Thứ 7, ngày 11 tháng 1 năm 2020.
Trời âm u, không có nắng và xám xịt như lòng mình bây giờ vậy.
Mình học Y. 
Nội- Ngoại- Sản- Nhi đều đi đủ cả. 
Tuần vừa rồi là tuần đầu đi Ngoại khoa. 
Tuần vừa rồi mình cũng có một buổi trực đầu tiên.
Tuần vừa rồi nhận điểm học kì I và biết tin mình tạch Sinh Lý Bệnh :( 
Viết xong 3 câu này thì đám mây đen vừa đi bớt giờ lại ùn ùn kéo đến rồi.

" Có mỗi thế mà cũng đen với tối, lên đây để kêu ca chứ làm gì !?"
Ai chưa trải qua được thì cũng khó mà hiểu nổi.
Một đứa bạn mình học Y Hải Phòng, nó kể đi trực cũng không vất vả lắm, được gặp và học cùng nhiều anh chị và các bạn, đi trực với nó cứ như "thiên đường"
Con bé 20 tuổi này nghe thế là sướng lắm, cứ mong được đi trực.
Thực tế luôn khác với tưởng tượng. 
Thời gian trực ngày thường từ 6h00 chiều đến 6h00 sáng hôm sau. Có thể ngủ nhưng chỉ sau 12h đêm, phải chia ca ra để trực.
Thứ 4, ngày 8.1.2020.
Đêm trực đầu tiên của mình.
4h45p chiều mình đã rời khỏi nhà, đến nơi là 5h30, sớm hẳn gần 30 phút.
Đứng đợi đợi cả nhóm trực đến rồi tất cả cùng đi vào, sẵn sàng tiếp nhận nhiệm vụ được giao.
Cảm giác phấn khích xen lẫn lo sợ lúc đó có thể so sánh với lúc đứng trên cái nhà cao 5 tầng đeo dây an toàn và chuẩn bị nhảy xuống trong một trò chơi mạo hiểm mình từng chơi. 
Nhưng đi trực cấp cứu có mối nguy hiểm hơn, đó là đối mặt với người đi cùng bệnh nhân, có thể là những người nhà nóng nảy, hay thậm chí là giang hồ cùng phe phái với bệnh nhân, tệ hơn là giang hồ mà đang truy lùng bệnh nhân. 
-> Cách đối phó duy nhất của mình là mặc một chiếc quần rộng rãi thoải mái và một đôi giày lười êm ái hỗ trợ cho mình trong việc chạy thật nhanh :)
    6h00 chiều
Tất cả cùng khoác áo blouse, bay phấp phới trong gió, bước chân vào khoa, cảm giác như biệt đội siêu anh hùng bước ra giải cứu thế giới :3


Đọc thêm:

 Cũng như nhiều công việc khác. Đi trực cũng có cái mình thích và cái mình không thích.
"Phần hay phải luôn để đến cuối buổi diễn"- trích câu nói từ người mà mình cũng không biết là ai.
Cho nên mình sẽ nói những điều khi đi trực làm mình không thích trước.

1. Ngủ quá ít.

    Một ca trực không phải vào cuối tuần thì kéo dài 12 tiếng đồng hồ. 
    6 tiếng đầu, cả nhóm cùng trực.
    6 tiếng sau, cả nhóm chia đôi một nửa ngủ từ 12h-3h sáng, một nửa từ 3h-6h sáng.
    Phòng ngủ có 4 cái giường tầng dành cho tất cả sinh viên đi trực. Phải nằm chung chật chội+ tiếng gáy to hơn tiếng trống trường em + gió đẩy cửa kêu cót két, ngủ được hơn 1 tiếng là cả một kì tích. 
Hôm sau bọng mắt thâm quầng và cằm mọc thêm một chiếc mụn bé không xinh.
Về đến nhà, mình phải ngủ đến gần 12 tiếng mới có thể bù lại được.

2. Đứng và đi lại quá nhiều. 

Trong suốt 12 tiếng, trừ 3 tiếng nằm nghỉ, trừ những lúc viết bệnh án, trừ lúc ra ngồi nghỉ để đi ăn, mình gần như đứng và đi lại liên tục.
Đôi Vans lười kẻ caro có vẻ cũng chả giúp ích gì được cho tấm lưng đang gào thét vì mỏi kia nữa. 

3. Tiếp xúc với bệnh nhân.

Tiếp xúc ở đây không phải về vấn đề giao tiếp hay ngại tương tác với mọi người.
BN vào cấp cứu ở Việt Đức này thì có đủ các kiểu tai nạn: tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông, gãy xương kín, gãy xương hở, mất tay, chân, suy hô hấp,... và dĩ nhiên, kèm theo nhiều máu me.
Mình từng là đứa khá sợ đau. Xem phim mà diễn viên bị đâm hay chém thôi là cũng thấy đau thay cho họ rồi. Huống chi trong một đêm phải tiếp nhận hơn trăm ca như vậy, quả là hơi quá sức. 

Đọc thêm:

4. Chứng kiến bác sĩ không thể cứu chữa và bệnh nhân phải ra về.

Một ca mình ấn tượng sâu sắc nhất là một bệnh nhân còn rất trẻ, sinh năm 2001, vào viện vì tai nạn giao thông, đa chấn thương.
Lúc vào phòng hồi sức 1, mặt mũi BN đều sưng phù, thâm tím, không nhìn ra được hình dạng ban đầu, máu chảy ra khắp từ mũi, miệng.
Bác sĩ thực hiện một vài thao tác để giảm áp lực tim đồng thời ép tim cấp cứu cho bệnh nhân. 
Máy đo nhịp tim liên tục nhảy số lên rất cao, có lúc là hơn 200, máy hiện đèn màu đỏ, nhấp nháy, kêu bíp bíp liên tục. Sau đó, hàng chục con người, là các sinh viên, bác sĩ nội trú rồi cả bác sĩ là nam, lần lượt thay nhau ép tim cho BN gần 2 tiếng đồng hồ. 
Mình lúc đó đang đứng ngay bên cạnh để bóp bóng cho một bệnh nhân nữ, chứng kiến hết từ lúc BN được đưa vào cho đến lúc bác sĩ lắc đầu báo với người nhà đưa BN ra. 
Đó cũng là lần đầu tiên của mình phải chứng kiến sự mất mát.

U tối thế đủ rồi, giờ phải níu lại chút ánh nắng xua tan mây mù chứ nhỉ!
Những điều mình thích khi đi trực:

1. Đi phụ tiểu phẫu.

Đang đứng lơ ngơ ngoài hành lang tìm việc để làm thì một anh bác sĩ nội trú kêu: "Y3 à, lần đầu đi trực à, vào đây phụ tiểu phẫu!"
"Ô thôi xong, đã biết gì đâu :'( " Khóc thét trong lòng.
Vào thay quần áo phòng mổ, đeo găng tay khẩu trang, đứng phụ cho anh chọc hút dịch màng phổi cho một BN nam đã khá già, biểu hiện khó thở.
Có những lúc BN đau đớn cựa mình, hay làm di chuyển tấm săng mổ, mình là người giúp giữ bệnh nhân ổn định, thi thoảng động viên hỏi thăm bệnh nhân, thi thoảng được hút dịch. 
Cũng không vui gì khi nhìn BN phải đau đớn, nhưng mình vui vì mình đã ở đó giúp BN bớt đau đớn đi phần nào và góp ít công sức và kiến thức bé nhỏ của mình.
Phụ xong, anh nội trú còn mời mình một chai nước trà mà nhất thiết không cho mình mua nước lọc :> Đáng yêu thật ý :3

2. Tiếp xúc được với nhiều đối tượng khác nhau.

Bác sĩ, bác sĩ nội trú, các chị, các cô điều dưỡng, sinh viên trường khác tất cả đều giúp mình học hỏi được thêm nhiều điều.
Chứng kiến mọi người đều làm việc toàn tâm toàn ý, cùng với một mục đích cứu chữa bệnh nhân, một kíp mổ có thể phải đứng liên tục trong 5 tiếng, mình càng thấy thêm thương những người làm nghề y.
Tiếp xúc với bệnh nhân cũng không phải một điều hoàn toàn tệ. Trò chuyện hỏi thăm bệnh nhân và gia cảnh của họ giúp mình hiểu và cảm thông nhiều hơn.
 Lâu rồi mới viết văn cảm nghĩ dài như thế này :) 
Văn không hay, nhưng chân thực nghĩ gì nói nấy.
Cảm ơn bạn đã đọc đến tận đây <3 
Viết đến đây xong bỗng thấy lòng mát mẻ rực rỡ nắng như cái nắng sớm mùa thu :> 
Gửi tặng bạn chút nắng của mình.
Suy cho cùng, làm nghề Y tuyệt vời mà nhỉ!