Đó là một buổi tối thứ 6, mình trở về nhà sau một ngày dài làm việc; định bụng ăn uống tắm rửa rồi sẽ tự thưởng cho mình bằng việc xem một bộ phim, gọi điện chat chit với vài ba người.
Nhưng kỳ lạ là lúc vào phòng, điện thoại lại không hề reo chuông thông báo từ facebook, mình vội kiểm tra wifi và bàng hoàng nhận ra không có tín hiệu.
Sau một hồi suy nghĩ, mình quyết định sẽ không gọi người đến sửa và tận hưởng khoảng thời gian cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài này.
Tối hôm đó mình đã đọc xong nửa cuốn sách, dọn dẹp nhà cửa, chăm cho mấy cái cây ở ban công, và lần đầu tiên sau vài năm mình ngồi ngắm sao (thực ra là Sài Gòn nhiều đèn điện quá nên chẳng thấy được ngôi sao nào). Ngày hôm sau mình tiếp tục thức dậy với một thế giới không có internet. Không bị điện thoại phiền nhiễu, mình viết lách tập trung hơn và có thời gian suy nghĩ về cuộc sống hiện tại, cũng như những kế hoạch sắp tới. Hay thực hiện một điều đơn giản như ra khỏi nhà để nhìn xem bầu trời xanh đến độ nào thay vì cắm mặt vào màn hình.

Con người luôn sợ phải ở một mình, sợ đối mặt với cô đơn, mỗi chúng ta hầu như đều mắc hội chứng FOMO — sợ bỏ lỡ bất cứ điều gì. Vì vậy ta có nhu cầu bức thiết với việc phải gặp gỡ bạn bè, phải check điện thoại thường xuyên xem vòng tròn xã hội xung quanh đang nói gì, và có nói gì về mình. Ta hối hả theo nhịp sống hàng ngày mà không dành thời gian dừng chân để nhìn lại chính mình. Ta tiếp tục vòng lặp thức dậy — đến công ty — trở về nhà — nghỉ ngơi, ta sống như một cái máy và không bao giờ đặt câu hỏi mình hiện tại như thế nào, mình học được điều gì, và con đường tiếp theo mình nên đi là đâu.
Mình vẫn nhớ một đoạn rất hay trong cuốn Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu của Giáo sư Rando Kim “cô độc là căn bệnh nan y của người lớn. Chứ “cô” vốn nghĩa là hồi nhỏ không cha mẹ , chữ “độc” vốn nghĩa là về nhà già mà không con cái, hai chứ này hợp lại có nghĩa là lớn lên mà không có người chia sẻ gánh nặng cuộc sống. Con người sinh ra một mình, chết đi cũng một mình, vậy nên thực ra, cô độc là bản chất của con người nói chung, chứ không riêng gì người lớn.”

Người ta sợ sô đơn, sợ một mình nhưng sự thật là con người chỉ có thể tu dưỡng và trưởng thành khi có những giây phút một mình.
“Ở chiếc bút chì, thứ thực sự quan trọng không phải là lớp gỗ bao ngoài, mà là phần lõi chì bên trong. Vì thế hãy luôn để ý lắng nghe xem chuyện gì bên trong bạn.”
Hãy cho bản thân những giờ phút cách ly với thế giới để lắng nghe lòng mình, để đối diện với bản thân, để xem xét những điều mình đang làm, để nghĩ nhiều hơn về tương lai, để học tập, để sáng tạo, để suy xét và trưởng thành.
Hãy yêu lấy nỗi cô đơn của chính mình!
-----
Đọc thêm các bài viết khác tại Blog của mình: leejieun06.wordpress.com
Kết nối với mình tại Facebook: 
https://www.facebook.com/thuhien0694