Học để làm gì nếu đi làm lương không bằng bà bán bún bò
Mùng 1 tết, cả họ quây quần mừng năm mới. Đúng lúc nhà có đứa cháu sắp vào đại học thế là con bé bị vây quanh bởi hàng loạt lời khuyên...
Mùng 1 tết, cả họ quây quần mừng năm mới. Đúng lúc nhà có đứa cháu sắp vào đại học thế là con bé bị vây quanh bởi hàng loạt lời khuyên về tương lai, trong đó có câu thế này
Dì thấy tốn tiền học đại học làm gì, nhà mày cũng đâu khá giả, thôi đi học bán bún bò rồi bán trước cửa nhà mày có khi lại hơn con ạ. Bán bún có khi 50tr/ tháng, hơn làm công ăn lương nhiều
Con dì mà học không đàng hoàng, hết lớp 11 dì cho nó nghỉ đi học đầu bếp, có khi lại kiếm được ối tiền.
Mọi người nghe quen không ạ, chứ mình nghe đến mòn cả tai, thậm chí trên mạng còn có cả mấy mươi bài bàn luận về nó nữa. Chuyện một người có bằng đại học nhưng thu nhập không bằng người dân lao động trở thành một câu hỏi lớn, một vấn đề có vẻ là "nhức nhối". Đặt ra một câu hỏi là có nên tốn tiền đi học đại học không nếu nó không mang lại lợi ích về kinh tế?
Thôi hãy tạm quay lại lời khuyên đi bán bún bò của dì mình. Đầu tiên mình không đánh giá cao lời khuyên đó. Vì sao? Vì dì chưa từng đi bán bún bò. Dì là một người có bằng đại học và làm nhà nước. Từ đâu dì lấy con số đi bán bún bò thì 50tr/tháng? Dì nhìn thấy những quán lớn, nấu ăn ngon và đắt hàng kiếm được tiền, thậm chí rất nhiều tiền. Nhưng dì chưa từng thức dậy từ lúc 4h sáng để hầm xương bò, chưa từng thái thịt, chưa từng chạy bàn, nói đúng hơn dì không biết để nấu được một tô bún bò ngon phải tốn bao nhiêu công sức. Dì cũng chưa từng phải chạy đôn chạy đáo để kiếm mặt bằng, chưa từng dọn quán khi trời mưa và chưa phải ăn bún bò thay cơm một ngày nào. Dì đâu thấy những quán nấu dở, hay nấu ngon mà mặt bằng xấu vẫn bán ế, giật gấu vá vai, ăn bữa nay lo bữa mai. Tuy nhiên, mình thông cảm với cách nhìn của dì vì em trai dì dù có bằng đại học vẫn thất nghiệp nằm nhà ăn bám bố. Nhưng từ phân tích của mình lời khuyên của dì không có căn cứ và không nên nghe.
Quay lại vấn đề vĩ mô hơn? Đâu có căn cứ nào để nói cứ đi học đại học ra thì đi làm sẽ không bằng bà bán bún bò? Cũng đâu có căn cứ nào nói bán bún bò thì thu nhập sẽ cao hơn người học đại học. Cái sai của người đưa ra lập luận đó là đóng khung. Nếu anh có bằng đại học, tất nhiên anh đi làm phải nhiều tiền hơn bà bán bún bò (người lao động chân tay), nếu không thì anh học làm gì? Nhưng mà không hiểu được người ta luôn nhận cái mà người ta cho đi, cống hiến bao nhiêu thì sẽ nhận được bấy nhiêu. Nếu anh học đại học mà tài năng, kiến thức của anh không mang lại nhiều giá trị bằng người bán bún bò thì thu nhập anh thấp hơn có gì sai? Không phải ai đi học đại học cũng sẽ học hành cho ra trò và dùng được kiến thức đó để cống hiến, mình nghĩ thế giới luôn công bằng, ai cống hiến cho đời nhiều thì nhận lại xứng đáng bấy nhiêu thôi.
Đồng thời, mình nhận thấy thu nhập dành cho chất xám luôn cao hơn dành cho lao động tay chân. Người lao động trí tuệ được làm việc trong môi trường máy lạnh, không phải chịu nắng mưa, họ có thể làm đến năm 50, 60 tuổi, thậm chí nhiều hơn đối với các chuyên gia. Còn khi bán sức lao động, đến 50, 60 tuổi có còn sức để bán không? Đó là cái hơn của người bán chất xám.
Một vấn đề cốt lõi nữa tồn tại trong câu nói đó là người nói xem mục đích đi học chỉ để kiếm tiền, nếu không kiếm được tiền thì đi học làm gì. Trong khi kiếm tiền đâu phải mục đích duy nhất của việc học. Ta đi học cốt để làm người, và làm cho đúng người. Học là một hành trình cả đời. Không học ta đâu biết trái đất này là một khối cầu và ta đang dần dần hủy hoại nó với bao ni lông. Ta có biết là đốt ni lông sẽ sinh ra khí thải nhà kính không. Không đi học ta có biết trái đất này có bao nhiêu là đất nước và dù khác màu da hay mái tóc thì con người ở đâu cũng là con người không? Chắc gì ta đã biết. Học cốt để có kiến thức để không còn mu muội, để không dễ bị lừa. Người càng thiếu hiểu biết thì càng dễ bị lừa gạt và dắt mũi. Học cốt để phân biệt đúng sai. Một trong những mục đích của việc học là kiếm tiền, nhưng học không chỉ để kiếm tiền.
Xin kết lại với triết lý giáo dục của UNESCO: "Learning to know, learning to be, learning to do, learning to live together", xin tạm dịch là "học để biết, học để trở thành, học để hành động và học để cùng chung sống".
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất