Khoảng cách 2500 năm không chỉ có những ưu điểm, nó là một thử thách.
Một là Phật giáo Nguyên thủy cũng không còn nguyên thủy. Hai là khối lượng kiến giải khổng lồ (và mâu thuẫn) từ tu sĩ và cả người ngoại đạo, theo góc nhìn cá nhân của họ.
Tuy nhiên, đây là hai thử thách chung của mọi tôn giáo.
Phật giáo còn có một thử thách thú vị thứ ba:
Chứng quả khó đến nỗi, nhiều học trò của Shakyamuni, dưới sự dẫn dắt của ông khi còn sống, cũng không làm được ngay. Một thời gian dài sau khi Shakyamuni không còn, có lẽ để duy trì sự hiện diện của Phật giáo trong xã hội, thay vì mô tả về một con đường tu hành gian nan qua vô vàn kiếp sống, các tu sĩ đã phổ biến những ý niệm dẫn nhập nhẹ nhàng hơn cho người dân.
“Giác ngộ là trong từng phút giây… Niết bàn ngay tại đây, ngay tại lúc này…”
Tuy giải quyết được vấn đề phổ cập, nhưng phương pháp này, khi kết hợp cùng sự háo hức được cứu rỗi (thiên đàng), sợ hãi bị trừng phạt (hỏa ngục), những ý niệm có ở cả Phật giáo, lẫn các tôn giáo thờ thần, đã tạo nên một tâm lý cực kỳ thú vị trong xã hội hiện đại:
Ám ảnh về sự giác ngộ vội vã, hoặc đưa đến đâu cũng được, miễn không phải hỏa ngục, chỉ trong một đời sống.
Ở phần Dẫn nhập, tôi đã lưu ý rằng Shakyamuni dành những điều căn bản cho dân chúng (A), và những điều “academic” hơn cho tu sĩ (B). Khi tôi tạm đặt (B) sang một bên và tập trung va vấp với (A) trong khoảng mười năm - giai đoạn mà tôi cho rằng một kẻ khắc kỷ nghiêm túc vô tôn giáo sẽ vượt qua một Phật tử cẩu thả - tôi bắt đầu tiến vào Phật giáo mà không cần đến chữ “Phật giáo” nữa.
Việc chấp nhận dòng luân hồi và sự căn bản chậm rãi, thực ra đã khiến mọi thứ đi nhanh hơn tôi nghĩ, vì vượt qua được một vòng lặp nguy hiểm:
1. Bạn bắt đầu với (A) nhưng nghĩ rằng mình đang ở (B), vội vã tìm chân lý => đó là lí do vì sao bạn bắt đầu cảm thấy sự siêu việt, mặc dù đang phải vật lộn với (A), căng thẳng với xã hội thường nhật.
2. Khi nghĩ rằng mình đang ở (B) lâu ngày, bạn sẽ tin rằng mình thực sự đang ở (B) => một số người ám ảnh đến nỗi tin rằng, họ chính là một Bodhisattva (Bồ tát) ban phát sự cứu độ cho kẻ khác.
3. Khi tin rằng mình đang ở (B), bạn sẽ đam mê luận giải, thay vì làm (A) => một số người hay chứng tỏ sự “giác ngộ” của mình bằng những điều khó hiểu (mặc dù không ai hỏi).
4. Sự tung hô từ xã hội sẽ khiến ảo giác ở trong (B) càng được củng cố => quay lại bước 2 => bước 3 => bước 4 => và trở thành một vòng lặp cho đến khi các chứng tâm thần, hoang tưởng hình thành. 
Một người mắc kẹt trong vòng lặp này bao lâu là tùy năng lực nhận thức bên trong, không liên quan gì đến vật chất bên ngoài. Tôi không ngạc nhiên khi một người giàu có, nổi tiếng, bàn về tôn giáo buổi sáng có thể hiếp dâm ai đó vào buổi chiều. Money doesn’t make anyone good or bad, it shows.
2500 năm đã thay đổi nhiều thứ, sự thực chứng chậm rãi trên đôi chân của chính mình, với niềm tin vào người bạn Luân Hồi, sẽ tốt hơn nhiều lý thuyết hào nhoáng từ kẻ khác, kể cả thầy mình.
Còn nếu sợ hãi đến mức không dám làm bạn với Luân Hồi, vậy bạn đến với Phật giáo làm gì?
Samyutta Nikaya 56.47 - Lỗ của  cái ách (cái ách là cái khóa gỗ đeo lên cổ gia súc để kéo cày) - Câu chuyện nói về độ khó của việc quay lại tái sinh làm người và sự chăm chỉ tu hành
Samyutta Nikaya 56.47 - Lỗ của cái ách (cái ách là cái khóa gỗ đeo lên cổ gia súc để kéo cày) - Câu chuyện nói về độ khó của việc quay lại tái sinh làm người và sự chăm chỉ tu hành
Cảm ơn bạn đã dùng 3 phút của đời mình để dành cho tôi. Tôi biết trong trường hợp bạn không thích ý tưởng này đi chăng nữa, thì cũng chẳng lấy lại được 3 phút của đời mình. Tôi rất tiếc nhưng cuộc sống luôn là như vậy.
Bài viết này thuộc series Hãy cẩn thận với Phật giáo nếu các bạn muốn xem nhiều hơn.