Nhà Hậu Lê nằm ở đoạn nào trong dòng Sử Việt? Bạn biết nhân vật Nguyễn Trãi hay điển cố Lê Lai cứu Chúa chứ gì? Những nhân vật, sự việc này nằm ở đầu giai đoạn nhà Lê này đó!
Được rồi, sau khi đọc xong bài viết này, bạn sẽ nắm được:
1. Nhà Lê sơ lập thế nào? 2. Dòng chảy nhà Lê sơ. 3. Nhà Lê sơ mất thế nào? 4. Một số drama giúp tăng phần hứng thú. 5. Câu đố nhẹ nhàng.

LET’S GO!!

Bài hôm nay đặc biệt vì nhà Hậu Lê tồn tại qua rất nhiều đời so với các triều trước, nên mình sẽ tách ra 2 bài nhỏ cho dễ vậy. Đây là bài đầu tiên.
-Rolf-

1. Triều Lê lập thế nào? Phân biệt: Tiền Lê-Hậu Lê & Lê Sơ-Lê Trung Hưng

1.1. tại sao lại có TIỀN LÊ & HẬU LÊ trong lịch sử

Vì trong Sử Việt có 2 ông vua mở đầu 2 triều đại khác nhau cùng mang họ Lê nhưng không có quan hệ huyết thống.
- Nhà Lê do Lê Hoàn sáng lập sau khi được Thái hậu Dương Vân Nga thay Đinh Toàn nhường ngôi gọi là Tiền Lê. - Nhà Lê do Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh lập nên. Nhà Lê này gọi là Hậu Lê. (Tiền = Trước; Hậu = Sau) Tiền Lê & Hậu Lê | Lê trước & Lê sau; chỉ có vậy thôi. (Thông thường, khi nói chúng ta ngầm hiểu nhà Tiền Lê = Tiền Lê; nhà Lê = Hậu Lê)

1.2. mình hiểu tiền với hậu rồi nhưng LÊ SƠ & LÊ TRUNG HƯNG lại là thế nào?

Là thế này…
Con cháu của Lê Lợi đang thế tập thì bị Mạc Đăng Dung cướp ngôi lập ra nhà Mạc, khiến con cháu họ Lê chạy tán loạn tưởng là chấm dứt luôn rồi. Nhưng may là có Nguyễn Kim phò trợ Lê Ninh (con trai vua kế cuối Lê sơ) lập lại nhà Lê nên nhà Lê được trung hưng, thọ thêm ít trăm nữa.
Như vậy, Hậu Lê có 2 giai đoạn: - Từ Lê Lợi → trước khi Mạc Đăng Dung cho bay màu: gọi là Lê sơ (Sơ của sơ khởi ban đầu) - Từ Lê Ninh -> Lê Duy Khiêm (Lê Chiêu Thống): gọi là Lê trung hưng (trung hưng của việc xây dựng lại cơ nghiệp đã mất)
-Rolf-
-Rolf-
Như vậy, chắc bạn cũng đã hết băn khoăn về các khái niệm này rồi đúng không?

2. Dòng chảy triều Lê sơ

(0) Mấy bạn biết rồi đấy, nước ta sau khi nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần thì bị nhà Minh sang đập. Nhà Hồ đánh không nổi nên ta toang. Sau này, nhờ Lê Lợi đánh đuổi quân Minh nên nước ta hết bị Bắc thuộc lần 4.
Lê Lợi chính là người cầm đầu dân ta dẹp giặc Minh; lên ngôi vua mở ra triều Hậu Lê trong Lịch sử-Lê Thái Tổ Lê Lợi (1).
Lê Lợi làm vua được ít lâu thì mất. Nhưng vua mất thì ai kế ngôi? Dĩ nhiên là Đông cung Thái tử Lê Nguyên Long rồi, tức là Lê Thái Tông (2), ông này chính là người băng hà trong vụ án Lệ Chi Viên nổi tiếng khiến Nguyễn Trãi mất mạng đó. Đây rồi, bạn đã thấy câu chuyện này quen quen hơn chưa? Thái Tông tuổi trẻ tài cao cả về mặt chính trị, cả về mặt con cái. Tuy mất lúc mới 20 tuổi nhưng cũng đã kịp có 4 người con trai lần lượt là: Nghi Dân, Khắc Xương, Bang Cơ và Tư Thành.
Nhưng sau khi Long mất thì người con trai nào sẽ kế vị? Dĩ nhiên cũng là Thái tử rồi. Thái tử Lê Bang Cơ kế vị, tức là Lê Nhân Tông (3), ông này có tin đồn rằng không phải con ruột của Nguyên Long. Nói chung thì Bang Cơ cũng làm vua được hơn chục năm. Vào một ngày, anh trai ruột của ông là Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân lẻn vào cung tiễn Cơ và Thái Hậu chầu trời, tự xưng làm vua. Như vậy, hai cha con Long & Cơ đều chết trẻ, chết rất lảng xẹt và rất uổng.
Lê Nghi Dân (4) làm vua được 8 tháng thì bị bọn đại thần kéo xuống. Họ toan lập Khắc Xương, nhưng Xương từ chối, vậy nên họ lập Lê Tư Thành, tức là Lê Thánh Tông (5)-người được các Sử gia đánh giá là vị quân chủ tài giỏi nhất lịch sử phong kiến Việt Nam (Hồng Đức thịnh thế đồ đó). Thánh Tông trường thọ, qua đời nhẹ nhàng, vẫn như cũ, Thái tử lại kế vị.
Thái tử của Tư Thành, tức là Hiến Tông Lê Tranh (6), Tranh được đánh giá là vua hiền; ông vốn không phải con trưởng nhưng vì con trưởng của Tư Thành phạm lỗi nên Thành lập ông làm Thái Tử. Tranh phước lộc giống cha, trường thọ cho đến lúc bệnh qua đời, Tranh cũng là vua hiền nên sau khi mất cũng không có gì lộn xộn.
Thái tử Lê Thuần nối ngôi, tức Lê Túc Tông (7), ông này cũng như cha Lê Tranh, không phải con trưởng, là con thứ 3. Nhưng vì Tranh cho rằng hai ông con trai lớn không đủ đức hạnh, với ông Thuần cũng thông minh nên lập ông thôi, tiếc là không giống cha và ông nội, couple Thành-Tranh, mà giống cụ cố Long-Cơ nên nghẻo sớm, lên ngôi được có 6 tháng = băng hà.
Trước khi băng hà ông chỉ định anh trai mình-một trong 2 nhân vật mà cha ông cho là không đủ đức hạnh ở trên nối ngôi-tức là Lê Uy Mục Lê Tuấn (8). (Bắt đầu từ khúc này là nhà Lê sơ toang) Bạn có để ý khi ngôi vua không truyền cho con trai mà truyền cho anh em chú bác thì kiểu gì cũng sẽ có chuyện không? Trường hợp này y vậy, rất nhiều người phản đối Tuấn, nhưng cũng không sao bởi vì Tuấn sẽ giết hết những ai phản đối mình. Uy Mục gắn liền với giai thoại đêm đêm cùng cung nhân uống say, sau đó giết họ. Sứ thần nhà Minh gọi ông là “vua quỷ”. Theo như sử liệu thì đây là hôn quân, nên tất yếu sẽ có lật đổ thôi.
Em họ Tuấn - Lê Tương Dực Lê Oanh (9) lật đổ ông. Oanh giai đoạn đầu là vị vua tốt nhưng về sau buông thả. Ông này nổi tiếng với việc xây Cửu Trùng Đài, chúng ta có hẳn tác phẩm văn học “Vũ Như Tô” của Nguyễn Huy Tưởng cơ mà. Sứ thần nhà Minh gọi ông là “vua lợn”. (Tô là kiến trúc sư của Cửu Trung Đài) Cuối cùng Oanh bị một quyền thần là Trịnh Duy Sản giết chết.
Sau đó, Sản lập cháu chắt của Thánh Tông là Lê Y lên ngôi, tức là Lê Chiêu Tông (10), ông này khi lên ngôi mới 11 tuổi, lại còn vào lúc nước có nhiều cuộc nổi loạn nên mọi việc phải nhờ cả vào Sản.
- Trịnh Duy Sản đuổi Trần Cao: Lúc này, có Trần Cao là thế lực làm loạn lớn. Sản đem Chiêu Tông Y về Tây Kinh (Thanh Hoá) chiêu mộ quân đánh ngược lên Đông Kinh đuổi được Trần Cao, nhưng Sản vì ham truy bắt mà bị phục kích chết. Cũng may còn có tướng Trần Chân nên Trần Cao không chiếm được Đông Kinh lần 2, triều đình tạm ổn. - Giết Trần Chân: Sau khi bình ổn giặc loạn, triều đình xuất hiện 3 thế lực lớn: Trần Chân ở cạnh vua, Trịnh Tuy và Nguyễn Hoằng Dụ yếu hơn nên lui về phía Nam. Lê Y nghe lời gièm pha giết Trần Chân khiến thuộc tướng của Chân cấu kết Trịnh Tuy làm loạn. - Mạc Đăng Dung dẹp loạn: Lúc này, vua không có thực quyền đành phải tìm nơi nương nhờ, vua nhờ Mạc Đăng Dung. Dung chấm dứt tàn dư Trần Cao, trấn áp 2 thế lực còn lại, dọn dẹp giặc giã. Dần dần trở thành quyền thần. - Vua muốn giết Dung: Lê Y thấy thế Dung quá lớn, lại bỏ Đông Kinh tìm kiếm thế lực khác, mưu nhờ thiên hạ triệt hạ Dung. Sau khi vua đi,... - Tại Đông Kinh: Vì Chiêu Tông Y bỏ đi, Mạc Đăng Dung lập hoàng đệ ruột Lê Xuân lên ngôi, là Lê Cung Hoàng (11). - Tại nơi khác: Chiêu Tông Y làm Trịnh Tuy bất mãn, nên Tuy bắt Y về Thanh Hoá. Về sau Dung đánh vào Thanh Hoá, bắt Y về Đông Kinh giết chết.(Ông vua này suốt ngày cứ làm quyền thần bất mãn cho có chuyện không hà! Phải chi ông cũng dẹp quyền thần khéo như cụ Thái Tông Nguyên Long là vui rồi) - Nhà Mạc lấy số đỏ: Sau nửa năm giết Chiêu Tông Y, Dung phế Cung Hoàng Xuân lập ra nhà Mạc.
Phả hệ Lê sơ
(Nguồn: <a href="https://cactrieudaipkvn.wordpress.com/2018/07/18/pha-he-nha-hau-le/">cactrieudaipkvn.wordpress.com</a>)
Phả hệ Lê sơ (Nguồn: cactrieudaipkvn.wordpress.com)
Từ đây, kết thúc nhà Lê Sơ, về sau Nguyễn Kim sẽ phò trợ con trai Chiêu Tông trung hưng nhà Lê.

3. Triều Lê sơ mất thế nào?

- Nguyên nhân trực tiếp: Do quyền lực của vua mất dần, đến đời cuối cùng của Chiêu Tông Y và Cung Hoàng Xuân thì mất triều do quyền thần Mạc Đăng Dung phế mà ra. - Gốc rễ loạn: Nhưng gốc rễ loạn bắt đầu từ Uy Mục Lê Tuân ăn chơi mà ra, khiến các thế lực có thời cơ nổi dậy. Tương Dực Lê Oanh sau này tưởng chừng có thể cứu được nhà Lê sơ nhưng tiếc rằng ông chỉ chú tâm triều chính một thời gian, giai đoạn sau lại ăn chơi, hồ đồ; khiến các triều thần và các thế lực bên ngoài làm phản. Bàn: Kể từ Chiêu Tông Y, nhà Lê sơ cơ bản phải dựa vào quyền thần để tồn tại: - Dựa vào Duy Sản, Trần Chân để đối phó Trần Cao. - Dựa vào Mạc Đăng Dung để đối phó thuộc tướng Trần Chân, Trịnh Tuy. - Đến khi không thể dựa vào thế lực mạnh hơn để đối phó Dung thì mất ngôi.
Như vậy, nhà Lê sơ có 11 đời vua: bắt đầu bởi Lê Lợi, kết thúc tại Cung Hoàng Lê Xuân.

4. Một số drama giúp tăng phần hứng thú

1. Lê Lợi và câu chuyện “Thỏ khôn chết, chó săn vào nồi”. 2. Nghi vấn Lê Lợi lập con thứ Nguyên Long làm Thái tử thay vì con trưởng Tư Tề. 3. Nghi vấn cái chết của Lê Thái Tông trong thảm án Lệ Chi Viên. 4. Tứ vương đoạt đích sau cái chết của Thái Tông. 5. Những chuyện ác của Uy Mục & Tương Dực.

5. Tập thể dục cho não

Hôm trước, đố nhiều quá hoá ra lại phản tác dụng. Hôm nay, mình hãy thử 1 câu thôi nhỉ :3
Ai được mệnh danh là vị vua giỏi nhất lịch sử phong kiến Việt Nam? Vị vua này đã làm gì mà được tôn vinh đến thế?
-Rolf-
Chúc bạn may mắn!
Nhớ FOLLOW mình vì mỗi 7h thứ 7 hàng tuần mình sẽ có bài viết hấp dẫn về kinh tế-lịch sử trên Spiderum!