đề này. Tuy nhiên, mình cảm thấy bản thân vẫn còn một vài điều để đóng góp thêm nên mình quyết định viết bài dưới đây và vẫn giữ nguyên câu mở đầu. Mình mong rằng sau khi đọc, các bạn đang bấp bênh với việc “cứ đi học” sẽ vững tin thêm một chút với những gì bạn đang làm và trở nên dũng cảm, bớt bất an hơn.
1. Học tập và hệ quả:
Trong nhân chủng học có 2 dạng xã hội đó là xã hội tích lũy (cumulative society) và xã hội “dậm chân tại chỗ” (stationary society). Xã hội hiện đại mà chúng ta đang sống hiện nay là xã hội tích lũy. Dạng xã hội này hoạt động bằng cách chúng ta giữ gìn lại kiến thức của thế hệ đi trước, đóng góp vào thêm và cải thiện chúng. Nhờ đó nhân loại có một kho tàng kiến thức và cuộc sống của chúng ta mới tiện lợi như ngày hôm nay. Những ví dụ điển hình có thể kể đến như là từ các bốt điện thoạt công cộng so với việc bây giờ đa số mọi người đều sở hữu điện thoại thông minh, từ việc viết thư đến việc nhắn tin qua các ứng dụng ảo, từ việc ba mẹ gói gém tiền gửi từ quê lên thành phố cho con học đại học và bây giờ chỉ cần “ting ting” vài cái trong tài khoản ngân hàng là đã có thể đi ăn kem ngay với bạn bè. Và chúng ta tích lũy kiến thức, bồi đắp nó lên là nhờ đâu? Nền tảng của việc phát triển lên là tích lũy và học tập kinh nghiệm của thế hệ đi trước. Và trong đa số trường hợp, thì lượng kiến thức này được lưu lại dưới dạng chữ viết, vì truyền miệng thì không tránh khỏi sự bóp méo vì tam sao thì thất bản. Mưu cầu chúng ta phải đọc, viết, nghe giáo viên giảng bài, chứ không thể đơn giản học từ việc cà kê với vài người bạn.
Đọc thêm:
Tuy nhiên, cũng có lắm môn học, nhiều bạn hay nói học lịch sử hay học văn học không có tác dụng gì đối với đời sống của các bạn. Môn học được chỉ trích đặc biệt nhiều nhất đó chính là triết học và tư tưởng Hồ Chí Minh. Rốt cuộc thì biết lịch sử cũng chỉ để chém gió trên bàn nhậu, học văn làm thơ ngáp phải ruồi, còn triết thì các bạn học để qua môn. Những môn đó các bạn cho rằng chẳng đem lại giá trị gì “thực tế” đối với các bạn. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là “thực tế” ở đây đối với các bạn là gì? Mình hỏi 5 bạn thì hết cả 5 bạn nói với mình thực tế là tiền. Và mình hỏi tiếp thế ngoài tiền ra còn gì nữa không, suy nghĩ thực tế chỉ xoay quanh tiền thôi đúng không, vậy mày chọn sẵn sàng bán đồ có hại để kiếm lời nhiều hay là chịu ít lời một chút và bán đồ có chất lượng? May mắn là các bạn mình tốt và đều chọn phương án thứ 2, cũng chính là luận điểm để mình vặn vẹo rằng suy nghĩ thực tế ở đây không chỉ liên quan đến tiền mà còn dính dáng tới nhiều phương diện khác của cuộc sống. Theo mình, “thực tế” nói ngắn gọn ở đây là khi bạn có hành động. Và hành động thì nên là sản phẩm của tư duy, và một tư duy tốt thì được hình thành từ quá trình học hỏi. Sau đây, mình sẽ thử phân tích việc học hỏi sẽ tạo nên hệ quả gì cho bạn và mọi người xung quanh thông qua việc học lịch sử nhé.
Thử tưởng tượng lịch sử giống như cục đá trên đường đi học về của bạn nhé. Ngày đầu tiên đi học về, bạn vấp phải cục đá ấy và bị trầy chân. Lần thứ 2 bạn mải nói chuyện với bạn và lại vấp lại cục đá ấy. Lần thứ 3 bạn mải lướt điện thoại lại vấp tiếp. Nhưng rồi đến lần thứ 4, lần thứ 5, sau khi đã trầy da tróc vảy với cục đá ấy, mỗi lần đến thời điểm đi ngang qua cục đá ấy, bạn sẽ tự nhớ ra để mà biết đường tránh. Chưa kể bạn còn có thể nảy lòng căm thù với cục đá và đi kể với bạn bè rằng “Đm, cái đường đấy có cục đá to vãi, tụi mày liệu hồn mà né chứ không té chỏng gọng”. Và chỉ từ kinh nghiệm vấp cục đá của bạn, bạn đã xây dựng được kiến thức “né đá” cho mình, truyền bá kiến thức “né đá” cho nhừng người xung quanh. Từ đó, bạn đã xây dựng được một cộng đồng sáng suốt không phải trầy da tróc vảy trên con đường đi học về đó nữa. Và tương tự với lịch sử, việc hiểu biết những gì đã xảy ra trong quá khứ sẽ giúp chúng ta rút được kinh nghiệm. Việc dạy và học lịch sử giúp chúng ta xây dựng được một cộng đồng đã được “rút kinh nghiệm”, tránh được việc dẫm phải "đống rác" đến 2 lần.
Và cũng tương tự với việc học văn. Nó giúp bạn sở hữu lượng từ vựng phong phú hơn, sử dụng từ ngữ một cách khôn khéo hơn để diễn tả được điều bạn muốn nói một cách rõ ràng, rành mạch. Đồng thời, bạn cũng biết đọc biết tiếp nhận con chữ. Vì một phần quan trọng trong xã hội là giao tiếp, bạn không thể nào sống suôn sẻ mà thiếu đi tư duy ngôn ngữ. Và việc học triết cũng tương tự như thế, luôn có nhiều lí do để nhiều môn học vẫn tồn tại tới giờ phút này.
Đọc thêm:
2. Học để tồn tại:
Và vâng, với mục trên, mình nhắc đến nhiều giá trị khác xoay quanh việc học, nhưng cốt lõi thì chúng ta không thể nào chối bỏ đi tầm quan trọng của tiền. Mình chưa phải là tỉ phú hay đại gia gì nên mình không dám đao to búa lớn về vấn đề này, không dám lấy bản thân ra làm minh chứng tôi học và tôi đã giàu rồi đây. Tuy nhiên, theo những gì mình quan sát được thì những người thành công đều trải qua quá trình học tập đầy đủ. Kể cả những ví dụ nghỉ học đại học như Bill Gates hay Mark Zurkerberg, họ nghỉ học nhưng đều là nghỉ từ các trường có danh tiếng. Khi nghỉ học họ đã có một lượng kiến thức đáng kể, họ đã biết họ cần làm gì và sau khi nghỉ học, mình chắc rằng họ vẫn không ngừng tìm hiểu cái mới và trân trọng việc học.
Để tiếp tục chuyên mục thì mình muốn nói đến việc “đi tìm bản thân”. Như mình đã nói ở trên, mình lấy ví dụ hai người nổi tiếng và nói rằng họ nghĩ học khi đã biết mình muốn làm gì. Đây là điều vô cùng quan trọng. Việc bạn nghỉ học với hai bàn tay trắng và một cái đầu rỗng là một việc hết sức dại dột và mang hơi hướng “tự đập mặt mình vào tường”. Đối mặt với việc bốc đồng nghỉ học là một thị trường việc làm bị thu hẹp lại đáng kể, nếu bạn nghỉ từ cấp 3, không kinh nghiệm việc làm, không biết mình muốn gì, thì khả năng cao là bạn sẽ phải chọn những công việc yêu cầu thấp, và đi kèm là đồng lương rẻ mạt. Ý mình ở đây là nếu các bạn sống theo kiểu đời đưa tới đâu thì mình đẩy theo đấy thì khả năng cao là bạn sẽ tự đẩy bản thân vào mớ bòng bong. Thế nên, đi theo sau một quyết định gì đó nên là sự tính toán và tư duy.
Đối với mình, việc học và ngồi trên ghế nhà trường có liên quan tới nhau nhưng mình nghĩ đây là hai hành động có thể tách bạch, vì nằm trên giường thì vẫn học được chứ sao? (Mình đùa đấy, mình đùa nhạt các bạn đừng chửi mình). Tuy nhiên, việc ở trong môi trường trường học thì tạo ra môi trường thuận lợi hơn để học tập. Nó tạo ra thời gian “trễ” để bạn có thời gian tìm hiểu bản thân nhiều hơn. Môi trường mà mọi người xung quanh đều học sẽ làm bạn cảm thấy đỡ áp lực hơn, đó chính là áp lực phải kiếm ra tiền. Và cũng để tránh những ảnh hưởng độc hại kiểu như “học chả để làm gì?” hoặc chí ít có đứa nào đấy nói với bạn thì bạn cũng không quá lăn tăn vì suy cho cùng, nó vẫn đang là học sinh như bạn thôi.
Theo mình thấy thì việc này khá quan trọng, nhất là khi bạn việc bạn đang làm không phải có sự tưởng thưởng một sớm một chiều. Có lần mình gặp một anh chưa học hết cấp 2 đã nghỉ học. Anh này có gia đình buôn bán ở chợ, anh ra buôn bán theo và trở nên giàu có. Anh chơi xe hơi và moto, anh cảm thấy tự tin vì mình có nhiều tiền. Khi tiếp xúc với các bạn sinh viên, anh nói “học để làm gì rồi sau ra làm lương chả đủ mà ăn”. Đợt đấy, mình cũng mất cân bằng dữ dội. Nhưng sau này, mình phát hiện ra, anh buôn bán thì cả ngày của anh ấy xoay quanh việc bốc hàng, trông hàng rồi ngồi lướt điện thoại. Những cuộc trò chuyện với anh ấy đều rất nhạt nhẽo và thiếu não. Anh ấy chỉ trích việc mình ăn bánh mì đen, không ăn cơm giống người Việt thì có ngày đổ bệnh. Nói chung là có rất nhiều thứ nữa. Và mình nhận thức rõ một việc là, mình không muốn trở thành người như vậy, nên thôi mình cắn răng nghèo vài năm nữa để học hành thành người “tử tế” vậy.
Và, cho dù sau khi tốt nghiệp Đại học, bạn có làm gì liều lĩnh thì tấm bằng vẫn sẽ cho bạn một con đường thoái lui. Giả sử bạn học kĩ sư nhưng muốn đi ra làm nhà kinh doanh. Bạn thất bại thảm hại trên thương trường thì ít ra vẫn có cái bằng trong ngành kĩ sư giúp bạn kiếm miếng cơm manh áo vừa đủ. Nếu không, thử tưởng tượng xem, nếu không có tấm bằng và kiến thức kỹ thuật đấy, khả năng cao là bạn phải làm công việc chân tay. Lúc này, cuộc sống của bạn khó khăn hơn cuộc sống của một kỹ sư là điều không phải bàn cãi. Liều lĩnh là tốt, nhưng đôi khi chừa đường lui cho bản thân cũng là một hành động thông minh.
Chưa kể là, có những kiến thức và kĩ năng từ ngành này có thể áp dụng cho ngành khác. Tính cách kĩ lưỡng từ ngành kĩ sư có thể giúp bạn trở thành doanh nhân với tầm nhìn chiến lược kĩ lưỡng hơn. Nên, kiến thức sẽ không bao giờ là dư thừa, điều quan trọng là bạn không ngừng học tập và có khát khao với kiến thức.
Ở cuối bài viết, mình muốn nói rằng, mình chỉ mới nhắc đến một khía cạnh của trường học ở trên đây, mình sẽ nói thêm về cơ sở này trong một bài viết khác vì mình cảm thấy bài này đã đủ dài rồi!
Cám ơn các bạn!
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất