“Anh tin vào luật thừa trừ, nghĩa là ông trời ông ấy cứ nhè những người nào được hưởng học thức nhiều để phân phát cho nhiều đau khổ hay sao?”
“Không phải thế. Cái khổ thì vẫn vậy. Có điều người hiểu biết nhìn rõ cái khổ của mình. Kẻ dốt nát khổ nhưng không biết rằng mình khổ. Không biết rằng mình khổ thì không khổ.”
- Nam Cao, 1944; “Sống mòn”
Khuôn viên trường Đại học Sài Gòn phong cách anime (Ảnh: Mực Tím)
Khuôn viên trường Đại học Sài Gòn phong cách anime (Ảnh: Mực Tím)
Hẳn rằng bước vào đại học, tân sinh viên nào cũng ấp ủ trong mình một vài, thậm chí hàng loạt, dự định. Người thì hướng đến mục tiêu học thuật, để trở thành chuyên gia, nghiên cứu viên, gặt hái lấy một suất học bổng hệ cao hơn ở các quốc gia bên kia bờ biển. Người thì hướng đến các mục tiêu xã hội, kết nối bạn bè, tham gia câu lạc bộ, trải nghiệm tuổi trẻ nóng bỏng với những mối quan hệ có thể trở thành đối tác hoặc thâm giao sau này. Cũng có người khiêm tốn hơn, chỉ cầu mong hoàn thành chương trình học, lấy cho mình một cái bằng, kiếm một công việc và giúp đỡ gia đình vượt lên hoàn cảnh hiện tại.
Hoài bão nào đi chăng nữa, miễn tốt cho mình và không hại người, đều đáng trân trọng. Dẫu vậy, là một người từng trải qua bốn năm đại học, tôi hiểu rằng trong quá trình đó, có nhiều yếu tố cản trở bạn đến với mục tiêu.
Đành rằng nếu thứ cản trở đang nhắc đến có liên quan trực tiếp tới mục tiêu, thì mặc dù khó khăn đến cỡ nào, chúng ta có thể chặc lưỡi xem chúng như một phần của hành trình; một thử thách cần vượt qua để xứng đáng với đích đến cuối cùng. Với những ai hướng tới mục tiêu học thuật thì đó sẽ là những bài luận khó khăn, những môn học khó nhằn hay sự canh tranh khốc liệt tới từ đứa bạn cùng giảng đường. Với những ai hướng tới mục tiêu xã hội thì đó sẽ là những đêm mất ngủ vì sự hiểu lầm giữa hai đứa bạn, những trăn trở để làm sao đội nhóm đoàn kết hơn, hay trầm tư thế nào là một tình bạn đẹp. Chúng ta tiếp cận những rào cản này với tâm thế chủ động.
Nhưng hãy vô cùng lưu ý rằng, ngoài thử thách, cũng sẽ có những phiền nhiễu dường như không liên quan gì đến mục tiêu chính. Bởi vì chúng không liên quan, nên việc ngập lụt trong những rắc rối như vậy khiến ta cảm thấy thật lãng phí thời gian. Như một phản ứng tự nhiên, mọi người sẽ cố gắng phớt lờ chúng để tập trung vào mục tiêu ban đầu; Nhưng càng phớt lờ, đám phiền nhiễu này lại càng tìm cách len lỏi trở lại và cản trở chúng ta. Đôi khi những điều vụn vặt như vậy lại là yếu tố quyết định xem ai sẽ đạt được thứ mình mong muốn, còn ai thì không.
Những khó khăn kiểu ấy, nào là mâu thuẫn của gia đình nơi quê nhà xa xôi, vấn đề cảm xúc trồi sụt thất thường, những biến cố sức khỏe không ngờ tới,... Trong cả thảy, đặc biệt có một vấn đề tôi tin rằng nên được để dành nhiều sự chú tâm hơn. Đó là những thay đổi đột ngột (thậm chí đứt gãy) trong bối cảnh sống, các mối quan hệ, mục tiêu và giá trị cá nhân, khi một ai đó vừa mới bước một chân sang trang mới của cuộc đời.
Tôi cũng từng trải qua giai đoạn ấy. Tôi hiểu sự bức bối lớn nhất đến từ việc không có ai khác ngoài chính mình để đổ lỗi: Tại sao mọi người thích nghi được với cuộc sống mới, còn mình thì không?
Tìm hiểu về trải nghiệm chuyển tiếp là một trong những hứng thú dai dẳng của đời tôi. Mượn không khí rình rang của mùa tựu trường này, tôi muốn chia sẻ một số lý thuyết liên quan mà tôi biết.

CHUYỂN TIẾP LÊN ĐẠI HỌC & NHỮNG KHÓ KHĂN CỦA TÂN SINH VIÊN

Báo cáo “Transition Models and How Students Experience Change” của đại học “University of Wolverhampton” [1] tóm gọn một cách tổng quan những gì có thể xảy ra trong giai đoạn chuyển tiếp và các khó khăn mà sinh viên năm nhất phải đối mặt.
Trước hết, chúng ta cần một định nghĩa về sự chuyển tiếp. Chuyển tiếp được định nghĩa là một quá trình bên trong tâm trí, khi mà cá nhân phải trải qua sự thay đổi từ một tình huống quen thuộc sang một tình huống không rõ ràng sắp tới, bao gồm các khía cạnh như văn hóa, xã hội và nhận thức (Perry & Allard, 2003, p. 75; Precott & Hellsten, 2005, p. 76). Theo đó, đi học đại học là một quá trình chuyển tiếp, bao gồm đồng thời sự thay đổi trong môi trường sống (thành phố khác, ngôi trường khác) và sự thay đổi trong các mối quan hệ liên cá nhân (các bạn đồng trang lứa, các bạn sinh viên khác, giảng viên và cán bộ công nhân viên nhà trường, cũng như các mối quan hệ cũ với gia đình và bạn bè).
Trải nghiệm chuyển tiếp từ cấp ba lên đại học của sinh viên tương đồng với mọi trải nghiệm chuyển tiếp khác trong cuộc sống, có thể kể đến như: chuyển đổi công việc, chuyển sang một quốc gia khác sinh sống, hay thậm chí là việc mất mát người thân (Schaetti, 1996). Những sinh viên khác nhau sẽ trải nghiệm sự chuyển tiếp này theo các cách khác nhau; Tuy nhiên, đa số trường hợp đều báo cáo rằng các bạn ấy đã trải qua một giai đoạn mất cân bằng, khi bị nhấc rễ khỏi môi trường quen thuộc để chuyển sang một môi trường không mấy quen thuộc (Jackson, 2010, p. 341).
Tiếp theo, cũng theo báo cáo, có 04 nguồn thách thức chính đối với các bạn tân sinh viên.
Đầu tiên là thách thức đến từ môi trường sống. Chuyển sang sống ở một nơi xa lạ dẫn tới cảm giác cô độc, nhớ nhà, trầm cảm và lo âu. Rủi ro sốc văn hóa dẫn tới cảm giác không thể thích nghi và hòa nhập, sợ bị cho ra rìa.
Thứ hai là thách thức đến từ tài chính. Gánh nặng tài chính để đi học dẫn đến cảm giác căng thẳng và lo lắng. Áp lực đi làm thêm dẫn tới khó khăn trong việc thiết lập ưu tiên, sắp xếp thời gian và hoàn thành các trách nhiệm.
Thứ ba là thách thức đến từ xã hội. Các bạn tân sinh viên cần nhanh chóng thiết lập các mối quan hệ với bạn bè mới, giao tiếp hiệu quả với cán bộ công nhiên viên nhà trường, cũng như thích nghi với những người bạn cùng phòng. Nếu không hòa giải tốt các mối quan hệ, có thể dẫn tới lo âu, mệt mỏi, buồn bã, cảm giác không thuộc về, mất kết nối.
Thứ tư là thách thức đến từ việc học tập. Các bạn tân sinh viên phải làm quen với môi trường và phong cách học tập hoàn toàn khác biệt so với cấp ba. Những kỳ vọng trước kia về một môi trường học tập lý tưởng có thể bị sụp đổ, dẫn tới thất vọng và chán trường. Kết quả và áp lực học tập có thể dẫn tới căng thẳng kéo dài, tủi hổ, cảm giác tự ti, lo âu.
Nhìn chung, đối với một tân sinh viên thì toàn bộ thế giới của bạn đều thay đổi. Một cách đột ngột, bạn phải tìm cách thích ứng và chịu trách nhiệm cho cuộc đời mới của mình. Tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống đều có tiềm năng trở thành nguồn cơn cho các vấn đề tâm lý.

CỤM LÝ THUYẾT #1: MÔ HÌNH CÁC GIAI ĐOẠN CHUYỂN TIẾP

Có lẽ đây là cụm lý thuyết mà mọi người thường xuyên nhắc đến nhất khi bàn về các sự kiện chuyển tiếp. Các mô hình thuộc nhóm này đều xoay quanh một câu hỏi lớn: Tâm lý của một bạn sinh viên khi vừa chuyển tiếp từ cấp ba lên đại học sẽ trải qua những giai đoạn nào?
Các mô hình có thể kể đến như:
> Bridges (2011) đề xuất một mô hình chuyển tiếp, bao gồm ba giai đoạn lớn mà một cá nhân thường trải nghiệm khi đối diện với thay đổi. Giai đoạn 1: Chấm dứt, mất mát và từ bỏ con người trước kia của mình. Giai đoạn 2: Tập thích nghi với cuộc sống mới. Giai đoạn 3: Khởi đầu mới với tất cả sự hứng khởi.
> Risquez, Moore và Morley (2008) dựa trên một lý thuyết cổ điển trước đó (Oberg, 1960) để đề xuất một mô hình có dạng chữ U, thể hiện tâm trạng của một sinh viên khi thích ứng với môi trường mới, cũng bao gồm ba giai đoạn. Giai đoạn 1: Kỳ trăng mật, khi tân sinh viên khám phá môi trường mới mẻ và tràn đầy kích thích lạ lẫm. Giai đoạn 2: Sốc văn hóa, khi tân sinh viên nhận ra nhiều điểm bất tương đồng giữa cuộc sống trước đây và cuộc sống hiện tại, cảm giác mất mát và căng thẳng bắt đầu xuất hiện. Giai đoạn 3: Thích ứng, làm quen với môi trường mới, phát triển những lối sống phù hợp và bình ổn lại cảm xúc.
> Menzies và Baron (2014) đề xuất một mô hình dựa trên một mô hình trước đó của De Cieri et. al. (1991), bao gồm năm giai đoạn. Giai đoạn 1: Trước khi khởi hành (tâm trạng bình thường). Giai đoạn 2: Cập bến mới (tâm trạng bình thường). Giai đoạn 3: Tuần trăng mật (tâm trạng hứng khởi). Giai đoạn 4: Tiệc vui kết thúc (tâm trạng suy sụp). Giai đoạn 5: Thích ứng một cách khỏe mạnh (tâm trạng bình thường trở lại).
Còn rất nhiều mô hình tương tự như vậy. Điểm chung của chúng là có thể vẽ được một biểu đồ hình sin rõ rệt: Cao nguyên của sự hưng phấn, Thung lũng của sự tuyệt vọng, Bình nguyên của sự thích nghi; cứ thế lặp đi lặp lại, tâm trạng trồi lên tụt xuống cứ như đi tàu lượn cao tốc. Đại ý là thế, còn việc chia ra 3, 5 hay 7 giai đoạn gì đó, có lẽ không mấy quan trọng.
Một mô hình như thế
Một mô hình như thế
Hầu hết các mô hình thuộc nhóm này đều tập trung vào một vài tháng đầu của sự kiện chuyển tiếp, nghĩa là từ khi bạn mới bước chân vào trường đại học phải thích ứng với hàng loạt điều mới lạ, cho đến khi bắt đầu cảm thấy quen thuộc, phát triển cho mình được một vài chiến lược sống còn trong quãng thời gian sắp tới. Đây cũng là điểm yếu cốt lõi của chúng, khung thời gian tham chiếu quá hẹp. Trong khi công cuộc học đại học là một khoảng thời gian kéo dài tới tận 4 năm, chỉ miêu tả 2 tháng đầu của chiến dịch đó có lẽ không thỏa đáng.
Chính vì vậy, mô hình của Burnett (2007) [2] có thể xem là một cuộc cách mạng cần thiết trong lĩnh vực. Mô hình này miêu tả trải nghiệm của sinh viên trọn vẹn quãng thời gian bốn năm học tập, bao gồm sáu giai đoạn:
> Giai đoạn đầu tiên – Tiền chuyển tiếp: Không như nhiều mô hình khác chỉ tập trung vào quãng thời gian gần kề ngày nhập học, mô hình của Burnett cho rằng để chuyển tiếp lên đại học thành công thì đòi hỏi cả những yếu tố cắm rễ từ rất lâu. Cụ thể, theo các nghiên cứu của Ellis (2002) và Krause (2006), học sinh đã bắt đầu suy nghĩ về quyết định học đại học từ những năm cấp hai; cân nhắc của các em dựa những yếu tố như dự định về sự nghiệp và cuộc sống sau này, hiểu biết có sẵn về ngành nghề, các yếu tố tài chính, định hướng từ gia đình,...
> Giai đoạn thứ hai – Bắt đầu chuyển tiếp: Giai đoạn này tân sinh viên đã được nhận vào trường đại học và đang chuẩn bị cho cuộc sống mới (ăn mừng thôi!). Ellis (2002) nhận xét rằng, sinh viên chuyển đột ngột từ môi trường được chỉ thị và giám sát chặt chẽ (cấp ba) sang một môi trường đề cao tính tự chủ, vì vậy cần được hỗ trợ để phát triển trong đời sống cá nhân lẫn học thuật.
> Giai đoạn thứ ba – Tuần lễ định hướng: Hầu như trường đại học nào (kể cả ở Việt Nam) cũng có tuần lễ này. Mục tiêu của chúng là giúp tân sinh viên hòa nhập tốt hơn với môi trường mới, cũng như có một vài hình dung ban đầu về bốn năm sắp tới. Các sự kiện trong tuần lễ này thường bao gồm: kết nối (sự kiện chào mừng, giới thiệu câu lạc bộ,…), phát triển kỹ năng học thuật (các hội thảo hướng dẫn tìm kiếm thông tin, viết lách học thuật,…) và các chương trình cụ thể của từng khoa.
> Giai đoạn thứ tư – Chương trình đại cương cho sinh viên năm nhất: Krause (2006) quan sát được rằng các môn học được lựa chọn ở năm nhất đóng vai trò quan trọng trong việc giúp sinh viên xã hội hóa, định hình quan điểm của mỗi bạn về môi trường đại học; từ đó ra quyết định xem liệu đây có phải là thứ mình mong muốn và nên theo đuổi hay không. Cuối năm nhất là thời điểm quyết định xem một sinh viên sẽ bỏ học hay hoàn thành chương trình; các con số thống kê cho thấy chỉ cần vượt qua năm nhất thì tỷ lệ ra trường là rất cao.
> Giai đoạn thứ năm – Các năm giữa chương trình đại học: Thường là năm hai và năm ba, hoặc cả năm bốn đối với các chương trình năm năm (học y chẳng hạn). Theo chia sẻ của nhiều bạn sinh viên, thì đây là khoảng thời gian họ cảm thấy mất đi sự hỗ trợ và định hướng rõ ràng nếu so với năm nhất. Có vẻ không sai khi nói rằng, người ta chỉ quan tâm tới sinh viên năm nhất và sinh viên năm cuối, còn sinh viên năm giữa thích làm gì thì làm.
> Giai đoạn thứ sáu – Năm cuối hoặc Dự án cuối khóa: Mối quan tâm lớn nhất của sinh viên và nhà trường là làm sao kết nối được những kiến thức trong nhà trường với việc làm thực tế trong thị trường lao động.
Tiếc rằng, hiện nay đang rất thiếu hụt lý thuyết và nghiên cứu về giai đoạn thứ tư, năm và sáu của mô Burnett. Trải nghiệm của sinh viên trong các giai đoạn này vẫn là một dấu hỏi lớn, mọi hiểu biết đến hiện tại đều mang tính giai thoại, thiếu mất đi tính cấu trúc và định hướng giải pháp.

CỤM LÝ THUYẾT #2: CÁC KIẾN TẠO TÂM LÝ KHI CHUYỂN TIẾP

Từ “kiến tạo” nghe có vẻ trừu tượng, nhưng có thể hiểu chúng đơn giản là những khái niệm không-có-thật. Phần lớn các khái niệm trong khoa học xã hội đều là những kiến tạo, chúng không có thật và bạn sẽ không thể điểm mặt chỉ tên chúng trên thực tế như các khái niệm trong khoa học tự nhiên. Như khi bạn muốn giải thích khái niệm “cái cây”, bạn có thể chỉ vào cái cây ngoài vườn; nhưng khi muốn giải thích khái niệm “danh tính”, ta đành bó tay không biết phải chỉ trỏ vào đâu hết.
Tuy không có thật, những kiến tạo này vẫn hằng ngày rả rích tác động lên chúng ta. Như “danh tính” là một khái niệm không có thật, nhưng nếu thiếu vắng một cảm giác rõ ràng về danh tính, sức khỏe tâm lý của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Các nhà khoa học xã hội quan sát (và đo lường) tác động của các kiến tạo, để đánh giá xem kiến tạo nào hữu ích (để giữ lại) và kiến tạo nào không hữu ích (để bỏ đi). “Danh tính” là một kiến tạo khá hữu ích, nó có thể được sử dụng để lý giải nhiều hiện tượng xã hội, và có thể quan sát tác động của kiến tạo này một cách tương đối rõ rệt lên các cá nhân và hội nhóm. Ngược lại, “cảm xúc” và “lý trí” trong tâm lý học nhân cách là cặp kiến tạo ngày càng lỗi thời, chúng không được định nghĩa phân biệt một cách triệt để, cũng như có nhiều mâu thuẫn trong cách đo lường, vì vậy gần như đã biến mất trong các nội dung khoa học.
Cụm lý thuyết này tập trung vào việc đo lường và so sánh các kiến tạo khác nhau trong sự kiện chuyển tiếp. Nghiên cứu của Scanlon, Rowling và Weber (2007) cho thấy quá trình hình thành danh tính mới (danh tính sinh viên đại học) của sinh viên năm nhất gặp rất nhiều khó khăn; một câu trả lời ấn tượng từ một bạn tham gia nghiên cứu: “Tôi không có, kiểu như một danh tính nào… chỉ thấy lạc lõng bên trong đám đông” [3]. Sự khó khăn này được cho là đến từ việc không thể kết nối với môi trường mới (giảng viên, đội ngũ cán bộ trường, bạn đồng trang lứa, và các yêu cầu học thuật).
Trong khi đó, Briggs, Clark và Hall (2012) cho rằng việc thiết lập được một danh tính “người học” tích cực là điều cần thiết để thành công trong môi trường đại học. Cũng theo nghiên cứu này, các yếu tố ảnh hưởng tới việc hình thành danh tính mới bao gồm: Sự hỗ trợ từ trường cấp ba, Yêu cầu và kỳ vọng học thuật, Bạn đồng lứa và cán bộ nhà trường, Trạng thái tâm lý của sinh viên. Lounsbury và cộng sự (2005) cũng tìm thấy kết quả tương tự, cảm giác về danh tính tương quan rất mạnh với điểm số trung bình (GPA); ngoài ra theo nghiên cứu này, mức độ ổn định về cảm xúc cũng dự đoán một phần nhỏ điểm số trung bình.
Danh tính là kiến tạo quan trọng khi nghiên cứu về sự kiện chuyển tiếp, tuy nhiên, không phải kiến tạo duy nhất. Bean và Eaton (2002) tập trung vào các kiến tạo tâm lý khác như Sự tự tin vào năng lực cá nhân (Self-efficacy), Trọng tâm kiểm soát (Locus of control), Các kỹ năng ứng phó (Coping Skills), Niềm tin theo chuẩn mực chung (Normative beliefs) – đều ảnh hưởng ít nhiều tới các thành tựu trong trường đại học.
> Sự tự tin vào năng lực cá nhân (Self-efficacy): Đôi khi khái niệm này cũng được dịch là Hiệu quả cá nhân, mà tôi cho rằng cách dịch này khá tối nghĩa. Đây là kiến tạo đề xuất bởi Bandura (1977), chỉ mức độ tự tin của một người vào khả năng thực thi các hành động cần thiết để đạt được một mục tiêu cụ thể nào đó; ví dụ một bạn sinh viên tin rằng mình có thể thức suốt đêm ôn bài để đạt điểm cao cho bài kiểm tra ngày hôm sau. Bóc tách ra một chút, bạn sinh viên này tự tin mình có thể kiểm soát động lực và hành vi của bản thân, cũng như kiểm soát các tác động từ môi trường, để thực hiện được hành động nói trên; và cũng tự tin rằng hành động nói trên sẽ mang đến kết quả như mong đợi. Đây là một kiến tạo rất thú vị, tôi có đọc một số nghiên cứu khác và thấy rằng sự tự tin vào năng lực cá nhân còn tương quan mạnh mẽ tới năng suất của nhân sự và của vận động viên; có lẽ đầu tiên phải tin trước rồi sau đó mới phát sinh hành động.
> Trọng tâm kiểm soát (Locus of control): Là kiến tạo đề xuất bởi Rotter (1954), chỉ niềm tin của một người rằng các sự kiện xảy đến với họ nằm trong tay họ kiểm soát (hay vượt quá tầm kiểm soát của họ). Người có trọng tâm kiểm soát bên trong tin rằng họ là người quyết định các kết quả trong đời mình. Ngược lại, người có trọng tâm kiểm soát bên ngoài tin rằng các kết quả trong đời mình chịu tác động phần lớn bởi môi trường, xã hội, những người xung quanh hoặc sự may mắn. Đây có lẽ là một kiến tạo rất nổi tiếng, mà đa số nghiên cứu đều hướng về phía kết luận rằng, người có trọng tâm kiểm soát bên trong sẽ đầu tư nhiều nỗ lực hơn, và vì vậy, đạt được nhiều thành tựu hơn.
> Các kỹ năng ứng phó (Coping Skills): Là chiến thuật một người có thể sử dụng trong các tình huống căng thẳng. Các chiến thuật này có thể phân loại thành nhóm nhắm vào vấn đề (problem-based) như tìm kiếm sự giúp đỡ, đầu tư thêm nỗ lực…, hoặc nhắm vào cảm xúc (emotional-based) như đi xem phim giúp bình ổn cảm xúc, dừng quan tâm tới vấn đề… Có một bộ kỹ năng ứng phó hiệu quả là rất cần thiết để không bị ngập lụt trong các tình huống căng thẳng; tuy nhiên, không nên lạm dụng các chiến thuật né tránh vấn đề quá lâu.
> Niềm tin theo chuẩn mực chung (Normative beliefs): Là niềm tin của một người rằng họ phải tuân theo những chuẩn mực chung đến mức nào. Có người tin rằng họ phải hoàn toàn tuân thủ chuẩn mực chung đến từng hành vi và suy nghĩ vụn vặt nhất, cũng có người hoàn toàn không cảm thấy áp lực phải hành xử giống một ai khác. Nhìn chung, ai càng có niềm tin mình nên làm gì thì họ càng sẽ có xu hướng hành động theo niềm tin đó. Một người có niềm tin mạnh mẽ rằng mình nên hoàn thành đại học sẽ có khả năng hoàn thành đại học; ít nhất là cao so với một người có niềm tin rằng đại học là vô dụng, xung quanh không có ai học đại học và gia đình không quá mặn mà ủng hộ chuyện này.

CỤM LÝ THUYẾT #3: TẬP TRUNG VÀO TRẢI NGHIỆM CHUYỂN TIẾP

Các lý thuyết thuộc cụm này cố gắng tái tạo lại trải nghiệm của một bạn tân sinh viên. Mặc dù, đúng là có thể nói cả hai cụm lý thuyết trên đều miêu tả ít nhiều trải nghiệm như vậy. Nhưng ở đây, các lý thuyết đi vào sâu hơn, lý giải xem những yếu tố gì tác động đến trải nghiệm của các bạn, trải nghiệm đó mang ý nghĩa ra sao và làm các bạn thay đổi như thế nào trên con đường trưởng thành của mình.
Lấy ví dụ, Tinto (1988) cho rằng trải nghiệm chuyển tiếp từ cấp ba lên đại học là một dạng “nghi lễ vượt qua” như theo mô tả của nhà nhân học Arnold van Gennep. Dưới nhãn quang của Gennep (1909), một xã hội lớn luôn chứa đựng bên trong nó những tiểu cộng đồng với đặc điểm và địa vị rất khác biệt. Lấy ví dụ như cộng đồng của trẻ nhỏ và cộng đồng của người lớn, cộng đồng của chiến binh và cộng đồng của thợ thủ công,… Tùy thuộc vào mức độ phát triển của xã hội đó, mà các cộng đồng này mang màu sắc tôn giáo nhiều hơn (phát triển mức độ thấp) hay màu sắc thế tục nhiều hơn (phát triển mức độ cao). Nghi lễ vượt qua được tổ chức – dưới nhiều hình thức - khi một cá nhân thay đổi từ một tiểu cộng đồng này sang một tiểu cộng đồng khác. Trong tác phẩm của mình, Gennep tập trung vào các nghi lễ thường gặp như mang thai, sinh con, trưởng thành, hứa hôn, kết hôn, tang lễ,…
Tương tự vậy, chuyển tiếp từ cấp ba lên đại học cũng là một sự kiện vượt qua, nơi bạn trẻ rời khỏi tiểu cộng đồng của học sinh và hướng tới tiểu cộng đồng của sinh viên; cả đặc điểm và vị thế xã hội của hai nhóm vô cùng khác biệt. Và vì vậy, sự kiện này cũng trải qua ba giai đoạn theo như Gennep miêu tả:
> Tách rời. Gỡ bỏ sợi dây liên kết với cộng đồng trước đó (cấp ba). Thường xảy ra những hành động mang tính biểu tượng nhằm "cắt bỏ" mối liên hệ với bản thân trước đó. Trong trường hợp của chúng ta, đó có thể là chuyển đi khỏi thành phố cũ, từ bỏ phong cách ăn vận cũ, thôi dùng điện thoại/laptop cũ.
> Chuyển tiếp. Khám phá cộng đồng mới. Bây giờ, nhân vật chính của chúng ta đã tách rời khỏi cộng đồng cũ nhưng chưa tích hợp vào cộng đồng mới. Giai đoạn này, cảm thấy mơ hồ là một trạng thái tâm lý bình thường.
> Tích hợp. Kết nối với trường đại học cả về mặt xã hội lẫn học thuật. Đây là giai đoạn mà bạn tân sinh viên thực sự trở thành một phần của trường đại học, cộng đồng mới. Để hợp thức hóa sự chuyển tiếp này, thường được tổ chức là các lễ chào mừng tân sinh viên, đêm nhạc hội. Đôi chỗ còn sử dụng những biểu tượng “linh thiêng” hơn, như một chiếc nhẫn, một huy hiệu, hay một nghi lễ kỳ quái nào đó. Nếu đã xem phim Ba Chàng Ngốc thì bạn có thể thấy, việc bắt tân sinh viên tụt quần trước sự chứng kiến của mọi người chính là nghi lễ kỳ quái đó; nghiên cứu đã chứng minh rằng các hoạt động càng kỳ quái thì càng tăng cường tính đoàn kết của một đội nhóm, nhờ vào cơ chế bất hòa nhận thức – xem thêm Aronson và Mills (1957). Tất cả những điều này là một phần của nghi lễ vượt qua.
Đi tiếp tới một tiếp cận khác, Schutz (1964, 1970, 1973) đề xuất một khung lý thuyết lý giải trải nghiệm của tân sinh viên được kiến tạo từ những nguồn nào. Áp dụng chủ nghĩa tương tác biểu tượng (symbolic interactionism), cho rằng con người phản ứng với các yếu tố của môi trường tùy theo các ý nghĩa chủ quan mà họ gắn cho các yếu tố đó, mô hình này cho rằng một người có ba nguồn tài trợ cho trải nghiệm. Thứ nhất là những kinh nghiệm trước đó của họ. Thứ hai là mục tiêu hiện tại của họ. Thứ ba là sự tương tác với người khác.
Trong trường hợp của sinh viên đại học, cả ba nguồn tài trợ trải nghiệm này đều có thể gặp một số rủi ro. Đầu tiên, kinh nghiệm trước đó khi học cấp ba có thể rất khác so với khi đi học đại học, nơi cả về nội dung và cách thức học tập đều thay đổi. Thứ hai, nhiều sinh viên đi học đại học khi chưa thật sự rõ ràng về mục tiêu đến đây của mình, cảm giác mất định hướng vì vậy khá phổ biến. Thứ ba, tân sinh viên cần tương tác và quan sát những sinh viên khác để có manh mối điều hướng hành vi của mình; tuy nhiên, không phải ai cũng làm tốt điều này, đặc biệt khi các mối quan hệ ở đại học rất khác các mối quan hệ ở cấp ba. Kết hợp cả ba rủi ro này, trải nghiệm mới đầu khi bước chân vào ngôi trường đại học có thể trở nên rất nhạt nhòa, khó hiểu, lạc lõng và khó chịu.
Lý thuyết cuối cùng mà tôi muốn giới thiệu trong bài viết này là của Schlossberg (1984). Theo đó, mỗi người chúng ta đều trải nghiệm sự chuyển tiếp một cách thường xuyên. Khác với phần lớn các lý thuyết khác trong bài này, sự chuyển tiếp theo Scholossberg không giới hạn ở các sự kiện, mà còn ở các “không-sự kiện”, ví dụ như không được tăng chức hay không được kết hôn với người mình mong muốn. Bất cứ thứ gì tạo ra một sự thay đổi lớn trong danh tính, hoặc nảy sinh cảm giác mất mát và thiếu sót đều là sự chuyển tiếp.
Ông phân loại sự chuyển tiếp này thành ba loại. Loại thứ nhất là rời đi khỏi thứ gì đó (moving out), như rời đi khỏi một thành phố, một mối quan hệ, một chức danh. Loại thứ hai là đi đến một thứ gì đó (moving in), như đi đến một thành phố mới, mối quan hệ mới, danh tính và nhiệm vụ mới. Loại thứ ba là vượt qua cùng một thứ gì đó (moving through), như thay đổi trong danh tính bản thân, thay đổi trong các mối quan hệ hiện hữu.
Áp dụng vào trường hợp chuyển tiếp lên đại học. Có thể thấy, các bạn tân sinh viên đã moving-out khỏi thành phố cũ, môi trường học tập cũ, một số mối quan hệ cũ; moving-in đến một thành phố mới, môi trường học tập mới, các mối quan hệ mới; moving-through cùng với danh tính của bản thân, các mối quan hệ xưa vẫn còn giữ (chắc chắn sẽ có sự thay đổi trong các mối quan hệ này),…
*
Có rất nhiều điều diễn ra trong sự kiện chuyển tiếp từ cấp ba lên đại học. Một số bạn gặp khó khăn hơn các bạn khác trong nhiệm vụ tích hợp vào môi trường mới, ví dụ như tôi:
Tôi nghĩ một tâm thế quan trọng cho hoàn cảnh này là coi mọi thứ như là thử thách, nghĩa là một cơ hội để chúng ta phát triển và tiến lên, một phần không thể tách rời của hành trình; thay vì coi chúng là không liên quan (dẫn đến tránh né giải quyết vấn đề) hay là mối đe dọa (sinh ra căng thẳng không cần thiết) - tham khảo thêm mô hình thẩm định cảm xúc của Richard Lazarus (1991). 
Sau đây là ba nghiên cứu quan trọng để tôi viết lên bài này, và cũng là gợi ý để bạn tiếp tục tìm hiểu:
Chúc may mắn với hành trình sắp tới, các bạn tân sinh viên!
----surphi10, 31/08/2023