Hành trình quyền lực của Giang Trạch Dân
Giang Trạch Dân là ai? Suốt cuộc đời, ông đã làm những gì mà lại khiến cái chết của ông đem tới sự phân hóa rõ rệt các cộng đồng chính trị trên thế giới đến vậy?
MỞ ĐẦU
Tác giả: Quốc Hoàn
Biên tập và đăng: Hải Stark
Ngày 30 tháng 11 vừa qua, cơ quan truyền thông Tân Hoa Xã của Trung Quốc đại lục công bố cái chết của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, một trong những đại diện tiêu biểu của thế hệ lãnh đạo thứ 3 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã qua đời tại Thượng Hải lúc 12h13’ do bênh bạch cầu và suy đa tạng. Thông tin về cái chết của ông được công bố, đã thu hút sự chú ý của cả thế giới và đem về nhiều luồng ý kiến trái chiều. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và những người ủng hộ Bắc Kinh thì thương tiếc cho sự ra đi Giang Trạch Dân, một người đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự lớn mạnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói riêng cũng như Trung Quốc đại lục nói chung. Nhưng những cộng đồng người Hoa và phương Tây trên mạng xã hội lại khác. Họ hả hê nói rằng ông ta, tên độc tài cuối cùng cũng đã chết. Thậm chí có người còn cho rằng như vậy là dễ dãi quá cho ông ta. Vậy, Giang Trạch Dân là ai? Suốt cuộc đời, ông đã làm những gì mà lại khiến cái chết của ông đem tới sự phân hóa rõ rệt các cộng đồng chính trị trên thế giới đến vậy?
TIỂU SỬ ĐẦU ĐỜI
Giang Trạch Dân sinh ngày 17 tháng 8 năm 1926 tại thành phố cấp quận Dương Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đại lục. Tổ tiên ông trước đó nhiều đời định cư tại thôn Giang, huyện Tinh Đức, tỉnh An Huy, một vùng đất sản sinh ra nhiều trí thức và học giả nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Bản thân gia đình Giang Trạch Dân cũng có truyền thống khoa bảng nhiều đời.
Giang Trạch Dân lớn lên trong những năm Nhật Bản bắt đầu quá trình xâm lược Trung Quốc (1931-1945). Khi đó, xã hội Giang Tô đang trải qua một quá trình chuyển đổi mạnh mẽ giữa nền kinh tế nông nghiệp truyền thống và nền kinh tế công nghiệp hóa hiện đại. Bởi vậy, nơi đây cũng là một trong những khu vực có tình trạng hỗn loạn chính trị bậc nhất Trung Quốc. Khi còn là một đứa trẻ, cuộc sống của Giang Trạch Dân được hưởng lợi rất nhiều từ địa vị và tài sản của ông nội mình, một thầy thuốc Đông Y nổi tiếng và cũng là một nhà buôn giàu có. Cha của ông là một kỹ sư được đào tạo làm việc trong một tập đoàn kiểu phương Tây, điều này cũng mang lại luồng tư tưởng cởi mở, cấp tiến hơn cho gia đình ông. Tuy nhiên, ảnh hưởng lớn nhất tới Giang Trạch Dân có lẽ là người chú ruột và cũng là cha nuôi của ông, Giang Thế Hầu. Thế Hầu đã tham gia Đảng Cộng sản Trung Quốc từ rất sớm và giữ một vị trí khá quan trọng tại tổ chức địa phương, từng bị chính quyền Quốc dân Đảng bắt giữ vì tội tuyên truyền chống phá nhà nước. Năm 1939, Thế Hầu hy sinh khi trong một trận chiến với quân Nhật và được phong anh hùng lực lượng vũ trang, được coi một người cảm tử vì cách mạng. Sau khi chú qua đời, Giang Trạch Dân trở thành người thừa kế của nhân vật này. Tất cả những điều trên đã ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng và đường lối của ông về sau.
BƯỚC ĐẦU SỰ NGHIỆP
Năm 1943, Giang Trạch Dân vào trường Đại học Trung ương Quốc gia (Trung Quốc) tại vùng Nam Kinh dưới sự chiếm đóng của quân Nhật, trước khi chuyển sang Đại học Giao thông Thượng Hải. Theo học ở đây, Giang Trạch Dân được đào tạo về ngành điện lực, một ngành mà sau này liên quan tương đối mật thiết tới chức vụ thời kì đầu của ông. Năm 1947, Giang Trạch Dân tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư. Và tất nhiên, tiếp bước người chú mình, ông gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc rất sớm, khi còn đang là sinh viên năm 3. Tuy nhiên, khác với sự hăng hái trong công cuộc cách mạng của chú mình, Giang Trạch Dân có rất ít đóng góp cho tổ chức vào giai đoạn này, nếu không muốn nói là thờ ơ và chỉ tham gia để thừa kế sự ảnh hưởng mà người chú để lại.
Năm 1949, cuộc nội chiến Trung Quốc kết thúc với chiến thắng sau cùng thuộc về Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ngay khi nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa được thành lập, cả Trung Quốc rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân lực quản lý trầm trọng. Lí do cho việc này có hai nguyên nhân. Đầu tiên, đại đa số những người tham gia Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ là nông dân, phần lớn trong số đó mù chữ. Những người biết chữ cũng chỉ một phần rất nhỏ được đào tạo chuyên sâu, đủ tiêu chuẩn để tham gia vào những bộ máy quản lý quan liêu, phức tạp ở trung ương và địa phương. Thứ hai, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã làm phức tạp thêm những thách thức quản lý của mình khi quốc hữu hóa hàng ngàn công ty công nghiệp ngay sau năm 1949, dẫn đến sự bỏ trốn của hàng loạt trí thức vì lo sợ sẽ bị thanh trừng trong tương lai. Để giải quyết tình trạng này, Đảng Cộng sản Trung Quốc ngay lập tức đẩy những Đảng viên tốt nghiệp đại học và thậm chí cả những Đội viên tốt nghiệp trung học đã gia nhập Đảng trước năm 1949 vào các vị trí quyền lực. Đây là lúc hành trình thăng tiến của Giang Trạch Dân bắt đầu. Với tấm bằng kỹ sư của một trường đại học danh giá, Giang Trạch Dân được thăng làm kỹ sư trưởng tại Nhà máy Thực phẩm Yimin Thượng Hải số 1, nơi mà ông từng làm việc trước đây. Sau đó, trong một thời gian ngắn, ông liên liên tiếp giữ các chức vụ như Phó Giám đốc thứ Nhất của nhà máy thực phẩm kể trên, sau đó là Phó Giám đốc thứ Nhất Nhà máy Xà phòng Thượng Hải, kế đến là Trưởng phòng Điện của Chi nhánh thiết kế số 2 Thượng Hải của Bộ công nghiệp máy móc đầu tiên.
Trong sự thăng tiến thần tốc này, mối quan hệ của người chú đã mất của Giang Trạch Dân với một cán bộ trong Tân Tứ quân là Uông Đạo Hàm đóng vai trò rất lớn. Lúc này, Đạo Hàm đã là một nhân vật đầy quyền lực trong hệ thống chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, được giao phụ trách công cuộc phát triển công nghiệp toàn miền Đông đại lục. Người này đã cất nhắc con trai nuôi của bạn thân mình một cách triệt để, giúp Giang Trạch Dân, khi đó chỉ mới ngoài 20 tuổi, trở thành một cán bộ nổi bật. Sự nâng đỡ này cũng khiến cho Giang Trạch Dân gắn kết sâu sắc với các phe cánh chính trị xuất thân Tân Tứ quân trong suốt phần còn lại của sự nghiệp.
Tháng 11 năm 1954, dưới sự tiến cử của Uông Đạo Hàm, Giang Trạch Dân được thuyên chuyển tới làm quản lý tại Xưởng ô tô thứ Nhất, một dự án công nghiệp do Liên Xô hỗ trợ do Bộ quản lý Trường Xuân. Tuy nhiên, do yêu cầu kĩ thuật cao nên một số nhân viên quản lý của dự án này được cử sang Liên Xô du học. Giang Trạch Dân sau đó nghiễm nhiên có một chân đi du học tại Nhà máy Ô tô Stalin ở thủ đô Moscow, Liên Bang Xô Viết. Chỉ hơn một năm sau, mùa xuân năm 1956, Giang Trạch Dân trở về và lập tức được bổ nhiệm vào một vị trí cấp cao trong dự án và làm việc ở nhiều vị trí cấp cao tại Xưởng ô tô thứ Nhất trong suốt vài năm tiếp theo. Thời gian này, ông trở nên thân thiết với các lãnh đạo khác của Bộ Công nghiệp Máy thứ Nhất (Trung Quốc), những người sẽ trở thành hậu thuẫn đắc lực của ông về sau.
Trong suốt hơn 1 thập niên từ 1956 đến 1966, dù có nhiều biến động trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc như Phong trào Chống cực hữu 1957-1959, Phong trào Ba lá cờ đỏ, cuộc khủng hoảng Ba năm khó khăn cũng như căng thẳng chính trị Xô-Trung leo thang, Giang Trạch Dân bằng sự nhạy bén chính trị của của mình mà vẫn đều đặn thăng tiến. Ông lần lượt giữ các chức vụ lớn như Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Thiết bị điện Thượng Hải, Giám đốc kiêm quyền Bí thư Viện nghiên cứu Máy móc nhiệt Vũ Hán, Phó Giám đốc và Giám đốc của Văn phòng Ngoại vụ của Bộ Công nghiệp Máy thứ nhất.
KHÓ KHĂN ĐẦU TIÊN
Năm 1966, đang trên đà lớn mạnh thì sự nghiệp đầy triển vọng của Giang Trạch Dân suýt chút nữa tiêu tan. Đây là năm Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông phát động cuộc Cách mạng Văn hóa. Một trong những mục tiêu của phong trào này là loại bỏ những phần tử “không trong sạch” trong chính phủ và xã hội Trung Quốc, khiến cho đại đa số các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản bị thanh trừ chức vụ, nhiều bộ bị xem là quan liêu, thừa thãi cần loại bỏ trong đó có Bộ Công nghiệp Máy thứ Nhất mà Giang Trạch Dân đang tác nghiệp. Khi mà nhiều cán bộ trẻ của Bộ Công nghiệp Máy thứ Nhất và các bộ khác gia nhập Hồng vệ binh để “đấu tranh” để đấu tố cấp trên của họ, Giang Trạch Dân lại chọn cách im lặng. Điều này cũng dễ hiểu khi mà cấp trên chính là những chỗ dựa duy nhất mà ông có từ trước đến giờ. Bởi vậy, ông phải hứng chịu sự chỉ trích của Hồng vệ binh và trải qua 4 năm cải tạo trong “Trường Cán bộ ngày 7 tháng 5”, một tên gọi khác mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt cho một trại lao động khổ sai dành cho các cán bộ Đảng.
TRỞ LẠI
Sự kiên định sẵn sàng chịu đựng của Giang Trạch Dân cùng với các cựu chiến binh lão thành của cuộc cách mạng cuối cùng sẽ củng cố danh tiếng của ông như một người đồng chí trẻ tuổi kiên trung đáng tin cậy. Năm 1970, Giang Trạch Dân được thả và trở về Bắc Kinh, nơi ông trở thành Phó Giám đốc Cục Đối ngoại của Bộ Công nghiệp Máy móc thứ Nhất. Vào thời điểm đó, Chiến tranh Lạnh đang bước vào giai đoạn cam go nhất và sự căng thẳng quan hệ Xô-Trung vẫn tiếp tục duy trì dẫn đến sự khép kín của Trung Quốc đại lục đối với thế giới bên ngoài. Romania là một trong số ít các nước Xã hội Chủ nghĩa tiếp tục duy trì quan hệ cởi mở với Trung Quốc. Xuất phát từ mong muốn chung là thoát khỏi ảnh hưởng của Liên Xô, Trung Quốc đã đồng ý giúp Romania thành lập 15 nhà máy sản xuất máy móc. Do đó, Bộ Công nghiệp Máy móc thứ Nhất đã cử một phái đoàn do Giang Trạch Dân dẫn đầu đến thăm Romania để nghiên cứu tính khả thi của việc xây dựng nhà máy. Chuyến đi này diễn ra tốt đẹp và cũng mang lại tác động mạnh mẽ đối với Giang Trạch Dân. Năm 1972, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Romania, Giang Trạch Dân một lần nữa giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại của Bộ Công nghiệp Máy móc thứ Nhất và thúc đẩy Trung Quốc và Romania hoàn tất thỏa thuận hỗ trợ xây dựng 15 nhà máy vào tháng 3 năm 1973.
Vào cuối cuộc Cách mạng Văn hóa đầy biến động, quyền lực của Mao Trạch Đông suy giảm rõ rệt. Phe Tân Tứ quân lúc này đã gia nhập liên minh mới nổi của Đặng Tiểu Bình nhằm thiết lập lại quyền lực trong chính phủ Trung Quốc. Ngay sau khi Mao Trạch Đông qua đời ngày 9 tháng 9 năm 1976, chiến dịch Đè bẹp Bè lũ Bốn tên nhằm thanh trừng bốn tay sai lớn nhất của họ Mao bắt đầu. Thượng Hải lúc đó chính là trung tâm quyền lực của Bè lũ Bốn tên khi nơi này vẫn còn rất nhiều quân lính và vũ khí cũng như lực lượng trung thành, sẵn sàng nổi dậy để chống lại Bắc Kinh. Trước tình hình ấy, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cử một nhóm công tác đến Thượng Hải, trong đó có Giang Trạch Dân để tái lập trật tự mà không phải đổ máu. Đây là một nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm, nhưng nhóm của ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Qua đó, sự tín nhiệm của chính phủ với ông lại càng cao hơn nữa.
THĂNG TIẾN NHANH CHÓNG
Từ cuối những năm 1970 đến đầu những năm 1980, Uông Đạo Hàm, với tư cách là thành viên cao cấp của phe Tân Tứ quân, lúc này đã được giao một loạt chức vụ quan trọng trong Hội đồng Nhà nước và sau đó được bổ nhiệm làm Chủ tịch Thành phố Thượng Hải. Ở mỗi bước đi, Đạo Hàm đều đảm bảo rằng thân tín của mình là Giang Trạch Dân cũng được thăng tiến theo.
Năm 1979, Hội đồng Nhà nước (Trung Quốc) thành lập Ủy ban Quản lý Xuất nhập khẩu và Ủy ban Quản lý Đầu tư Nước ngoài để thực hiện chính sách mở cửa với thế giới. Uông Đạo Hàm khi được giao chức Phó Chủ nhiệm của cả hai ủy ban trên thì lập tức tiến cử Giang Trạch Dân. Nhờ đó mà năm 1980, Giang Trạch Dân cũng trở thành một quan chức cấp cao trong hai cơ quan đó, nắm giữ vị trí Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng Thư ký hai ban. Kinh nghiệm này đã khiến ông trở thành một trong số ít chuyên gia ngoại thương của chế độ, phần nào định hình đường lối chính trị ôn hòa với thế giới của ông sau này.
Tháng 3 năm 1982, chính phủ Trung Quốc tiếp tục tiến hành cải cách thể chế, sáp nhập hai ủy ban trên với một số bộ và ủy ban khác để thành lập Bộ Kinh tế Đối ngoại và Thương mại. Giang Trạch Dân, nhờ sức ảnh hưởng của mình, tiếp tục được bổ nhiệm lại làm Thứ trưởng thứ Nhất kiêm Phó Bí thư Đảng ủy của Bộ Công nghiệp Điện tử mới thành lập vào tháng 5 cùng năm. Sang tới tháng 9, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đến tháng 6 năm 1983, Giang Trạch Dân được thăng chức Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Điện tử kiêm Bí thư Đảng đoàn (Trung Quốc).
CHỦ TỊCH THÀNH PHỐ THƯỢNG HẢI
Năm 1985, Uông Đạo Hàm trước khi nghỉ hưu ở vị trí Chủ tịch Thành phố Thượng Hải đã vận động mạnh mẽ các nhà lãnh đạo trung ương để đưa Giang Trạch Dân lên thay thế, một yêu cầu đã nhanh chóng được chấp thuận. Đối với Giang Trạch Dân, đây là vừa là một vận may cũng vừa là một thách thức. Vận may là bởi chức vụ Chủ tịch Thượng Hải chỉ cách vị trí Bí thư Thành ủy Thượng Hải một bước, và vị trí Bí thư Thành ủy Thượng Hải nghiễm nhiên được trao một ghế trong Bộ Chính trị. Thách thức là bởi vào thời điểm đó, Thượng Hải, với tư cách là trung tâm thương mại trước cách mạng của Trung Quốc, đã không còn thịnh vượng kể từ Cách mạng Văn hóa. Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 1980 đến năm 1983, tốc độ phát triển của Thượng Hải chỉ bằng một nửa mức trung bình của Trung Quốc đại lục. Vào thời điểm đó, dư luận Thượng Hải cho rằng Vương Đạo Hàm đã già và thiếu khả năng lãnh đạo, hoặc chỉ trích rằng Thượng Hải bị chính quyền trung ương cố tình ngó lơ.
Đối mặt với những thuận lợi và thách thức kể trên, khi Giang Trạch Dân nhậm chức, ông đã phá lệ tổ chức một cuộc họp báo, tuyên bố rằng sự phát triển đô thị của Thượng Hải sẽ dựa trên việc xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư nước ngoài và mở rộng xuất khẩu, đồng thời tăng cường công nghệ và giáo dục. Sau đó, Giang Trạch Dân đề xuất với chính phủ kế hoạch "Quy hoạch tổng thể Thượng Hải" với nhiều đề mục khác nhau, trong đó không ít đề mục được hoàn thiện và gặt hái thành công ngay trong nhiệm kì của ông.
Cuối năm 1987, Bí thư Thành ủy Thượng Hải đương nhiệm là Nhuế Hạnh Văn được bầu làm Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Giang Trạch Dân nghiễm nhiên được thừa hưởng ghế Bí thư Thành ủy của nhân vật này và cũng được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vai trò Chủ tịch Thành phố Thượng Hải được giao lại cho đồng nghiệp của Giang Trạch Dân là Chu Dung Cơ, người về sau sẽ là bạn thân của ông.
Thời kì công tác tại Thượng Hải của Giang Trạch Dân nhận được nhiều lời khen ngợi. Trong giai đoạn này, hình ảnh của vị chủ tịch thành phố hiện lên như một cán bộ ôn hòa, uyên bác và hiếu khách. Người ta kể rằng ông có khả năng giao tiếp thông thường bằng nhiều ngoại ngữ, gồm tiếng Rumani, tiếng Nga, và tiếng Anh. Trong một nỗ lực nhằm kiềm chế một đoàn sinh viên biểu tình năm 1986, Giang Trạch Dân đã trích dẫn một phần Bài diễn văn Gettysburg bằng tiếng Anh trước họ. Một trong những sở thích của ông là tiếp đón các vị khách nước ngoài với những cuộc nói chuyện nhỏ về văn học và nghệ thuật bằng ngôn ngữ của họ, ngoài ra còn hát những bài hát ngoại quốc bằng nguyên ngữ. Trong vai trò Chủ tịch của một trung tâm kinh tế Trung Quốc đại lục hướng ra thế giới, Giang Trạch Dân đã chủ trì hàng trăm cuộc tiếp đón các phái đoàn nước ngoài, trong đó có cả Nữ hoàng Elizabeth II của Anh và Honecker, tổng bí thư Đảng Thống nhất Xã hội Chủ nghĩa của Đức. Điều này cũng khiến ông trở thành một bậc thầy trong việc tạo dựng các mối quan hệ mà Trung Quốc đương thời may mắn có được.
Tuy nhiên, cũng có nhiều lời chỉ trích liên quan đến nhiệm kì của Giang Trạch Dân. Nhiều lời phê bình cho rằng ông là một "bình hoa", một thuật ngữ Trung Quốc được dùng để mỉa mai những người có chức vụ nhưng chỉ giỏi làm màu, còn bản chất là vô tích sự. Cũng cho người thì cho rằng sự phát triển của Thượng Hải trong giai đoạn cuối thập niên 80 thế kỉ XX là công của Chu Dung Cơ, người kế nhiệm của Giang Trạch Dân chứ không phải bởi chính ông, do đó nhiệm vụ duy nhất của Giang Trạch Dân chỉ là tìm cách khoe mẽ, thể hiện trước công chúng.
Dù vậy, không thể phủ nhận rằng trong thời kì tại vị, Giang Trạch Dân đã làm tốt nhiệm vụ được giao phó, duy trì một sự tin tưởng sâu sắc từ Bắc Kinh trong khi có thể tránh khỏi các cuộc đấu đá nội bộ của các phe phái trên trung ương. Ngoài ra, một điều may mắn khác là hàng năm Đặng Tiểu Bình đều dự lễ hội mùa xuân ở Thượng Hải, điều này cũng cho phép họ Đặng hiểu sâu hơn về năng lực và phong cách của Giang Trạch Dân, tạo tiền đề cho việc Giang Trạch Dân được nhắm tới như là người kế kiệm của họ Đặng trong tương lai.
"KHÔNG CÓ GÌ XẢY RA Ở QUẢNG TRƯỜNG THIÊN AN MÔN NGÀY 4 THÁNG 6 NĂM 1989"
Các sự kiện xung quanh tình trạng hỗn loạn chính trị vào cuối những năm 1980 đã thúc đẩy sự nghiệp của Giang Trạch Dân vượt xa những khát vọng ngông cuồng nhất của ông ta. Bắt đầu quá trình thăng tiến trong hệ thống chính trị quốc gia, Giang Trạch Dân dần dần lộ rõ bộ mặt thật đầy tham vọng của mình.
Ngày 15 tháng 4 năm 1989, Hồ Diệu Bang, cựu Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc qua đời vì bạo bệnh. Trước đó, họ Hồ đã bị buộc từ chức do các tư tưởng quá tự do và dân chủ. Rất nhiều người trên khắp Trung Quốc đã bày tỏ sự tiếc thương to lớn với sự ra đi của vị cựu lãnh tụ này. Ngay ngày hôm sau, sinh viên Đại học Bắc Kinh bắt đầu đổ xô đến Quảng trường Thiên An Môn biểu tình, đề cao tinh thần Hồ Diệu Bang: chống tham nhũng, tăng cường dân chủ và tự do báo chí. Ngay sau đó, Đại học Sư phạm Hoa Đông ở Thượng Hải cũng bắt đầu biểu tình. Chính quyền thành phố Thượng Hải ngay lập tức đặt tình trạng báo động và tung ra các lực lượng đàn áp không để tránh phong trào vượt khỏi tầm kiểm soát. Cùng lúc đó, tòa báo World Economic Herald của Thượng Hải do Đảng viên Khâm Bổn Lập biên tập bắt đầu đưa tin về các cuộc biểu tình, và dự định xuất bản một ấn bản đặc biệt chỉ trích phong trào Phản đối Tự do hóa tư sản trước dư luận. Nhận được tin, Giang Trạch Dân lập tức đưa ra chỉ thị cho Tăng Khánh Hồng, Phó bí thư Ủy ban Thành phố Thượng Hải phụ trách Tuyên truyền, và Trần Chí Lập, Giám đốc tuyên truyền của Ủy ban thành phố tiến hành một cuộc điều tra, đồng thời mời Uông Đạo Hàm, tổng biên tập danh dự của cuốn hướng dẫn, đến yêu cầu Khâm Bổn Lập xóa nội dung trên. Tuy nhiên, tòa báo vẫn xuất bản tạp chí định kỳ mà không có sự chỉnh sửa nào. Động thái này khiến Giang Trạch Dân phẫn nộ. Ủy ban Thành phố Thượng Hải đã cách chức Khâm Bổn Lập và cho đóng cửa tòa báo. Hành động quyết đoán này đã nhận được những phản hồi tích cực từ các Đảng viên kỳ cựu, nhưng đồng thời cũng dấy lên sự căm ghét của quần chúng đối với Giang Trạch Dân.
Sự ngăn cấm của Giang Trạch Dân và chính quyền Thượng Hải hoàn toàn phản tác dụng. Các cuộc biểu tình nhanh chóng lan ra khắp cả Trung Quốc đại lục. Đồng thời, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Triệu Tử Dương, người vừa trở về từ Bắc Triều Tiên, bày tỏ sự thất vọng với hành động của Thành ủy Thượng Hải, khiến dư luận càng lên án Giang Trạch Dân mạnh mẽ hơn nữa. Vào ngày 3 tháng 5, hàng ngàn công dân và sinh viên Thượng Hải đã tham gia biểu tình, yêu cầu Ủy ban Thành ủy Thượng Hải cách chức Giang Trạch Dân và để cho World Economic Herald tiếp tục hoạt động. Trong nội bộ chính phủ Trung Quốc, mâu thuẫn cũng dần leo thang.
Một cuộc họp của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương được tổ chức, nhiều người tham gia đã chỉ trích Giang Trạch Dân, cho rằng hành động của ông ta đã làm tình hình leo thang. Vào ngày 10 tháng 5, Giang Trạch Dân nói chuyện với Triệu Tử Dương về ý tưởng xoa dịu xung đột và được chấp thuận. Tuy nhiên, để ngăn thế giới nghĩ rằng Thượng Hải làm như vậy dưới áp lực của chính quyền trung ương, họ Dương nói rằng Thượng Hải nên tự giải quyết và chính quyền trung ương sẽ không trực tiếp can thiệp.
Ngay lúc này, Giang Trạch Dân đã nảy ra một kế hoạch vô cùng khôn ngoan. Ông ta lập tức quay lại Thượng Hải và thông báo tổ chức một hội nghị cho các trí thức ở Thượng Hải. Ngày 16 tháng 5, tại đây, Giang Trạch Dân tự phê bình hành động của mình, thậm chí còn tự mắng bản thân ngay tại hội nghị, trước ánh nhìn của giới truyền thông và nhiều người dân. Nước đi không ai ngờ tới này đã ít nhiều xoa dịu được phần nào sự bất bình của quần chúng Thượng Hải.
Sau đó, lịch sử diễn ra như chúng ta đã biết. Trong khi sự kiện đàn áp biểu tình tại Bắc Kinh diễn ra vô cùng đẫm máu, thì các cuộc giải tán biểu tình cùng thời điểm tại Thượng Hải được diễn ra tương đối hòa bình và có ít thương vong hơn hẳn. Đây có lẽ là một thành công đáng ghi nhận của Giang Trạch Dân, đồng thời một lần nữa cũng minh chứng cho khả năng ứng biến cực kì nhạy bén của ông ta trên chính trường.
BƯỚC TỚI VỊ TRÍ ĐỈNH CAO
Sau khi buộc phải ban bố thiết quân luật để giải quyết triệt để vấn đề biểu tình tại Bắc Kinh, Đặng Tiểu Bình đã không còn đặt niềm tin vào Triệu Tử Dương nữa. Đường lối ôn hòa quá mức của ông được xem như hành vi cố tình dung túng cho những thành phần phản loạn. Đây là một cơ hội trời ban cho một Ủy viên Bộ Chính trị mới được bổ nhiệm như Giang Trạch Dân. Vào một thời điểm nào đó trong tháng 5 năm 1989, Giang Trạch Dân, với sự hỗ trợ từ phe Tân Tứ quân và các đồng minh của nó và được củng cố bởi uy tín của chính ông với tư cách là một chuyên gia ngoại thương, đã trở thành người kế vị được lựa chọn thay cho họ Dương bị thất sủng. Nhiều người cho rằng có lẽ Đặng Tiểu Bình đã có thể ủng hộ một ứng cử viên khác làm Tổng Bí thư mới của Đảng, nhưng sự thất bại trong hai lựa chọn trước đó là Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương đã buộc họ Đặng này phải chấp nhận Giang Trạch Dân, người có được sự đồng tình của đông đảo Đảng viên khác.
Ngày 23 tháng 6 năm 1989, trong Phiên họp toàn thể lần thứ tư của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 13, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc đương nhiệm là Triệu Tử Dương đã bị bãi bỏ mọi chức trong và ngoài Đảng do các đường lối “sai lầm”. Đồng thời, cũng trong phiên họp này, Giang Trạch Dân được giới lãnh đạo Đảng chọn làm ứng cử viên thay cho Lý Thụy Hoàn, Lý Bằng, Trần Vân… và những vị lãnh đạo già cả khác để trở thành Tổng bí thư. Trong vòng vài tháng sau đó, Đặng Tiểu Bình tuyên bố rằng ông sẽ thôi giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương và trao quyền kiểm soát quân đội trên danh nghĩa cho Giang Trạch Dân, người chưa bao giờ chỉ huy quân đội trong đời. Đến cuối tháng 11 năm 1989, trên danh nghĩa, Giang nắm giữ tất cả các chức vụ quan trọng nhất trong Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Tuy nhiên, đỉnh cao đó, như đã nói, đến đây mới chỉ là trên danh nghĩa. Giang Trạch Dân leo lên chức vụ cao nhất Trung Quốc với một cơ sở quyền lực trong Đảng không quá lớn ở thời điểm ấy, bởi thế nên ông ta có khá ít quyền hành thực sự. Nhiều người, đặc biệt là truyền thông phương Tây thời đó thường xuyên khẳng định rằng ông chỉ là một nhân vật chuyển tiếp tạm thời trước khi một chính phủ kế tục ổn định hơn của Đặng Tiểu Bình xuất hiện.
Bởi sự yếu thế ấy, Giang Trạch Dân đã lên kế hoạch để Đặng Tiểu Bình làm hậu thuẫn cho mình trong những năm đầu cầm quyền. Với kế hoạch này, ông ta đã khéo léo triệt hạ các phe cánh khác trong Đảng khi cùng các đồng minh tố giác họ với Đặng Tiểu Bình. Chỉ trong vòng 3 năm, họ Đặng đã dần dần chuyển hết quyền lực trong Đảng và Nhà nước Trung Quốc cho Giang Trạch Dân. Đồng thời, trong quá trình trước và sau khi đã lấy được lòng tin của Đặng Tiểu Bình, ông ta cũng từ từ tìm cách bổ nhiệm nhiều người thân tín, trước tiên là ở Thượng Hải và sau đó là trong cơ quan chính phủ. Ông cũng xoá bỏ Uỷ ban Cố vấn Trung ương, một cơ quan cố vấn gồm các vị lãnh đạo cách mạng già cả nhằm tập trung quyền lực.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu nắm quyền, do thay đổi môi trường làm việc có phần quá đột ngột mà Giang Trạch Dân cũng mắc phải nhiều sai sót. Vốn được coi là người có quan điểm tân bảo thủ, Giang Trạch Dân chống "tự do hoá tư sản", một thuật ngữ được Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng để chỉ định hướng chính trị phổ biến của nền dân chủ đại diện phương Tây hoặc văn hóa đại chúng phương Tây chủ đạo. Do đó, ông cũng không chủ trương đổi mới nền kinh tế theo đường lối phương Tây. Tuy nhiên, Đặng Tiểu Bình, dù cũng là một người chống “tự do hóa tư sản”, lại cho rằng phương pháp duy nhất để Đảng Cộng sản tiếp tục nắm quyền cai trị Trung Quốc là đi theo con đường cải cách kinh tế và hiện đại hoá, và vì thế có quan điểm trái ngược Giang Trạch Dân. Giang Trạch Dân biết điều này, nhưng nhiều năm phục vụ trong khu vực nhà nước đã khiến ông ngần ngại thay đổi quan điểm.
Năm 1991, trước sự sụp đổ liên tiếp của các nước Xã hội Chủ nghĩa trên khắp thế giới, Đặng Tiểu Bình đã thúc giục nhà nước nhanh chóng bãi bỏ quy định đối với kinh tế kế hoạch hoá tập trung của Trung Quốc, đặt Giang Trạch Dân vào một tình thế khó xử. Ông dè dặt tán thành lời kêu gọi của họ Đặng, người đang hậu thuẫn cho chính mình. Đây là một động thái lộ rõ vẻ miễn cưỡng, khiến ông phải hứng chịu vô số lời chỉ trích gay gắt từ cả đồng minh lẫn các đối thủ chính trị.
Ngay lập tức, Đặng Tiểu Bình đã có một động thái khẳng định lại quyền lực thực sự đối với Giang Trạch Dân. Năm 1992, trong chuyến đi thăm miền Nam (Trung Quốc), họ Đặng đã tinh tế tổ chức một cuộc họp mặt với nhiều lãnh đạo quân sự cấp cao mà không có mặt Giang Trạch Dân. Trong cuộc họp, Đặng Tiểu Bình đã gợi ý rằng tốc độ cải cách rất trì trệ, và giới lãnh đạo trung ương, đại diện là Giang Trạch Dân phải chịu trách nhiệm chính. Đồng thời, họ Đặng còn đe dọa rằng nếu ai không chấp nhận cải cách thì hãy từ chức, quân đội và nhân dân rất sẵn lòng để đón những nhà lãnh đạo mới. Điều này đã làm gia tăng lời chỉ trích sự lãnh đạo của chính quyền Giang Trạch Dân. Sau chuyến thăm ấy, Giang Trạch Dân trở nên cẩn thận hơn và hoàn toàn tuân thủ các cải cách của Đặng Tiểu Bình. Ông công khai thay đổi quan điểm trên tờ Nhân dân nhật báo và nhiệt liệt tán thành quan điểm mới. Sự thay đổi nhanh chóng này rõ ràng là biểu hiện của một kẻ cơ hội chính trị, đồng thời còn gieo rắc sự sự hoang mang giữa những người trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Họ hoàn toàn quay cuồng, không thể hiểu được về hướng đi thực sự của Đảng hay những gì Đảng thực sự tin tưởng.
Nhận thấy hành động quay xe quá đột ngột của mình có thể tạo thành tiền đề cho sự thất sủng trong tương lai, tháng 10 năm 1992, dựa theo quan điểm mới, Giang Trạch Dân phát minh ra thuật ngữ kinh tế thị trường (định hướng) Xã hội Chủ nghĩa. Đây là một tuyên bố bề ngoài có vẻ nghịch lý nhưng bên trong lại hết sức thuyết phục, mục đích là đặt vấn đề cho sự chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung của Trung Quốc sang một nền kinh tế thị trường tư bản có sự quản lý của nhà nước chuẩn bị diễn ra trong tương lai. Tức là nền kinh tế sẽ theo đường lối tư bản, trong khi nhà nước sẽ tiếp tục được lãnh đạo bởi Đảng Cộng sản. Đây là một bước tiến vĩ đại của chủ trương Chủ nghĩa Xã hội mang màu sắc Trung Quốc mà Đặng Tiểu Bình luôn tâm niệm. Hành động này của Giang Trạch Dân khiến họ Đặng vô cùng hài lòng, hoàn toàn đặt niềm tin vào ông.
Tháng 3 năm 1993, Giang Trạch Dân đắc cử vị trí Chủ tịch nước (Trung Quốc). Con đường công danh sự nghiệp tưởng chừng không thể rộng hơn nữa của Giang Trạch Dân lại thêm lớn.
Ngày 17 tháng 11 năm 1994, Giang Trạch Dân đến thăm Hoa Kỳ và có một cuộc hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Clinton. Tuy cuộc gặp đầu tiên giữa hai bên rất hình thức và không hiệu quả, nhưng về mặt khách quan, nó cũng đánh dấu và thúc đẩy giao lưu giữa hai bên. Tháng 9 cùng năm, ông đến thăm Nga, Ukraine và Pháp, xác định Trung Quốc và Nga sẽ thiết lập "quan hệ đối tác mang tính xây dựng" và ký một loạt thỏa thuận về hợp tác quân sự và vấn đề phân định biên giới.
Năm 1995, sau khi vụ án cán bộ tham nhũng Vương Bảo Sâm tự sát bùng nổ trên truyền thông, Giang Trạch Dân đã nhân cơ hội này tiến hành công cuộc điều tra tham nhũng trong hệ thống chính quyền, qua đó thanh trừng được rất nhiều thành phần tham ô. Đồng thời, qua quá trình này, uy thế của Giang Trạch Dân lại được nâng cao.
Cùng năm đó, Tổng thống Lý Đăng Huy của Trung Hoa Dân Quốc Đài Loan đến thăm Hoa Kỳ khiến giới chức Trung Quốc được một phen rúng động. Suốt cuộc đời, Đặng Tiểu Bình là một người có tư tưởng rất cực đoan về vấn đề chủ quyền Đài Loan và mối quan hệ giữa Đài Loan và Mỹ. Kế thừa và phát huy quan điểm ấy, Giang Trạch Dân cũng thể hiện sự bất mãn thấy rõ khi sự kiện trên diễn ra. Ngay sau đó, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc do Giang Trạch Dân lãnh đạo đã thể hiện lập trường ngoại giao cứng rắn với Đài Loan và thúc đẩy các cuộc tập trận quân sự tại eo biển giữa hai nước, dẫn đến giai đoạn căng thẳng chính trị được gọi là Khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ ba.
Đầu năm 1997, Đặng Tiểu Bình qua đời. Tại tang lễ của họ Đặng, Giang Trạch Dân đã đọc bài điếu văn ca ngợi hết sức thống thiết và rơi những giọt nước mắt mà người Trung Quốc cho là “nước mắt cá sấu” hay “nước mắt giả”. Với cái chết của Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân chính thức hoàn toàn kiểm soát nền chính trị của Trung Quốc đại lục.
ĐỈNH CAO TỘT BẬC
Sau khi nắm giữ ngôi vị độc tôn, Giang Trạch Dân đã thể hiện mục tiêu của mình trong điều hành Trung Quốc, đó là sự ổn định của tiến trình phát triển kinh tế. Ông tin rằng một chính phủ ổn định có quyền lực tập trung tối cao sẽ là điều kiện tiên quyết và chấp nhận trì hoãn cải cách chính trị, mà vốn dĩ nó là nguyên nhân gây ra rất nhiều vấn đề. Ngoài ra, kể từ năm 1996, Giang Trạch Dân bắt đầu đưa ra một loạt các biện pháp cải cách với giới truyền thông đang thuộc quyền quản lý của nhà nước, mục đích là để tăng cường "hạt nhân lãnh đạo" dưới quyền mình và tranh thủ áp chế một số đối thủ chính trị. Việc tăng cường hình ảnh cá nhân trên các phương tiện truyền thông không được tán thành ở thời Đặng Tiểu Bình, và cũng không hề có ở thời Mao Trạch Đông và Hoa Quốc Phong hồi cuối thập niên 1970. Trên tờ Nhân dân Nhật Báo và bản tin lúc 7 giờ sáng của kênh CCTV-1 đều có các sự kiện liên quan tới ông ta. Việc này kéo dài cho tới khi Hồ Cẩm Đào đưa ra những thay đổi trong quản lý truyền thông năm 2006. Giang Trạch Dân thường sử dụng tiếng nước ngoài trước các ống kính truyền thông phương Tây, dù không phải lúc nào cũng trôi chảy.
Tại Trường Đảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 29 tháng 5 năm 1997, trong bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp của sinh viên, ông đã trình bày một cách có hệ thống triết lý lãnh đạo quốc gia của mình đồng thời thẳng thừng phê phán tác hại của "chủ nghĩa cánh tả" và nêu rõ tầm quan trọng của kiên trì và đi sâu cải cách, mở cửa, thấm nhuần tư tưởng xu thế kinh tế thị trường. Ngày 1 tháng 7 cùng năm, nhờ sự xúc tiến ngoại giao trong một khoảng thời gian dài trước đó, Vương quốc Anh chấm dứt chính quyền thuộc địa Hồng Kông và chuyển quyền kiểm soát vùng lãnh thổ này cho Trung Quốc. Giang Trạch Dân xem đây là một trong những thành tựu đáng ghi nhớ nhất cuộc đời mình, còn người Hồng Kông thì cũng vì thế mà căm ghét ông, đặc biệt là những cộng đồng người Hồng Kông đã rời khỏi nơi này trước khi cuộc chuyển giao diễn ra. 2 tháng sau, ngày 12 tháng 9, Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 15 được tổ chức. Tại đại hội, Giang Trạch Dân đã đề xuất “hai mục tiêu trăm năm”, xem xét “ba lý thuyết thuận lợi” và nhấn mạnh rằng Trung Quốc đang ở "giai đoạn đầu của Chủ nghĩa Xã hội". Đồng thời, Tư tưởng Đặng Tiểu Bình cũng chính thức được đưa vào điều lệ Đảng, góp phần làm vững chắc thêm nền móng của tiến trình cải cách kinh tế ông đã vạch ra trước đó.
Tháng 3 năm 1998, kỳ họp đầu tiên của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Trung Hoa) lần thứ IX được tổ chức tại Bắc Kinh. Với 2882 phiếu thuận, 4 phiếu chống và 3 phiếu trắng, Giang Trạch Dân tái đắc cử chức Chủ tịch nước với tỉ lệ lá phiếu lên tới 96,69%. Các thân tín của ông cũng đắc cử vào các vị trí quan trọng tại trung ương. Chính phủ mới này đã góp phần giúp cho các chính sách của Giang Trạch Dân mới mẻ hơn và mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Một trong những mục tiêu sau khi tái đắc cử của Giang Trạch Dân là tách rời quân đội và nền kinh tế. Đến cuối năm 1998, tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động do quân đội và cảnh sát vũ trang điều hành đã được tách rời khỏi chủ quản. Quân đội và cảnh sát vũ trang chính thức rút khỏi lĩnh vực thương mại. Đây là một bước đi khá khôn ngoan của Giang Trạch Dân khi trực tiếp cắt giảm quyền lực của giới quân đội thông qua vô hiệu hóa khả năng tham gia thị trường của họ, từ đó giảm thiểu nguy cơ quân đội gây dựng tài chính để tiến hành đảo chính trong tương lai, cũng như ngăn không cho các lực lượng quân sự có thể sử dụng kinh tế làm sức ép lên chính quyền.
Năm 1999, NATO do Hoa Kỳ lãnh đạo đã đánh bom đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade, thủ đô của Cộng hòa Liên bang Nam Tư trong Chiến tranh Kosovo. Lịch sử gọi đây là Sự kiện 8 tháng 5. Quốc hội Hoa Kỳ khi đó đã chủ động cáo buộc chính phủ Trung Quốc đánh cắp bí mật hạt nhân của Mỹ. Sự kiện ngày 8 tháng 5 đã gây ra các cuộc biểu tình chống Mỹ khắp Trung Quốc, và công chúng chỉ trích thậm tệ Giang Trạch Dân rằng ông quá hèn nhát khi không có động thái cứng rắn nào với Mỹ. Tuy nhiên, Giang Trạch Dân vẫn tiếp tục chủ trương ôn hòa và dưới sự trao đổi tích cực giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Hoa Kỳ, quá trình Trung Quốc xin gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO đã được thúc đẩy tiến độ đáng kể.
Ngày 25 tháng 2 năm 2000, Giang Trạch Dân đã có bài phát biểu trong chuyến thị sát tại Cao Châu, Quảng Đông và đưa ra các cốt lõi quan trọng về thuyết Ba đại diện mà ông phát minh. Về mặt lý luận, thuyết Ba Đại diện một mặt là sự nối tiếp đường lối mở cửa của lãnh tụ Đặng Tiểu Bình nhưng mặt khác cũng đánh dấu việc đảng Cộng sản Trung Quốc bỏ lại đằng sau thuyết đấu tranh giai cấp để nêu cao chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa. Cũng trong năm này, Giang Trạch Dân bắt đầu tập trung cải cách kinh tế khu vực trung tâm và phía tây của Trung Quốc, và điều này dẫn đến Chiến lược phát triển phía Tây gồm bốn dự án lớn điện lực Tây sang Đông, hệ thống thủy lợi từ Nam lên Bắc, hệ thống truyền dẫn khí đốt từ Tây sang Đông và tuyến đường sắt Thanh Hải - Tây Tạng, nhằm kết nối các khu vực lớn của Trung Quốc đại lục, góp phần giải quyết khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng ở đất nước này. Tháng 9, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc khi ấy là Thành Khắc Kiệt bị kết án tử hình vì tội tham nhũng. Đây là quan chức cấp cao nhất trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc từng bị kết án tử hình vì tội tham nhũng cho đến thời điểm ấy. Sự kiện này củng cố mạnh mẽ uy tín của Giang Trạch Dân với công chúng trong vai trò là một lãnh đạo thanh liêm, quyết tâm bài trừ nạn tham nhũng trong chính phủ. Ngày 27 tháng 10, trong một cuộc gặp với giới phóng viên Hồng Kông, khi được hỏi về hành động rõ ràng kiểu "mệnh lệnh triều đình" của chính phủ đại lục trong việc ủng hộ Đổng Kiến Hoa tranh cử chức Chủ tịch Hành pháp Hồng Kông, Giang Trạch Dân đã vô cùng giạn dữ. Ông ta trợn mắt, ngoác miệng và giơ cao hai tay trước khi gọi các nhà báo Hồng Kông một cách bất lịch sự là "too yong, too simple, sometimes naive" (quá non nớt, quá đơn giản, thỉnh thoảng ngờ nghệch) bằng tiếng Anh. Sự kiện này đã được phát trên truyền hình Hồng Kông buổi tối hôm đó, và bị coi là một scandal ở bên ngoài Trung Quốc đại lục. Trong khi người dân Trung Quốc đại lục xem đó như một khoảnh khắc hài hước của ông, thì người dân Hồng Kông lại ngược lại. Họ trở nên vô cùng căm ghét Giang Trạch Dân vì cho rằng ông không giữ thái độ đúng mực của một chính trị gia, đã vậy lại còn thiếu tôn trọng sâu sắc đối với người Hồng Kông. Biệt danh “con cóc” cư dân mạng đặt cho Giang Trạch Dân có lẽ bắt đầu trở nên phổ biến từ khi này.
Vào ngày 1 tháng 7 năm 2001, Giang Trạch Dân đã có bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tại đây, ông đề xuất cho phép các doanh nhân tư nhân gia nhập Đảng và nhận được nhiều phản hồi tán đồng. Ngày 11 tháng 9, nước Mỹ bị khủng bố tấn công, Giang Trạch Dân đã chủ động gửi điện chia buồn tới Tổng thống Bush Jr. sau sự cố. Hành động này của ông đã được quốc tế đánh giá tích cực. Ngày 11 tháng 12, sau nhiều năm chờ đợi thì Trung Quốc cuối cùng cũng gia nhập thành công WTO. Những nỗ lực của Giang Trạch Dân và Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể nói là đã được đền đáp xứng đáng.
RÚT LUI KHỎI QUYỀN LỰC
Khi đang ở trên đỉnh cao của quyền lực, ngày 15 tháng 11 năm 2002, tại Phiên họp Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 16, Giang Trạch Dân bất ngờ chủ động rời khỏi 2 chức vụ quyền lực cao nhất là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Ủy viên Chính phủ. Người kế nhiệm ông là Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị của Ủy ban Trung ương Hồ Cẩm Đào. Lý giải cho sự rút lui đột ngột khỏi chính trường này, nhiều người cho rằng Giang Trạch Dân, một người rất nhạy bén với những thay đổi của thời đại, đã nhận ra đến lúc mình phải lui bước để nhường lại cơ hội cho những thế hệ tiếp theo, đồng thời cũng tạo ra một cú “hạ cánh” an toàn cho bản thân khi biết dừng lại ở đúng thời điểm vẫn còn đang trên đỉnh cao nhưng đã ngấp nghé phía bên kia sườn dốc. Nhiều thuyết âm mưu còn cho rằng, Giang Trạch Dân biết trước về sự kiện SARS-CoV năm 2003 (do chính phủ Trung Quốc có dính líu tới nguồn gốc của đại dịch) nên đã chủ động đưa ra quyết định này. Dù vậy, những thuyết âm mưu như vậy chẳng phản ánh bất cứ sự thật nào ngoài sự nhạy bén chính trị của ông ta.
Tất nhiên, dù đã rời khỏi hai vị trí quyền lực bậc nhất nhưng Giang Trạch Dân vẫn còn nắm giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương, một vai trò không thể xem thường. Thuyết Ba Đại diện mà ông ta đã thảo luận trong một thời gian dài trong Đảng, sau đó cũng đã được ghi vào Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc, càng tăng thêm độ lão thành cho danh tiếng của ông ta. Đến phiên họp đầu tiên của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Trung Hoa) lần thứ X năm 2003, Hồ Cẩm Đào trở thành Chủ tịch nước (Trung Quốc). Ngày 14 tháng 3 năm 2004, Lý thuyết Ba đại diện chính thức được ghi vào Hiến pháp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Kỳ họp thứ hai của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Trung Hoa) khóa X.
Ngày 1 tháng 9 năm 2004, Giang Trạch Dân, khi này đã 78 tuổi, gửi thư tới Bộ Chính trị của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ yêu cầu từ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Ngày 19 tháng 9, Phiên họp toàn thể lần thứ tư của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVI đã thông qua đơn từ chức của Giang Trạch Dân và quyết định Hồ Cẩm Đào sẽ lên thay. Đến ngày 8 tháng 3 năm 2005, Giang Trạch Dân nghỉ hưu sau khi Kỳ họp thứ ba của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Trung Hoa) lần thứ 10 diễn ra và Hồ Cẩm Đào chính thức nhậm chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Từ thời điểm đó cho đến đầu năm 2022, dù đã nghỉ hưu, Giang Trạch Dân và các nhà lãnh đạo khác vẫn xuất hiện tại nhiều cuộc họp quan trọng hoặc các buổi lễ lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc và vẫn còn có sức ảnh hưởng tương đối lớn tới bộ máy chính quyền.
Ngoài ra, sau khi nghỉ hưu, ông không còn quá chú tâm đến chính trị nữa mà chuyển sang nghiên cứu học thuật. Về mảng này, dù tuổi đã cao, ông cũng đạt được một số thành tựu. Ngày 10 tháng 8 năm 2006, Tác phẩm chọn lọc của Giang Trạch Dân (tập 1 đến tập 3) đã được xuất bản. Vào tháng 3 năm 2008, Giang Trạch Dân đã xuất bản một bài báo học thuật có tên Suy nghĩ về các vấn đề năng lượng của Trung Quốc trong số thứ 3 của Tạp chí Đại học Giao thông Thượng Hải của Đại học Giao thông Thượng Hải. Một bài báo khác có tựa đề Sự phát triển của ngành công nghệ thông tin của Trung Quốc trong kỷ nguyên mới do Giang Trạch Dân viết cũng được xuất bản.
NHÌN LẠI THÀNH TỰU
Là một đấu sĩ chính trị cừ khôi, thành tựu lớn nhất của Giang khi nhìn lại có thể là việc ông đã lèo lái Trung Quốc vượt qua giai đoạn chuyển tiếp khỏi thời kỳ cách mạng trong khi tránh được bạo lực đánh dấu giai đoạn trước đó, đồng thời giúp nâng cao vị thế quốc tế của Trung Quốc.
Trong thời gian Giang Trạch Dân cầm quyền từ năm 1989 đến năm 2002, Trung Quốc không có cuộc thanh trừng quan chức cấp cao nào đáng kể. Khi Đặng Tiểu Bình qua đời, các cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục vững ghế mà hầu như không có một trục trặc nào. Ngay cả nỗ lực chống tham nhũng xung quanh vụ buôn lậu của tập đoàn Nguyên Hoa ở Hạ Môn - một mạng lưới trị giá hàng tỷ đô la liên quan đến nhiều quan chức dân sự và quân sự cấp cao - chỉ dẫn đến việc cách chức một số sĩ quan Giải phóng quân Nhân dân Trung Hoa và con cái của họ cũng như nhiều quan chức cấp thấp hơn trại Phúc Kiến. Sự ổn định chính trị tương đối này đã tạo ra cơ hội cho tham nhũng, nhưng nó cũng cho phép doanh nghiệp tư nhân non trẻ và đầu tư nước ngoài phát triển phần lớn mà không bị cản trở bởi những biến động ở cấp quốc gia. Thông qua mưu đồ chính trị nhưng cũng thông qua trực giác sẵn sàng chia sẻ quyền lực, Giang Trạch Dân đã duy trì sự đoàn kết và một mức độ yên bình chính trị chưa từng có trong suốt thời gian cầm quyền của mình.
Giang Trạch Dân cũng là một người hết lòng trong công cuộc đưa kinh tế Trung Quốc vươn tầm thế giới. Ngoài việc tán thành lời kêu gọi bãi bỏ quy định bao cấp của Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân còn ủng hộ nỗ lực thành lập một đặc khu kinh tế tại Thượng Hải và cũng ủng hộ một đợt phân cấp tiền tệ, trước khi lạm phát buộc ông phải hoãn kế hoạch. Quan trọng hơn đối với sự phát triển của Trung Quốc trong những thập niên 1990 và đầu những năm 2000, đó là Giang Trạch Dân là người luôn ủng hộ đầu tư trực tiếp nước ngoài và ủng hộ các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả những người đến từ Đài Loan và Hồng Kông. Tuy nhiên, việc quá tập trung vào kinh tế đã dẫn tới sự mất cân bằng rõ rệt trong xã hội Trung Quốc. Điều này thể hiện rõ qua nhiều mặt như sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc, sự lớn mạnh vượt tầm kiểm soát của các tập đoàn tư bản có khả năng thao túng thị trường, các vấn đề về sức khỏe cộng đồng và môi trường... Đây là những khó khăn nan giải mà thời kì nắm quyền của Giang Trạch Dân đem lại cho Trung Quốc đại lục và đã đặt nặng lên vai những người kế nhiệm ông ta là Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình. Nhiều người bi quan cho rằng một vài trong số đó có thể đã quá muộn để có thể giải quyết.
Khi các cuộc đàm phán để Trung Quốc gia nhập WTO nóng lên vào cuối những năm 1990, Giang Trạch Dân đã thuyết phục các cử tri cốt lõi của mình trong khu vực nhà nước chấp nhận giảm đáng kể thuế suất để đổi lấy xuất khẩu tiềm năng cao hơn nhiều. Đây là một vụ mua bán khó khăn: lợi nhuận xuất khẩu mới chủ yếu đến từ các nhà đầu tư nước ngoài và các công ty tư nhân, chứ không phải khu vực nhà nước kém cạnh tranh. Tuy nhiên, áp lực từ Giang, cũng như những hứa hẹn về các khoản trợ cấp lớn hơn, đã chiến thắng và Trung Quốc thành công gia nhập WTO. Việc Trung Quốc gia nhập WTO đã gây ra căng thẳng trong khu vực nhà nước Trung Quốc, nhưng chắc chắn là nó đã mang lại lợi ích cho toàn bộ Trung Quốc. Từ năm 2000 đến cuối năm 2019, xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần từ 250 tỷ USD lên 2,5 nghìn tỷ USD. Thu nhập khả dụng bình quân đầu người cũng tăng hơn tám lần trong cùng thời kỳ, cải thiện đáng kể cuộc sống của hàng trăm triệu người Trung Quốc, đặc biệt là những người sống ở thành phố.
Từng là một nhà kỹ trị cao cấp trong ngành công nghiệp điện tử của Trung Quốc, Giang Trạch Dân cũng hỗ trợ phần lớn cho ngành công nghiệp phần cứng và phần mềm của Trung Quốc, bao gồm cả các công ty do các nhà đầu tư tư nhân trong nước hoặc nước ngoài thành lập. Ví dụ, Alibaba, công ty cuối cùng đã thay thế hoạt động kinh doanh của nhiều nhà bán lẻ thuộc sở hữu nhà nước, đã bắt đầu hoạt động trong những năm Giang Trạch Dân cầm quyền và tiếp tục thịnh vượng dưới sự cai trị của người kế nhiệm ông ta là Hồ Cẩm Đào.
Trong những nhà lãnh đạo Trung Quốc, Giang Trạch Dân được cho là người đầu tiên biết sử dụng truyền hình để quảng bá hình ảnh cá nhân của mình, để giành được tiếng là người có sức lôi cuốn, mặc dù không hẳn là tuyệt đối. Năm 1996, Giang tiếp tục đưa ra các biện pháp cải cách đối với giới truyền thông thuộc quyền quản lý của nhà nước, để tăng cường "hạt nhân lãnh đạo" dưới tay mình, đồng thời đàn áp các đối thủ chính trị. Nhìn lại, ngay cả việc Giang Trạch Dân mắng mỏ phóng viên Hồng Kông năm 2000 cũng không hẳn là quá đỗi tiêu cực như cách dư luận nghĩ. Theo một cách nào đó, tình tiết này đã bộc lộ thái độ rất “tự do ngôn luận” - tiêu biểu cho tư tưởng cởi mở Giang Trạch Dân. Ông ta dung thứ cho nền báo chí tự do ở Hồng Kông mặc dù lãnh thổ này đã nằm dưới sự cai trị có chủ quyền của Trung Quốc. Ông ta cũng đã gặp gỡ các nhà báo và trả lời các câu hỏi không được viết sẵn. Mặc dù ông ta không thích câu hỏi của phóng viên cụ thể đó, nhưng người này cũng không bị ảnh hưởng gì thêm ngay cả khi phóng viên ấy tiếp tục kể câu chuyện về cuộc đối đầu của cô ấy với nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc.
Điều thú vị là dù sẵn sàng sử dụng quyền lực đàn áp của Đảng để bóp nghẹt những đối tượng bất đồng chính kiến có tổ chức ở Trung Quốc, nhưng Giang Trạch Dân lại rất khoan dung đối với những lời phê bình về chính sách của chính phủ do các cá nhân trí thức lên tiếng. Ông cũng là một người hâm mộ cả khía cạnh cổ điển và hiện đại của văn hóa nước ngoài và thường xuyên chiêu đãi du khách nước ngoài bằng những giai điệu phương Tây yêu thích của mình. Ông ta có thể đọc thuộc lòng các phần của Bài diễn văn Gettysburg của Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln. Mặc dù những phong cách riêng như vậy đã dấy lên những lời đồn đoán và nhạo báng vào thời điểm đó, nhưng thật không may là giới lãnh đạo Trung Quốc hiện tại lại không thể thực sự cho thấy sự quan tâm đối với văn hóa phương Tây và thế giới rộng lớn hơn, dẫn tới mối quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây khó mà đạt được sự xúc tiến nhanh chóng như dưới thời Giang Trạch Dân.
Mặc dù Trung Quốc dưới thời Giang Trạch Dân không phải là một nơi tự do hay dân chủ, nhưng cũng chẳng phải là một quốc gia độc tài, khép kín với chất lượng đời sống tồi tệ. Giờ đây, khi chiến lược Zero Covid của Tập Cận Bình đã gần như tước bỏ quyền tự do của rất nhiều người sống tại Trung Quốc đại lục suốt 3 năm qua, người ta bắt đầu tiếc nuối những năm tháng tự do và thoải mái dưới thời Giang Trạch Dân.
MƯỜI SÁU CHỮ VÀNG
Có thể nhiều người không biết, ngoài khái niệm kinh tế thị trường (định hướng) Xã hội Chủ nghĩa thì Mười sáu chữ vàng cũng là một trong những đề xuất của Giang Trạch Dân. Tháng 11 năm 1991, sau khi Trung Quốc và Việt Nam thực hiện bình thường hoá quan hệ ngoại giao, nhà lãnh đạo cấp cao hai nước liên tiếp đi thăm lẫn nhau, sự giao lưu và hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật, văn hoá ngày càng mở rộng và sâu sắc.
Đến đầu năm 1999, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân đã đề ra và Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu đã đồng ý Phương châm Mười sáu chữ vàng đã xác định tư tưởng chỉ đạo và khung tổng thể phát triển quan hệ hai nước trong thế kỷ mới, đánh dấu quan hệ Trung Việt đã bước vào giai đoạn phát triển mới được lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước xác định trong Tuyên bố chung, từ tháng 2 năm 1999. Mười sáu chữ vàng ấy là:
Hán tự: 山水相連 理想相通 文化相同 運命相關 Phiên âm: Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan. Dịch nghĩa: Sông núi gắn liền, Cùng chung lý tưởng, Văn hoá giống nhau, Có chung định mệnh. Ở Việt Nam, 16 chữ này thường được dịch là: Láng giềng hữu nghị, Hợp tác toàn diện, Ổn định lâu dài, Hướng tới tương lai.
NHỮNG NĂM CUỐI ĐỜI
Ngày 30 tháng 11 năm 2022, Giang Trạch Dân qua đời tại Thượng Hải, hưởng thọ 96 tuổi. Theo Tân Hoa Xã, ông qua đời lúc 12:13 giờ địa phương, do bệnh bạch cầu và suy đa tạng. Sự ra đi của ông Giang Trạch Dân được công bố trong một bức thư gửi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Trung Quốc, theo Tân Hoa Xã. Bức thư nói ông Giang Trạch Dân là nhà lãnh đạo kiệt xuất, có uy tín cao được toàn đảng, toàn quân và toàn dân Trung Quốc thừa nhận, nhà Marxist vĩ đại, nhà cách mạng vô sản vĩ đại, chính khách, chiến lược gia quân sự kiêm nhà ngoại giao, chiến sĩ cộng sản kiên trung và là nhà lãnh đạo xuất chúng của sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Xã hội mang đậm màu sắc Trung Quốc. Ông là hạt nhân của thế hệ lãnh đạo tập thể thứ ba của đảng Cộng sản Trung Quốc và là nhà sáng lập chính của thuyết Ba đại diện. Theo đài truyền hình CCTV của Trung Quốc, quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô Bắc Kinh và các tòa nhà chính phủ đã treo cờ rủ. Trụ sở các cơ quan đại diện của Trung Quốc ở nước ngoài cũng sẽ treo cờ rủ trong thời gian để tang. Giao diện web Tân Hoa Xã và Baidu đã được chuyển sang màu đen trắng. Các hãng truyền thông Trung Quốc đều đăng bức ảnh hoa cúc màu đen trắng trên tài khoản Weibo.
Là một trong những nhân vật quan trọng của lịch sử Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây, tang lễ cấp nhà nước dành cho Giang Trạch Dân đã được lên kế hoạch vào tháng 12 năm 2022. Ban tổ chức lễ tang ông do Chủ tịch nước Trung Quốc đương nhiệm Tập Cận Bình làm trưởng ban, hiện chưa công bố thời gian cụ thể cho tang lễ. Đây sẽ là quốc tang lớn đầu tiên được tổ chức ở Trung Quốc kể từ năm 1997. Cái chết của Giang là cái chết thứ 4 trong số các nhà lãnh đạo lớn nhất thế giới qua đời vào năm 2022 sau Shinzo Abe, Mikhail Gorbachev và Nữ hoàng Elizabeth II.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bruce Gilley (1998). Tiger on the Brink: Jiang Zemin and China's New Elite.
2. Du Lin (1999). Jiang Zemin Biography.
3. Zhong Peizhang (2002). A Talk with Jiang Zemin: An Old Communist's Thoughts for the Century".
4. Ling Feng (2003). Farewell to Jiang Zemin.
5. Robert Lawrence Kuhn (2004). The Man who Changed China: The Life and Legacy of Jiang Zemin.
6. Ren Bumei (2005). Jiang Zemin and His 15 Years.
7. Zhong Zhicheng (2006). For a Better World: Documentary of Jiang Zemin's Visit.
8. China Daily (2005). Bringing true story of China to the world.
9. Shanghai People's Publishing House (2010). Sunrise River Flower - Young Jiang Zemin in Shanghai.
10. Shanghai People's Publishing House (2011). Jiang Zemin in Shanghai (1985-1989).
11. The New York Times (2002). Jiang Zemin, Leader Who Guided China Into Global Market, Dies at 96.
12. Victor Shih (2022). Jiang Zemin Helped China Become a Global Powerhouse.
13. Trang thông tin Baidu về Giang Trạch Dân (2022).
14. Báo Tuổi trẻ (2022): Vĩnh biệt ông Giang Trạch Dân: Người vun đắp quan hệ Việt - Trung.
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất