Năm 1920, nhà văn Virginia Woolf thông báo trong nhật ký của mình: “Cuối cùng tôi đã nghĩ ra một ý tưởng về dạng thức mới của cuốn tiểu thuyết tôi sắp viết." Dạng thức mới ấy sẽ theo sát dòng ý thức của bà, lần theo dấu vết của tâm trí dần được hé lộ theo thời gian. “Chỉ toàn suy nghĩ và xúc cảm mà thôi,” Woolf viết trong bức thư gửi Katherine Mansfield, “không có cốc chén hay bàn ghế gì hết.”
Tuy vậy, tâm trí không phải một thứ dễ dàng mà biểu hiện được. Khi Woolf nhìn sâu vào bên trong mình, điều bà nhận ra đó là ý thức không bao giờ đứng yên. Suy nghĩ của bà trôi thành từng dòng chảy, và mỗi khoảnh khắc chúng lại trở thành những đợt sóng cảm xúc khác nhau. Không giống như những "tiểu thuyết gia lạc hậu" cho rằng chúng ta là những thực thể không thay đổi, tâm trí của Woolf không chắc chắn. Nó “rất hỗn loạn và không hề đáng tin—lúc thì là con đường trong đêm tối, lúc thì là mảnh báo vụn trên phố, lúc thì là một bông hoa thủy tiên dưới ánh mặt trời.” Ở bất cứ khoảnh khắc nào, tâm trí bà dường như phân chia ra hàng triệu mảnh nhỏ.
Trong cuốn sách Consciousness Explained (1991) của mình, nhà triết học và khoa học nhận thức tại Đại học Tufts, Massachusetts Daniel Dennett miêu tả về một khái niệm mang tính châm biếm gọi là Nhà hát Cartesian, phỏng theo tên gọi của những người ủng hộ triết học Descartes. Nhà triết học lỗi lạc René Descartes cho rằng ý thức con người đòi hỏi phải có một linh hồn phi vật thể, tương tác với cơ thể qua tuyến tùng quả (pineal gland) ở não. Theo Dennett, một khi thuyết nhị nguyên về cơ thể và tâm hồn được đặt sang một bên, những gì còn lại trong mô hình mà Descartes đưa ra chỉ còn là hình ảnh một nhà hát nhỏ trong bộ não người, nơi một người nhỏ bé (homunculus) đang quan sát những dữ liệu từ giác quan chiếu trên màn hình, đưa ra các quyết định và phát lệnh hệt như phim Inside Out.

"Đối mặt với vô số những tri giác phức tạp, chúng ta cố gắng khiến mọi thứ liên quan tới nhau xoay quanh một điểm duy nhất," Dennett nói. "Đó chính là cái tôi — trung tâm của câu chuyện chúng ta đang kể trong đầu."

Trong số những nhà chống chủ nghĩa hiện thực* (anti-realist), David Hume, triết gia và nhà kinh tế học người Scotland chính là người xuất sắc nhất. Cha đẻ của lý thuyết bó (bundle theory) gợi ý rằng chúng ta không có bất cứ một trải nghiệm nào liên quan tới một thứ đơn giản và mang tính cá nhân như "cái tôi" (self) – và "cái tôi" là tổng hòa của đời sống ý thức. Trong cuốn A Treatise of Human Nature (1740), Hume có viết:


Khi tôi tới gần nhất với cái mà tôi gọi là bản thân mình, tôi luôn chạm mặt một điểm nhận thức cụ thể nào đó của mình, về nóng hoặc lạnh, về sáng hay tối, về tình yêu hay sự ghét bỏ, về nỗi đau hay khoái cảm. Tôi không tài nào bắt gặp bản thân mình mà không liền với điểm nhìn đó, và tôi không thể quan sát thấy bất kỳ điều gì ngoài điểm nhìn của mình.

Đồng tình với quan điểm này, nhà tâm lý học Susan Blackmore cho rằng cái tôi chỉ là một tập hợp những thứ bà gọi là ‘memes’ - những đơn vị thông tin về văn hóa như ý tưởng, niềm tin và thói quen. Chúng ta được sinh ra mà không có cái tôi, nhưng dần dần khi chúng ta chịu ảnh hưởng từ môi trường xung quanh, cái tôi được "xây dựng" từ những memes chúng ta tiếp thu được.
Các nhà khoa học thần kinh hiện đại như Bruce Hood, tác giả cuốn sách The self illusion cũng đi theo chiều hướng ủng hộ những quan điểm trên. Khoa học từ lâu đã tìm ra được những vùng não chịu trách nhiệm cho những hoạt động thần kinh như cảm nhận nghệ thuật, tôn giáo, tình yêu hay trầm cảm và vân vân, nhưng vẫn chưa tìm được phần não liên quan tới cảm nhận về một "cái tôi". Chính vì điều đó mà họ có nhiều lý do để ủng hộ quan điểm rằng cái tôi không tồn tại.

Thế còn hằng hà sa số người bảo tôi "hãy là chính mình đi" thì sao? Liệu có một điều gì tương tự như "cái tôi" để bám víu lấy?

"Là chính mình" là một lời khuyên tồi. Chúng ta chẳng thể biết được họ đang ám chỉ điều gì khi nói câu nói ấy. Ví dụ như ta chuẩn bị đi phỏng vấn hay hẹn hò và có ai đó bảo ta hãy là chính mình, điều đó có nghĩa gì cơ chứ?
1. Hãy chửi tục như ta vẫn thường làm với bạn bè, hãy ăn thùng uống vại như ta vẫn thực hành khi ở một mình? Em bị đuổi khỏi công ti chứ có phải là "thử nhiều vị trí mới" quái đâu?
2. Nói ra những điều lòng ta thực sự muốn? (Sao em trông khác trong ảnh, sao anh béo thế?)
3. Ta nên hoảng loạn và gào thét?
Có vẻ những điều trên đều liên quan tới việc để lộ ra những phần nghe có vẻ bản năng trong người ta? Vậy điều đó có thể nào có nghĩa bản năng được đánh đồng với cái tôi không? Liệu hai thứ ấy có cùng là một không? Chẳng lẽ "là chính mình" nên được thay bằng "hãy bản năng lên" hoặc chẳng lẽ "là chính mình" có nghĩa "cứ làm những gì bạn muốn bất kể điều gì ngăn cản"? Vậy câu trả lời cho vấn đề về cái tôi chính là phân tâm học hay sao?
Vâng, cho dù hoang mang là thế, ít nhất chúng ta có thể tìm tới cách để hiểu về bản thân, về cái tôi và về chính mình hơn một chút của nhà tâm lý học Ulric Neisser. Trong bài nghiên cứu có tên ‘Five Kinds of Self-knowledge’ (1988), Neisser nhấn mạnh chúng ta nên cân nhắc lại những nguồn thông tin giúp ta định nghĩa thế nào là cái tôi. Theo ông, có năm nguồn thông tin, mỗi nguồn này đều khác nhau hoàn toàn, tới mức chúng ta có thể coi mỗi nguồn là một "cái tôi". 
Cái tôi sinh học, hay cái tôi hiện diện trong thế giới vật lý, nhìn nhận và tương tác với môi trường vật lý.
Cái tôi người với người, hay cái tôi hiện diện trong thế giới xã hội loài người, tạo nên và được tạo nên từ mối quan hệ với người khác.
Cái tôi không ngừng phát triển, hay cái tôi dựa trên thời gian, dựa trên ký ức trong quá khứ và những mong đợi về tương lai. 
Cái tôi riêng tư, cái tôi thể hiện ra khi người ta gặp những trải nghiệm mà chỉ có người đó trải qua. 
Cái tôi tự định nghĩa, là cái tôi được biểu hiện với chính nó dựa trên những đặc điểm không chỉ của người đó mà còn là của bối cảnh xã hội và văn hóa mà người đó đang sống.
Năm cái tôi này không hoạt động riêng rẽ mà cùng hợp tác, cùng thay đổi để tạo nên một "cái tôi" mà chúng ta thấy được hiện tại. Phát biểu này nghe giống một phát biểu dung hòa giữa hai quan điểm về cái tôi: vừa có cái tôi, lại vừa như không có. Nói đúng hơn, chúng ta không có một "bản thân" duy nhất gồm những đặc điểm xác định và chắc chắn từ đầu, chúng ta giống như một tổ chức, một "tập đoàn" hoạt động cùng với nhau vì một mục đích chung.
*Chống chủ nghĩa hiện thực (anti-realism) cho rằng sự đúng đắn của một mệnh đề thể hiện ở quá trình tư duy logic bên trong mà không dựa vào ngoại cảnh. Thuyết "thế giới là sản phẩm của não" cũng thuộc anti-realism.

Đọc thêm: