Trong bài này, Vi muốn kể mọi người nghe hành trình thỉnh kinh, à nhầm học 3 ngoại ngữ của mình (Tiếng Anh, Tiếng Trung, và Tiếng Hàn) :)))
Mình cũng sẽ ghi lại: các nguồn học của mình, và một số mẹo hữu ích mình lụm được về làm thế nào để học một ngoại ngữ mới khi bạn đã là người lớn. Bởi vì mình đã bắt đầu học Tiếng Trung và Tiếng Hàn ở tuổi 23 và 24.
Hi vọng là bạn khi đọc được sẽ tìm thấy được điều đó đó hữu ích cho mình nha!
(mình có làm 1 video nói tiếng Anh về bài viết này, mọi người có thể thấy link ở cuối bài nha <3)

I. Tiếng Anh (IELTS 7.0 - 2017)

1. Tại sao mình bắt đầu học ngôn ngữ này? 

Ê khoan, đây là một câu hỏi rất kỳ lạ… =)) 
Bởi vì Tiếng Anh, như bạn biết, ít nhất là từ thế hệ của mình (mình sinh năm 96), nó là một môn học bắt buộc ở trường. May mắn thay, mẹ mình vào thời điểm cấp 2 đã gửi mình đến một trung tâm Tiếng Anh có tên là E4U. 
Bây giờ nghĩ lại thì đây có lẽ là một trong những quyết định tuyệt vời ông mặt trời nhất của mẹ mình.
Thầy Tuấn là người đeo cà vạt. Trông rất tự hào về đàn con :))) Ê mà nhìn hình nhớ ra thời này đang có trend mang dép lào =))
Thầy Tuấn là người đeo cà vạt. Trông rất tự hào về đàn con :))) Ê mà nhìn hình nhớ ra thời này đang có trend mang dép lào =))
Tại trường đó, mình đã gặp một giáo viên tuyệt vời, thầy Tuấn. Thật ra thầy là hiệu trưởng của trường đó. Nhưng bởi vì vào thời điểm đó trường mới mở, trong một số lớp đầu tiên, thầy Tuấn đã dạy chúng mình. 
Thầy đã dạy gì? Thầy thực sự đã dạy chúng mình những điều rất cơ bản, như phát âm. Thầy đã dạy chúng mình về ngữ điệu. Và thầy ấy cũng đảm bảo rằng mỗi người trong chúng mình có thể phát âm các âm cuối, như s, es. Và kết quả là, nó đã giúp chúng mình nói một cách tự nhiên hơn. 
Mình vẫn nhớ tên cuốn sách mà thầy đã dạy chúng mình. Thật ra thầy đã sử dụng một câu chuyện. Cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer. Mình nghĩ đó là một tác phẩm kinh điển. 
Cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer
Cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer
Thầy đã cho chúng mình nghe câu chuyện được kể qua đĩa trước. Chúng mình phải lặp lại sau mỗi câu, và thầy sẽ kiểu đi đi lại lại, chỉnh sửa phát âm từng người trong chúng mình luôn. 
Mình nghĩ rằng chúng mình rất may mắn. Bởi vì là một người Việt Nam, thầy ấy hiểu được những vấn đề cụ thể về phát âm mà một người Việt có thể gặp phải. Kiểu thầy có thể nhìn thấy những lỗi đấy rõ hơn ấy. Vì vậy, từ thời điểm đó mình vẫn cố gắng hết sức để phát âm Tiếng Anh một cách chính xác. 

2. Phát âm có quan trọng trong việc học ngoại ngữ không?

Vậy suy nghĩ của mình về việc phát âm khi bạn học một ngôn ngữ mới là gì?
Mình nghĩ nó rất quan trọng.
Mình không nghĩ rằng bạn phải phát âm đúng 100%. Mình nghĩ rằng nếu bạn phát âm giống người bản xứ khoảng 60-70% là đã khá tốt rồi. Chúng ta không cần phải cố gắng quá mức để đạt được 100%, vì vẫn còn những yếu tố khác mà bạn cần phải chú ý đến khi giao tiếp ngoài việc phát âm.
Khi mình nói 60-70%, mình nghĩ về người Ấn Độ. Tiếng Anh của họ vẫn còn một số khiếm khuyết, nhưng bạn có thể nghe họ (gần như) rõ ràng. 

3. Một số cột mốc quan trọng khác trong việc học tiếng Anh của mình: 

Tại trường trung học, mình cũng đã tham gia một số cuộc thi Tiếng Anh. Ví dụ như: kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh cấp Tỉnh, IOE tiếng Anh - do lợi thế mê chơi game audition thời đấy nên tay mình bấm chuột và mắt mình lia khá nhanh =)))
Tiếng Anh luôn là một niềm vui với mình. Quá trình học rất vui đến nỗi khi mình học, mình không cảm thấy có quá nhiều áp lực. Y khoan, ý mình là, tuổi mới lớn thì ẩm ương mà, đôi khi mình cũng cảm thấy có nhiều áp lực. Mình đã khóc khá nhiều, thật ra là suốt cuộc đời mình =)), bởi vì mình là một người nhạy cảm.
Chuyến đi du học hè EF ở Singapore
Chuyến đi du học hè EF ở Singapore
Mình vẫn nhớ ở lớp 10, mẹ mình đã cho mình đi Singapore. Chương trình này do EF (Education First) tổ chức. Trong suốt chuyến đi, mình có cơ hội tự mình sử dụng Tiếng Anh để hỏi đường. 
Và cảm giác đó tuyệt lắm luôn.
Bởi vì đây là lần đầu tiên mình được sử dụng tiếng Anh như một công cụ, như bất kỳ ngôn ngữ nào nên được sử dụng.

4. Các phương pháp hiệu quả mình sử dụng để học tiếng Anh:

Thực ra mình đã sử dụng rất nhiều nguồn để học Tiếng Anh, rất nhiều phương pháp nữa.

4.1/ Phương pháp shadowing 

Mình vẫn nhớ một số thần tượng của mình vào thời điểm đó: Taylor Swift, Cara Delevingne. Ai nữa nhỉ? À Emma Watson từ Harry Potter, cô ý siêu xinh luôn ý.
Vào thời điểm đó mình thường xuyên lên YouTube, tìm kiếm các cuộc phỏng vấn của những người mà mình ngưỡng mộ. Hoặc là mình sẽ xem phim. Mình đã xem rất nhiều phim luôn.
Vậy nên, mình đã tiếp thu rất nhiều ngoại ngữ thông qua việc nghe.
Phim ảnh là một phần không thể thiếu trong việc học ngoại ngữ và trau dồi đời sống tinh thần của mình.
Phim ảnh là một phần không thể thiếu trong việc học ngoại ngữ và trau dồi đời sống tinh thần của mình.
Trong những lúc xem phim hay YouTube, mình thường sử dụng phương pháp shadowing - nghe họ nói, rồi tạm dừng và nói lặp lại. Mình cố gắng mô phỏng ngữ điệu của họ, cảm xúc trong câu đó như thế nào, ngữ điệu lên hay xuống trong tình huống đó. 
Nói chung là mình đã sao chép chính xác những gì họ nói, từ câu chữ đến ngữ điệu luôn. 
Và mình yêu thích làm điều này. Đó là lý do mà Tiếng Anh luôn là một niềm vui với mình. Quá trình học thật sự rất vui!

4.2/ Đọc sách tiếng Anh:

Với việc đọc Tiếng Anh, mình thực sự đã đọc rất nhiều sách tiếng Anh, từ thời điểm đại học kéo dài đến tận bây giờ. Mình đọc đa số những cuốn sách đó trên máy đọc sách Kindle của mình. (ebook)
Nhờ có Kindle, mình duy trì được thói quen đọc 10-15 cuốn/năm từ đại học đến bây giờ. Cứ đến tối là đọc 30 phút, sáng là đọc 10 phút.
Nhờ có Kindle, mình duy trì được thói quen đọc 10-15 cuốn/năm từ đại học đến bây giờ. Cứ đến tối là đọc 30 phút, sáng là đọc 10 phút.
Nếu bạn muốn đọc sách Tiếng Anh nhiều hơn, hãy thử cân nhắc sử dụng Kindle đi (năn nỉ ó =))). Bởi vì nó có một chức năng rất tuyệt trên đó, đó là tra từ ngay lập tức.
Khi bạn đang đọc, nếu bạn thấy bất kỳ từ nào mà bạn không biết, bạn chỉ cần chạm và giữ từ đó, và định nghĩa sẽ xuất hiện, rất nhanh nha. 
Ở giai đoạn đầu đọc sách tiếng Anh, vì gặp phải quá nhiều từ mới, mình đã sử dụng chức năng tra từ trên Kindle rất nhiều. 
Hiện tại mình đọc 90% là ebook, 10% là sách giấy. Lần nào đọc ebook mà hay mình sẽ lại tậu sách giấy về nữa. Nên mọi người hãy gọi đây là tổ chim nhé :)))
Hiện tại mình đọc 90% là ebook, 10% là sách giấy. Lần nào đọc ebook mà hay mình sẽ lại tậu sách giấy về nữa. Nên mọi người hãy gọi đây là tổ chim nhé :)))
Trước khi có Kindle, khi mình đang đọc sách Tiếng Anh (sách giấy), mỗi khi thấy từ mới muốn tra là mình phải dừng lại và tra từ trên điện thoại của mình. Điều này đã làm gián đoạn việc đọc (reading flow), và điều đó không tốt chút nào cả.

4.3/ Nghe podcast tiếng Anh:

Ở khoảng thời gian học đại học, mình phải đi xe buýt rất nhiều. Mỗi lần đi học và về nhà là mất tầm 30-45 phút/mỗi chuyến. Vì có quá nhiều thời gian trên xe như vậy, mình phải tìm một hình thức giải trí nào đó ngoài việc nghe nhạc. Rất may mắn luôn, mình đã phát hiện ra podcast.
Đây là mình ngồi trên xe bus nghe podcast của ông Luke :)))
Đây là mình ngồi trên xe bus nghe podcast của ông Luke :)))
Bây giờ nhìn lại, đó là một trong những quyết định đúng đắn nhất cuộc đời của mình.  
Nghe podcast không chỉ giải trí (thề có nhiều hôm mình cười bật haha trên xe bus mà kiểu rén luôn ấy =))), mà nó đã giúp mình nâng cao kỹ năng nghe tiếng Anh rất nhiều.
Bây giờ thì mình đã có thể nghe hiểu được những cuộc trò chuyện tốc độ tự nhiên rồi. Nhưng mình vẫn nhớ về quãng thời gian trước đó, mình phải nghe những podcast rất, rất chậm. Nếu bảo bây giờ nghe lại podcast chậm đấy mình sẽ bị bực mình và nản vì chậm quá luôn ý.
Hồi đó, mình nghe một podcast có tên ESL (Tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai). Người dẫn chương trình sẽ kể một câu chuyện trước. Và sau đó, anh ấy sẽ kể lại câu chuyện, nhưng tốc độ sẽ được giảm xuống, mình được nghe câu chuyện ở nhịp chậm rãi hơn. Nhờ vậy, mình đã có thể nghe rất rõ các âm cuối của từ, âm nối giữa các từ, ngữ điệu lên xuống tại đâu.
Sau này, mình phát hiện ra podcast có tên Luke’s English Podcast. Anh Luke có giọng Anh vì anh ấy là người Anh (quá trớt quớt) =)) Mình thấy anh ấy nói luyên thuyên khá là thú vị. Cảm giác giống như đang ngồi nói chuyện với một người bạn, mặc dù thật sự là mình không nói chuyện, mình chỉ ngồi nghe thôi.
Mình thực sự rất yêu văn hóa Mỹ và Anh. Mình không biết tại sao nữa. Cảm giác rằng mình sẽ biến thành 1 người rất, rất cởi mở mỗi khi được “tiếp xúc” với Tiếng Anh.

II. Tiếng Trung (HSK4 - 2019)

1. Tại sao mình học tiếng Trung?

Mình đã học tiếng Trung từ 23 tuổi. Mình thấy nó là một ngôn ngữ rất phức tạp, nhưng lại rất thú vị. Mặc dù bây giờ trình độ nói tiếng Trung của mình không được tốt lắm vì mình đã không dành thời gian nói tiếng Trung nhiều.
Tiếng Trung có vụ ghép từ học rất là đã nha :)))
Tiếng Trung có vụ ghép từ học rất là đã nha :)))
Lý do thực sự khiến mình bắt đầu học tiếng Trung là vì công việc của mình đòi hỏi nó. Mình cần nó để giao tiếp với khách hàng của mình, chủ yếu thông qua tin nhắn (wechat) và email. Vì vậy, hầu hết thời gian mình gõ tiếng Trung trên máy tính và không sử dụng tiếng Trung nhiều khi nói. 

2. Tiếng Trung là ngôn ngữ khó nhất thế giới?

Như bạn có thể biết hoặc không, tiếng Trung được xem là một trong những ngôn ngữ khó nhất trên thế giới.
Sự khó của nó đến từ mặt chữ. Nếu bạn muốn phát âm một từ, bạn phải học từ đó. Vì vậy, nếu có 5000 từ trong tiếng Trung, bạn phải học tất cả 5000 từ đó để có thể nói chúng, bởi vì 5000 từ đó khác nhau. 
Tiếng Trung không có bảng chữ cái. Tuy vậy, từ được ghép từ các bộ thủ khác nhau, việc nhớ bộ thủ phổ biến sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong khoảng thời gian đầu học từ.
Tiếng Trung không có bảng chữ cái. Tuy vậy, từ được ghép từ các bộ thủ khác nhau, việc nhớ bộ thủ phổ biến sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong khoảng thời gian đầu học từ.
Tóm lại là tiếng Trung không có bảng chữ cái.
Không giống như tiếng Việt, không giống như tiếng Hàn, không giống như tiếng Anh. Khi bạn đã học đủ các thành phần của từ, ví dụ như tiếng Việt, đầu tiên chúng ta phải học bảng chữ cái, và sau đó bạn có thể nhìn vào từ và mặc dù bạn không biết nghĩa của từ đó, bạn hoàn toàn có thể phát âm nó. 
Nhưng đối với tiếng Trung, bạn phải học từng từ một. 
Vì vậy, đó là lý do tại sao mình đã sử dụng thẻ flashcard của Anki.

3. Cách học từ vựng hiệu quả với tiếng Trung - thẻ học Anki:

Nếu bạn chưa nghe đến Anki, thì Anki là một dạng thẻ học online. Nó sử dụng hệ thống lặp lại  ngắt quãng. Anki được sử dụng rất rộng rãi trong cộng đồng sinh viên y khoa. 
Giao diện thẻ học Anki (nguồn: mannyed.org)
Giao diện thẻ học Anki (nguồn: mannyed.org)
Khi mình nói về sinh viên y khoa, bạn có thể tưởng tượng được lượng thông tin khổng lồ mà họ phải học hàng ngày đúng không? :))) Vì vậy, để học được lượng thông tin khổng lồ đến mức phi lý đó, Anki được coi là một trong những công cụ hiệu quả nhất.
Thế nên là, trong thời gian đó, mình đã sử dụng Anki để học từ vựng từ HSK2 lên đến HSK4 chỉ trong một năm. Đó là một lượng từ rất nhiều (~1000 từ). Trời ơi nhìn lại không thể tưởng tượng được :))) 
Yep, Anki là một công cụ rất mạnh mẽ cho trí nhớ của bạn.
Tuy nhiên tiếc là sau một thời gian, việc học trên Anki trở nên khá mệt mỏi về mặt tinh thần, và mình đã ngừng sử dụng nó. 
Nhưng phải nói Anki là một công cụ học từ rất hiệu quả và hữu ích, nếu bạn muốn học một lượng lớn thông tin trong một khoảng thời gian ngắn. 

4. Kỹ năng nói ngoại ngữ rất khác với 3 kỹ năng còn lại (nghe, đọc viết)

Vì thế, sau khi học tiếng Trung, lời khuyên lớn thứ hai của mình về cách học một ngôn ngữ mới khi là người lớn là:
Nếu bạn muốn học ngoại ngữ để giao tiếp với người khác, bạn phải nói nó. 
Điều này tuy rất hiển nhiên, nhưng mình cần bạn thực sự lưu ý nó. Nó thực sự quan trọng. 
Mình nhận ra rằng, kỹ năng nói là một kỹ năng rất khác biệt so với các kỹ năng khác. Nếu bạn không nói ngoại ngữ đó (bằng miệng lol), bạn sẽ không bao giờ cải thiện được kỹ năng nói của mình. 
Chắc chắn ở khoảng thời gian đầu, bạn sẽ mắc rất nhiều lỗi lúc nói. Mình cũng thế. Lúc thời điểm ban đầu mình luyện nói tiếng Anh, mình đã từng phát âm sai rất nhiều. Mình từng cảm thấy hơi ghê với việc phát âm “th”, vì mỗi lần là mỗi lần muốn phun nước miếng. Bạn có thể tưởng tượng không? =))
Nhưng về sau, việc học phát âm và nói trôi chảy sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, mình hứa!

III. Tiếng Hàn (TOPIK I - cấp 2 - 2020)

1/ Cảm nhận của mình với tiếng Hàn

Mình đã học tiếng Hàn được 3 năm. Tiếng Hàn là một ngôn ngữ thực sự rất thú vị. Hơn nữa, may mắn là mình cũng rất thích văn hóa Hàn Quốc, từ phim truyền hình (K-Drama), cho đến ẩm thực Hàn.
Mình cũng từng có dịp đến Hàn 3 lần rồi. Nó thật sự rất đẹp!

2/ Giáo trình tiếng Hàn "Talk to me in Korean"

Thực ra, trình độ tiếng Hàn tổng thể của mình thấp hơn so với tiếng Trung.
Hiện tại, tiếng Hàn mình đang ở cấp độ B1 (Topik II - cấp 3). Nhưng vì mình được thực hành nói tiếng Hàn 1 lần/tuần trên Italki, với giáo viên tiếng Hàn (nói nhanh như gió muốn thổi bay mình đi =))). Nên kỹ năng nói tiếng Hàn của mình đã cải thiện rất nhiều. 
Bên cạnh đó, mình cũng sử dụng sách giáo trình của Talk To Me In Korean (TTMIK). 
Đối với mình, sách TTMIK rất thú vị. Họ luôn sáng tạo và không ngần ngại tạo ra các cấu trúc mới cho mỗi cuốn sách, khiến cho việc học trở nên vui hơn và không nặng nề quá. 
Ví dụ, mình có một cuốn sách về "Làm thế nào để nói giống như một người bản xứ tiếng Hàn". Một cuốn khác là “Từ vựng tiếng Hàn hàng tuần của mình”. 
Bên trong cuốn "Real-Life Korean Conversations : Intermediate"
Bên trong cuốn "Real-Life Korean Conversations : Intermediate"
Cho mỗi cuốn sách, họ có các cấu trúc giải thích khác nhau, các loại bài tập cũng đa dạng nữa. Và file nói của họ cũng rất tự nhiên và không giống như robot nói. 
Ngoài việc học từ sách giáo trình, mình xem rất nhiều phim Hàn Quốc, tuy nghe cũng hơi ù ù cạc cạc, hiểu được 20-30% thôi nhưng cứ mỗi lần nghe được thêm câu hoàn chỉnh là vui lắm :)))

3/ Điểm khó khăn khi học tiếng Hàn

Bảng chữ cái tiếng Hàn
Bảng chữ cái tiếng Hàn
Với mình, tiếng Hàn giống như ngôn ngữ của sự đẹp đẽ. Tiếng Anh giống như ngôn ngữ của tự do. Tiếng Trung giống như ngôn ngữ của sự tinh tế vậy.
Trong lúc học, mình cảm thấy tiếng Hàn có một hệ thống bảng chữ cái rất tốt. Tuy nhiên, các từ vựng trong tiếng Hàn khá khó để nhớ. Mình không biết tại sao nữa. Có lẽ bởi vì nhịp điệu của từ không dễ nhớ như tiếng Anh. 
Nhưng mà mình không chắc chắn lắm. Lí do cũng có thể bắt nguồn từ việc mình chưa nạp nghe tiếng Hàn nhiều đến vậy. Vì vậy, mình sẽ cố gắng nạp tiếng Hàn chủ động và hiệu quả hơn!

IV. 6 mẹo học ngoại ngữ hiệu quả khi chúng ta là người lớn

1. Tắm ngôn ngữ (language immersion) rất quan trọng
Hãy đảm bảo rằng bạn dành nhiều thời gian để tiếp thu ngôn ngữ do chính người bản xứ nói và viết, qua tai và mắt bạn. 
Ví dụ: xem phim, video YouTube, podcast, đọc sách
Một điều nữa cũng rất quan trọng. Đó phải là những nguồn phim, sách… mà bạn thích. Hãy đảm bảo rằng bạn thích nó. Điều này rất quan trọng!
Mình không nghĩ rằng mình có thể đọc những cuốn sách mà nó không hấp dẫn với mình, không liên quan đến mình. Kiểu não sẽ tự biết bạn không thích/ không cần và nó sẽ tống những thông tin vô dụng đó đi. Không lừa được não đâu ạ :)))
Vậy nên, hãy đảm bảo rằng bạn thích những nguồn đấy.
2. Nếu bạn muốn học ngoại ngữ để giao tiếp với người khác, bạn phải luyện tập việc nói
Có rất nhiều cách mà bạn có thể sử dụng để luyện nói.
Bạn có thể nói một mình kể về ngày hôm nay, hoặc nói chuyện với 1 người bạn tưởng tượng, hoặc tìm và tham gia 1 câu lạc bộ ngoại ngữ, hoặc xin làm TA (teacher assitant) để có nhiều cơ hội nói hơn, hoặc lên Italki tìm thầy cô để nói về bất cứ chủ đề nào bạn muốn…
Hãy đi tìm cộng đồng cùng yêu thích ngoại ngữ như bạn và để họ lan truyền niềm yêu thích ngoại ngữ đó sang bạn nha.
Hãy đi tìm cộng đồng cùng yêu thích ngoại ngữ như bạn và để họ lan truyền niềm yêu thích ngoại ngữ đó sang bạn nha.
3. Như bạn biết, khi trở thành người lớn, chúng ta sẽ mệt đứ đừ sau mỗi giờ làm. Vì vậy, sẽ tốt nhất nếu bạn có thể đăng ký một lớp học, và đi học.
Và nếu bạn muốn tự học ngoại ngữ? Không sao cả. Hãy nhận biết rằng điều đó sẽ khó khăn và cần tính kỷ luật cao hơn. 
4. Hãy thiết kế một thời gian và không gian tại nhà để học. Điều này sẽ khiến bạn tập trung và tạo điều kiện dễ dàng cho việc học của bạn hơn.
Ví dụ: 8h-9h tối học tiếng Anh - tại bàn học đã được dọn dẹp, và dành cho việc học (chứ không phải ngẫu hứng ở giường)
Góc bàn học năm 2022 của mình :3
Góc bàn học năm 2022 của mình :3
5. Hãy cởi mở hơn. Hãy hiếu kỳ như một đứa trẻ. Và đừng sợ mắc lỗi sai.
Nếu bạn không mắc lỗi sai, điều đó chứng tỏ bạn đang không tiến bộ. Chỉ cần đừng lặp lỗi sai như cũ là được.
6. Hãy tận hưởng việc học - Have fun with it!
Nếu như bạn muốn đi đường dài với ngôn ngữ này, hãy tạo điều kiện cho việc học trở nên dễ dàng hơn bằng cách tìm nhiều niềm vui khác nhau trên hành trình này.
Trường hợp xấu nhất mà bạn có thể rơi vào là học cày vục mặt và cuối cùng ngừng dở chừng vì ghét hoặc quá ám ảnh với nó. 
Nên là, bạn hãy tận hưởng việc học ngoại ngữ nha!
Chúc bạn một hành trình học ngoại ngữ thật vui vẻ <3
From Vi Bunny with love <3
___________________________
Link video mình sử dụng tiếng Anh, nói về hành trình học 3 ngoại ngữ ở đây nha <3 Bạn có thể xem video để có thể nhìn kỹ hơn các nguồn học mà mình để trong video nha~