Giờ những điều làm mình khóc lại là những điều rất đơn giản. Xem phim hoạt hình, có những cảnh chia ly, xúc động, khóc! Đọc truyện tình cảm bi thương, khóc! Xem thế giới động vật, những loài vật bé nhỏ bị ngược đãi, bị thương, bị ăn thịt, khóc! Nghe bạn bè tâm sự chuyện đời đau khổ của họ, khóc! Vậy mà những khi bản thân buồn, bế tắc, hoang mang lại chẳng thể rơi nước mắt. Cảm xúc cứ nghẹn lại nơi cuống họng, không bật ra được thành tiếng nức nở. Tại sao mình lại có thể đổ lệ khóc thương cho những phận người, những động vật khác, nhưng lại chẳng thể khóc thương cho chính mình.
“Nín! Đã nín chưa? Có mỗi chuyện bé tí như vậy làm sao phải khóc?”, “Đẹp mặt chưa kìa, khóc nhè!” những câu nói này cứ vang mãi bên tai mình. Câu nói này bạn có thấy quen không? Nó là câu cửa miệng của các bậc phụ huynh, của các thầy cô giáo, và mọi người nói chung khi thấy một đứa trẻ khóc. Nó bị chế nhạo, bị coi thường. Thậm chí đứa bé đó còn bị người lớn đánh đòn vì khóc nhè.
Theo một nghiên cứu đăng trên medicalnewstoday, ngoài việc giúp tự xoa dịu bản thân, việc rơi nước mắt khi xúc động còn giải phóng oxytocin và endorphin. Những chất này giúp chúng ta cảm thấy dễ chịu, xoa dịu nỗi đau cả về thể chất lẫn tinh thần. Khóc là một phản xạ tự nhiên và có nhiều lợi ích tuyệt vời như vậy nhưng trong xã hội ngày nay, khóc lại bị coi là một việc không có gì hay ho, thậm chí không thể chấp nhận được. Khóc bị coi là một biểu hiện của sự yếu đuối, mè nheo và cần phải kìm nén lại. Gào khóc chỉ được chấp nhận và tôn vinh khi ở trong đám tang. Kết quả là, khi lớn lên những đứa trẻ đó đều cảm thấy vô cùng khó khăn khi cho phép bản thân mình khóc. Chúng đã học được cách phản ứng tức thời lại với các kích thích cảm xúc, kìm nén chúng đến mức tắt luôn cơ chế khóc bên trong mình.
Việc kìm nén cảm xúc giống như việc chúng ta tống khứ mọi cảm xúc bộc phát vào một chiếc hộp, sau đó ra sức đè nén để nắp hộp khỏi bung ra. Việc này có thể có ích tại một số thời điểm nhất định khi chúng ta tạm gạt cảm xúc dữ dội sang một bên để vượt qua một tình huống khó khăn, nhưng về lâu dài, cứ chôn chặt chúng nơi đáy hộp sẽ rất có hại.
Muốn học cách khóc lại một lần nữa, chúng ta sẽ phải mở dần chiếc hộp Pandora và làm việc với các cảm xúc đó. Chúng ta có thể bắt đầu từ những ký ức không quá mạnh mẽ hay đau đớn.
(Nguồn: Pinterest)