Người xưa từng nói:
Phi Hề bất thành Chèo

"Thị Mầu lên chùa" trong vở Quan âm Thị Kính
Như người xưa đã nói “Phi Hề bất thành Chèo", nhân vật Hề Chèo là "hồn vía" của các vở chèo cổ, là yếu tố quan trọng trong bất cứ phường Chèo nào. Thế nhưng liệu người trong nghề đã hiểu hết về nhân vật này? Phải chăng tinh thần của Hề Chèo còn ẩn chứa điều gì ta không nên bỏ lỡ?
Để trả lời câu hỏi này, hãy cùng mình lội ngược dòng thời gian về thời kỳ phong kiến thống trị từ những thế kỷ xa xưa ở Việt Nam. Không đâu xa lạ, ngay chốn cung đình, người ta có thể bắt gặp một nhân vật chuyên mua vui cho các “vì thiên tử”. Họ chính là những “con hát” chuyên bôi nhọ mặt làm trò hề mua vui cho vua nhà Đinh nước Việt. 
Ấy đừng nghĩ những vai hề khởi thủy này chỉ gây cười thuần túy! Bởi nguồn cảm hứng sáng tạo của họ còn bắt nguồn từ những cuộc sống triều nội, thậm chí còn phê phán những việc làm sai trái của các tướng thời xưa. Nhiều khi, trò hề của họ đã “chiếu tướng” cả “thiên tử”, song vì nghĩa vụ mua vui cho vua, ranh giới “phạm thượng” cũng được xóa nhòa.
Từ “Bất khả xâm phạm” trong nội cung, Hề hiên ngang tiến ra sân đình, và tung hoành hơn nữa trong bất cứ gánh Chèo nào của người Việt Nam. Hề chèo là một trong ngũ cung của bảng nhân vật quan thiết gồm năm mô hình cơ bản, làm nền sống động cho thế giới nhân vật chèo: đào, kép, lão, mụ, hề. Một phường chèo có giá trị của bất kỳ làng chèo nào ngày xưa, ít nhất cũng phải có ba diễn viên sáng giá nhất: một đào, một kép và một hề…
Ngày nay, những vai hề trên chiếu chèo kéo khán giả vào những chuỗi cười vô tận. Đến khi người đời cười cho thỏa, nhân vật ấy mới khéo léo đưa họ trở lại những tình huống chính truyện éo le. 

Vậy Hề Chèo khác với Hề thường ra sao?

Hề Chèo không chỉ “làm màu” cho câu chuyện gốc. Nghệ thuật tung hứng của Hề Chèo chứa đựng những tinh thần đặc trưng của vở diễn, mà đôi khi những tư tưởng đó còn giá trị hơn một tiếng cười. Hề Chèo là vũ khí phê phán thói đời bất công, là tiếng nói của nhân dân lao động, phản ánh những điều thầm kín nhất trong cuộc sống đương thời. Điểm đặc biệt ấy đã chứng tỏ rằng, không đâu xa lạ, Anh Hề đã chễm chệ in dấu chân rõ nét vào đời sống nhân dân miền lúa nước và gần gũi chúng ta đến lạ thường.
Hề Chèo không chỉ là tiếng cười qua đường, mà là tiếng cười thấm đượm màu sắc thời đại. Phút trước còn cười, phút sau đã ngẫm. Trong thời đại này, Hề Chèo đâu đó không còn được yêu chiều như thời xưa nữa vì người ta cần ngồi xuống, buông điện thoại và cảm nhận cái giễu, cái mỉa trong từng câu nói. Để từ đó, có 1 cái cảm quan riêng về nhân vật - Một vở chèo truyền thống dưới góc nhìn hiện đại.
Dự án trong khuôn khổ "Chèo qua lăng kính Hề", tại đó chúng ta cùng bàn luận về Chèo, về cách cải biên Chèo: Thế nào là sáng tạo, thế nào là chiếm dụng văn hoá? để từ đó mở đường cho những sản phẩm Chèo mang tính thời đại hơn!