Mùa thu sang, đem tới không khí dịu dàng, lãng đãng và khơi gợi sự lãng mạn, trở thành nguồn cảm hứng cho biết bao nhà làm phim tạo nên những tác phẩm kinh điển.
WHEN HARRY MET SALLY (MỸ)
Được coi là một trong những phim tình cảm kinh điển nhất của minh tinh Meg Ryan, When Harry Met Sally cũng là bộ phim được nhiều người tìm xem lại khi thu sang bởi câu chuyện tình nhẹ nhàng với bối cảnh đẹp, hợp không khí lãng đãng.
Phim xoay quanh hai nhân vật chính là Harry (Billy Crystal đóng) và Sally (Meg Ryan đóng). Họ quen nhau năm 1979, sau khi anh chàng đi nhờ xe của cô. Tình bạn chưa kịp phát triển lên thì cả hai chia tay giữa phố thị New York. Tới 5 năm sau, Harry sắp kết hôn còn Sally đang có tình yêu mới. Cả hai vô tình gặp lại tại sân bay rồi lại nói lời chào tạm biệt. Nửa thập kỷ nữa trôi qua, Harry và Sally đều trải qua đổ vỡ và lúc này thấy trái tim cùng chung nhịp đập.
Meg Ryan và Billy Crystal trong phim "When Harry Met Sally".
Meg Ryan và Billy Crystal trong phim "When Harry Met Sally".
Phim khởi đầu với mùa xuân nhưng ấn tượng nhất lại là khung cảnh mùa thu ở New York. Từng thảm lá vàng lấp lánh dưới ánh nắng dịu nhẹ ở công viên Central Park, hồ nước trong vắt soi rọi từng chiếc lá khẽ theo gió tung bay trên không trung. Mùa thu có bao giờ lãng mạn đến thế, khi Harry gặp Sally, khi tình yêu đong đầy và lớn dần lên. Có lẽ mùa thu cũng là mùa mà chúng ta cảm nhận được rõ nét nhất sự thay đổi của thời gian trong năm và đó cũng là mùa ngắn ngủi nhất. Chính vì thế, nó đẹp và lãng mạn như một câu chuyện tình.
Kịch bản phim đơn giản nhưng đặt ra một câu hỏi kinh điển tồn tại qua nhiều thời kỳ đến tận ngày nay:
“Giữa đàn ông và phụ nữ có tồn tại một tình bạn đơn thuần?”
When Harry Met Sally
Tình yêu trong When Harry Met Sally bảng lảng như những chiếc lá mùa thu – rực rỡ, bừng sáng nhưng không dễ gì lìa cành nếu không có một cơ duyên nào đó xuất hiện.
LEGENDS OF THE FALL (MỸ)
Huyền thoại mùa thu là một trong những bộ phim nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của tài tử Brad Pitt. Phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Jim Harrison, xoay quanh tình anh em trong gia đình Ludlow với người cha là đại tá trở về nhà sau chiến tranh. Ba con trai của ông, mỗi người lại có tính cách khác nhau, đều dũng cảm chiến đấu để sinh tồn và giành lấy hạnh phúc cho riêng mình.
Brad Pitt với hình tượng lãng tử trong "Huyền thoại mùa thu".
Brad Pitt với hình tượng lãng tử trong "Huyền thoại mùa thu".
Với tạo hình mái tóc dài lãng tử, thân hình vạm vỡ, đôi mắt sâu thẳm, Brad Pitt vào vai Tristan – con trai thứ hai trong gia đình ba anh em. Đây là nhân vật trung tâm của phim, được xây dựng với hình tượng liều lĩnh, cương trực và rất giàu tình cảm, qua diễn xuất của Brad Pitt.
Mỗi mùa thu về, tác phẩm này lại làm đắm say hàng triệu con tim yêu sự lãng mạn. Hình ảnh đồng cỏ mênh mông rộng lớn, những đàn gia súc nhẩn nha, ngọn núi xanh trập trùng hay những dòng sông lặng lẽ bên sườn núi Rocky, phía Tây Calgary nước Mỹ mang đến một mùa thu mà ở đó, người ở lại, người ra đi nhưng họ vẫn chờ đợi nhau vượt qua những cuộc viễn chinh để trở về trong mùa thu “huyền thoại”. Và tình yêu đã làm nên những điều huyền thoại, để cho chuyện tình của chàng Tristan và nàng Susannah mãi để lại tiếc nuối trong lòng khán giả, như khi người ta chợt thấy mùa thu đã đi qua.
AMÉLIE (PHÁP)
Người Pháp nổi tiếng là lãng mạn và những bộ phim điện ảnh Pháp lại càng thể hiện rõ nét điều đó, nhất là với bối cảnh mùa thu Paris. Amélie nói về cuộc đời kỳ lạ của cô gái cùng tên. Amélie thông minh, hồn nhiên, trong sáng và đang trên hành trình đi khám phá thế giới rộng lớn cùng bao kế hoạch nhỏ đáng yêu của mình.
Màu sắc "thơ thơ, mơ mơ" trong phim "Amélie".
Màu sắc "thơ thơ, mơ mơ" trong phim "Amélie".
Trên chặng đường này, cô gặp anh chàng Nino như một sự sắp xếp hoàn hảo của định mệnh. Họ tìm thấy nhau, yêu nhau theo cách rất đặc biệt, vừa giản dị, lại vừa ấm áp như một bữa tối lung linh dưới ánh nến trên một căn gác nhỏ khi từng chiếc lá vàng cứ nối đuôi nhau rơi trên thềm nhà.
Amélie có tông màu nâu vàng, tạo ra cảm giác ấm áp và sự ngọt ngào của một Paris cổ điển, một Paris như trong “Hội hè miên man” của nhà văn Hemingway. Phim mở ra những khung cảnh thơ mộng như bên khung cửa sổ ngập lá vàng, những quán café nằm an yên bên góc phố, cây cầu bắc qua khúc sông hiền hòa. Âm nhạc với những bản Piano du dương hay Accordion réo rắt của nhà soạn nhạc Yann Tiersen đã góp phần tạo ra không gian, mang tới một mùa thu Paris vàng rực rỡ, như tâm trạng của những người đang yêu.
Mùa thu vàng ở Paris.
Mùa thu vàng ở Paris.
Tình yêu trong Amélie cũng đặc trưng chất Pháp – cuồng nhiệt, lãng mạn, rộn ràng và hết mình như thể nó sẽ chỉ xảy đến một lần duy nhất trong đời.
AN AUTUMN AFTERNOON (NHẬT BẢN)
Yasujiro Ozu là một trong những đạo diễn huyền thoại không chỉ trong lịch sử điện ảnh Nhật Bản mà còn cả thế giới. Phim của ông luôn đậm tính Á Đông, với sự thiền định và những cảm nhận sâu sắc về con người, cỏ cây. An Autumn Afternoon (Một buổi chiều thu) là bộ phim cuối cùng trong sự nghiệp của ông, ra mắt năm 1962 và đến nay vẫn luôn được coi là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất có bối cảnh mùa thu của điện ảnh châu Á.
Nhân vật chính của Một buổi chiều thu là Shuhei Hirayama - người đàn ông góa vợ sống cùng con gái Michiko 24 tuổi và một con trai nhỏ hơn. Cuộc sống bình lặng và ấm cúng, nhưng rồi cũng tới ngày Michiko phải lập gia đình, để lại cho ông một sự hụt hẫng khi con gái đi lấy chồng. Ông vẫn thúc giục dù biết rằng như vậy, mình sẽ phải sống cô độc trong phần đời còn lại. Phim có lối kể chuyện nhẹ nhàng, buồn man mác như chính không khí của mùa thu, để khiến khán giả khi xem xong phải xao xuyến và thổn thức, như khi nhìn thấy những mùa thu đến và đi thật nhanh, nhưng cũng thật đẹp.
Hình ảnh trong phim "Một buổi chiều thu" của Ozu.
Hình ảnh trong phim "Một buổi chiều thu" của Ozu.
Tình yêu trong Một buổi chiều thu không phải là tình yêu trai gái thông thường mà trở thành tình yêu vĩ đại của người cha dành cho con gái, khi sẵn sàng buông tay để con tới với tình yêu đời mình.
LATE AUTUMN (HÀN QUỐC)
Được truyền cảm hứng từ sự muộn màng của mùa thu hay những hẹn hò đến muộn trong cuộc đời này, đạo diễn Kim Tae Young đã tạo nên một câu chuyện giữa hai người trẻ đến từ hai nền văn hóa khác nhau, nói những ngôn ngữ khác nhau.
Minh tinh Trung Quốc – Thang Duy – vào vai Anna, một nữ tù nhân trở về dự đám tang mẹ. Cô đã gặp Hoon (Hyun Bin thủ vai), chàng trai trẻ phóng khoáng, đa tình, trên một chuyến tàu. Cả hai phải lòng nhau sau 72 giờ trên cuộc hành trình định mệnh. Những khác biệt ngôn ngữ, văn hóa được thể hiện khi tình yêu giữa họ nảy nở.
Hyun Bin và Thang Duy trong phim "Thu muộn"
Hyun Bin và Thang Duy trong phim "Thu muộn"
Thu muộn là bộ phim đã se duyên Thang Duy với chồng cô – đạo diễn Kim Tae Young. Trước khi ghi dấu ấn với “Decision to Leave” (Quyết tâm chia tay) tại Liên hoan phim Cannes hè này, Thang Duy cũng đã có một màn diễn tâm lý tình cảm vô cùng ấn tượng bên cạnh “nam thần” Hyun Bun trong Thu muộn.
Tác phẩm mang không khí lãng đãng, buồn man mác như một tiếng thở dài qua ô cửa kính toa tàu, khi những người ngồi trên đó đang “nhìn những mùa thu đi”. Mùa thu trong Thu muộn mang theo nỗi khắc khoải và chút day dứt, như khi con người ta “tay trơn buồn ôm nuối tiếc” cho một mối tình bay theo những chiếc lá vàng rồi dần biến mất vào hư không. 
Nick M.