Lời tựa:
Thực sự mình đã khá vui đợt nghe nói bản tiếng Việt "Suy tưởng" của dịch giả Tiết Hùng Thái được phát hành, và còn giới thiệu với khá nhiều bạn trên Động. Vậy nên khi chính bản thân được đọc bản tiếng Việt ấy tự nhiên thấy có lỗi với các bạn quá, không chỉ vì bản dịch khá trúc trắc, mà quan trọng hơn là nó không làm bật lên được cái yếu tố tinh thần, thứ với mình là viên ngọc quý nhất trong cả tác phẩm. Chỉ khi ngồi lại và ngẫm, và cảm nhận cái quyết tâm, sự nghiêm túc của một vị hoàng đế La Mã trong việc rèn luyện triết, và hướng tới trở thành một con người theo đúng nghĩa "con người" - thì mình nghĩ bạn mới hiểu được con đường ý nghĩa và vinh quang này công bằng với tất cả mọi người.
Điểm quan trọng thứ hai: đây hoàn toàn là những lời tự nhủ, tự ngẫm, tự viết cho bản thân của Marcus, và ông hoàn toàn không có ý định để lại cho hậu thế. Thậm chí ông còn nhờ những người xung quanh mình đốt nó đi (lý do được nhiều người đoán là vì ông ngượng khi bản thân vẫn cần những lời tự nhủ ấy mới có thể sống tốt). Vậy nên mình tin bản dịch cũng phải cố gắng bỏ qua được tính giáo điều như thể Marcus đang nói hay viết cho người đọc, vì chỉ như thế chúng ta mới có thể thấm được những lời tự nhủ này mà thôi.
Vì những lý do đó, thôi thì lại 'nhấc mông lên và dấn bước' vào một hành trình dài, với cuốn nền tảng thứ hai của Stoicism.
Rất mong mọi người sẽ tiếp tục đón nhận, ủng hộ và góp ý cho mình nhé!
Andy Lương

Quyển 3 (1) - Ở Carnuntum

1. Không chỉ là mỗi ngày trôi qua thời gian của ta lại ngắn dần, mà cả điều này nữa: nếu ta sống lâu hơn, liệu ta có chắc được tâm trí mình sẽ vẫn có thể theo kịp hiểu biết về thế giới - để nó vẫn có thể đắm chìm trong những suy tư về thần linh và con người hay không? Nếu tâm trí ta bắt đầu sao nhãng, thì ta vẫn sẽ tiếp tục thở, ăn uống, tưởng tượng mọi thứ, cảm thấy sự thôi thúc phải làm gì đó, và những khuấy động tương tự. Nhưng để có thể sống trọn vẹn nhất cuộc sống này, suy tính về nhiệm vụ thực sự của mình, cân nhắc những thứ ta nghe hay nhìn thấy, quyết định khi nào là thời điểm thích hợp để dừng lại - tất cả những thứ đó đòi hỏi ở ta một tâm trí khoẻ mạnh vững vàng ... nhưng có thể lúc đó nó đã rời bỏ ta.
Vậy nên ta cần phải khẩn trương hơn.
Không chỉ vì ta đến gần hơn điểm cuối của đời mình mỗi ngày, mà còn vì hiểu biết của ta - cách ta gắn mình với thế giới, và làm mình trở nên có ích trong nó - có lẽ sẽ mất đi trước cả khi ta đến thời điểm ấy.
2. Ta cần phải nhớ rằng ngay cả những sự ngẫu nhiên hay vô tâm của tự nhiên cũng có sức thu hút lôi cuốn riêng. Cách mà ổ bánh mỳ nở nứt ra trên bề mặt trong lò nướng; phần lằn rãnh ấy thực ra chỉ là sản phẩm không chủ tâm của việc nướng bánh, nhưng nó cũng có thể mang đến cho con người một sự thích thú nhẹ: nó khơi dậy và làm ta ăn ngon miệng hơn, mà khó có thể hiểu tại sao.
Hay cách mà những quả vả chín bắt đầu bung ra.
Và những quả ôliu đến thời điểm sắp rơi rụng: bóng dáng của sự phân huỷ mang cho chúng vẻ đẹp kỳ lạ.
Hay bông lúa trĩu cành cong rạp xuống bởi sức nặng của chính nó. Hay cái trán đầy những nếp nhăn của sư tử. Hay vết đốm bọt trắng bên mõm chú lợn đực.
Và mọi thứ khác. Nếu ta nhìn chúng một cách tách biệt sẽ chẳng có gì đẹp đẽ trong chúng, nhưng vì bản chất chúng cũng là những sản phẩm phụ của tự nhiên, chúng làm giàu cho tự nhiên, và trở nên có sức hút với chúng ta (như người quan sát). Và bất cứ ai có sự tinh tế và trân trọng tự nhiên - một cảm giác sâu sắc - sẽ thấy chúng mang lại cho mình niềm vui. Ngay cả thứ có vẻ như đến từ sự ngẫu nhiên hay vô tâm ấy. Người thực sự tôn kính tự nhiên sẽ thấy hàm của những động vật sống cũng đẹp như tranh vẽ hay tượng vậy. Anh ta sẽ có thể bình thản ngắm nhìn những vẻ đẹp sắc nét của tuổi già ở cả đàn ông lẫn đàn bà, và nét đáng yêu của trẻ thơ. Và những thứ tương tự như thế trong cuộc sống sẽ luôn khiến anh ta chú ý - những thứ thường bị lờ đi bởi người đời. Những thứ chỉ có thể được nhận thấy bởi những người thân thuộc với tự nhiên và biết trân trọng sự phong phú tạo vật của nó.  
3. Hippocrates chữa lành cho vô số người bệnh - rồi đến lượt chính ông đau ốm và ra đi. Những người Chaldaeans dự báo cái chết của vô số người, rồi cũng đến giờ phút cuối cùng của chính họ. Alexander, Pompey, Caesar - những người đã san phẳng biết bao thành luỹ, đốn ngã, chặt đứt hàng ngàn chân người và ngựa trên chiến trường - chính họ rồi cũng phải rời bỏ cuộc đời. Heraclitus thường nói với mọi người rằng ngày tàn cả thế giới sẽ chìm trong lửa. Nhưng chính hơi ẩm mới là thứ đưa tiễn ông - ông ta chết trong nhầy nhụa phân bò. Democritus bị giết bởi một loài sâu độc thông thường, và Socrates bởi chính con người.
Và?
Ta đã lên tàu, ra khơi, đi hết hành trình của mình. Đến lúc phải cập bến rồi. Nếu là để tới một cuộc đời khác, tốt thôi, không đâu không có sự hiện hữu của thần linh, cả ở bờ bên kia cũng vậy. Còn nếu là hư vô, thì ta sẽ chẳng còn phải chấp nhận những đau khổ hay khoái lạc thêm nữa, hay tiếp tục vũ điệu cuộc đời trong cái vỏ bọc mòn vẹt - là chính cơ thể này - quá yếu đuối và thấp kém so với phần cao quý hơn mà lại thường phải phục vụ nó.
Một bên là tâm trí và linh hồn, và bên kia là đất và những thành phần sẽ sớm bị thối nát phân huỷ.
4. Đừng phí những năm tháng còn lại của đời mình lo lắng về người khác - trừ khi họ làm điều gì đó ảnh hưởng đến lợi ích của cộng đồng. Vì việc đó sẽ khiến ta mất đi cơ hội làm điều gì đó thực sự có ích. Ta sẽ bị chi phối, luôn lo lắng với việc người này người kia đang làm gì, tại sao, và họ nói gì, trong đầu họ nghĩ gì, họ đang hướng tới điều gì, và mọi thứ khác sẽ khiến ta sao nhãng, cản trở ta khỏi việc chú tâm vào chính tâm trí mình.
Ta cần tránh những ý nghĩ kiểu này trong dòng suy tư của mình: bất cứ ý nghĩ nào tình cờ nảy ra, hay không liên quan. Và hiển nhiên, cả những ý nghĩ tự quan trọng hoá bản thân hay có phần hiểm độc. Ta cần khiến mình quen với việc sàng lọc suy nghĩ, để nếu ai đó hỏi: "Ngài đang nghĩ gì vậy?", ta có thể ngay lập tức trả lời (một cách thành thật) rằng ta đang nghĩ đến điều này hay điều nọ. Và sẽ rất rõ ràng để nhận thấy từ câu trả lời của ta rằng những suy nghĩ trong ta thì thẳng thắn và đáng lưu tâm - những suy nghĩ của một người không vị kỷ, một người không đam mê khoái lạc tiện nghi hay những thứ làm thoả mãn giác quan, hay tranh cãi, hay vu khống, ghen tị, hay bất cứ suy nghĩ nào khác mà ta sẽ thấy hổ thẹn nếu bị bắt gặp đang nghĩ đến.
Một người như thế - một người có thể gạt bỏ mọi trì hoãn để chọn cho mình sống cuộc đời thanh sạch linh thiêng - là một kiểu thầy tu, một người phục vụ thần linh, luôn ghi nhớ và ý thức về sức mạnh bên trong mình, thứ khiến con người không bị ô uế bởi những khoái lạc tiện nghi, không bị đau khổ khiến bản thân trở nên yếu đuối, lòng tự kiêu không thể chạm tới, hay không bị ảnh hưởng bởi sự xấu xa hèn hạ, một lực sĩ trong cuộc đấu vĩ đại nhất - thử thách không để mình bị lấn át bởi bất cứ thứ gì xảy đến trong đời. Nhuộm mình mãi mãi trong màu công lý chẳng nhạt phai, sẵn sàng với cả tấm lòng đón nhận mọi thứ xảy đến - bất cứ thứ gì ta được giao cho - không để mình phải luôn bận tâm lo lắng hoặc với bất cứ động cơ vị kỷ nào về những thứ người khác bàn tán, hay làm, hay nghĩ. Người chỉ làm thứ anh ta cần làm, và thường xem xét thế giới có gì cho anh ta - để làm một cách tốt nhất, và tin tưởng mọi thứ đều hướng đến sự tốt đẹp nhất có thể. Vì chúng ta mang theo vận mệnh của mình - và chúng cũng mang ta theo.
Ta cũng luôn ghi nhớ rằng mọi sinh vật lý trí đều có liên hệ với nhau, và rằng việc quan tâm đến đồng loại là một bổn phận của việc làm người. Điều đó không mang nghĩa rằng ta phải đồng ý với quan điểm của họ. Ta chỉ nên lắng nghe những người sống thuận với tự nhiên. Và những kẻ khác? Ta sẽ luôn ghi nhớ họ là dạng người nào - cả ở nhà lẫn ngoài xã hội, trong đêm cũng như ban ngày - và những kẻ họ dành thời gian cùng. Và ta chẳng thèm để tâm đến những lời ngợi ca của họ - những kẻ thậm chí không thể đạt tiêu chuẩn con người do chính họ đặt ra.
5. Cách hành xử:
Không bao giờ dưới sự ép buộc, hay bởi vị kỷ, không có cân nhắc trước, hay khi còn nghi ngại.
Đừng tô điểm đánh bóng suy nghĩ của mình
Không một lời thừa, hay một hành động không cần thiết
Hãy để linh hồn bên trong ta thể hiện một người đàn ông trưởng thành, một công dân, một người La Mã, một vị hoàng đế. Đảm nhận cương vị của mình như một người lính và sẵn sàng kiên nhẫn chờ đợi đến khi cuộc đời gọi tên. Không cần bất cứ một lời thề hay kẻ nhân chứng nào.
Luôn bình thản vui vẻ. Không đòi hỏi sự giúp đỡ từ người khác. Hay chờ đợi ai đó có thể mang cho ta yên bình.
Đứng thẳng. Không phải nắn cho thẳng hơn.
6. Nếu một lúc nào đó trong cuộc đời, ta biết đến thứ gì đó tốt đẹp hơn công lý, tính trung thực, khả năng tự chủ, và lòng dũng cảm - hay nói cách khác, bất cứ thứ gì tốt đẹp hơn một tâm trí hài lòng rằng nó có thể điều khiển ta thực hiện những hành động một cách có lý trí, và bình thản chấp nhận những gì vượt ngoài tầm kiểm soát của nó; nếu ta có thể thấy thứ gì tốt đẹp hơn những thứ đó, hãy nhắc mình trân trọng nó bằng cả trái tim, vì nó chắc chắn phải là một thứ vô tiền khoáng hậu - và hãy tận hưởng nó nhiều nhất có thể.
Nhưng nếu không thứ gì có thể cho thấy nó vượt trên linh hồn bên trong ta - linh hồn đã chế ngự được mọi mong muốn khao khát mang tính cá nhân, thứ tách biệt các ấn tượng, thứ có thể tự do thoát khỏi những cám dỗ vật chất của cơ thể (như Socrates từng nói), chỉ cúi đầu trước thần linh, và nhìn nhận mọi thứ trong cuộc đời trong lợi ích cộng đồng - nếu ta hiểu rằng không gì có thể quan trọng hay giá trị hơn nó
thì đừng để tâm đến bất cứ thứ gì khác ngoài nó - vì mọi thứ đều có thể khiến ta chệch đường, cám dỗ ta khỏi đường ngay, và khiến ta chẳng thể toàn tâm toàn ý vào việc cố gắng đạt đến sự vĩ đại thực sự của một con người. Sẽ là sai lầm nếu để bất cứ thứ gì đứng giữa ta và nhiệm vụ ấy - nhiệm vụ cố gắng đạt đến sự tốt đẹp của con người lý trí, của một công dân của thế giới. Ta nhắc lại, bất cứ thứ gì: sự tán dương của đám đông, vị trí quyền lực, của cải, hay sự đam mê lạc thú. Tất cả những thứ đó có vẻ như tương thích với nó - trong chốc lát. Nhưng rồi đột ngột chúng sẽ kiểm soát ta và cuốn ta đi.
Vậy nên hãy thẳng thắn lựa chọn, dứt khoát một lần, và kiên tâm với nó. Chọn thứ gì tốt đẹp nhất.
- Vì thứ tốt đẹp nhất chắc chắn sẽ mang lại lợi ích thực sự cho ta.
Như một sinh vật lý trí? Vậy thì hãy theo nó đến cùng. Hay chỉ như một con vật? Nếu ta cho đó là điều ta muốn, hãy khẳng định nó và sống cùng lựa chọn của mình mà không giả dối (nhưng hãy đảm bảo ta đã cân nhắc kỹ càng về nó).
Bản tiếng Anh
Mình dùng chính bản của Gregory Hays, mình tin chính là bản ông Tiết Hùng Thái dùng cho bản dịch tiếng Việt của ông.
Tuy nhiên mình có tham khảo bản của Penguin và Oxford (hình như được dịch bởi George Long nhé):
Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)
Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)