Chúng ta có ba cái tên quen thuộc với bất kỳ ai từng đọc về cuộc chiến Thái Bình Dương : Sakai Saburou, Nishizawa Hiroyoshi, và Ohta Toshio.


Samurai trên bầu trời

Với những phi công Nhật, Zero giống như thanh kiếm Katana của họ. Nó sắc gọn, nhanh nhẹn, tuy rằng sức mạnh về cả khả năng tấn công lẫn phòng thủ là hơi yếu một chút - nhưng thế có lẽ là đủ. Hầu hết các phi công giỏi trong thế chiến thứ hai đều đặt tính năng cơ động đứng cao hơn tốc độ, và Sakai Saburou là một người như thế.

Được biết đến ở Nhật lúc bấy giờ như là người anh hùng lái chiếc A5M4 đơn độc đuổi theo 12 máy bay ném bom Tupolev SB của kẻ địch, Sakai nhanh chóng được giao nhiệm vụ thử nghiệm thực chiến chiếc A6M2 Zero trên những căn cứ đất liền. Các chỉ huy Không lực Hải quân đã không chọn lầm người : ngay lần xuất kích đầu với Zero, ông bắn rơi một chiếc P-40 Warhawk, và ngày hôm sau thì ông bắn hạ thêm một chiếc B-17 Flying Fortress cùng với những đồng đội của mình. Cứ mỗi lần xuất kích là Sakai lại kiếm được thêm vài chiến công nữa.


Sakai Saburou. "Các chú lườm cái gì".


Nishizawa Hiroyoshi được biết đến muộn hơn, và thành công hơn. Tới năm 1942, ông vẫn còn bay trên một chiếc A5M4 cũ kĩ, cho tới khi ông bắn bị thương chiếc PBY Catalina đơn thương độc mã, và được chuyển sang lái chiếc A6M2 với số hiệu đuôi 108. Chiếc máy bay của Nishizawa sớm được sơn lại thành con số 105 huyền thoại - con số này nhanh chóng trở thành nỗi khiếp sợ đối với phi công Đồng Minh, khi ông "làm thịt" 6 tiêm kích F4F Wildcat phe Đồng Minh chỉ trong vòng 72 giờ đồng hồ trên bầu trời New Guinea.

Kẻ thù gọi ông là "Quỷ dữ từ Rabaul", bạn bè thì gọi ông là "sát thủ ít nói". 


Hiroyoshi Nishizawa


Đồng hành với Nishizawa và Sakai ở Guadacanal là Ohta Toshio, một phi công tài năng khác của Hải quân Nhật Bản. Trái với ông bạn ít nói, Ohta là một kẻ hoạt náo, thích ăn chơi sau những giờ bay căng thẳng. Ông đã từng nói với bạn bè rằng "đáng ra tao nên ở nhà và quẩy trong mấy hộp đêm chứ không phải ở đây". Hừm....

Bộ ba Sakai, Nishizawa và Ohta sát cánh với nhau ở Lae, New Guinea trong nhiều phi vụ, và nổi tiếng nhờ cả những chiến công "quét sạch kẻ địch" lẫn việc... giỡn mặt khả năng phòng không của đối phương : trong một lần hoàn thành phi vụ tấn công cảng Moresby, bộ ba này đã bổ nhào và "múa" lượn vòng trên đầu căn cứ kẻ địch ba tới bốn lần liên tiếp, chọc tức kẻ thù trước khi bỏ đi.

Ohta Toshio


Ngày hôm sau, máy bay ném bom Đồng Minh đã thả xuống Lae một lá thư với nội dung : "Cám ơn các bạn vì những màn thao diễn trên không tuyệt vời bởi ba phi công. Xin gửi sự quan tâm của chúng tôi đến họ kèm thông điệp : lần tiếp theo các anh bay trên đầu sân bay của chúng tôi, chúng tôi hứa sẽ sẵn sàng đáp lại bằng màn hoả lực nồng nhiệt nhất".

Tất nhiên là cả ba phi công bị khiển trách vì trò đùa dại của mình, đặc biệt là "kẻ đầu têu" Nishizawa. Đó chỉ là thể hiện ngoài mặt, còn về thực tế thì chỉ huy Sasai Junichi của không đoàn Tainan lại rất tự hào với màn biểu diễn của bộ ba.


Những ACE của Không đoàn Tainan ở Lae

Không đoàn Tainan, sau khi chuyển tới Rabaul


Đơn vị của Sakai, Nishizawa và Ohta được chuyển về Rabaul cũng với sự thoái lui dần của Nhật ở Solomon - và vấn đề khi đặt căn cứ ở quá xa chiến trường chính là phi công nhanh chóng mệt mỏi lẫn mất sức sau những chuyến bay dài. Lượng phi công mới để bù đắp công việc cho các phi công gạo cội là quá ít ỏi, và theo truyền thống kiểu Nhật, các "senpai" như Nishizawa hay Sakai mới là người bay chính, còn mấy nhóc "kouhai" mới ra chiến trường ít được tham gia nhiệm vụ hơn, chủ yếu là bị các phi công già dặn hơn sai vặt.

Đừng ngạc nhiên; ngay cả Sakai hồi mới bắt đầu sự nghiệp quân trường của mình cũng  phải lau sàn tàu hàng ngày và liên tục bị bắt nạt bởi các sĩ quan Hải quân khác. So với các chỉ huy khác, Sasai còn là người dễ chịu chán - nếu không bộ ba giờ này cũng đã ăn no hành.


Chỉ huy của bộ ba tại Lae và Rabaul, Sasai Junichi. Phía sau là một chiếc P-40 Warhawk


Một lý do nữa là nếu tung các phi công non nớt ra mà không có đủ các phi công già dặn kèm cặp, họ gần như không có cơ hội trở về. Những chiếc máy bay Nhật mỏng manh, đổi vỏ giáp lấy tốc độ - tầm bay không dành cho phi công bất kì cơ hội thứ hai nào : anh tiêu diệt kẻ địch, hoặc kẻ địch tiêu diệt anh. Trong khi đó, rất nhiều phi công Mỹ sống sót của các trận không chiến với hàng chục vết đạn trên thân máy bay và tiếp tục tôi rèn sau những lần thất bại. Ngay cả khi không thể hạ cánh, như trong trường hợp của phi công từ Hornet Yorktown, họ sẵn sàng hạ cánh xuống biển, chờ đồng đội giải cứu và tiếp tục quay lại chiến trường.

Người Mỹ hiểu rằng : nền công nghiệp của họ chỉ sản xuất được máy bay, chứ không sản xuất được con người. Đó là công việc mà tiền tuyến cần phải thực hiện với các tân binh.


TBF Avenger hạ cánh trên mặt nước biển San Hô


Hậu quả và hiệu quả của hai cách đưa phi công ra chiến trường ngày càng hiện rõ sau mỗi trận chiến. Trên bầu trời Henderson, rất nhiều máy bay Nhật đã bị bắn rụng cùng với phi công, còn các phi công Mỹ lại sống sót sau khi rơi và quay trở lại đơn vị, nhờ vậy tỉ lệ thương vong là rất thấp. Trên biển, trận Santa Cruz trước đó không lâu là một minh chứng rõ rệt : Mỹ mất 26 phi công, trong khi con số của Nhật là 148 phi công - 23 trong số đó là các chỉ huy phi đội tài ba. Nhật chiến thắng trên biển, nhưng đó là những chiến thằng kiểu Pyrros.

Sự mệt mỏi của những phi công ngày càng thể hiện nhiều qua báo cáo. Phi công giỏi liên tục rơi rụng. Hiệu suất bay ngày càng thấp dần.


B5N2 "Kate" của Hải quân Nhật, trúng hoả lực phòng không và bốc cháy


Bi kịch đã tới với Sakai trong một lần ngồi trên máy bay với đầu óc căng thẳng quá mức. Không thể phân biệt được những chiếc SBD Dauntless (hoặc TBF Avenger, theo như hồi ký của Sakai) với tiêm kích Wildcat, ông lao vào tấn công cùng 3 đồng đội của mình; kết quả là 2 đồng đội trẻ của ông bị hạ gục, buồng lái của ông bị phá nát bởi đạn 7,62mm, trong khi đạn súng máy găm thẳng vào vỏ hộp sọ. Mắt phải và tay trái của ông giờ đây gần như vô dụng. Sakai định tìm kiếm một tàu chiến của Mỹ và đâm vào đó - nhưng sau khi trấn tĩnh lại, ông quyết định điều khiển máy bay với một bên thân tê dại và quay về Rabaul.

Sau khi vượt qua chặng đường 1000km, bốn lần lượn vòng lấy thăng bằng trên bầu trời Rabaul và một lần hạ cánh không thành, cuối cùng Sakai cũng đáp xuống sân bay trước sự ngỡ ngàng của toàn bộ nhân viên điều tiết không lưu. Ông quyết không nhận bất kỳ hỗ trợ y tế nào khi chưa được gặp mặt chỉ huy Sasai và báo cáo nhiệm vụ lên ban chỉ huy, sau đó đích thân Nishizawa cùng Sasai và Ohta đưa Sakai nhập viện. Phi công tài năng của Hải quân Nhật Bản trải qua cuộc phẫu thuật suốt nhiều tiếng đồng hồ sau đó để gắp viên đạn ra khỏi hộp sọ mà không cần gây tê hay gây mê.


Sakai bước đi với khuôn mặt đẫm máu


Cận cảnh khuôn mặt của Sakai sau khi bị thương và hạ cánh


Việc phẫu thuật dã chiến ở Rabaul không thể hồi phục hoàn toàn được cho Sakai, nên cuối cùng ông được gửi về Yokosuka, Nhật Bản để tiếp tục điều trị nhằm hồi phục một phần thị lực cùng di chứng liệt nửa người. Trước khi quay về Nhật Bản, Sasai Junichi còn trao lại cho Sakai một thắt lưng hình đầu hổ và nói với ông rằng : "Hãy quay về Nhật Bản, rồi sau đó nhớ quay lại đây, tôi sẽ chờ cậu ở Rabaul".

Số phận thì không chờ đợi Sakai. Ngày 26 tháng 8 năm 1942, Sasai bị phi công Mỹ Marion Eugene Carl bắn hạ, và hai tháng sau, ngày 21 tháng 10, Ohta Toshio cũng bị hạ dưới tay Marion. Chỉ còn Nishizawa là còn sống sót để đến thăm Sakai trong bệnh viện; lúc này, Không đoàn Tainan đã gần như rơi rụng hết, phải chuyển về Nhật sau những thất bại ở Solomon và sự bao vây của Mỹ. Lời hứa về ngày trở lại đã không thể trở thành sự thực.


Nước đến chân mới bắt đầu nhảy

Tình trạng của các phi công mới chỉ là một phần của thảm hoạ. Văn hoá bảo thủ của giới quân sự và các tổ hợp công nghiệp chiến tranh Nhật Bản tiếp tục góp phần bóp nát nỗ lực chiến tranh trên Thái Bình Dương, đẩy Nhật vào góc chết không thể nào thoát ra được.


Lấy ví dụ về bộ ba của Không lực Hải quân lúc bấy giờ là A6M2 - D3A1 - B5N2. Các tướng lĩnh Nhật Bản vẫn cho rằng máy bay của họ áp đảo về chất lượng so với máy bay Mỹ như những ngày đầu, thế nên, cho tới hết năm 1942 và nửa đầu năm 1943, người Nhật vẫn sử dụng y nguyên bộ ba này mà không hề nâng cấp hay có kế hoạch thay thế chúng; duy chỉ có mẫu Aichi D3A1 là được nâng cấp nhẹ thành mẫu D3A2. Tới đầu năm 1943, khi những chiếc F6F Hellcat đã bắt đầu được sản xuất nhỏ giọt, còn mẫu F4U Corsair đã bắt đầu được tái thử nghiệm trên tàu sân bay, lúc đó Nhật Bản mới thấy được họ đang đứng sau kẻ địch như thế nào về công nghệ hàng không. 


F4U-1 Corsair, mẫu tiền sản xuất đầu tiên, năm 1942


Nguyên mẫu XF6F-1 Hellcat, một phiên bản nâng cấp toàn diện của F4F Wildcat


Mặc dù vậy, thay vì lên kế hoạch cho một mẫu tiêm kích phòng thủ hạm đội mới, Nhật Bản tiếp tục bám rễ với chiếc Zero. Các cải tiến trên mẫu sản xuất nhỏ giọt A6M3 như cánh ngắn không có khả năng gập đầu cánh - đồng thời được gia cố lại nhằm tăng tốc độ bổ nhào, giá treo dưới bụng cho bom 250kg hoặc bình xăng ngoài 370 lít, đi kèm trữ lượng nhiên liệu lên tới 570 lít bên trong và động cơ Nakajima Sakae 21 cải tiến với tổng công suất 840W...... được kết hợp cùng với kiểu vũ khí mới : pháo 20mm dùng dây tiếp đạn 125 viên thay cho bằng trống 100 viên. Kiểu cải tiến lớn đầu tiên này được gọi là mẫu A6M5 "Kou".

Tiếp theo đó, bắt đầu từ khung sản xuất số 4274, Mitsubishi loại bỏ việc sử dụng súng máy 7,7mm cũ kĩ, thay vào đó là phiên bản sao chép khẩu M2 Browning của Mỹ với cỡ đạn Hotchkiss 13,2mm. Cải tiến cực kì lớn này nhằm cải thiện đường đạn, tầm giao chiến lẫn khả năng chiến đấu của Zero. Kính chống đạn được thêm vào cùng với hệ thống dập lửa, khiến nó đủ khác biệt để trở thành mẫu cải tiến A6M5 thứ hai "Otsu". Đến mẫu thứ 3, A6M5 "Hei", kính chống đạn được làm dày lên đi kèm với bình nhiên liệu tự hàn kín ở một số nhỏ mẫu, cùng vỏ giáp cho phi công. Tầm bay giảm từ 3,100km trên mẫu A6M2, xuống còn 1,920km trên mẫu A6M5 cuối cùng.


A6M3 của Hải quân Nhật Bản, tiền thân của mẫu A6M5


A6M5c, mẫu sản xuất đại trà cuối cùng. Dễ dàng thấy được khác biệt vũ khí trên cánh và trên mũi máy bay so với A6M2.


Khi người Nhật nhận ra A6M5 đã đạt tới ngưỡng của việc cải tiến, thì việc thay thế Zero là điều không thể tránh khỏi. Mẫu tiêm kích thuỷ phi cơ của Kawanishi mang mã N1K Kyoufu được lựa chọn để thay thế Zero, với việc loại bỏ các phao nổi và thay vào đó là càng đáp nhằm cất hạ cánh trên mặt đất. Động cơ Mitsubishi Kasei đang thiếu thốn để lắp đặt trên hầu hết các loại máy bay đa động cơ, nên mẫu Nakajima NK9A Homare 21 mạnh mẽ hơn được dùng thay. Phiên bản định danh cho mẫu trên đất liền là N1K-J Shiden, và mẫu thử N1K-A cho tàu sân bay cũng được chế tạo thử nghiệm, nhưng không đi vào giai đoạn hoàn tất. A6M5 tiếp tục là tiêm kích chủ lực trên tàu sân bay.

Cách giải quyết này sớm gặp phải vấn đề. Các càng đáp gỗ của N1K được thiết kế chịu lực rất kém, khiến đôi khi chiếc tiêm kích gãy càng ngay khi hạ cánh trên đường băng; sau cùng, kiểu càng đáp gỗ được càng đáp kim loại thay thế. N1K-J Shiden không giỏi lắm trong việc đánh chặn tầm cao - đó vốn là việc của Mitsubishi J2M Raiden, nhưng khả năng cơ động tốc độ cao ở độ cao trung bình của nó có thể sánh với F4U Corsair và tốt hơn F6F Hellcat, không giống như chiếc A6M5 Zero chậm chạp chỉ giỏi xoay sở ở tốc độ thấp.


N1K Kyoufu, với phao nổi theo thiết kế nguyên bản

N1K2-J Shiden Kai, phiên bản cải tiến của Shiden với càng đáp mới


Nửa còn lại của vấn đề là máy bay tấn công. D3A và B5N có độ cơ động tốt, tầm bay lớn, có khả năng tấn công mục tiêu với một độ chính xác cao; nhưng giống như chiếc Zero, chúng đều có thông số kỹ thuật đang dần lạc hậu, và thiếu vắng khả năng bảo vệ so với những mẫu máy bay mới của Mỹ như SB2C Helldiver hay TBF Avenger. Chiếc Yokosuka D4Y Suisei, một phiên bản Nhật hóa của mẫu máy bay Đức Heinkel He 118 mặc dù có những tính năng bay vượt trội so với đối thủ SBD Dauntless hay lính mới Helldiver, nhưng vẫn tiếp tục truyền thống mong manh dễ vỡ, đổi khả năng bảo vệ lấy tính năng bay theo đúng kiểu Nhật.


Heinkel He 118 của không quân Đức Luftwaffe


....và phiên bản Nhật hoá, Yokosuka D4Y Suisei


Do ưu thế về số lượng tàu sân bay đã bị mất, nên lúc này, kiểu máy bay ném bom thả ngư lôi - vốn là điểm mạnh của Nhật Bản - tiếp tục được ưu tiên hơn so với máy bay ném bom bổ nhào chính xác nhưng tải trọng thấp. Nakajima B6N Tenzan, một mẫu nặng hơn và mạnh mẽ hơn của người tiền nhiệm B5N, gặp nhiều vấn đề trong việc hoàn thiện thiết kế và chỉ được phiên chế chính thức vào năm 1944. Aichi B7A Ryusei, mẫu máy bay ném bom đa năng hiện đại kiêm nhiệm cả kiểu bổ nhào lẫn kiểu ném lướt thả ngư lôi, cũng gặp vấn đề trong việc giao hàng do phải cạnh tranh về nguồn cung cấp động cơ Homare với tiêm kích N1K. 


Và cuối cùng, là cả B6N lẫn B7A đều quá nặng và to lớn, đòi hỏi một tàu sân bay hạm đội lớn để hoạt động - thứ mà Nhật Bản có thể đếm bằng một bàn tay. May thay, Nhật vẫn còn những căn cứ đất liền để phòng thủ, nên vấn đề này được tạm cho qua.


B6N2 Tenzan


Aichi B7A1 Ryusei

Ryusei, trong một nhiệm vụ tấn công bằng ngư lôi


Khi những rắc rối phi cơ còn chưa được giải quyết xong, thì tới vấn đề về tàu sân bay. Nhật Bản lúc này thiếu tàu sân bay trầm trọng, nên hầu hết các lườn tàu có thể chuyển đổi thành tàu sân bay đều được chuyển đổi toàn bộ : bao gồm lườn thiết giáp hạm lớp Yamato thứ 3 mang tên Shinano, tuần dương hạm hạng nặng hiện đại Ibuki, thậm chí là cả hai tàu tiếp liệu thuỷ phi cơ chị em Chitose - Chiyoda lẫn tàu tiếp liệu thuỷ phi cơ cũ kỹ Taigei. Phương án về tàu sân bay mới cũng được đưa ra : một là dự án G18 - vốn là phiên bản nâng cấp của thế hệ tàu sân bay Hiryuu - Soryuu, hai là đóng thêm tàu sân bay bọc thép hạng nặng lớp Taihou.


Tàu sân bay bọc thép hạng nặng Taihou, cùng thiết giáp hạm hộ tống của cô - Nagato


Taihou là một thiết kế tàu sân bay rất tốt. Vỏ giáp sàn của cô dày tới mức có thể chịu được bom xuyên giáp 800kg hoặc đạn pháo xuyên giáp 16 inch thông thường, gần như là bất khả xâm phạm trước máy bay ném bom bổ nhào. Nhưng vì những lý do tài chính, chỉ có một chiếc Taihou được hoàn thiện, số tiền còn lại được dồn vào 15 tàu sân bay G18, lớp Unryuu. 7 chiếc trong số đó được đặt tên, bao gồm : Unryuu, Amagi, Katsuragi, Kasagi, Aso, Ikoma Kurama; chiếc đầu tiên Unryuu đặt lườn vào tháng 8 năm 1942. Số còn lại, bị hủy bỏ, hoặc được dồn tiền sang dự án tàu sân bay Shinano và các dự án khác.  


Tàu sân bay hạng nhẹ Ryuuhou, trước đó là tàu tiếp liệu thuỷ phi cơ Taigei

Bản vẻ của lớp Unryuu


Hàng loạt dự án vũ khí mới dồn tới tấp vào giai đoạn cuối năm 1942 tới 1943 khi Nhật đang thiếu tài nguyên công nghiệp trầm trọng. Vào lúc này, việc duy trì sản xuất các vũ khí cũ đã khó chứ đừng nói là thiết kế mới - nước lúc này không nằm ở chân nữa, mà bắt đầu ngập tới cổ mất rồi.

Người khổng lồ công nghiệp tỉnh giấc

Trái với tình cảnh của Nhật Bản, Mỹ luôn sẵn sàng để thích nghi và thay đổi với hoàn cảnh chiến tranh. Cỗ máy công nghiệp của Mỹ hoạt động hiệu quả và không bị thiếu thốn tài nguyên như Nhật - nó cho phép người Mỹ chơi trò "thử và sai" hay "áp đảo số lượng" trên chiến trường. Trên thực tế, Nhật mắc sai lầm trên chiến trường nhiều hơn Mỹ, thế nên lợi thế công nghiệp ngày càng biến cuộc chiến Nhật - Mỹ trở nên không cân sức.

Vói khả năng đóng tàu khủng khiếp - bờ biển trải dài với nhiều ụ đóng tàu của Mỹ và nền công nghiệp khổng lồ, họ thừa sức áp đảo Nhật về số lượng. Là kẻ cũng chịu thiệt hại không kém Nhật trong cuộc chiến tiêu hao tàu sân bay, và đã thu được những kinh nghiệm tác chiến, giờ đây Mỹ đã sẵn sàng để đấu một trận ngang sức trình độ và hơn về sức người. Ngay từ năm 1941, 5 tàu sân bay hạm đội lớp Essex đã được đặt lườn trong số 13 chiếc đầu tiên trong đơn hàng, con số này tăng lên thành 9 vào cuối năm 1942 và 19 vào năm 1943. 5 chiếc cuối cùng, kiểu cải tiến "Essex chân dài" - lộn, "thân dài", được đặt hàng năm 1944.

Tàu sân bay đầu tiên trong lớp, USS Essex. Thang nâng ở cạnh tàu là một trong những cải tiến cực kì lớn của Essex trong chiến tranh, giúp tăng diện tích hangar mà vẫn giữ nguyên tốc độ triển khai phi cơ.


Essex có nhiều đặc điểm vượt trội so với lớp Unryuu của Nhật Bản lúc bấy giờ. Thứ nhất, thay vì là một lớp tàu "cắt giảm" giống như Unryuu (phiên bản nhỏ hơn của lớp Shoukaku) hay Wasp (phiên bản nhỏ hơn của lớp Yorktown), Essex là một tàu sân bay hạm đội thực sự, với hệ thống hỗ trợ đầy đủ cho việc hoạt động của máy và hangar đủ lớn. Vỏ giáp được đóng thẳng vào hangar thay vì sàn tàu giống như tàu sân bay Anh Quốc, khiến Essex vẫn có được sự bảo vệ tốt đi kèm một khoang chứa rộng rãi cho máy bay lẫn đội chuẩn bị. Điều này cũng khiến Essex dễ dàng nâng cấp hơn so với các tàu sân bay Anh Quốc sau khi kết thúc chiến tranh.

Nhờ dựa trên thiết kế trên lườn tàu của tàu sân bay hạng nhẹ Ranger, khung tàu của Essex được hoàn thiện rất nhanh và có thể nâng cấp liên tục dễ dàng. Ở các con tàu đóng sau, một sàn rỗng phía dưới sàn đáp được bố trí thêm nhằm kích nổ sớm các loại bom xuyên giáp - cùng hệ thống kiểm soát thiệt hại riêng như chữa cháy, chống ngập, sửa chữa khẩn cấp.... cho từng khoang riêng biệt. Không có hai chiếc lớp Essex nào giống nhau hoàn toàn, nhờ vào khả năng nâng cấp ngay khi còn đang đóng dở của nó.


Tàu sân bay USS Intrepid, chiếc thứ 3 trong lớp Essex


Ưu thế lớn nhất có lẽ là hệ thống phòng không : loại hạng nặng tiêu chuẩn vẫn là loại 127mm/38 cal, nhưng giờ đây là kiểu tháp pháo nòng đôi tự động Mark 24 thay cho phần lớn kiểu súng đơn gá trên bệ hở Mark 21. Vũ khí phòng không tầm gần chuyển sang kiểu Bofor 40mm của Thuỵ Điển và Oerlinkon 20mm tự động "nhà trồng được", thay thế hoàn toàn khẩu 28mm trên các tàu sân bay cũ.

Số lượng súng được tăng theo thời gian, đi kèm với loại ngòi nổ mới dành cho súng phòng không : quả đạn không cần phải định sẵn thời gian nổ như trước, mà sẽ tự phát nổ khi cách mục tiêu ở một khoảng cách nhất định. Những ngòi nổ chết người này được gọi là ngòi nổ cận đích, hay ngòi nổ tự-điều-chỉnh-thời-gian (variable time fuse - VT fuse). Kết hợp với radar cảnh báo sớm CXAM-1 và hệ thống điều khiển hoả lực bằng radar, rào chắn phòng không của Mỹ đã nguy hiểm nay lại càng nguy hiểm hơn đối với máy bay Nhật.


Khẩu đội 127mm trên chiếc Essex, CV-9.


Thế hệ tiêm kích mới là một thành công thứ hai. Những nhược điểm trên chiếc Wildcat nhanh chóng được bù đắp, trở thành kiểu máy bay "to hơn, lớn hơn, mạnh mẽ hơn và nhanh hơn" F6F Hellcat. Chiếc Hellcat đầu tiên của phiên bản sản xuất hàng loạt ra khỏi nhà máy ngày 3 tháng 10 năm 1942, không lâu trước khi tàu sân bay lớp Essex đầu tiên được hoàn thiện. Cả hai đều có những điểm chung : chắc chắn, có khả năng chịu được hoả lực địch một cách đáng kinh ngạc và tất nhiên, đều trở thành cánh tay phải của Mỹ ở Thái Bình Dương sau giai đoạn Solomon.

Khác với chiếc F6F Hellcat "sinh ra để làm bịch bông đỡ đạn", F4U Corsair là một thiết kế ưu việt cho không chiến.  Vought tạo ra một chiến đấu cơ tuyệt vời bằng cách tái tận dụng lại kiểu cánh hải âu gù mà cha đẻ của Zero - Horikoshi Jiro đã loại bỏ trên nguyên mẫu A5M đầu tiên; đồng thời chúng được trang bị kiểu động cơ Pratt & Whitney R-2800 Double Wasp mạnh mẽ. Với công suất lên tới 1.400W, nó khắc phục hoàn toàn nhược điểm nặng nề của kiểu cánh hải âu ngược - thứ mà Jiro có nằm mơ cũng không thể làm được với khả năng của Nhật Bản. 


Corsair phiên bản đầu tiên, năm 1942. Chú ý phần mũi rất dài của máy bay.


Với bề mặt khí động học được hoàn thiện rất tốt, Corsair là một máy bay có tốc độ rất lớn. Nó đạt tới 640km/h ở những phiên bản đầu tiên, và 710km/h ở những phiên bản cuối cùng với bộ tăng áp cùng động cơ ở chế độ chiến đấu khẩn cấp. Khi mà những máy bay khác, vốn cứng đờ ra khi phóng nhanh vượt ẩu thì chúng lại là lợi thế của Corsair : nó có thể cơ động hơn bất cứ máy bay tiêm kích nào trên Thái Bình Dương ở tầm bay cao và tốc độ lớn như vậy. Bù lại, tốc độ cao khiến nó trở nên khó hạ cánh; cộng với càng đáp dài, buồng lái đặt rất lùi về phía sau bị cản trở tầm nhìn bởi động cơ, biến Corsair rất khó để có thể vận hành trơn tru trên tàu sân bay.

Corsair lúc đó được chuyển giao cho Thuỷ quân lục chiến (kiêm uỷ ban tiếp nhận hàng thải của Hải - Lục quân) và Anh Quốc, kẻ đang có dư tàu sân bay bọc thép to bền nhưng thiếu máy bay để hoạt động - cho tới khi đủ khả năng để hoạt động trên tàu sân bay.


Corsair trong màu áo Thuỷ quân Lục chiến


Trong vai trò mới khi hoạt động trên đất liền, Corsair nhanh chóng được Thuỷ quân hoan hô nhiệt liệt. Nó đả bại hầu hết các máy bay tiêm kích của Nhật Bản lúc bấy giờ, ngang hàng hoặc hơn khi đối đầu với máy bay mới của Nhật Bản như N1K-J hay Ki-84 Hayate. Hoả lực mạnh mẽ bằng 6 khẩu M2 Browning, cộng thêm 4 tới 8 rocket cỡ 127mm hoặc 900kg bom, khiến Corsair đủ khả năng huỷ diệt bất cứ mục tiêu nào dù trên không hay dưới mặt đất. Corsair trở thành con ngựa đa năng của Thuỷ quân lục chiến, với những tên lóng thể hiện sự yêu mến như "Người tình ngọt ngào của Marianas" hay "Thiên thần Okinawa". Các phi công Thuỷ quân thích chiếc máy bay ở khả năng của Corsair, nhưng kiểu buồng lái và khả năng khó hạ cánh khiến cho nó trở thành ác mộng với những phi công non tay nghề ở trường huấn luyện, nơi nó được gọi là "Máy thải loại Thiếu uý" hay "Kẻ tạo quá phụ lưng gù".


F4U Corsair yểm trợ lính thuỷ tấn công

Corsair tấn công boong-ke Nhật trên đảo Peleliu


Tới cuối năm 1943, Corsair lúc này đã hoàn thiện về thiết kế và sẵn sàng được sử dụng song song cùng Wildcat trên các tàu sân bay. Ưu thế về tải trọng, tốc độ bổ nhào và hoả lực cùng những kinh nghiệm sử dụng từ Thuỷ quân lục chiến khiến Hải quân cũng có chung ý tưởng tạo ra những phi đội tiêm kích - ném bom đa năng với ký hiệu VFA .

Cùng lúc đó, những ý tưởng về kiểu máy bay ném bom - ném ngư lôi - hỗ trợ mặt đất AD-1 Skyrider cũng đã manh nha, hứa hẹn cùng với P-51 Mustang tạo nên bộ ba cánh quạt đa năng làm mưa làm gió ở chiến tranh Triều Tiên. Chúng cũng xây dựng nên học thuyết "máy bay đa nhiệm vụ" - xương sống của Hải quân Mỹ trong 70 năm sau đó, tính tới thời điểm hiện tại

Bốn chiếc Corsair trong biên chế Hải quân


Ngoài Essex, thì Mỹ cũng chuẩn bị đầy đủ những vệ sỹ hộ tống dành cho lực lượng tàu sân bay chủ lực. Trong suốt chiến tranh, họ hoàn thành tới 175 tàu khu trục lớp Fletcher, 156 tàu khu trục chỉ huy lớp Allen M. Sumner/Gearing cùng 8 thiết giáp hạm nhanh lớp South Dakota/Iowa, tạo thành một lực lượng bảo vệ khổng lồ cho các tàu sân bay. Để dễ dàng so sánh, trong cùng một khoảng thời gian, Nhật Bản chỉ đóng được thêm 12 tàu khu trục mới lớp Akizuki, 19 tàu khu trục lớp Yuugumo và 2 thiết giáp hạm khổng lồ lớp Yamato - mà bản thân những thiết giáp hạm này cũng không giúp được nhiều, khi gánh nặng hộ tống phải đè lên vai những thiết giáp hạm nhanh lớp Kongou cũ kĩ. Yamato được thiết kế như thiết giáp hạm kiểu cổ điển, chứ không phải loại tàu hộ tống tàu sân bay với súng lớn như Iowa.

Nói cách khác, Nhật lãng phí một mớ tài nguyên không cần thiết, còn Mỹ thì đóng tàu như thể sản xuất đồ chơi. Một kẻ đùa giỡn, một kẻ nghiêm túc.


Cuộc săn gà vĩ đại

Sau khi hoàn thành việc đòi lại quần đảo Solomon và bảo vệ vành đai phía Bắc Thái Bình Dương, quân Đồng Minh tiến vào giai đoạn phản công ồ ạt. Vành đai Thái Bình Dương của Nhật dần bị siết lại; tới lúc này, tinh thần chiến đấu của Nhật Bản vẫn rất cao, cho dù trang bị, vũ khí và tiếp liệu đã không còn được như lúc trước.


 Thái Bình Dương giai đoạn 1943 - 1945


Mỹ chọn giải pháp tấn công các đảo vành đai của Nhật, rồi lấy đó làm bàn đạp tái chiếm Philippine; đồng thời tiện tay ném bom Nhật Bản bằng các máy bay ném bom tầm xa như B-29 Superfortress nhằm triệt tiêu hoàn toàn khả năng công nghiệp ít ỏi còn lại của Nhật Bản. Lực lượng sẵn sàng cho chiến dịch này bằng 7 tàu sân bay hạm đội lớp Essex và 8 tàu sân bay hạng nhẹ lớp Independent, cùng lực lượng hộ tống và yểm trợ hoả lực hùng hậu gồm 7 thiết giáp hạm, 21 tuần dương hạm, gần 60 tàu khu trục cùng khoảng 30 tàu ngầm.

Nhật Bản, sau khi nhận hàng không mẫu hạm Taihou vào biên chế cùng với cặp tàu sân bay hạng nhẹ Chitose - Chiyoda, muốn đánh một trận phòng thủ - phản công sòng phẳng. Ưu thế về số lượng hay chất lượng máy bay đều là không có, nhưng họ tin rằng mình có lợi thế sân nhà - và thế là đủ (wtf did i just read???). Kế hoạch này mang tên Chiến dịch A (A-Go), với 3 tàu sân bay hạm đội chủ lực Taihou, Shoukaku, Zuikaku; 2 tàu sân bay hoán cải Hiyou Junyou cùng 4 tàu sân bay hạng nhẹ Zuihou, Ryuho, Chitose Chiyoda. Họ cũng quyết định tung ra lực lượng thiết giáp hạm mạnh nhất còn lại của mình gồm Yamato, Musashi, Nagato, Haruna Kongou.


Tàu sân bay Taihou


Ngày 12 tháng 6, Mỹ bắt đầu không kích Marianas, và tới ngày 15 thì tiến hành đổ bộ lên Saipan. Một số đô đốc Nhật Bản, đặc biệt là chỉ huy Ozawa Jisaburou  của lực lượng tàu sân bay chủ lực cơ động rất muốn tấn công Mỹ ngay lập tức, do lúc này Mỹ chưa hề sẵn sàng để có thể đáp trả đòn tấn công. Lời đề nghị này bị bác bỏ, khi các chỉ huy cho rằng 3 tàu sân bay với khoảng 210 máy bay là quá ít ỏi, cần phải chờ đợi toàn bộ đội hình. Quyết định này khiến vai trò "đánh nhanh cơ động nhanh" của Taihou, Shoukaku Zuikaku trở nên không có đất dụng võ, đồng thời việc trì hoãn tạo cơ hội cho Mỹ tập hợp đội hình, bảo vệ cuộc tấn công ở Saipan và sẵn sàng đáp trả hạm đội Nhật Bản yếu thế hơn.

Ngày 19 tháng 6, Nhật tái xác định vị trí của lực lượng Mỹ. Radar Mỹ phát hiện sớm được máy bay Nhật xuất kích từ Guam. Vài phút sau, 30 tiêm kích Hellcat từ tàu sân bay hạng nhẹ Belleau Wood được cử lên để đánh chặn, với kết quả là 35 máy bay Nhật đổi 1 máy bay Mỹ. Tiếp sau là cuộc tấn công của khoảng 230 máy bay Nhật Bản được chia thành ba đợt phóng, nhưng đợt trước lại phải bay giữ đội hình để tụ lại với đợt sau nên chúng tiếp tục trở thành mồi ngon cho Hellcat Hải quân Mỹ. 139 máy bay Nhật Bản bị bắn hạ sau hai đợt tấn công, nhưng may mắn thay cho đợt tấn công thứ 3, chỉ 7 trong số 47 máy bay bị bắn hạ. Phía Mỹ ghi nhận thiệt hại gồm 23 chiếc máy bay bị mất, cùng một phát bom trúng thiết giáp hạm South Dakota.


Máy bay Nhật bị hạ bởi lưới lửa phòng không. Ảnh chụp từ tàu sân bay hạng nhẹ Cabot, CVL-28


Một chiếc B6N Tenzan trúng đạn phòng không, bốc cháy và lao xuống biển.


Trong lúc đang loay hoay với đợt tấn công thứ hai, Taihou, tàu sân bay hiện đại nhất của Hải quân Nhật Bản, rơi vào tâm ngắm của kính tiềm vọng trên tàu ngầm Albacore. Để chắc ăn, Albacore phóng một loạt 6 ngư lôi nhắm thẳng vào Taihou, do hệ thống điều khiển hoả lực trên tàu bị hỏng, phải ngắm bằng mắt và tính toán bằng giấy bút. Một phi công Nhật vừa cất cánh lên từ đợt tấn công thứ hai đã lao mình thẳng vào quả ngư lôi đầu tiên để bảo vệ tàu; 4 trên 5 trong tổng số những quả ngư lôi còn lại đều trượt. Quả cuối cùng, đâm trúng Taihou, làm kẹt thang nâng trước, vỡ bồn chứa nhiên liệu máy bay nhưng không đem lại quá nhiều hậu quả. Taihou tiếp tục chiến đấu.

Đợt tấn công cuối cùng gồm 84 máy bay, và là hy vọng cuối cùng của Hải quân Nhật Bản nhằm dứt điểm hạm đội tàu sân bay của Mỹ. Phi đội này gồm toàn những phi công trẻ và non kinh nghiệm, lại bị chỉ dẫn sai về vị trí hạm đội Mỹ, nên quyết định tách thành hai tốp để tiếp nhiên liệu ở Guam và Rota. Cả hai nhánh này lần lượt bị những chiếc F6F Hellcat tóm được, tiêu diệt gần như toàn bộ - phi công Mỹ đã phải thốt lên rằng "Chúa ơi, chúng tôi giống như đang chơi trò săn gà tây vậy".


Không chiến giữa phi công Mỹ và Nhật Bản, ngày 19 tháng 6 năm 1944


Và có lẽ phi đội này đã gặp điềm đen từ vạch xuất phát. Ngay sau khi cho xuất kích chiếc máy bay cuối cùng, Shoukaku trúng từ 3 tới 4 ngư lôi từ tàu ngầm Cavella, làm vỡ bình nhiên liệu, gây ra nhiều đám cháy không thể khắc phục được. Hai tiếng đồng hồ sau, một trái bom bên trong kho vũ khí phát nổ, kích nổ lượng xăng đang tràn lan ở khu vực thiệt hại. Cô bị ngập nước, chúi phần mũi về phía trước và bắt đầu chìm.


Tàu sân bay Shoukaku, tranh của John Hamilton


Tai hoạ tương tự cũng xảy ra với Taihou. Trên thực tế, sau khi dính ngư lôi, thiệt hại của Taihou là không đáng kể - trừ việc xăng đang rò rỉ ra khắp khoang chứa nhiên liệu. Loại xăng của người Nhật sử dụng lúc này có chỉ số octan rất thấp, dễ bốc hơi lẫn dễ bị kích nổ. Một sỹ quan trẻ trong đội kiểm soát thiệt hại đã sai lầm khi xử lý tình huống : anh ta ra lệnh bật toàn bộ hệ thống thông gió  để đuổi hơi xăng ra khỏi con tàu. Hành động ngu ngốc đó góp phần lưu chuyển hơi xăng ra khắp các khoang ở sàn dưới của Taihou.

Lúc 14 giờ 30, có lẽ một tia lửa điện hay hồ quang điện nào đó đã kích nổ toàn bộ hơi xăng, gây ra một chuỗi những vụ nổ. Sàn đáp của cô bật lên, thành tàu bung ra, khiến toàn bộ hàng không mẫu hạm hiện đại bậc nhất của Nhật Bản (và có lẽ là hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ) biến thành đống sắt vụn trong tích tắc. Chỉ huy hạm đội tàu sân bay cơ động Ozawa đã đòi chết cùng với cô, nhưng thuỷ thủ đoàn thuyết phục được ông và lôi ông lên tàu tuần dương Haguro cùng ảnh Nhật Hoàng. Khi vị chỉ huy vừa mới rời tàu, Taihou nhận thêm một vụ nổ lớn nữa và chìm hẳn.


Ngày hôm sau, Ozawa chuyển hạm kỳ của mình sang Zuikaku, chiếc tàu sân bay duy nhất còn có thể đáp trả. 35 phi công tiêm kích cuối cùng của hạm đội cũng là 35 phi công dày dạn kinh nghiệm nhất của Không đội Hải quân 1 huyền thoại, phải chống lại 550 máy bay Mỹ với sức tấn công cao hơn đang nhắm thẳng vào 7 tàu sân bay. Họ đã chiến đấu mãnh liệt cùng những xạ thủ phòng không, nhưng không thể chống lại kẻ thù quá áp đảo. Tàu sân bay Hiyou, chịu 2 trong số 4 quả ngư lôi nhắm vào cô, chìm dần và trở thành mất mát lớn thứ 3 của Hải quân Nhật Bản; các tàu sân bay khác như Zuikaku, Junyou Chiyoda cũng bị thiệt hại nhẹ bởi bom.


Zuikaku và đồng đội đang né tránh máy bay Mỹ


Đổi lại cho cuộc tấn công liều lĩnh đó, 80 máy bay Mỹ gặp tai nạn trong lúc tìm cánh hạ cánh vào buổi chiều tối. Hầu hết phi hành đoàn của các máy bay đều được cứu sống.

Hạm đội tàu sân bay cơ động của Nhật về cơ bản, đã chết. Saipan bị bao vây trong vô vọng, binh lính và chỉ huy ôm lấy các hang động dưới chân ngọn núi lửa, phòng thủ quyết liệt tới hơi thở cuối cùng bằng bất cứ thứ gì họ có. Cuối cùng, 3.000 lính Nhật Bản và hàng trăm dân thường đã tự sát để tránh rơi vào tay quân Mỹ - con số còn có thể lớn hơn nếu binh nhất Guy Gabaldon của Thuỷ quân Lục chiến không thuyết phục được rất nhiều người dân trên đảo rằng lính Mỹ sẽ không làm gì họ.


Tuần dương hạm của Mỹ đang đổ bộ và bắn phá Saipan


Hành lang Thái Bình Dương bị chọc thủng. Những mũi khoan B-29 giờ đây chĩa thẳng vào Tokyo. Thủ tưởng Toujou Hideki từ chức, nội các Nhật Bản sụp đổ.


Cơ hội cuối ở Philippine

Nhật không thể để mất Philippine. Mất Pinoyland, Nhật sẽ bị cắt đứt nguồn nhiên liệu ít ỏi còn lại đang nuôi sống cỗ máy chiến tranh yếu ớt. Nhưng hạm đội tàu sân bay của Nhật gần như đã bị tận diệt - họ còn đúng 1 tàu sân bay hạm đội, 3 tàu sân bay hạng nhẹ đang hoạt động cùng chính xác 108 chiếc máy bay có thể cất hạ cánh trên tàu sân bay; không có thời gian để hạm đội này có thể quay về tái bù đắp lực lượng. Vả lại, ở Nhật Bản cũng không còn dầu để mà tiếp tế. Hai thứ còn lại mà Nhật còn có thể trông chờ vào, là các thiết giáp hạm - và tinh thần cảm tử kiểu võ sĩ đạo.


Sơ đồ chiến dịch phòng thủ Philippine của Nhật Bản 


Hạm đội Nhật chia đội hình thành 3 nhánh. Nhánh thứ nhất được triển khai bởi đô đốc Kurita gồm 5 thiết giáp hạm mạnh nhất : Yamato, Musashi, Nagato và chị em Kongou - Haruna, cùng 10 tàu tuần dương hạng nặng bao gồm toàn bộ 4 tàu tuần dương lớp Takao, 2 tàu tuần dương lớp Myoukou, 2 tàu tuần dương lớp Mogami và 2 tàu tuần dương lớp Tone; đi kèm với đó là 2 tàu tuần dương hạng nhẹ và 15 tàu khu trục. Lực lượng này được coi là lực lượng chủ lực.

Lực lượng "yểm trợ hoả lực" và cũng là nhánh thứ hai, gồm 2 thiết giáp hạm cũ kỹ Fusou Yamashiro, tàu tuần dương Mogami và 4 tàu khu trục. Lực lượng cuối cùng - hạm đội "nhử mồi" gồm đô đốc Ozawa trên con tàu sân bay hạm đội cuối cùng Zuikaku, và 3 tàu sân bay hạng nhẹ Zuihou, Chitose, Chiyoda. Họ được bổ sung bằng 3 tàu tuần dương hạng nhẹ Ooyodo, Tama Isuzu; hai thiết giáp hạm lai Ise - Hyuuga, và được hỗ trợ phòng không bằng 9 tàu khu trục, cho mục đích "nhử mồi" và kéo các tàu sân bay địch ra ngoài để nhánh thứ nhất tự tung tự tác bắn phá.

Kế hoạch này thất bại.

Lực lượng thứ nhất, sớm bị phát hiện bởi các tàu sân bay hộ tống Mỹ cùng các tàu ngầm. Musashi, cô em của Yamato là mục tiêu bị máy bay tấn công nhiều nhất : cô phải chịu 14 - 24 quả bom (hầu hết chúng không xuyên được qua lớp giáp rất dày) và 10 - 19 quả ngư lôi, theo nhiều số liệu ghi lại sau trận đánh. Sức chịu đứng của cô là rất ngoan cường, nhưng cuối cùng, nó đã đạt tới giới hạn. Musashi bị bỏ lại lúc 19 giờ 20 phút, cùng với 1.023 thành viên thuỷ thủ đoàn bao gồm cả thuyền trưởng.


Thiết giáp hạm Musashi bị tấn công liên tục

.... và chìm dần. Phần mũi của cô đang chúi xuống trước


Thiết giáp hạm Yamato cùng tàu tuần dương Takao, Atago, Maya và Myoukou cũng chịu nhiều thiệt hại, trong đó Atago Maya bị chìm, còn Takao Myoukou thiệt hại nặng nhưng may mắn sống sót, dù bị loại khỏi vòng chiến.

Lực lượng thứ hai gồm 2 thiết giáp hạm lớp Fusou, bị "úp sọt" bởi tàu khu trục và thiết giáp hạm Mỹ ở eo biển Surigao. Các thiết giáp hạm Mỹ trang bị hệ thống kiểm soát hoả lực bằng máy tính analog và radar liên tục nã pháo ở khoảng cách tới 30km, còn tàu khu trục thì phóng ngư lôi từ cả hai bên eo biển. Toàn bộ lực lượng thứ hai này bị tiêu diệt, chỉ còn đúng tàu khu trục Shigure sống sót quay về.


Hạm đội Nhật (mũi màu đỏ) bị cắt chữ T bởi Mỹ và tan nát


Đội tàu sân bay của Ozawa Jisaburou thực hiện thành công phi vụ mồi nhử và phải trả giá đắt. Họ đối đầu với lực lượng Mỹ áp đảo hơn nhiều : 5 tàu sân bay hạm đội, 5 tàu sân bay hạng nhẹ, 8 tàu tuần dương và 40 tàu khu trục; họ bị vây hãm, bị tấn công liên tục bởi hàng trăm máy bay - ước tính đã có gần 600 phi vụ được tung ra. Chitose Zuihou chìm dần theo làn nước.
Và đau đớn nhất, là tàu sân bay hạm đội cuối cùng, Zuikaku, cũng chịu chung số phận với đồng đội của mình. Nhưng niềm tự hào của những thuỷ thủ thì vẫn còn : khi sàn tàu đã nghiêng tới hơn mức 45 độ, các thuỷ thủ vẫn đứng nghiêm trên sàn tàu và giơ tay chào lá cờ mặt trời của Hải quân Hoàng Gia trước khi nó được hạ xuống.

Zuikaku chìm lúc 14 giờ 15 phút ngày 25 tháng 10 năm 1944 cùng với thuyền trưởng của cô, Takeo Kaizuka.

Các thuỷ thủ của Zuikaku chào lá cờ, trước khi nó được hạ.

Đáng ra, sự hi sinh của Zuikaku sẽ không trở nên hoài phí, nếu như đô đốc Kurita không liều lĩnh hơn. Lực lượng thứ nhất của ông vẫn còn rất sung sức, tuy nhiên, việc thiếu hụt hệ thống kiểm soát bắn tốt cho những khẩu pháo hạng nặng khiến thiết giáp hạm và tuần dương hạm Nhật khó có thể nhắm tốt vào những tàu sân bay hộ tống và tàu sân bay hạng nhẹ nhỏ bé. Hạm đội Kurita bị tấn công bởi nhiều máy bay, nhưng phần đông trong số đó chỉ có thế triển khai một lần - đó là những tàu sân bay hộ tống, chúng không có khả năng tái triển khai không quân mạnh mẽ như tàu sân bay hạm đội!

Kurita thoái lui trong tâm lý đang phải đối đầu với hạm đội lớn nhất của Mỹ. Sự thật là lực lượng của Ozawa đã kéo hầu như toàn bộ lực lượng Mỹ ra khỏi các tàu chiến của Kurita, và cuối cùng là hy sinh chẳng vì cái gì. Các thiết giáp hạm chỉ tiêu diệt được tàu sân bay hộ tống Gambier Bay, mất thêm hai tàu tuần dương Chikuma - Suzuya, và đánh mất cơ hội đâm thẳng vào vịnh Leyte. Lực lượng Không lực Hải quân trên đảo Luzon do Oonishi Takijirou cũng đòi lại tàu sân bay hạng nhẹ Princeton như một thành tích vớt vát.

Yamato bị trúng bom


Tàu sân bay Princeton bị triệt hạ


Một biện pháp rất cực đoan đã được Takijirou sử dụng thử nghiệm trong trận đánh, đó là tấn công tự sát kiểu kamikaze (kami - thần thánh, kaze - gió, phong). Năm máy bay tiêm kích A6M5 Zero gắn một quả bom 250kg không thể tháo rời, được hộ tống bởi Nishizawa Hiroyoshi, đã tấn công tàu sân bay hộ tống St. Lo  tiêu diệt thành công con tàu này. Trước đọ, nhiều nỗ lực tấn công tự sát cũng được sử dụng nhưng chỉ gây thiệt hại nhẹ hoặc tiêu diệt được tàu không vũ trang.

Đây là phi vụ cuối cùng của huyền thoại Nishizawa, với thành tích là 2 máy bay F6F Hellcat bị ông bắn hạ. Ngày hôm sau, 26 tháng 10, trong lúc đang ngồi trên một chiếc máy bay vận tải Nakajima Ki-49, ông bị bắn hạ - khi đang không cầm lái.


Cảm tử

Nhật Bản thoái lui hải quân dần dần khỏi Philippine. Giờ đây, các tàu sân bay - ngay cả các tàu sân bay lớp Unryuu mới được hoàn thành - cũng trở nên vô dụng vì thiếu nhiên liệu hoạt động. Chúng được chuyển đổi sang mục đích mới : vận chuyển và phóng các máy bay cho mục đích tấn công kamikaze. Mặc dù không thể mang những máy bay hạng nặng như B7A2 Ryusei hay B6N2 Tenzan, nhưng lớp Unryuu có sàn tàu đủ dài để có thể phóng chúng lên - và cần gì phải lo về việc hạ cánh khi bạn tấn công cảm tử ?


Lớp Unryuu


Đầu tiên, mẫu máy bay dành cho Kamikaze tiêu chuẩn được chọn là A6M5, Zero. Số lượng có sẵn nhiều, là loại máy bay dễ dàng sản xuất với số lượng lớn, rẻ, dễ dàng huấn luyện, khả năng tự bảo vệ cao, nhưng có điểm yếu cố hữu : chậm chạp. Sau đó, việc tấn công được chuyển dần sang mẫu Yokosuka D4Y Suisei nhanh hơn, sử dụng động cơ V-12 dễ sản xuất hơn so với động cơ Sakae sắp xếp hình tròn. Để phục vụ cho mục đích kamikaze, nó được trang bị một bom 800kg gắn cứng, và rocket JATO nhằm tăng tốc khi lao vào tàu địch.


Suisei D4Y3 bị bắn hạ khi tấn công cảm tử. Nhiên liệu phun ra từ cánh, cho thấy bình nhiên liệu hoàn toàn không được bảo vệ và rất mỏng manh.

Còn đây là một phát trúng đích của Suisei


Các loại máy bay hiện đại hơn cũng được tận dụng. B7A2 và B6N2 là những loại máy bay nặng nề, đắt tiền, nhưng khi Zuikaku Taihou đã mất, liệu còn có cơ hội nào để sử dụng chúng ?

Lục quân cũng đóng góp vào chiến thuật này với những chiếc Nakajima Ki-27, Ki-43, Ki-44, Ki-84; Kawasaki Ki-61 Hien, Ki-102..... Tất cả được tháo bỏ súng máy, tăng lượng nhiên liệu, và gắn một quả bom gắn liền từ 250kg tới 1000kg, tuỳ theo loại máy bay và tải trọng của nó.


Nữ sinh trường trung học Chiran vẫy hoa tiễn một đồng chí phi công ra trận, trên chiếc Nakajima Ki-43 Hayabusa. Thôi thì chết cũng được ngắm cho sướng mắt đã....


Việc tuyển chọn những phi công này thì ôi thôi đơn giản, miễn là bạn còn trẻ, hăng hái, nhanh nhẹn và biết lái máy bay. Họ được phát một tờ phiếu gồm 3 chỉ mục, và phải chọn lựa một trong ba :  tha thiết, tha thiết cao và không tha thiết (cứ như bầu phiếu tín nhiệm). Đại đa số chọn ô đầu tiên, một số chọn vì họ muốn quyết tâm bảo vệ chính quốc, số khác vì được các sỹ quan "nháy nháy". Sau đó, họ được học một khoá tập luyện 7 ngày : hai ngày cho việc cất hạ cánh với bom gắn cứng, hai ngày để học bay theo đội hình có yểm trợ và ba ngày để luyện bổ nhào xuống tàu chiến kẻ địch.

Huấn luyện trước khi bay tập.


Khi Mỹ tiến vào Iwo Jima và Okinawa, ngày càng có nhiều phi công tình nguyện gia nhập lực lượng cảm tử. Những loại máy bay dành riêng cho nhiệm vụ cảm tự cũng ra đời : Lục quân có mẫu Ki-115 Tsurugi, một kiểu khung-gỗ-lắp-động-cơ-và-bảng-điều-khiển, còn Hải quân có mẫu Yokosuka MXY7 Ohka, kiểu tên lửa chống hạm (có người lái) đầu tiên trên thế giới. Ki-115 được xây dụng dựa trên khung thân gỗ xung quanh một động cơ Nakajima Sakae rất có sẵn trên những chiếc Zero với tải trọng bom gắn cứng 800kg, tạo ra kiểu mẫu máy bay cảm tử có giá thành rẻ và dễ vận hành.

Ki-115 Tsurugi, "lưỡi kiếm" tự sát của không quân Nhật.


MXY7 Ohka thì khác hoàn toàn : nó là một quả bom lượn 1200kg trang bị 3 động cơ rocket nhiên liệu rắn, được treo dưới máy bay ném bom hạng nặng như Mitsubishi G4M "Betty". Khi được thả ra, người lái sẽ hướng nó về phía mục tiêu bằng hệ thống điều khiển như một tàu lượn rồi đâm vào mục tiêu bằng động cơ rocket. Tốc độ bổ nhào lên tới 1000km/h khiến nó bất khả xâm phạm ở pha cuối; nhưng khả năng cơ động ở pha lượn thì tệ hại. Bên cạnh đó, trình độ non yêu của các phi công cảm tử khiến nó bị bắn hạ rất nhiều trước khi bắt đầu tiếp cận con tàu.



Yokosuka MXY7 Ohka

Thả nào!


Máy bay ném bom cảm tử cũng cần loại máy bay tiêm kích hiệu quả hơn để hộ tống. Dự án máy bay tiêm kích cuối cùng của Nhật Bản, A7M Reppuu, bắt đầu được đẩy mạnh tiến trình thiết kế. từ cuối năm 1944 để tăng cường cho lực lượng tiêm kích phòng thủ; và sau cùng là yểm trợ các cuộc tấn công kamikaze.

Là hậu duệ trực tiếp của huyền thoại A6M Zero, A7M kết tụ hầu hết những tinh hoa của công nghiệp hàng không quân sự Nhật Bản : cánh có diện tích lớn cho lực nâng và độ cơ động cao, thân lớn cho phép trữ thêm nhiều nhiên liệu, buồng lái bọc giáp cùng kính chống đạn dày, động cơ Mitsubishi Kinsei mạnh mẽ, súng máy 13,2mm với hiệu năng cao..... Nhưng trận động đất ở khu vực Nagoya, và các trận ném bom của quân Đồng Minh đã phá huỷ hoàn toàn cơ hội của loại tiêm kích hiện đại này. Sakai Saburou, khi lái thử nó, đã đánh giá rằng đây là tiêm kích tốt nhất và nhanh nhất mà anh từng được thấy.


A7M Reppuu, khung thân tiền sản xuất.


Mỹ kết liễu Iwo Jima và Okinawa bằng sự trả giá sinh mạng lớn, và bây giờ họ có thể tấn công bất cứ nơi nào của Nhật Bản. Các tàu sân bay Katsuragi Amagi, cũng như con tàu gần hoàn thiện Kasagi, vốn nằm im trong cảng vì hết nhiên liệu, giờ đây bị tấn công ngay tại căn cứ của mình. Tàu sân bay Ibuki gần như đã hoàn thiện xong, phải bỏ dở vì những cuộc tấn công trực tiếp vào cảng Sasebo của máy bay Mỹ. Không lực Hải quân chống chọi lại một cách yếu ớt, tuyệt vọng trong quyết tâm cuối cùng để bảo vệ những con tàu sân bay này, nhưng bất thành.


Tàu sân bay Kasagi, lớp Unryuu.

Katsuragi, lớp Unryuu. Sàn đáp hư hại nặng do trúng bom.

Amagi, lớp Unryuu. Lật úp do bị tấn công bởi máy bay Mỹ.


Ngày 17 tháng 8, sau khi Nhật Bản đầu hàng, Sakai cùng những đồng đội của mình truy đuổi 3 máy bay Mỹ trên bầu trời Nhật Bản. Đó là phi vụ cuối cùng của Sakai, và cũng là phi vụ cuối cùng của những phi công thuộc Không lực Hải quân Đế quốc Nhật Bản. Chiến tranh, đã thật sự kết thúc với những phi công, dù ở bất cứ phe nào.




Phụ lục 2 : Hậu chiến, và cựu binh


Nước Nhật thất trận. Những người lính Nhật, đặc biệt là những phi công cảm tử còn sống sót, cảm thấy một nỗi đau và nỗi nhục nhã sau khi mảnh đất quê hương giờ đây tan nát vì những trận không kích, và phải chịu sự quản lý của nước ngoài. Một số tự sát. Số khác chìm trong những sang chấn tâm lý, hoặc trở thành những công nhân trong nhà máy, xí nghiệp, với mong muốn tái kiến thiết lại quốc gia của mình.

Những câu chuyện sau đây, không thể kể hết được toàn bộ cuộc đời hậu chiến của những cựu chiến binh, nhưng cũng cho chúng ta thấy một phần nào đó xã hội Nhật Bản những năm sau chiến tranh.

Sakai Saburou trở về nhà với một con mắt bị mất thị lực. Khó có việc làm nào có thể dành cho ông vào lúc này : ông không biết bất cứ một công việc gì để kiếm ra tiền ngoài "làm sao để lái một chiếc tiêm kích chiến đấu và làm sao để tiêu diệt những kẻ thù của đất nước mình", và hơn nữa, những người trẻ ở Nhật lúc này đã nảy sinh tâm lý chán ghét chiến tranh, chán ghét sự đổ nát hậu chiến. Họ không muốn phải làm việc với một cựu binh, người mà họ cho là kẻ góp phần tạo ra chiến tranh. Để tồn tại và nuôi gia đình, Sakai bán chiếc máy ảnh Leica của mình và đi lao động chân tay.

Ông cưới em họ của mình, Hirokawa Hatsuyo, vào năm 1945 - người đã thề sẽ tự sát nếu Sakai nằm xuống. Bà Sakai mất năm 1954, khi đó, Sakai bắt đầu mở một một tiệm in ấn nhỏ. Ông gửi con mình đi học ở Mỹ "để nó hiểu được các giá trị tự do và dân chủ của phương Tây". Đồng thời, ông cũng nhiều lần viết sách hoặc cộng tác viết sách với các tác giả phương Tây, và còn đến thăm nước Mỹ để gặp Harold "Lew" Jones, xạ thủ súng máy SBD đã bắn hạ ông, vào năm 1982.


Mitsuo Fuchida, chỉ huy phi đội bay của Akagi - và cũng là chỉ huy của toàn không đội trong trận Trân Châu Cảng, đi khắp phương Tây để kể về câu chuyện của mình. Ông cải sang đạo Thiên Chúa, và viết nhiều cuốn sách; mặc dù sống trên đất Mỹ nhiều năm cùng với cậu con trai quốc tịch Mỹ của mình, nhưng ông chưa bao giờ có ý định lấy quyền công dân của quốc gia này. Ông mất ngày 30 tháng 5 năm 1976.

Nishizawa chưa bao giờ có một lễ tang thực sự ngay sau khi chấm dứt chiến tranh, do những rắc rối với chính quyền quân quản mới của Mỹ. Lễ tang chính thức của ông được tổ chức ngày 2 tháng 12 năm 1947, với nghi thức như đối với một người hùng của Nhật Bản.

Oonishi Takijirou, kiến trúc sư của chiến thuật Thần Phong tự sát, tự mổ bụng tự sát theo phương cách seppuku vào ngày 16 tháng 8 năm 1945, hai ngày sau khi kế hoạch kamikaze hàng loạt để bảo vệ đất nước của ông bị từ chối bởi Thiên Hoàng. Vợ ông, và cũng là dì ruột của chỉ huy Sakai - Sasai Junichi, phải sống lang bạt ở lề đường trong suốt 9 năm. Sakai đã đón bà về xưởng in của mình và giúp đỡ bà một công việc, như sự trả ơn của mình tới những chỉ huy cũ.

Sakai mất ngày 22 tháng 9 năm 2000, ở căn cứ hải quân Atsugi, Nhật Bản. Khi bài viết này được hoàn thành và chỉnh sửa lần cuối vào ngày 7 tháng 12 năm 2016, đã tròn 75 năm trôi qua kể từ sự kiện ngày 7 tháng 12 năm 1941, Nhật tấn công Trân Châu Cảng.


M4 Sherman, nằm im trên dải đá ngầm của đảo Saipan.


“Việc bay lượn cũng giống như học bơi - bạn vốn không thể cứ quên nó đi một cách dễ dàng. Tôi đã ở trên mặt đất được mười năm từ khi rời khỏi ghế phi công. Nếu tôi nhắm mắt lại, tôi vẫn có thể nắm lấy cần bay ở phía tay phải, cần ga ở bên tay trái, và thấy bàn đạp cánh lái nằm ở phía dưới chân của tôi. Tôi luôn có thể cảm thấy sự trong sạch, tự do khi ở trên bầu trời; và tất cả những gì mà một người phi công cần phải biết, tôi đều ghi nhớ.

Không, tôi không bao giờ quên được việc bay lượn. Nếu Nhật Bản cần tôi, nếu quốc gia của chúng tôi bị đe dọa xâm lăng, tôi sẽ quay trở lại và tiếp tục cất cánh. Nhưng tôi chân thành cầu nguyện rằng đó không phải là lí do để tôi trở lại với bầu trời cao”
Sakai Saburou, viết trong lời mở đầu cuốn Samurai!, 1956.