Hiểu lịch sử Ai Cập để biết tại sao họ sống chết không mở cửa khẩu Rafah?
Sơ lược ngắn gọn về mối thù địch giữa tổ chức Anh em Hồi giáo và chính quyền Ai Cập, để giải thích lý do tại sao Ai Cập vẫn chưa mở cửa khẩu Rafah cho người Palestine
Tựu chung lại cho vấn đề này, và nói rộng ra cho mọi bi kịch trong lịch sử Ai Cập hiện đại đều có thể quy về 4 chữ "Anh em Hồi giáo". Nhiều học giả Ai Cập từng nói rằng, cuộc chiến lớn nhất và xuyên suốt trong lịch sử Ai Cập hiện đại, không phải bất kỳ cuộc chiến nào khác mà chính là cuộc xung đột giữa tổ chức Anh em Hồi giáo và Chính quyền Ai Cập.
Bài viết này không phải là một bài viết cụ thể đầy đủ về lịch sử tổ chức Anh em Hồi giáo này. Mà thực ra, để viết chi tiết đến như vậy nằm ngoài khả năng của một người không phải người Arab bất chấp anh ta có tìm hiểu kỹ đến đâu. Nhưng nó vẫn đủ tổng quát để các bạn hình dung ra được sơ lược lịch sử của nó, mà quan trọng hơn, là đủ tập trung để trả lời câu hỏi chính: tại sao tới bây giờ Ai Cập vẫn không mở cửa khẩu Rafah cho người Palestine?
I/ Anh em Hồi giáo và lần trỗi dậy thứ 1
Một ngày đẹp trời năm 1928, ở nước Ai Cập (bấy giờ thuộc ảnh hưởng của Anh) có một chàng thanh niên trẻ tên Hassan Al-Banna, đi ngoài đường nhận thấy nhiều phụ nữ Ai Cập bỏ khăn trùm đầu của Hồi giáo. Anh về nhà nghĩ "xã hội này tàn rồi!" và bắt đầu từ đó, đi khắp các đường phố và nhà hàng Ai Cập, gào thét các khẩu hiệu ca tụng Hồi giáo, chửi mắng bọn Anh đô hộ và chính quyền thế tục Ai Cập.
Thế mà, rất nhiều người Ai Cập, do chán nản với thời cuộc và ghét bọn Anh đô hộ, đã đổ xô theo Hassan Al-Banna, tự xưng là "Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo" (Muslim Brotherhood, từ nay gọi tắt là MB). 10 năm sau, trước thềm World War II, MB đã vươn vòi bám rẽ khắp thế giới Arab, hàng chục triệu tín đồ xuyên suốt mọi quốc gia.
Đồng thời bấy giờ, chủ nghĩa phát xít đang trỗi dậy ở châu Âu, thách thức các cường quốc thực dân cũ là Anh và Pháp. Hãy nhớ rằng điều gì khiến MB được nhiều người chạy theo ban đầu như vậy: họ chống lại nước Anh!
Vậy nên dù Hassan Al-Banna có nhiều lần cố gắng bào chữa rằng "bọn tao không hợp tác với Đức Quốc xã", thì chẳng mấy ai quan tâm. Hàng chục triệu đệ tử và tín đồ của MB trên khắp các nước Arab đã tôn thờ chủ nghĩa phát xít, thực hiện ý đồ bắt tay phối hợp và rước quân Đức vào nhiều nơi khắp từ Ba Tư (tức Iran), Iraq sang Syria, Lebanon. Các chính quyền thân Đức được lập ra ở Iran, Iraq, Jordan là những quốc gia lúc này đang độc lập, hoặc các tổ chức vũ trang thân Đức được lập ra ở Syria, Lebanon là những quốc gia đang nằm dưới sự ủy trị của Pháp.
Chẳng hạn ở Iraq, tổ chức MB đã lập ra 1 lực lượng vũ trang riêng để chuẩn bị phối hợp với quân Đức Quốc xã do Muhammad Mahmoud Al-Sawaf đứng đầu, gọi là "Lữ đoàn anh em Hồi giáo" (كتائب الإخوان ). Thậm chí kể cả không phải là thành viên MB, thì rất nhiều người dân lẫn chính trị gia Iraq đã đủ hâm mộ Đức Quốc xã để mong hợp tác với họ, như Rashid Ali al-Gaylani.
Tới năm 1940, khi Đức Quốc xã đã khai chiến, các nước Anh Pháp thua như băng lở ở châu Âu, những phần tử MB trên khắp Arab cùng mưu động binh cùng Đức hất cẳng bọn Anh, Pháp giành lại độc lập. Như ở Iraq, quân đội nước này đã tiến hành 1 cuộc đảo chính lật đổ chính phủ để đưa Rashid Ali al-Gaylani - như đã biết, là một người thân Đức Quốc xã lên nắm quyền vào năm 1941.
Không may cho họ, quân Đồng minh đã có sự chuẩn bị đánh dập đầu trước. Ngay khi các cuộc đảo chính thân Đức Quốc xã vừa nhen nhóm, quân đội Anh đã nhanh chóng đổ bộ vào Iraq, Lebanon, Syria nhanh chóng triệt hạ các thành phần thân Đức ở đây. Riêng ở Ba Tư thì quân đội Liên Xô cũng phối hợp tiến vào Ba Tư từ phía Bắc để giúp quân Anh.
Ngoài những nước Iraq, Iran, Syria, Lebanon,... là những nước có phong trào thân Đức mạnh nhất, thì các quốc gia khác phong trào này yếu hơn, và do vậy không gây được nhiều ảnh hưởng đáng kể. Còn riêng ở chính quốc Ai Cập - quê hương của Anh em Hồi giáo, chính quyền Quân chủ thế tục của Ai Cập đã rất mạnh tay dập tắt phong trào thân Đức nguy hiểm này từ đầu, chưa cần tới sự trợ giúp của người Anh.
Do vậy về căn bản, tổ chức Anh em Hồi giáo bị đè nén mạnh trong thế chiến II. Thế chiến kết thúc nhanh sau đó, phe Phát xít thất bại, đồng nghĩa MB chưa thể có cơ hội ngoi lên. Lần quật khởi thứ 1 của họ coi như chấm dứt tại đây.
II/ Lần trỗi dậy thứ 2 - "Vụ án xe jeep" ở Ai Cập
Nhưng đột nhiên tới năm 1948, thời cơ mọc lên: người Do Thái nhảy vào, 1 nhà nước Israel lập ra trên vùng đất mà người Arab gọi là "Palestine".
Dân chúng Arab phẫn nộ, MB thừa cơ trỗi dậy hiệu triệu, lập ra các đội quân tự vũ trang sang Palestine tham chiến, dân chúng lại đổ theo đông đảo. Từ khắp các quốc gia Arab, các lữ đoàn vũ trang của MB đổ dồn về Palestine với khí thế ngợp trời, lẫy lừng khắp vùng Trung Đông.
Thế nhưng, nhà nước thế tục Ai Cập vẫn giữ quan điểm xem MB là 1 tổ chức cực kỳ nguy hiểm, vẫn ngăn cấm ngặt nghèo không cho tổ chức này được tái vũ trang bất kể mục đích có là sang chiến đấu giúp người Palestine đi nữa.
MB vì thế bí mật tích trữ vũ khí lớn, định làm trước hết là một trận đánh ăn thua đủ, lật đổ chính quyền Ai Cập, rồi sau đó mới tính tới chuyện Palestine. Nhưng rồi tháng 11/1948, cảnh sát Ai Cập bắt được xe jeep chở nhiều vũ khí nguy hiểm, từ đó họ phát hiện ra hàng nghìn chứa vũ khí lớn của MB đang trải khắp lòng đất thủ đô Cairo mà không ai biết. Không chỉ có vậy, nhiều thành viên tướng lĩnh cấp cao của quân đội Ai Cập cũng bị phát hiện dính líu, tiếp tay cho MB. "Vụ án xe Jeep" đình đám trong lịch sử Ai Cập bắt đầu từ đây.
Thủ tướng Ai Cập bấy giờ là Mahmoud Al-Nakrashi biết MB phen này quyết chơi lớn, ra lệnh bố ráp khẩn cấp tổ chức MB trên toàn quốc, bắt giữ hàng vạn thành viên của tổ chức này mà không cần điều tra. Nhưng MB không vừa, ngày 28/12/1948 một sát thủ của MB tên là Abdel Majeed Ahmed Hassan đã bất ngờ ám sát giết chết Thủ tướng Ai Cập Mahmoud Fahmy Al-Nakrashi.
Cả nước Ai Cập chấn động. Thậm chí ngay cả "giáo chủ" của MB là Hassan Al-Banna cũng không kiểm soát nổi hành vi đột ngột của những kẻ ám sát tự xưng thành viên của Anh em Hồi giáo. Ông phải thốt lên 1 câu nổi tiếng rằng:
«ليسوا إخواناً وليسوا مسلمين»
Bất chấp lời thanh minh đó của al-Banna, cũng chẳng mấy ai quan tâm. Chính phủ Ai Cập mới của thủ tướng Ibrahim Abd al-Hadi cho quân đội và cảnh sát Ai Cập ra đường tàn sát các thành viên của Anh em Hồi giáo, không cần xét xử. Dân chúng cũng đổ ra đường bạo loạn, người ủng hộ chính phủ và ủng hộ Anh em Hồi giáo chiến đấu với nhau, vô số người thương vong.
Tới ngày 12/2/1949, cảnh sát Ai Cập cho người giết giáo chủ Hassan Al-Banna. Như vậy từ một chiếc xe jeep chở vũ khí bị tịch thu, đã bùng phát bạo lực trong vài tháng khiến 2 nhân vật quan trọng nhất của 2 phe thiệt mạng - thủ tướng chính phủ Ai Cập và giáo chủ Anh em Hồi giáo!
Kể từ đây, mối thù không đội trời chung giữa Anh em Hồi giáo và Chính quyền Ai Cập bắt đầu - và nó sẽ là mối thù địch xuyên suốt chi phối toàn bộ dòng chảy lịch sử Ai Cập hiện đại. Trong những năm 1950s, gần như không ngày nào ở Ai Cập mà không có quan chức chính quyền bị ám sát, hoặc không có thành viên MB bị xử tử. Nó kéo dài ngay cả khi sau này, Nasser làm cách mạng và lập nên chính quyền mới thiên hướng XHCN ở Ai Cập.
Lần quật khởi thứ 2 của MB (ở Ai Cập) coi như kết thúc tại đây!
III/ Anh em Hồi giáo và lần trỗi dậy thứ 3 - Nội chiến Syria
Đây không phải là cuộc nội chiến Syria bắt đầu vào năm 2011. Nó là một cuộc chiến khác diễn ra từ năm 1976, và nếu bạn không biết thì cũng không phải điều gì quá ngạc nhiên - vì không nhiều người ở ngoài các quốc gia Arab biết tới nó.
Số là vào thời Tổng thống Nasser ở Ai Cập, dù đàn áp Anh em Hồi giáo trong nước nhưng lại có 1 điều thế này: Ai Cập và Syria nhập chung 1 nước. Quốc gia đó gọi là "Cộng hòa Arab thống nhất".
Thế là, trong khi bị bóp cổ ở quê nhà Ai Cập, tổ chức MB lại ngầm bén rễ ở Syria. Tới thời điểm những năm 70s, lợi dụng tình thế còn bất ổn sau khi nhà Assad lên nắm quyền, MB nổi lên chiếm cứ miền Bắc Syria, tới năm 1976 thì công khai gây chiến. Về việc nhà Assad đã chiếm được quyền lực ở Syria như thế nào, và Anh em Hồi giáo đã bắt đầu gây chiến vào năm 1976 ra sao, trong khuôn khổ bài này chúng ta tạm thời không bàn tới, có thể để vào bài khác!
Nhưng về căn bản, Tổng thống Syria bấy giờ là Hafez al-Assad giỏi dùng binh, tới năm 1982 quân đội Syria về cơ bản là đánh bại MB, dồn chúng thành 1 đống vào thành phố Hama, lẫn với hàng vạn dân thường. Tình thế về căn bản là giống với dải Gaza hiện tại.
Tại đây, bi kịch xảy ra. Tổng thống Hafez al-Assad chấp nhận quyết định đau đớn, hy sinh tính mạng dân chúng, nã pháo san bằng thành phố Hama. Dân chúng bỏ mạng nhiều, theo nhiều nguồn cáo buộc của phương Tây, lên tới 4 vạn dân chúng đã thiệt mạng. Các nguồn nhẹ nhàng hơn của Syria cũng cho thấy hàng nghìn người chết. Nhưng đổi lại, tổ chức MB bị nhổ tận gốc ở Syria.
Lần quật khởi thứ 3 của MB coi như chấm dứt tại đây tại đây!
IV/ Anh em Hồi giáo và lần trỗi dậy thứ 4 - Phong trào Hamas
Về cơ bản trong suốt Chiến tranh Lạnh, thế giới Arab chiếm ưu thế bởi chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa Hồi giáo bị thất thế. Nói riêng trong vấn đề Palestine, nghĩa là dân chúng đa số theo Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) cánh tả thế tục của lãnh đạo Arafat, và sau này là phong trào Fatah.
Nhưng cuối Chiến tranh Lạnh, Liên Xô dần suy yếu, chủ nghĩa thế tục, cánh tả ở Arab cùng dần kém đi. Lúc này chủ nghĩa Hồi giáo vươn trở lại. Tận dụng điều này, 1 ngày đẹp trời năm 1987, một thành viên MB ở Palestine là Ahmed Yassin đứng ra lập phong trào Hamas.
Thời điểm đó chưa có gì nhiều, nhưng vào năm 2007 thì một sự kiện bước ngoặt diễn ra. Phong trào Hamas bằng một cách thần kỳ nào đó (thần kỳ tới mức nhiều người quy cho Israel can thiệp, tạo ra Hamas để chia rẽ người Palestine), đã chiến thắng trong cuộc bầu cử, hất cẳng phong trào Fatah khỏi dải Gaza. Kể từ đó tới nay, Hamas không cho phép tiến hành thêm 1 cuộc bầu cử nào ở Gaza nữa, do đó họ thiết lập được nền móng vững chắc ở khu đất sát nách Ai Cập này. Coi như lần này là quật khởi lần thứ 4 của Tổ chức Anh em Hồi giáo.
Để hiểu thêm về lần nổi dậy thứ 4 này, ta cần quay ngược thời gian và dịch không gian 1 chút. Vào khoảng đầu những năm 2000s ở nước Syria, tổng thống Bashar al-Assad lên thay cha Hafez al-Assad. Ông tiến hành 1 quãng thời "mềm mỏng" nhẹ gọi là "mùa xuân Damascus" trong đó bao gồm việc xin lỗi về vụ nã pháo san bằng Hama làm nhiều dân thường thiệt mạng năm 1982 (đã nói ở phần III), và từ đó ân xá cho nhiều thành viên của MB đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Syria.
Các thành viên MB được thả khỏi nhà tù nhanh chóng vươn rễ vào trại tị nạn Yarmouk của người Palestine ngay sát Damascus, biến nó thành pháo đài chính trị của Hamas. Khu trại này trước đây vốn là nơi ở của hàng trăm nghìn người tị nạn Syria, nhưng không phải là những người rời Palestine trực tiếp tới Syria sau khi vùng đất bị Israel lấn chiếm. Chính xác, họ là những người Palestine tị nạn ở Iraq và Kuwait trước đây, sau khi chiến tranh Vùng vịnh năm 1991 nổ ra, Iraq xâm lược Kuwait, họ bị cả 2 nước xua đuổi và được Syria cho tị nạn.
Do vậy thời gian đầu, trại Yarmouk của người Palestine không có một phe cánh chính trị nào chiếm ưu thế, kể cả PLO của Arafat cũng khó chen chân vào. Nhưng sau khi các thành viên MB được thả ở Syria, trại Yarmouk nhanh chóng rơi vào ảnh hưởng của tổ chức Anh em Hồi giáo người Palestine - hay cụ thể - là phong trào Hamas.
Rồi tới 2011, "mùa xuân Arab" bản real quét qua, chứ không phải bản nhẹ nhàng "Mùa xuân Damascus" của Syria năm 2000 nữa. Khắp các nước Arab, các chính quyền đổ vỡ như băng lở. Chính quyền thế tục dựa trên nền tảng quân sự của Ai Cập đã vững vàng ngót 60 năm tưởng chừng vô cùng vững chãi, bỗng chốc vỡ vụn. Tổng thống Hosni Mubarak bị phế truất, và bằng một cách thần kỳ nào đó, MB nghiễm nhiên nhảy lên ngồi vào khoảng trống quyền lực.
MB đưa thủ lĩnh của họ là Mohammed Morsi lên làm Tổng thống Ai Cập, toàn bộ lịch sử MB, chưa bao giờ tới được mức này! Đây là lần duy nhất, phong trào Anh em Hồi giáo đánh bại được chính quyền Ai Cập!
Ở Syria, loạn cũng nổ ra thành nội chiến, quân nổi dậy khắp nơi đánh phá chính quyền nhà Assad. MB cũng nhanh chóng nhảy vào, miền Bắc thì chiếm cứ Hama, Aleppo,... miền Nam thì dựa trại Yarmouk đánh phá Damascus, uy thế chấn động, tưởng chừng sắp nuốt được đất nước.
Nhưng không được lâu. Ở Ai Cập quân đội chỉ mất 2 năm để tái lập trật tự. Quân đội Ai Cập làm đảo chính lật đổ Morsi năm 2013, đưa tướng quân đội Abdel Fatah el-Sisi lên làm Tổng thống. Sau đó, họ tiến hành cú đấm thép trả thù tàn khốc Anh em Hồi giáo. Những bản tin về các phiên tòa Ai Cập xét xử Anh em Hồi giáo, kết thúc với từ hàng chục tới hàng trăm bản án tử hình cho các thành viên không còn xa lạ với người dân Ai Cập. Thậm chí tới mức, một đồng minh viện trợ quân sự cho Ai Cập là Mỹ phải dọa cắt viện trợ 1,3 tỷ USD hàng năm cho Ai Cập, vì việc kết án tử hình vô tội vạ như vậy là "vi phạm nhân quyền"
Ở Syria, nhà Assad có Nga và Iran chống lưng cũng phản công lại. Trại Yarmouk bị phá, quân Assad cũng chiếm lại hết miền Bắc. Quân MB thua hết, không giữ lại được nhiều, phần còn lại ở Đông Bắc cũng chủ yếu là các lực lượng nổi dậy khác chiếm giữ.
Thế nhưng, ta chưa thể nói lần quật khởi thứ 4 của Anh em Hồi giáo đã kết thúc. Nếu để ý bạn nhận ra ngay: MB vẫn còn ở Gaza nữa dưới lá cờ Hamas!
Và không chỉ có thế, hiện nay tổ chức MB còn lực lượng ở cả miền Tây Libya chiếm Tripoli, được Thổ Nhĩ Kỳ chống lưng. Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar là 2 nước đỡ đầu, tài trợ cho phong trào MB ngày nay. Vấn đề này ta tạm không nói trong bài này.
Ngày nay Hamas vẫn cắm rễ sâu ở dải Gaza, và lực lượng MB ở Libya cũng đang khá vững chắc, chưa có dấu hiệu gì là sẽ sớm bị dẹp bỏ. Lại thêm đảng của tổng thống Erdogan vẫn quá mạnh ở Thổ Nhĩ Kỳ, và hoàng gia Qatar vẫn còn quá giàu, nên tiền và súng bơm cho MB vẫn còn rất dồi dào.
Thế nên, đọc mỏi mắt cả bài trên, các bạn phải hiểu cái cơ bản đầu tiên (còn nhiều cái, nhưng tạm thời chỉ nói điều gần gũi nhất):
Chừng nào Tổ chức MB chưa bị nhổ tận gốc ở Gaza thì Ai Cập không bao giờ liều lĩnh mà mở cửa khẩu Rafah lần nữa!
Chúng ta rất dễ bắt gặp, hoặc tự thân chúng ta, quăng những lời chửi mắng nhằm vào Tổng thống Ai Cập el-Sisi, cho rằng ông ta "vô nhân đạo" khi đóng chặt cửa khẩu Rafah mặc cho hàng triệu người Palestine đang lâm vào hiểm cảnh.
Nhưng dễ như thế thì cũng có nghĩa chúng ta quá dễ dãi và non nớt, khi bản thân chưa có bất cứ kiến thức gì về lịch sử - chính trị khu vực. Nếu đã đọc dù chỉ sơ lược nhất lịch sử Ai Cập hiện đại, các bạn sẽ nhận ra ngay 2 điều:
1 - Tổ chức Anh em Hồi giáo là kẻ thù không đội trời chung với chính quyền Ai Cập. 1 bên còn thì bên kia phải bị tiêu diệt, không thể cùng tồn tại
2 - Phong trào Hamas ở Palestine chính là 1 chi nhánh của Tổ chức Anh em Hồi giáo
Kết hợp 2 lý do trên, thì dù là tổng thống el-Sisi hay bất kỳ ai khác làm Tổng thống Ai Cập, cũng sẽ hiểu rằng: mở cửa khẩu Rafah cũng đồng nghĩa mở cánh cửa chết chóc lên người dân và chính quyền Ai Cập. El-Sisi quá hiểu lịch sử để biết rằng mình sẽ trở thành một Thủ tướng Al-Nakrashi thứ 2, một Tổng thống al-Sadat thứ 2 (ông này bị MB ám sát năm 1981), hay chỉ đơn giản là bị lật đổ, trở thành Tổng thống Mubarak thứ 2
Chúng ta không nên chửi Ai Cập hay bất cứ thằng Arab nào khác vô nhân đạo, không mở cửa khẩu cho người Palestine, khi mà chưa đọc lịch sử nước họ, chưa đọc về lược sử tổ chức Anh em Hồi giáo!
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất