Hóa học là môn khoa học giúp chúng ta hiểu về thành phần, cấu trúc và nắm bắt sự thay đổi của vật chất. Khái niệm này hẳn ai trong chúng ta đã học một lần trong đời ngay từ lúc ngồi ghế phổ thông. 
Nhưng hóa học, bằng những trải nghiệm cá nhân của tôi, còn dạy cho ta nhiều hơn thế! 
Adenosine triphosphate
Adenosine triphosphate

Năng lượng hoạt hóa

Nôm na, để một phản ứng xảy ra thì ta phải cấp cho nó một lượng năng lượng tối thiểu. Giá trị đó được gọi là năng lượng hoạt hóa. Hiểu đơn giản: không đủ năng lượng, không có phản ứng nào xảy ra cả!Trong đời thường, năng lượng hoạt hóa được cụ thể bằng những cản trở bên ngoài lẫn bên trong đối với cuộc sống của mỗi cá nhân. Điều này đặt biệt đúng khi ta bắt đầu thực hiện một ý tưởng nào đó để phát triển sự nghiệp. 
"Làm chi cho mệt?"
"Sống thực tế lên đi!"
"Nguồn lực ở đâu ra?"
"Làm vầy rồi đi được tới đâu"...
Vượt qua được bằng năng lượng của bản thân, phản ứng bắt đầu xảy ra và sản phẩm cũng bắt đầu hình thành!

Nồng độ quyết định tất cả

Bạn có tin oxy là chất độc?
Thật khó tin nhưng điều đó là có thật.
Khi nồng độ oxy trong không khí vượt ngưỡng thông thường (xấp xĩ 21%), phổi chúng ta có khả năng bị tổn thương, gây ho, đau ngực, hoa mắt, chóng mặt; v.v. Đạt một ngưỡng nào đó, người nhiễm độc có thể được tặng 1 vé làm lại cuộc đời.
Oxy và tình yêu (bạn bè, gia đình, đôi lứa) đều là nguồn sống của chúng ta. Một số người khi yêu thì dành trọn tâm huyết, tình cảm, thời gian cho đối phương. Nhưng cũng như oxy, chỉ khi nào tình cảm ở mức vừa đủ mới giúp mối quan hệ phát triển bền vừng. Thiếu cũng không được, mà dư thì càng dễ hỏng sự liên kết. 
YÊU và ĐƯỢC YÊU quả là một môn nghệ thuật.

Phản ứng chậm quyết định tốc độ tổng thể của một hệ phản ứng

Một số quy trình hóa học được hình thành nên từ một hệ phản ứng gồm nhiều phản ứng đơn. Nếu tốc độ của các phản ứng đơn lẻ đó khác nhau, thì phản ứng nào có tốc độ chậm nhất sẽ quyết định tốc độ phản ứng chung của cả hệ. 
Nguyên tắc này áp dụng rất tốt trong việc xây dựng đội nhóm hay tối ưu các quy trình làm việc. Rà soát tất cả các bước làm việc hay thành viên của nhóm, đánh giá tốc độ của nó, ta sẽ biết được nên cải thiện ở đâu! 
Quan điểm này tương tự qui luật Pareto nổi tiếng (80-20): 80% kết quả thu được thường xuất phát từ 20% nguyên nhân của vấn đề. Ví dụ nổi tiếng nhất là: 80% tài sản thế giới thuôc về 20% dân số thế giới @@.

Vật chất luôn được bảo toàn

Vào năm 1789, nhà hóa học lỗi lạc người Pháp Antoine Lavoiser đã khám phá ra định luật bảo toàn khối lượng của các phản ứng hóa học sau khi làm làm thí nghiệm nung bột kim loại trong các bình kín. Ông phát hiện ra rằng, tổng khối lượng của các sản phẩm phản ứng luôn bằng với tổng khối lượng của các chất tham gia phản ứng.
Qui luật này áp dụng rất tốt để kiểm soát tài chính cá nhân. 
Thu nhập = Chi + Tiết kiệm + Đầu tư
Kiểm soát chi tiêu, tìm cách tăng thu nhâp, có khoản tiết kiệm và đầu tư, v.v., đó đều là những nguyên tắc cơ bản để có một tình hình tài chính tốt đẹp.

Cấu trúc quyết định tính chất

Cấu hình tinh thể của một chất quyết định tính chất hóa học của nó. Ví dụ trực quan nhất về điều này là carbon. Kim cương và than chì đều được tạo nên từ những nguyên tử carbon. Tuy nhiên nhờ vào cấu trúc tứ diện đều, kim cương trở nên rất cứng, rực rỡ và quý hiếm. Than chì thì ngược lại, mềm, dễ bị gãy, và kém giá trị chỉ vì được tạo nên bởi các lớp phẳng.
Trong công việc cũng như đời sống, xây dựng một network mạnh là điều cực kì quan trọng. Không có những mối quan hệ lành mạnh và tích cực, phát triển sự nghiệp là điều rất khó dù nội tại bản thân có tốt đến đâu.

Kết

Thật khó kể hết những sự tương đồng của hóa học và cuộc sống trong một lần. Hẹn post sau!