Hoàng đế La Mã cổ đại Marcus Aurelius thường có thói quen rất kỳ lạ. Ông hay ngồi một mình, lấy ra một cuốn sổ nhỏ và bắt đầu viết. Những dòng ông viết không phải là quân lệnh cho các tướng lĩnh, cũng chẳng phải là các pháp lệnh hoàng gia. Nó là những suy tư về cuộc sống, về đạo đức và tự do tinh thần. Ông không biết rằng, hơn hai nghìn năm sau, những dòng viết chỉ dành cho chính mình lại trở thành một trong những tác phẩm nổi bật nhất về chủ nghĩa khắc kỷ. 
Marcus Aurelius chẳng phải người nổi bật duy nhất về trường phái triết học này. Từ Zeno thành Citium, người đã thành lập trường phái tại Athena cổ xưa, đến những nhà triết học La Mã như Seneca và Epictetus, chủ nghĩa khắc kỷ không chỉ là học thuyết về cách kiểm soát cảm xúc của bạn. Đó là một phương pháp toàn diện để hiểu rõ bản thân, thế giới xung quanh và cách chúng ta có thể tìm thấy hạnh phúc trong sự không chắc chắn và khó khăn.
Thông qua bài viết này, hãy cùng khám phá câu chuyện đằng sau những nhân vật nổi bật nhất của chủ nghĩa khắc kỷ, những người đã đặt nền móng cho một trong những học thuyết có ảnh hưởng nhất trong lịch sử triết học. Xin lưu ý rằng bài viết có tham khảo nguồn tư liệu từ Wikipedia, DailyStoic, cũng như các trang báo trong và ngoài nước. 

Zeno thành Citium

Khi Zeno thành Citium bước chân lên bờ đất Athens vào khoảng năm 300 trước Công nguyên, ông không hề biết rằng bản thân sẽ trở thành một trong những nhà triết học vĩ đại của lịch sử. Zeno vốn là một thương nhân giàu có người Cyprus. Ông có cơ hội tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, trong đó có cả triết học khi du hành đến phương Đông và Địa Trung Hải. Mọi thứ đều rất viên mãn, cho đến một ngày, con tàu chở ông và hàng hoá gặp phải cơn bão khủng khiếp. Số tài sản vốn là thành quả của nhiều năm tích cóp nay đã ngủ yên dưới lòng đại dương. Nhưng may mắn là Zeno không phải chịu kết cục tương tự. Ông “được” sóng đánh trôi dạt vào bờ biển Athens, tuyệt vọng và kiệt sức. 
Nhưng chính biến cố đó lại là bước ngoặt, mở ra cơ hội để ông tìm được lý tưởng mới cho cuộc sống của mình. 
Ông đã đi vào một cửa hàng sách và bắt đầu đọc về Socrates, và một cách kỳ lạ, ông đã tìm thấy sự an ủi trong triết học. Zeno quyết định ở lại Athens để nghiên cứu, tìm đến các nhà triết học như Socrates, các Cynic, và cả những trường phái khác. Nhưng ông không chỉ đơn thuần học hỏi từ họ; ông đã kết hợp những tư tưởng nổi bật nhất của mỗi trường phái để sáng tạo ra một học thuyết riêng: chủ nghĩa khắc kỷ. 
Học thuyết của ông tập trung vào những phẩm cách như trí tuệ, chính trực, chuẩn tắc và can đảm. Zeno nhấn mạnh rằng hạnh phúc không phải đến từ ngoại vật hay sự may mắn, mà từ việc tự quản lý và kiểm soát bản thân. Ông ưa thích một cuộc sống sống theo tự nhiên và logic, và ông cũng tin rằng con người có khả năng phát triển phẩm hạnh thông qua rèn luyện và hiểu biết.
Ông thường giảng dạy dưới cột hiên (Stoa) của Agora Athens—đó cũng chính là nguồn gốc của từ "Stoicism". Zeno tập trung vào việc giảng dạy các nguyên tắc cơ bản về kiểm soát cảm xúc và về việc nhận diện những thứ nằm ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta.
Dù Zeno không có nhiều tác phẩm được lưu lại đến ngày nay, nhưng những tư tưởng của ông đã được truyền bá và phát triển bởi những người theo học và kế thừa, như cái tên tiếp theo sau đây. 

Chrysippus

Chrysippus là nhà triết học người Hy Lạp sinh ra ở Soli (nay thuộc vùng Anatolia của Thổ Nhĩ Kỳ). Ông có lẽ là một trong những nhân vật quan trọng nhất trong việc định hình chủ nghĩa khắc kỷ, chỉ đứng sau người sáng tạo trường phái này, Zeno of Citium. 
Chrysippus đã gia nhập trường phái Stoic ở Athens và nhanh chóng trở thành một trong những người học trò xuất sắc nhất của Zeno. Khi Zeno qua đời, Cleanthes là người tiếp quản vai trò giáo sư của trường phái. Nhưng Chrysippus - người kế nhiệm Cleanthes - mới thực sự đưa trường phái khắc kỷ lên một tầm cao mới.
Chrysippus không chỉ là một người theo học xuất sắc; ông cũng là một nhà hùng biện bậc thầy, và cũng là một tác gia vô cùng năng suất. Ông đã viết được hơn 700 tác phẩm về nhiều chủ đề, từ đạo đức, tâm lý học, đến logic và tri thức luận. Đáng tiếc là hầu hết chúng đều không còn tồn tại đến ngày nay. Các lý thuyết của Chrysippus định rõ và hệ thống hóa nhiều khía cạnh của chủ nghĩa khắc kỷ, làm cho nó trở thành một hệ thống triết học có cấu trúc hoàn chỉnh.
Chrysippus coi logic là "bức tường thành của triết học", và ông đã phát triển một hệ thống logic rất tinh vi, được coi là tiền đề của các hệ thống logic sau này. Ông cũng đã khám phá các khái niệm quan trọng như "tự do thông qua sự cam kết", điều này giúp giải quyết các vấn đề đạo đức và đưa ra lời giải thích về cách chúng ta có thể tự do trong một vũ trụ được điều hành bởi các quy luật tự nhiên.
Điều thú vị là, ông không chỉ là một triết học gia nặng về lý thuyết và sách vở, ông cũng áp dụng nó trong cuộc sống của bản thân. Chrysippus đã qua đời ở tuổi 73, và một câu chuyện được kể lại cho rằng ông qua đời do cười quá nhiều. Cụ thể, câu chuyện kể rằng ông đang xem một con dê đang ăn các hạt nho từ một cốc rượu vang. Chrysippus đã bật cười vô cùng hạnh phúc và thậm chí yêu cầu người nô lệ của mình "đưa thêm rượu vang mời con dê, để có thể tiếp tục tận hưởng cảnh tượng đầy hài hước”.
Một số nguồn lại nói rằng Chrysippus đã uống rượu vang rất nhiều trong ngày đó, có thể cũng là nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông. Câu chuyện này dù chưa được chứng thực, nhưng nó cũng phản ánh tâm hồn hài hước của Chrysippus, người đã không chỉ đóng góp vào phần lý thuyết của chủ nghĩa khắc kỷ, mà còn trong cách ông sống cuộc đời của mình.

Cleanthes

Ở phần trên, chúng ta có nhắc qua Cleanthes, một nhà triết học người Hy Lạp, là người tiếp quản vai trò giáo sư của trường phái khắc kỷ ở Athens sau khi Zeno qua đời. Cleanthes không chỉ được biết đến với tư cách là một người thầy xuất sắc và một học giả của trường phái khắc kỷ, mà còn vì câu chuyện đầy cảm hứng về cuộc đời của ông.
Cleanthes được sinh ra ở thành phố Assos ở Anatolia. Trước khi trở thành một nhà triết học, ông là một đô vật, và sau đó làm công việc gánh nước để kiếm sống. Điều này đã tạo nên một biệt danh cho ông là "Cleanthes, người gánh nước." Đến Athens với số tiền ít ỏi nhưng mang nhiều hoài bão, ông đã chọn con đường triết học để làm sáng tỏ cuộc đời mình.
Với sự cố gắng và quyết tâm không ngừng, Cleanthes đã được chọn làm học trò của Zeno, để rồi cuối cùng tiếp quản trường phái sau khi Zeno qua đời. Cleanthes không có sự nghiệp viết lách đa dạng như Zeno hay Chrysippus, nhưng các tác phẩm của ông—đặc biệt là bài thơ "Hy vọng" (Hymn to Zeus) đã giới thiệu các khái niệm cốt lõi của chủ nghĩa khắc kỷ. 
"Lead me, O Zeus, and thou, O Destiny, The way that I am bid by you to go: To follow I am ready. If I choose not, I make myself a wretch, and still must follow."
Với vốn văn chương ít ỏi, tôi xin phép tạm dịch sang tiếng Việt (bởi tôi không tìm ra được bản dịch trên mạng) như sau:
“Hãy chỉ dẫn tôi, hỡi Zeus, hỡi định mệnh, Tới con đường các người đã dẫn lối. Tôi luôn sẵn sàng theo chân. Nếu bất tuân, tôi là kẻ đáng khinh, Dù vậy, nhưng vẫn phải theo đuổi."
Đoạn trích thể hiện rõ ràng tư tưởng của chủ nghĩa khắc kỷ. Thay vì chống lại số phận, Cleanthes và các nhà khắc kỷ khác chọn cách phù hợp và hòa mình với nó, và coi đó là con đường tốt nhất đến sự thông tuệ và hạnh phúc. Điều này không chỉ là một sự chấp nhận mệnh lệnh của số phận, mà còn là một cách tiếp nhận sáng suốt và tích cực tới những điều không thể thay đổi.
Qua đó, Cleanthes là một trong những người đầu tiên đề xuất khái niệm về "hạnh phúc thông qua sự phù hợp", một khái niệm đã được các nhà triết học khắc kỷ sau này, như Seneca, Epictetus và Marcus Aurelius, phát triển và hệ thống hóa.
Nhưng có lẽ điều khiến Cleanthes trở nên đặc biệt và được nhớ đến nhiều nhất trong lịch sử chủ nghĩa khắc kỷ không chỉ là những tác phẩm hay ý tưởng triết học của ông, mà còn là sự thực hành triết học trong cuộc sống của mình. Ông chứng minh rằng không cần phải có điều kiện tốt nhất hay nguồn lực phong phú để trở thành một người triết học; thay vào đó, chúng ta có thể tìm thấy sự thông tuệ và hạnh phúc thông qua sự nghiên cứu và thực hành triết học trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
Vì vậy, cuộc đời và sự nghiệp của Cleanthes không chỉ là một chương quan trọng trong sự phát triển của chủ nghĩa khắc kỷ, mà còn là một nguồn cảm hứng cho những người tìm kiếm hạnh phúc và ý nghĩa trong cuộc sống. Trong đó có một người dành phần lớn cuộc đời của mình là một nô lệ ở thành Rome. 

Epictetus

Epictetus sinh ra ở Hierapolis, Phrygia (nằm trong phạm vi của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại), vào khoảng năm 50 sau Công nguyên.  Chủ của Epictetus là Epaphroditus, thư ký của hoàng đế Nero Claudius. Epictetus được chủ nhân cho phép nghiên cứu và tiếp xúc với triết, và ông trở thành học trò của nhà triết học khắc kỷ Musonius Rufus, khiến ông nhận được sự giáo dục và sự tôn trọng từ những người xung quanh, bất chấp danh phận nô lệ. Thậm chí, trong thời điểm này, ông đã nổi tiếng với những quan điểm và phương pháp giảng dạy triết học của mình. 
Vì một lý do nào đó, Epictetus bị què. Theo như học giả thần học Origen Adamantius, Epictetus bị chủ của mình tra tấn. Trong quá trình đó, chân của ông bị gãy. Thay vì la lên trong đau đớn hay chống đối, Epictetus đã thản nhiên nói với chủ của mình rằng nếu ông ta tiếp tục làm như vậy, chắc chắn chân ông sẽ bị gãy. Và khi điều đó xảy ra, Epictetus không chỉ không than trách hay tỏ ra phẫn nộ, ông lại phản ứng bằng sự chấp nhận. 
Dù sự kiện này có thể chỉ là một truyền thuyết, nhưng cũng thể hiện rất rõ cốt lõi của triết lý của Epictetus. Mọi người không thể kiểm soát mọi sự kiện hay mọi người xung quanh họ, nhưng họ có thể kiểm soát cách họ phản ứng và nhìn nhận về những sự kiện và môi trường đó. Điều này đã được ông tóm tắt rất ngắn gọn trong câu: "Chúng ta không thể kiểm soát sự kiện bên ngoài, chỉ có thể kiểm soát tư duy và hành động của chúng ta."
Epictetus luôn nhấn mạnh rằng hạnh phúc và tự do chỉ có thể đạt được thông qua sự hiểu biết và thực hành các đức tính như kiên nhẫn, nhận biết và tự kiểm soát. Đối với ông, triết học không chỉ là một bộ lý thuyết mà còn là một "cách sống".
Sau cái chết của Nero Claudius, Epictetus có được tự do. Ông chuyển đến Nicopolis, một thành phố ở phía tây của Hy Lạp, và mở một trường triết học của riêng mình. Ông không tự viết xuống các tư tưởng của mình. Arrian, học trò của ông từ thời trai trẻ, đã ghi chép lại các bài giảng của thầy và biên soạn thành các tác phẩm như "Hội thoại" (Discourses)"Giáo khoa thư" (Enchiridion).
Ông sống một cuộc sống rất đơn giản, nói không quá là nằm đất và ở lều cỏ. Epictetus sống độc thân trong một thời gian dài, nhưng khi về già, ông đã nhận nuôi một đứa con của một người bạn, mà nếu Epictetus không nhận nuôi thì nó sẽ phải chết, và nuôi nấng đứa trẻ đó với sự giúp đỡ của một người phụ nữ. Không rõ liệu Epictetus và người phụ nữ nói trên có kết hôn hay không. Ông đã chết vào khoảng năm 135. Nhưng tư tưởng của ông vẫn được tiếp nối bởi các triết gia khác, mà nổi bật nhất trong đó chính là Hoàng đế thứ 17 của Đế quốc La Mã. 

Marcus Aurelius

Marcus Aurelius, Hoàng đế La Mã từ năm 161 đến 180 sau Công nguyên, là một trong những triết gia nổi tiếng nhất của chủ nghĩa khắc kỷ. Ông sinh ra trong một gia đình quý tộc và được giáo dục rất tốt. Từ nhỏ, ông đã tiếp xúc với nền triết học và được đào tạo bởi những người thầy xuất chúng. Khi trưởng thành, ông trở thành học trò của những nhà triết học khắc kỷ nổi tiếng, như Rusticus, và nhanh chóng thấm nhuần các nguyên tắc của trường phái triết học này.
Câu chuyện đặc biệt đáng chú ý là những ghi chép trong quá trình tự chiêm nghiệm của ông đã được tổng hợp thành một chỉnh thể và được biết đến với tên gọi “Suy Tưởng”..
Spiderum hình như đang bán quyển này hay sao ấy
Spiderum hình như đang bán quyển này hay sao ấy
Trong những trang viết, Marcus Aurelius đã thể hiện sự tư duy sâu sắc và nhận định về cuộc sống thông qua góc nhìn của chủ nghĩa khắc kỷ. Ông thường xuyên nhắc đến việc quan sát và kiểm soát tâm trí, cũng như việc tập trung vào những điều mình có thể kiểm soát thay vì lo lắng về những điều mình không thể thay đổi. 
Trong suốt thời gian cai trị, Marcus Aurelius phải đối diện với rất nhiều khó khăn, từ các cuộc chiến tranh với các bộ tộc Barbarian đến dịch bệnh, và thậm chí là sự phản bội từ những người vô cùng thân tín với mình. 
Người bạn cũ, cũng là vị tướng mà Aurelius tín nhiệm nhất, Avidius Cassius, đã nổi loạn nhằm lật đổ hoàng đế của mình. Cassius đã tự xưng là Hoàng đế La Mã sau khi nghe tin Marcus Aurelius bị bệnh nặng và có thể sẽ không qua khỏi. Tuy nhiên, đó không phải tin chuẩn, Marcus Aurelius vẫn còn sống khỏe. Rõ ràng Aurelius có đủ lý do để trừng phạt, như cái cách Hoàng đế Nero tuyên án tử cho chính mẹ ruột của mình chẳng hạn. Nhưng ông không đưa ra bất cứ động thái nào nhằm hủy diệt người bạn cũ. Trái lại, ông triệu tập hội đồng nhằm đưa ra thông báo sẽ “bắt để tha thứ” chứ không hề có ý định giết, cũng như ân xá với tất cả những ai có liên quan. 
“Ta khẩn cầu các ngươi, ta không muốn triều đại của mình bị vấy bẩn bởi máu của bất cứ ai trong hội đồng.” 
Nhưng đáng tiếc rằng, khi âm mưu của Avidius Cassius bị phát hiện, ông đã bị giết bởi một trong những người dưới cấp của mình trước khi Marcus Aurelius có cơ hội đối diện trực tiếp. Tuy vậy, qua tất cả những thử thách này, Marcus Aurelius luôn giữ thái độ thản nhiên và tự kiểm soát, một biểu hiện rõ ràng của việc ông đã áp dụng triết học khắc kỷ vào đời sống cá nhân và quản trị đất nước.
Dẫu rằng ông đã qua đời ở tuổi 58 sau một thời gian dài chống lại bệnh tật, tác phẩm và tư tưởng của Marcus Aurelius vẫn còn đọng mãi và trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ sau này. Ông không chỉ là một biểu tượng của quyền lực La Mã, mà còn là hình ảnh của sự khôn ngoan và bình tĩnh trong bão táp, và chính nhờ vậy, ông được coi là một trong những đại diện tiêu biểu nhất của chủ nghĩa khắc kỷ.
Và bên trên là 5 trong số rất nhiều các triết gia có ảnh hưởng lớn đối với trường phái triết học khắc kỷ. Vẫn còn rất nhiều những cái tên khác như Seneca, Gaius Musonius Rufus, Hecato of Rhodes,... mà tôi chẳng thể kể hết chỉ với một bài viết ngắn như thế này. Vậy nên các bạn hãy cùng chia sẻ những câu chuyện, những bài học và những triết lý khắc kỷ giá trị mà mình biết dưới phần bình luận nhé.