Cầm trên tay tấm vé máy bay đến Paris hai tuần sau khi tốt nghiệp đại học, mình chắc mẩm nếu đâu đó trên mặt đất này tồn tại một bảng xếp hạng những người luôn được hưởng ưu ái, một kiểu công dân được ban phát đặc quyền, tên mình chắc hẳn chễm trệ trong đó.
 Vì sao ư? “Paris is always a good idea” (Paris lúc nào cũng là một phương án hay ho). Mặc dù ngày càng có nhiều điểm đến hấp dẫn khắp nơi trên thế giới, Paris vẫn luôn là một “cái gì đó” ai ai cũng khao khát được một lần đặt chân đến, chiêm ngưỡng vùng đất kinh đô ánh sáng, thành phố tình yêu và nghệ thuật. Thú thực đi, từ nhỏ tới lớn trong những giây phút mơ mộng được chu du đó đây, hình ảnh Paris kiểu gì chẳng xuất hiện trong tâm trí bạn phải không? Mình cũng không nằm ngoài số đó. Sông Seine êm đềm, Eiffel huy hoàng, đồi Monmarte mơ mộng, cung điện tráng lệ, cổ kính được bao quanh bởi những khu vườn lãng mạn như trong cổ tích. Dường như toàn bộ sự đẹp đẽ tuyệt vời trên thế gian đều tập trung ở thành phố thần tiên đó. Mà cái đẹp, ai lại mà cưỡng lại được cái đẹp, lại không muốn một lần mắt thấy tai nghe “chạm” vào cái đẹp cơ chứ?
Giữ nguyên lòng háo hức sắp “chạm” vào một giấc mơ lung linh từ thuở bé, tim đập thình thịch khi máy bay hạ cánh, mình bắt đầu mường tượng ra giây phút mong chờ nhất từ trước đến giờ: “hẳn phải chấn động dữ dội mãnh liệt lắm, chắc mình sẽ sung sướng sững sờ lâng lâng như đang trên mây, kể từ giây phút đó trở đi mọi thứ sẽ thay đổi bởi mình đã đạt tới hạnh phúc lớn lao thế này”. Mình tới Paris đúng ngày Quốc Khánh, đường phố đâu đâu cũng nhộn nhịp từng đoàn người chuẩn bị chờ pháo hoa. Paris quả thực rất tuyệt. Dường như mỗi ngóc ngách nhỏ nhất của thành phố này đều được chăm chút tỉ mẩn đầy tính thẩm mĩ, duyên dáng hài hòa với tổng thể. Diện kiến cái đẹp, cái dễ thương, ngấm bầu không khí mơ màng nghệ thuật ở khắp mọi nơi, con người ta cũng khoan khoái và nhẹ nhõm lắm. Nhưng chỉ vậy thôi. Không hề có một cú sang chấn đảo điên tê dại nào mang tên “hạnh phúc” như mình hằng mơ mộng.
Ngỡ tưởng sự hiện diện tại nơi chốn trác tuyệt sẽ đủ khiến người ta thỏa mãn suốt phần đời còn lại, nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Đi thuyền trên sông Seine, dạo bộ dưới chân tháp Eiffel, chốc lát mình lại thấy mình trở về ngay với những ý nghĩ vướng mắc cũ kĩ ngày thường. “Có khác gì đi bộ quanh hồ Gươm đâu nhỉ,” mình nghĩ bụng, và bắt đầu nảy sinh hoài nghi về tất cả những thứ con người đặt tên là “ước mơ” hay “hạnh phúc” từ trước đến giờ. Liệu có nhầm lẫn gì chăng, sao mọi thứ không tuyệt đỉnh diệu kì như trong mô tả, hay do mình đã sai sót ở bước nào đó? Hoài nghi khởi phát từ đó, rồi thi thoảng mình cũng viết một bài về hạnh phúc, mỗi bài lại đánh dấu một chuyển biến nho nhỏ trong công cuộc cắt nghĩa và tìm kiếm “nó”.
Phải tận 8 năm sau, vào một thứ hai cuối tháng CGV đồng giá 55k kèm hối thúc của người bạn, mình mua vé xem Soul một mình. Thật tình cờ, cảm giác sau buổi biểu diễn “trong mơ” của thầy giáo piano khi được chơi chung với những người mình ngưỡng mộ diễn tả lại chính xác những gì mình cảm nhận 8 năm trước đó. Trống rỗng và hụt hẫng vì ngay cả khi mọi sự diễn ra hoàn toàn đúng ý, thậm chí có thể hơn, vẫn chẳng có gì ghê gớm vĩ đại xuất hiện.
Ồ, như vậy nghĩa là sao nhỉ?
1.
Điều gì khiến cho cơ thể vật lý hạnh phúc? Thử tìm lời giải thích từ Khoa Học bằng cách liệt kê lại những khoảnh khắc thấy dễ chịu sảng khoái vui vẻ như ăn sô-cô-la, ánh nắng mặt trời, trò chuyện với bạn bè, ôm hôn, hít thở không khí núi rừng, chơi với chó… xem có liên quan thế nào đến “cảm giác hạnh phúc”. Chỉ bằng một cú click chuột, câu trả lời rõ ràng không có gì bí ấn. Sự khoan khoái xảy ra như kết quả của phản ứng hóa học: khi dung nạp một số loại thực phẩm hoặc tiến hành một số hoạt động, não sẽ tiết ra các chất đem lại cảm giác dễ chịu, gia tăng hưng phấn. Có 4 chất “dẫn truyền hạnh phúc” chính như trong hình dưới đây.
 Mình thử Việt hóa các chất này thành các ban nhóm cho dễ hình dung như sau: Ban Khen Thưởng (hân hoan khi hoàn thành công việc, ăn ngon mặc đẹp hoặc chăm sóc cơ thể…), Ban Cưng Nựng (cảm giác êm ái dễ chịu khi chơi với động vật, trẻ con, âu yếm vuốt ve nhau…), Ban Dung Hòa (cân bằng tâm trạng qua thiền, chơi thể thao, ở giữa thiên nhiên…) và Ban Xoa Dịu (giải tỏa mệt mỏi bằng hương thơm, xem phim hài, nghe nhạc…).
Bất kể khi nào chúng ta ở trạng thái tích cực, tràn đầy năng lượng đều có sự tham gia đơn lẻ hoặc kết hợp của các ban ngành này và ngược lại, thiếu hụt sự quan tâm của một hoặc nhiều ban này là nguyên nhân dẫn đến chán nản, tiêu cực, uể oải. Đối chiếu với cái mình tưởng là hạnh phúc tột cùng khi đặt chân đến Paris, hóa ra cũng chỉ là những phản ứng hóa học nhỏ lẻ từ ban Khen Thưởng (Xin chúc mừng bạn đã đặt chân đến kinh đô ánh sáng! Làm một ly rượu vang và chút phô-mai nhé?), ban Cưng Nựng (ngắm nghía vuốt ve những chú chó xinh xắn trong vườn Luxembourg), ban Dung Hòa (ở giữa cỏ cây hoa lá mùa hè Paris mới tuyệt làm sao!) và ban Xoa Dịu (âm nhạc du dương khắp ngõ phố thật thư thái!). Cũng như thầy giáo piano trong Soul đã “chạm” vào hạnh phúc trong khoảnh khắc chơi nhạc nhưng hóa ra cũng chỉ sung sướng chốc lát nhờ dopamine (ban Khen Thưởng) tiết ra trong não.
Trong các ban, ban này (dopamine) hoạt động tích cực hơn cả. Đó là động lực thôi thúc chúng ta phải làm/xem/học/ăn gì đó, đi đến nơi mới, sở hữu thêm… Việc đánh dấu tích cho những dự định lớn nhỏ đã hoàn thành đều hướng đến phần thưởng: cảm giác “được khen” từ dopamine. Mỗi phần thưởng này đến và đi đều rất nhanh, đi là đi đứt không vết dấu, như một chiếc lo xo khổng lồ nhấc bổng chúng ta lên chín tầng mây rồi thả viu một phát xuống mặt đất. Các thói quen hầu như đều xuất phát từ cơ chế này, như chơi games, mua sắm, nghiện điện thoại. Có những thứ đem lại cảm giác được thưởng to hơn, kiểu “giải đặc biệt” như rượu bia, chất kích thích, tình dục… nhưng cũng đồng nghĩa với việc dễ gây nghiện hơn. Phần thưởng đó được não lập tức sao lưu, rình rập lúc tâm trạng chán nản buồn phiền sẽ dụ khị “làm 1 liều thôi bạn eii”. Cứ thế lặp đi lặp lại, lâu lâu đòi hỏi phải tăng liều. Chưa kể, sử dụng quá liều còn kèm theo khác nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.[1]
Tức là người ta luôn luôn phải tìm đến những thức ăn kia, hoạt động kia hòng tận hưởng vài phút giây thỏa mãn ngắn ngủn và nô lệ cho nó suốt cuộc đời. Liệu có cái “hạnh phúc” nào bền vững và, quan trọng hơn, tự do hơn không? Loại nào mà con người có quyền làm chủ một chút ấy?
2.
Băn khoăn về tự do/hạnh phúc không thể không tìm đến Triết học. Một lĩnh vực sâu rộng trừu tượng nhưng từ ngày đọc bác Cao Huy Thuần, mọi vấn đề cao siêu cỡ nào cũng được bác khơi gợi truyền đạt hết sức tài tình qua văn thơ. Vào thư viện rút ngay một quyển của bác[2] mà mình chưa có, mở ra thấy tiêu đề “Hạnh phúc trong thơ” lòng mừng thầm khi gặp trúng từ khóa. Cùng chí hướng truy lùng cái hạnh phúc đích thực như mình, giáo sư đại học Paris (lại là Paris!) Cao Huy Thuần tỉ mẩn tiến hành nghiên cứu từ Đông sang Tây xem các triết gia tầm cỡ nhất trong lịch sử quan niệm thế nào. Chính xác những điều mình đang mong mỏi, thế là hì hụi giấy bút ghi chép lại ngay và xin phép bác Thuần chia sẻ lại lên đây cho những ai đang và sẽ tìm kiếm.[3]
Khổng Tử: “đừng tìm sung sướng nơi hưởng thụ vật chất, phải tìm nơi đời sống tinh thần.” Cái vui không phải là mục đích nhắm đến mà là kết quả tự nhiên của một trạng thái tinh thần.
Trang Tử: “Ai giết đời sống thì không chết, Ai dưỡng đời sống thì sinh ra”. Cứ nghĩa hoài đến đời sống, phải sống thế này thế nọ thì tức là chẳng sống gì cả. Vứt bỏ những câu hỏi vô ích đó, sống đi, sẽ thấy đời sống vui. Hãy để đời sống quên đi đời sống. Thay vì hạnh phúc, tư tưởng Trung Quốc chú trọng dưỡng khí, dưỡng sinh. Lưu thông vận chuyển không ngần ngại là đặc tính khí, cũng như dòng nước chảy. Không khuấy thì nước trong; nước giữ lại thì hết trong. Lo nghĩ băn khoăn là chặn khí, nước.
Socrate:“Điều lành lớn hơn cả là mỗi ngày mỗi sửa mình.”
Aristote: “Biết điều độ, biết vừa phải, biết phân biệt cái gì là chính yếu, cái gì là phù phiếm thì cánh cửa hạnh phúc mới mở ra.”
Epicure (triết gia của thú vui): “Một đời sống vui thích không phải một chuỗi, một xâu thú vui, cái này tiếp nối cái kia, mà là sự thảnh thơi trong tâm hồn của một người không có gì để mà lo, không có gì để thấy thiếu, biết vừa đủ trong mọi ham muốn nhu cầu.”
3.
Từ Khoa học tạt qua Triết học, công cuộc kiếm tìm hạnh phúc cũng sáng tỏ đôi phần. Tuy nhiên mình vẫn thấy gợn gợn trong đầu một băn khoăn: liệu có phải mình mới đang tìm ở phần ngọn chứ chưa hề mon men tới gốc hay không. Tức là, mình cùng với bầy đàn “loài người” vẫn mặc định có một thứ gọi là “hạnh phúc”. Trong khi chưa biết mặt mũi nó trông như thế nào, người ta đổ xô đi tìm kiếm và gán cho nó những cái định nghĩa rất chủ quan. Bản thân từ “hạnh phúc” nghĩa là gì, xuất hiện từ bao giờ, trước khi từ đó ra đời liệu con người đã có “hạnh phúc” chưa? Mất công đi tới đây rồi, ghé thăm tiếp xem bên Ngôn ngữ có giúp ích được chút nào trong hành trình mưu cầu hạnh phúc này không.
Vẫn bài viết trên của bác Thuần, sau khi khảo sát hàng loạt tư liệu văn thơ cổ của Việt Nam không hề thấy xuất hiện từ “hạnh phúc”. Tiếp tục tra cứu trong kho tàng văn chương Trung Quốc cổ, vẫn không tăm hơi. Tình cờ bác bắt gặp một kết quả nghiên cứu trong tạp chí về hạnh phúc của Trung Quốc mới vỡ lẽ: từ “hạnh phúc” chỉ mới xuất hiện bên Tàu gần đây thôi[4]. Trước đó chỉ có “phúc” với nghĩa gốc “dâng bình rượu đầy lên ban thờ” ý chỉ việc thờ phụng, cầu xin. Nghĩa rộng nhằm chỉ thú vui, mong cầu cho người chết được hưởng như người sống. Theo chân bác Thuần, mình đảo qua phương Tây tra từ điển từ nguyên[5] của “happy” cũng chỉ xuất hiện từ cuối thế kỉ 14 với ý nghĩa tương tự “lucky”, “blessed”… khá gần chữ “phúc” ở trên.[6]
Vậy là, so với sự tồn tại của con người trên trái đất, khái niệm hạnh phúc ra đời khá muộn màng. Trước đó, hẳn người ta vẫn tận hưởng những trạng thái dễ chịu, thư thái, khoái lạc… như các phần thưởng nho nhỏ từ các ban ngành hóa học nhắc đến ở trên. Nhưng vì không có một cái giải đặc biệt “hạnh phúc” nên chẳng ai gắng sức thi đua hay bận tâm đi tìm.
Đến đây mình nhớ lại một câu chuyện nhỏ. Từ bé đến lớn mình vẫn làm mọi thứ với tốc độ của bản thân. Mình nghĩ nó bình thường và chưa bao giờ thấy có vấn đề gì cả. Cho đến một hôm, đứa bạn nhìn mình xào rau, bỗng thảng thốt: “Trời ơi, sao lại chậm như thế được chứ?”. Tận lúc bấy giờ, qua nhận xét của bạn, mình mới biết về cái “chậm” – so với cái “nhanh” hoặc cái “bình thường” nói chung. Nhưng liệu cái “biết” đó có thực sự cần thiết và giúp ích được gì không, hay chỉ là phép so sánh có phần hạn hẹp trong khi tính tương đối của vạn vật luôn luôn đòi hỏi những góc nhìn rộng rãi?
 Vì sao ngắm nhìn bọn trẻ con ngây thơ hồn nhiên chúng ta thấy nhẹ nhõm như thể chúng là những sinh vật hạnh phúc nhất thế gian? Vì sao một giai điệu không lời, một bức tranh, một rặng núi, thậm chí một khoảng lặng… hoàn toàn vắng bóng những kí tự, tín hiệu, diễn đạt, giải thích, trình bày nhưng có sức lay động sâu sắc tới cảm xúc và tác động mạnh mẽ đến tâm hồn? Những khoảnh khắc con người hòa vào “dòng chảy” (flow) như đứa trẻ toàn tâm toàn ý háo hức với thế giới của nó, như người nghệ sĩ nhập làm một với tác phẩm của mình, tất cả uyển chuyển, nhịp nhàng, tự nhiên như hơi thở, không thu phục, cưỡng lại hay có chút phân định nào “tôi” và “thế giới” mà chỉ hoàn toàn chấp nhận, nương theo, thanh thản, hài hòa. Phải chăng đó chính là ý để đời sống quên đi đời sống của Trang Tử, quan sát sửa mình cho điều độ, vừa phải mỗi ngày theo ý Socrate và Aristote? Không có hạnh phúc, chỉ có bình thường, hanh thông trong suốt. Có một sự trùng hợp khá thú vị là cùng thời điểm ra đời của từ “happy” ở phương Tây, cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) của chúng ta không cần dùng chữ “hạnh phúc” mà vẫn diễn đạt được trọn ý của bác Thuần về “trạng thái sung sướng nhẹ nhàng, bình yên, và vì bình yên nên có thể dài lâu”:
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến cội cây, ta sẽ uống,
Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao.  
4.
Khi một cánh cửa đóng vào, một cánh cửa khác lại mở ra. Như thế cũng có nghĩa là: khi một cánh cửa khác mở ra, lại có một cánh cửa đóng vào. Ngôn ngữ, bằng sức mạnh vô song của nó, đã trở thành công cụ giao tiếp đáng tin cậy nhất của loài người. Nó mở cánh cửa hướng ra bên ngoài để mỗi cá thể diễn đạt bản thân, cảm nhận thế giới, chia sẻ thông tin, truyền-dẫn kiến thức không giới hạn không gian hay thời gian. Với những ưu điểm vượt trội như vậy, ngôn ngữ khiến con người dễ dàng quên đi hạn chế của của chính nó: cái cánh cửa hướng vào bên trong, con đường dẫn tới quan sát bằng sự minh mẫn của đầu óc, chứ không phải thông qua khái niệm. Trong một video về Thiền mình tình cờ xem được trên youtube, có một comment khá thú vị đưa ra bí quyết cho việc ngồi thiền thế này: Hãy tách ngôn ngữ ra khỏi tâm trí bạn. Thế thôi, đó là tất cả những gì bạn cần làm. Chừng nào còn bất cứ thứ gì mang tính ngôn ngữ học xuất hiện trong tâm trí bạn, bạn sẽ không thể nào thiền được. Tất cả các dự định, tên riêng, câu cú, câu truyện, bài thơ, khái niệm, đều phải dọn sạch sành sanh.[7]
Đọc tới đây, quên đi 3000 chữ này, hạnh phúc hiện ra liền. Dễ ợt nhỉ?
[1]http://www.mindmypeelings.com/blog/daily-dose-of-happiness-chemicals
[2] Quyển Khi tựa gối, khi cúi đầu. Cao Huy Thuần, NXB Trẻ
[3] Toàn bộ nội dung in nghiêng được lược trích trong bài “Hạnh phúc trong thơ” trong cuốn Khi tựa gối, khi cúi đầu. Phần trong ngoặc kép là trích lời các triết gia. Phần ngoài ngoặc kép là lời tác giả Cao Huy Thuần.
[4] Luolo, Understanding happiness: a look into Chinese Folk Psychology, Journal of Happiness studies 2: 2001
[5] Từ nguyên học (etymology): ngành học về lịch sử của các từ, nguồn gốc của chúng, và việc hình thái và ngữ nghĩa của chúng thay đổi ra sao theo thời gian. (theo wikipedia)
[7] Nguyên gốc: Divorce your mind from language. That’s it, that’s all you need to do. If anything comes to your mind carrying something linguistic you won’t be able to meditate. All these plans, names, sentences, stories, poems, definitions, everything must go. (comment của người dùng harle nock)

Yêu thích bài viết này, mời bạn ủng hộ việc viết lách của mình qua các cuốn sách tự xuất bản ở link sau: https://forms.gle/JQ61Mk61kUGwbDHr9