Phần 2 : Passing away

Lần đầu tiên tôi thấy một ai đó qua đời, là hồi 7 tuổi, mùa hè năm đó, trời cũng nóng đổ lửa như năm nay, bà nội tôi đổ bệnh rồi ra đi. Lúc đó còn bé, tôi chỉ biết nội ốm nặng từ lâu, hôm đó vẫn tới trường như ngày thường, nhưng lúc về đến nhà, tôi thấy nhà tôi đông đúc lạ thường, ai cũng im lặng, cha tôi thì ngồi một góc, và khóc. Lần đầu tiên tôi thấy cha khóc. Tôi biết rằng nội đã đi. Hôm sau trước lúc đưa nội ra nghĩa trang, tôi được vào gặp nội lần cuối. Tôi thấy nội nằm đó, hiền hậu và yên bình, lâu lắm rồi từ lúc phải chịu những cơn đau của bệnh tật tôi mới thấy nội dễ chịu như thế . Bất giác tôi trong lòng tôi vui, vui cho nội.
Lần thứ hai, là cô giáo tôi, năm đó tôi 9 tuổi, cô giáo bị tai nạn giao thông trên đường đi dạy về. Chỗ xảy ra chuyện, là con đường cái gần nhà tôi. Lúc đó, vừa đi học về, tôi đang bắn bi với thằng bạn nhà bên. Nghe chuyện, hai thằng chạy một mạch ra đường. Ở đó, xung quanh cái xe tải màu xanh, đông đúc lạ thường, mọi người ồn ã, bàn tán xôn xao. Hai thằng nhóc bọn tôi len lỏi chui vào trong. Tôi thấy bên đường là cô giáo tôi ở đó, được người ta đắp một manh chiếu lên trên, bên cạnh là mẹ cô, đang khóc ngất đi. Lúc đó tôi sốc, sốc thực sự. Thực lòng đó là cú sốc đầu tiên trong đời tôi. Tôi chẳng hề chuẩn bị cho sự mất mát này, tôi chỉ vừa gặp cô sáng nay, nghe cô giảng bài, truyện đọc về cậu Dế Mèn bênh vực kẻ yếu. Đến bây giờ, thỉnh thoảng vào tiệm sách nhìn thấy cuốn Dế Mèn phiêu lưu ký của bác Tô Hoài, tôi lại chạnh lòng, buồn và thương cô nhiều lắm.
Dế Mèn bảo vệ chị Nhà Trò - bài học cuối cùng với cô giáo

Đọc thêm:

Rồi tôi xa nhà lên tỉnh trọ học, may mắn thay tôi không phải gặp một sự mất mát của người thân nào nữa, tôi cũng quên dần đi cảm giác đón nhận sự ra đi của một ai đó như thế nào. Thời gian trôi từ từ và tôi bước vào năm thứ 3 đại học, đám sinh viên bọn tôi được nhà trường phân công  đi trực đêm ở các bệnh viện. Mỗi đứa một khoa, có khoa vất vả quá thì hai ba đứa. Công việc có có nơi nặng nề, nơi nhẹ nhàng, chủ yếu là phụ giúp anh chị trong khoa, từ những việc nhỏ nhất như vận chuyển bệnh nhân, đưa mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Rồi thì theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp của bệnh nhân trong khoa, hay thỉnh thoảng anh chị bác sĩ đến đi buồng thì lăng xăng đi theo để xem khám bệnh, rồi cũng xin khám "ké". Đêm đầu tiên đi trực ở viện, giống như ngày xưa nghe mẹ kể chuyện rồi nằm mơ vậy, thế giới mà trước giờ mình chỉ được đọc trong sách, mong ngóng từng ngày, nay được bước chân vào. Ôi kì diệu lắm.
Nhưng đó là niềm vui, mà ở đời thực thường cái gì vui thì ngắn ngủi. Đêm đó, là đêm thứ hai tôi đi trực, cảm giác háo hức thì vẫn như lần đâu, nhưng đỡ bỡ ngỡ hơn, tôi tự tin hơn nhiều. Khoa tôi trực đêm nay là Cấp cứu Tim mạch (cardiovascular emergency), ấn tượng với tôi lúc vừa đến nhận ca trực, là tốc độ. Thời gian ở đây như trôi nhanh hơn gấp đôi thế giới bên ngoài cánh cửa. Mọi người bước đi nhanh hơn, nói nhanh hơn, làm mọi việc cũng nhanh hơn bình thường. Lúc mới bước vào, tôi nghĩ mình giống con lười đứng trước con thỏ trong bộ phim hoạt hình Zootopia vậy.  Phải mất một lúc lâu tôi mới hòa nhập được. Vừa nhận trực, thay vội bộ quần áo, tôi được gọi thẳng vào phòng bệnh. Lúc tôi đến, trong phòng đã có 3 người. Bên góc phải, một bác sĩ lớn tuổi đang đứng quan sát, bên góc trái chị điều dưỡng đang bận bịu lấy đường truyền tĩnh mạch (lấy ven), và chính giữa phòng, cạnh giường bệnh là anh bác sĩ trẻ mặt đỏ gay đang hì hục ép tim cho bệnh nhân (CPR). Tôi vội vàng đeo găng. Rồi 10 phút trôi qua, chưa có gì tiến triển, tôi được chỉ định vào thay ca cho anh bác sĩ đã đứng ép tim liên tục trước đó. Ép tim với tôi không phải là lạ, tôi đã làm rất nhiều lần ở mô hình trong trường đại học, nhưng nói thật với bạn, cứ cái gì lần đầu, đều run lắm. Tôi vâng một tiếng rõ to, rồi hít sâu, đặt 2 bàn tay đan vào nhau, nhón người lên cao, tôi lần lượt thực hành những gì mình đã được dạy. 
Hồi sinh tim phổi - CPR (ảnh vui thôi nhé)
Hai anh em tôi lần lượt thay nhau vào ép tim cho bệnh nhân, thỉnh thoảng lại ngưng vài giây để kiểm tra tim đã có trở lại chưa. Nhưng vẫn chưa, chúng tôi lại tiếp tục. Phù, phù, đến lúc này thì tôi vừa ép vừa thở phì phò, mặt tôi đã biến sang màu đỏ, đầu tôi chẳng nghĩ gì nữa, cứ lên xuống đều đều theo nhịp . Khoảng 20 phút sau,thì bác sĩ yêu cầu chúng tôi dừng lại. Tôi ngẩng mặt lên, nhìn mọi người. Mọi người không nhìn tôi, mọi người đang tập trung nhìn vào nhưng đường kẻ lên xuống trên máy monitor điện tim. Dòng điện tim yếu ớt đã xuất hiện trở lại rồi. Tôi thở phào. Thở phào vì tim bệnh nhân đã tự đập trở lại, thở phào vì 2 anh em được kết thúc hồi sinh tim phổi. Ép tim ấy, mệt, mệt lắm bạn ạ. 
Đọc thêm:



Sau khi có tim trở lại, bác sĩ vừa quan sát, vừa đọc bệnh án, rồi khám lại bệnh nhân, rồi bước ra cửa khoa cấp cứu, gặp người nhà. Sau đấy, những gì tôi thấy được là những giọt nước mắt của con gái bệnh nhân. 
Nhưng không như tôi nghĩ, đời không phải là một bộ phim truyền hình Hàn Quốc, và những giọt nước mắt kia, không phải là những giọt nước mắt hạnh phúc. Bệnh nhân hôm đó là một cụ già, tám mươi hai tuổi, tiền sử bệnh lý tim mạch nặng nề kèm theo nhiều bệnh mạn tính khác, đã vào viện và nằm ở khoa cấp cứu tim mạch gần 20 ngày. Bác sĩ cho phép người nhà vào phòng bệnh. Mọi người bước vào, đứng quây xung quanh giường bệnh, ôm lấy nhau, rồi cùng ôm lấy cụ. Ai cũng sụt sùi, bác gái trước đó đã cố kìm lòng, nhưng lúc ôm lấy mẹ mình, bác nức nở như một đứa trẻ con. Chỉ mỗi mình cụ nằm đó, lặng yên. Tôi đứng sững, nhớ lại cảnh tượng hệt như cách đây 13 năm ở nhà tôi, lúc bà tôi mất. Chỉ khác rằng, lần này, tôi đứng ở cửa phòng, quan sát. Và rồi tôi biết rằng, đó là điểm kết thúc cuộc đời của bệnh nhân. Thật không vui, tôi chứng kiến những giây phút cuối cùng đó.
Bệnh nhân sau đó được hội chẩn liên khoa, nhưng tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao, nên gia đình đồng ý xin đưa bệnh nhân về nhà. Tôi nghĩ, tất cả đã làm hết sức mình, 20 ngày chiến đấu ở khoa cấp cứu, là một quá trình dài. Rồi cuối cùng, nếu được lựa chọn, chẳng một ai muốn xa rời cõi đời này trên giường bệnh, giữa những người xa lạ. Họ muốn được ra đi nhẹ nhàng trong vòng tay những người thân yêu, bên bố mẹ, bên con cái, trong căn nhà bao nhiêu năm vẫn ôm ấp họ.  
Tôi suy nghĩ hết mất một tuần, bệnh nhân đầu tiên ra đi dưới ta mình, quả là không dễ dàng, tôi cũng chưa sẵn sàng tâm lý cho lần đầu tiên đó. Nhưng rồi, dần dần về sau, môi trường này làm tôi cứng cáp lên, mỗi khi thấy bệnh nhân tình trạng nặng, tôi ít cảm xúc hơn, thay vào đó là những suy nghĩ về diễn biến của bệnh, về nguyên nhân và cách xử trí phù hợp. Trước đây tôi buồn, nhưng bây giờ tôi muốn mình có trái tim lạnh hơn - để luôn giữ tỉnh táo. 
Gần đây, được người bạn rủ nghe Supermarket Flowers của Ed Sheeran, tự nhiên tôi nhớ đến bà tôi, nhớ đến lúc bà ra đi, rồi muốn kể ra vài dòng như vậy thôi.