Với mình thì việc cảm thấy không ổn định là cảm giác nên có ở tầm tuổi mình bây giờ.
Hôm nọ sau giờ làm, mình lân la đến anh tiền bối làm ở chỗ mình để nói chuyện phiếm. Mình kể về việc mình học gần xong khóa thạc sỹ rồi mà mình vẫn chưa biết mình sẽ theo hướng nào. Anh ấy tỏ ra vô cùng kinh ngạc, kêu rằng bây giờ thì có thể chấp nhận được, chứ ít nhất sau khi thực tập xong thì mình phải biết mình muốn làm gì sau này chứ.
Hôm đấy trên đường đi về , mình cứ suy nghĩ mãi về câu nói này của anh.
Tại sao cần phải hình dung ra một cái kết rõ ràng nhỉ?
Trong cuốn "The Seven Habits of Highly Effective People", tên tiếng Việt là "Bảy Thói Quen Hiệu Quả" của tác giả Stephen Covey, thói quen thứ hai đó chính là "Begin with the End in Mind". Tác giả nhắc đến việc hành động của bản thân dựa trên bộ nguyên tắc - Personal Mission Statement - mà chính người đó tự định ra. Trích ví dụ đơn giản như sau: Một buổi sáng cuối tuần đẹp trời, bạn dự định ngoài chơi với con của bạn. Lúc bạn chuẩn bị ra khỏi nhà, bạn nhận được cuộc gọi từ sếp của bạn, yêu cầu bạn làm gấp bộ hồ sơ để thứ hai gặp một đối tác quan trọng của công ty. Trong trường hợp này liệu bạn sẽ chọn lựa theo hướng nào?
Chúng ta có thể nhận ra ngay là có hai sự lựa chọn ở đây: Bạn chọn công việc hay chọn gia đình. Việc bạn muốn bạn sẽ muốn trở thành một nhân viên mẫn cán hay là một người cha/mẹ yêu thương con cái của mình sẽ định hình hành vi của bạn. Nhưng sự thật thì câu chuyện hậu trường diễn biến trong não bộ của bạn khó đoán hơn rất nhiều. Cùng một quyết định giống nhau hoàn toàn có thể có nhiều động cơ khác nhau. Giả dụ rằng bạn chọn công việc chẳng hạn, mục tiêu của bạn có thể là do bạn muốn lấy lòng sếp để dễ bề thăng chức, vì thu nhập từ việc làm overtime khá hậu hĩnh, hoặc là bạn chỉ đơn thuần là người vô cùng say mê công việc và muốn dành thêm thời gian cho nó.
Liệu bạn sẽ thắc mắc rằng có bao giờ có chuyện mình vừa là một phụ huynh tốt, vừa có thể có sự nghiệp đáng mơ ước không? Trong cuộc sống ta có thể bắt gặp kha khá nhiều vai diễn đối lập kiểu như thế này. Công việc - Sức khỏe, Trải nghiệm - Ổn định, Bạn bè - Học tập. Một cặp đối lập nữa mà có lẽ là câu chuyện muôn thuở của đa phần các bạn trẻ (trong đó có mình) đều gặp phải: Tình yêu hay Sự nghiệp. Chà, hãy tôi thấy cánh tay của các bạn đi nào! :)
Đây, cánh tay của tôi đây bạn ơi - ảnh từ Dreamstime
Đây, cánh tay của tôi đây bạn ơi - ảnh từ Dreamstime
Lan man đến vấn đề vĩ mô quá. Điều mình muốn đề cập ở đây là: Mình chọn theo hướng nào trong sự nghiệp mới được.
Kiến trúc - xây dựng là một ngành cực kì thú vị. Có rất nhiều vai trò mà bạn có thể thử sức ở ngành này. Bạn đam mê công nghệ? Bạn có thể làm Computational Designer - sử dụng và viết ra công nghệ mới nhất cho ngành xây dựng. Bạn thích thiết kế, thích sáng tạo? Vậy hãy làm mảng Concept Design, thi cử các cuộc thi sáng tác những công trình kiến trúc độc đáo (đương nhiên là hãy chờ đón việc thường xuyên ở lại văn phòng xuyên đêm nhén). Còn nếu bạn thích đi đây đó thì có thể làm Kiến trúc sư công trường. Ngay cả bản thân những vai trò đó cũng đòi hỏi kĩ năng liên ngành khác nhau. Bạn không thể cứ vẽ mây gió mà không hiểu gì về kĩ thuật, hay làm quản lý thiết kế mà không biết về báo giá chi phí xây dựng. Mà này, mình mà kể tiếp thì bài viết này sẽ thành bài viết về chuyên môn chứ chả phải là bài viết nói về sự không ổn định nữa...
Chính vì thế mà mình rất phân vân việc mình chọn theo hướng nào. May mắn thay, mình còn trẻ nên vẫn có thể thử sức ở những lĩnh vực mà mình thấy hứng thú. Nhưng trong sâu thẳm mình, mình biết bản thân muốn trờ thành ai. Mình muốn giải quyết vấn đề. Mình nghĩ mình sẽ gọi bản thân là "người giải quyết vấn đề" thay vì kiến trúc sư. Mình thích cảm giác khi mình xử lý xong một công việc nào đấy, khách hàng hoặc đồng nghiệp cảm thấy nhẹ đi gánh nặng vì nỗ lực của mình. Vì vậy mình chọn đi trên con đường này, trở thành một người siêu tích cực giải quyết vấn đề to nhỏ xung quanh mình. Mình nhận ra việc không ổn định cũng khiến bản thân mình có biên độ làm việc lớn hơn nhiều so với các bạn khác. Mình có thể nói có ở bất cứ vị trí nào, miễn là mình trở nên có ích trong nhóm và được làm thứ mình thấy hứng thú. Thành thật với các bạn, trong ba tuần đầu làm việc, công việc của mình là ngồi sửa vấn đề của... một cái thang ngoài trời. Mình có cơ hội được họp riêng với chú specialist chuyên về kỹ thuật hình học ba chiều, được phép bày tỏ quan điểm về thiết kế cái thang phiền toái này với kiến trúc sư chủ trì dự án và chịu trách nhiệm trực tiếp cho nó. Liệu rằng mình sẽ làm cái thang này mãi? Chắc chắn là không rồi. Ngay sau khi mình sửa xong cái thang, mình được chuyển sang làm dự án trọng điểm của văn phòng mặc dù mình mới chỉ là một thực tập sinh mà thôi.
Cái thang phiền phức cùng với bộ visual script siêu to khổng lồ đi kèm
Cái thang phiền phức cùng với bộ visual script siêu to khổng lồ đi kèm
Vậy là việc bất ổn là tốt hay không tốt đây? Mình nghĩ nếu không nhờ sự khó chịu một cách dễ chịu này, nếu mình không chủ động hăng hái thử sức thì mình sẽ tự mình giới hạn bản thân mình và đánh mất cơ hội mất. Có thể cái cảm giác bất ổn về công việc này sẽ sớm chấm dứt khi mình thật sự biết mình sẽ theo con đường nào trong sự nghiệp của mình, đâu đó ở thì tương lai mình biết rằng sẽ có những vấn đề mới. Mình sẽ nghỉ ngơi đầy đủ và tiếp tục chuyến hành trình bất tận này.
Nhưng mà mình không muốn vẽ thang mãi đâu, thật đấy :(