Happy Old Year – Anh thật sự ngu ngốc, đem đồ cũ vứt cũng không xong
Dịch là “Tháng năm hạnh phúc ta từng có” nghe ngôn tình vậy thôi, chứ Happy Old Year thật ra không phải phim tình cảm. Trước khi lên...
Dịch là “Tháng năm hạnh phúc ta từng có” nghe ngôn tình vậy thôi, chứ Happy Old Year thật ra không phải phim tình cảm. Trước khi lên Netflix, phim được chiếu rạp ở Thái Lan vào dịp đầu năm 2020 – thời điểm ai cũng tranh thủ dọn nhà để vứt bỏ những thứ cũ mòn, chào đón năm mới. Nên đúng hơn, thì đây là một bộ phim giới thiệu lối sống tối giản và khơi gợi cảm hứng dọn dẹp cho những ai nhà cửa còn bộn bề mà vẫn mặc kệ xách đít đi coi phim, như mình.

Một bộ phim buồn, mà buồn nhất chắc là buồn ngủ
Phim buồn ngủ vì tông màu trắng hiện đại nhưng lạnh lẽo u sầu, vì khung hình khổ 4:3 cổ điển nhưng chật chội bức bối, và trên cả là vì những cảnh quay đậm tính điện ảnh được đặt ở góc tĩnh, đặc tả đến hàng chục giây mà không hề có bất kỳ một chuyển động hay thanh âm nào.

Hóa ra, lối sống tối giản và tàn dư câu chuyện tình buồn cũng chỉ là phương tiện để người làm phim thể hiện chiêm nghiệm của mình về những đổi thay trong đời người.
Anh thật sự ngu ngốc, đem đồ cũ vứt cũng không xong
Nói về sự đổi thay của thời thế và con người, những ai sinh ra trong khoảng 1991-1999 nên là những người cảm nhận rõ nhất điều này. Thế hệ này sống qua 3 thập kỷ, 2 thế kỷ và 2 thiên niên kỷ khác nhau, nhưng hay ở chỗ là tới giờ, họ vẫn còn chưa đi tới ngưỡng 30.

Sự thật thú vị: Những người sinh ra trong khoảng 1991-1999 đã sống qua 3 thập kỷ, 2 thế kỷ và 2 thiên niên kỷ, nhưng tới giờ tuổi họ vẫn chưa đến 30.

Yêu có đôi, thì quên phải có cặp
Kể chuyện thành từng hồi để cà khịa bà chị Marie Kondo trong công cuộc vứt bỏ đồ đạc, phim cũng khéo nhắc lại nguyên tắc của việc mượn – trả mà nhiều người vẫn hay quên. “Thà mày cứ trả lại, tao chỉ buồn thôi, chứ tao không giận”, cô bạn thân của nữ chính trách vậy khi vô tình thấy bạn mình vứt đi món quà mình đã tặng nhiều năm về trước.

Dù là tiền hay là tình, có những chuyện không thể quên từ một phía, khi cả hai cùng quên thì đó mới là kết thúc. Cũng vì nguyên tắc chết tiệt đó mà nữ chính dù đã xin lỗi nhiều lần, vẫn bị anh người yêu cũ luận tội ích kỷ, để rồi chịu hình phạt đau lòng là cả hai phải cùng nhau mặc cảm tội lỗi, dằn vặt nhau đến suốt đời.
Kỷ niệm chỉ có thể mất đi, khi cả hai bên cùng đồng ý.
Chuyện tình yêu trong phim dễ gây xúc động mạnh cho người mới chia tay hoặc đến sau trong thế ăn thừa húp cặn. Vâng, làm người văn minh thì mượn tiền phải trả, chia tay phải rõ ràng. Còn đã tặng quà thì nói thực dụng nhưng thực tình: hãy tặng cái gì ăn được và xài được, chứ tặng đồ chỉ để chưng, đến lúc dọn dẹp người ta vứt đi thì ngại, trả lại thì buồn. Vì đến cuối cùng, ai cũng sẽ chọn điều tốt nhất cho mình, nhìn thứ muốn nhìn, nhớ thứ muốn nhớ.
Một cú lừa
Phải công nhận rằng tư duy làm phim của người Thái ngày càng tiến bộ vượt bậc trong cách chọn đề tài khai thác. Đã vậy, họ lại còn rất biết lừa lọc người ta qua cách quảng bá. Không lâu trước đây là Brother of the Year – phim gia đình cảm động đội lốt phim hài, App War – phim về start-up công nghệ đội lốt phim teen và giờ là Happy Old Year – phim tâm lý đội lốt tình cảm lãng mạn.
Không những vậy, đây còn là một bộ phim đề cao tâm hồn nghệ sĩ. Ngoài tinh thần minimalism được dẫn đề qua câu chuyện và diện mạo của các nhân vật, phim còn khắc họa những nét tính cách khác thường mà chỉ khi có đam mê, người ta mới có thể bõ công để làm những chuyện ở không như sưu tầm đồ đạc, chụp ảnh linh tinh, bày biện cảnh trí, viết thư tay, chăm cây cảnh...

Lấy chất liệu là những kỷ niệm xưa cũ, toàn bộ hình ảnh hậu trường và quảng bá của Happy Old Year đều được chụp bằng máy film 35mm – trào lưu nhiếp ảnh hoài cổ đang rộ ở Thái Lan và nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam.
Nghệ sĩ a bit thì play, nghệ sĩ a lot thì play alone
Từng lang thang ở nhiều vùng khắp đất Thái, ghé chân qua nhiều trạm dừng, nơi ăn chốn ở, quán cà phê, phòng trưng bày... mới thấy người Thái có máu nghệ sĩ đến thế nào. Như anh bạn trai cũ của nữ chính, cô bạn thân hay ông chú sưu tập đồ cổ trong phim đều là hình ảnh điển hình cho kiểu nghệ sĩ đời thường mà mình thích.
Nhưng thích thì thích vậy thôi, chứ “cơm áo không đùa với khách thơ”. Chừng nào giàu có thoải mái tới mức sẵn sàng bỏ ra 150.000 baht để khiêng một đống đồ cũ bụi bặm về chơi cho đã cái nư như ông chú trong phim đi, rồi hẵng ung dung đủng đỉnh làm nghệ sĩ.

Nghệ sĩ một chút thì chơi, nghệ sĩ nhiều chút thì chơi một mình. Chơi một mình hoài thì lại dễ sinh tật ích kỷ vô tâm như nữ chính và ông bố của mình, chuyện buồn cuộc sống âu cũng từ mấy cái tật đó mà ra.
Phim buồn ngủ chưa chắc dở, nhưng phim dở thì chắc chắn buồn ngủ.
Phim buồn ngủ chưa chắc dở, nhưng phim dở thì chắc chắn buồn ngủ – như cái phim Việt tỏ vẻ nghệ sĩ nào đó khi ra rạp ế khách quá, phải lên mạng kêu gọi giải cứu nhưng bất thành. Bộ cứ nuôi tóc để râu, chạy ra Lê Văn Sỹ mua cái áo bông năm chục ngàn khoác vô, ôm đàn lên chung cư Nguyễn Trãi vừa gặm bánh mì vừa nói tầm xàm ba láp rồi tưởng vậy là nghệ sĩ?
Thôi vậy thà để người ta đi giải cứu thanh long, dưa hấu... vẫn ích nước lợi nhà hơn là giải cứu phim cho các homie đó!


Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất