Dạo trước, mình có làm thử một thí nghiệm khoa học nổi tiếng của người Nhật về 3 hũ cơm. Bạn chia cơm đều nhau vào 3 cái hũ nhỏ, rồi dán nhãn lên chúng. Hũ số 1 là nhãn "biết ơn", hũ thứ 2 là nhãn "căm ghét", hũ thứ 3 thì để trống, không ghi nhãn nào, đặt chúng trong cùng một điều kiện nhiệt độ, ánh sáng như nhau.
Bạn phải đối xử với 3 hũ cơm như cái cách bạn ghi nhãn lên chúng. Với hũ cơm "biết ơn", hàng ngày bạn phải nói với nó những mỹ từ xinh đẹp như "Bạn là một vật thể đặc biệt và tuyệt vời, cảm ơn bạn đã đến với tôi". Hũ "căm ghét" thì sao, hàng ngày bạn phải trút xả tất cả sự giận dữ vào chúng: "Mày là một thứ đáng kinh tởm, xấu xí, mày không xứng đáng được có mặt ở đây". Tương tự với hũ cuối cùng, bạn hãy để mặc nó và đừng đụng chạm gì đến cả, xem nó như không khí, như tàng hình.
1 tuần sau, bạn sẽ thấy rõ sự khác biệt dần hình thành trong 3 hũ cơm này. Hũ "biết ơn" biến thành một loại men rượu rất thơm, và đây cũng chính là phương pháp lên men loại rượu rất nổi tiếng ở Nhật Bản. Hũ "căm ghét" ôi thiu, nổi mốc. Đặc biệt là hũ thứ 3, cái hũ mà bạn bỏ mặc ấy, nó biến dạng, thành một loại hợp chất đen sì, hôi thối kinh tởm, đến nỗi bạn không thể tưởng nổi 1 tuần trước nó vẫn là một hũ cơm.
Tại sao hũ thứ 3 lại biến chất kinh tởm hơn cả hũ 2? Vì ít ra hũ thứ 2, mặc dù bị "căm ghét", nhưng nó vẫn có được một sự chú ý, một thể loại "họ hàng" của sự quan tâm. Hũ thứ 3 nằm trong một góc, nhìn ngắm sự tương tác của chủ nhân với 2 người bạn, ủ rũ, nó chỉ biết tự hỏi "Mình đã làm gì để bị bỏ mặc như thế?", rồi nó lịm dần trong sự cô đơn và lạc lõng, nó cố làm đau mình để biết đâu có một người sẽ lắng nghe, sẽ thương hại, sẽ "nhìn thấy" mình, cho đến khi nó kiệt quệ, biến chất, nó "mất mình" trước cả khi kịp biết "mình là ai".
Bạn có nhận ra, cách bạn đối xử với 3 hũ cơm đó cũng là cách bạn đối xử với chính mình không? Và trạng thái của hũ cơm sau 1 tuần cũng là hệ quả của của cách đối xử mà bạn lựa chọn cho bản thân mình. Nếu bạn luôn cảm thấy mình tốt đẹp thì mọi người sẽ yêu thương và trân trọng bạn, còn nếu bạn lúc nào cũng nghĩ mình là đồ bỏ đi, thì những người xung quanh cũng sẽ thấy như thấy y như thế. Làm sao người ta có thể yêu thương bạn trong khi “chủ sở hữu” - là bạn, còn không thương nổi mình?
Image result for yêu thương bản thân

Vậy tâm hồn bạn đang là "hũ cơm" nào? Là sự tràn đầy của tình yêu và biết ơn, sự ôi thiu của những tự ti, vị kỷ, xem thường, hay sự chênh vênh đến úa tàn vì những lúc bạn bỏ mặc, thờ ơ với suy nghĩ và cảm xúc của bản thân?
Cuộc đời rồi sẽ trôi qua trong chớp mắt, giờ phút này đang được nhìn ngắm Mặt Trời hiện lên trong một màn sương ánh sáng, thì khoảnh khắc sau lại thấy vầng trăng bàng bạc đong đưa trong cõi vô cùng. Hỉ nộ ái ố trụt trồi trong kiếp nhân sinh tam thế, nở rồi lại tàn, thoái rồi lại thăng . Cho đến tận cùng chúng ta cũng không thể xoay vần được những triết lý hiển nhiên đó của vũ trụ, vậy cớ gì vì vài nốt trầm trong một thoáng mà bỏ qua những khả năng ngân nên nốt bổng sau này. Dù cuộc đời có đem đến cho bạn bao nhiêu thử thách hay nỗi đau, dù cái bạn đang trải qua là bìn an hay giông tố, chỉ có bạn mới có thể là người quyết định cách mình đối xử với bản thân thôi.
Vì thế, hãy luôn cẩn trong lựa chọn những lời nói, những suy nghĩ và cách đối xử mà chúng ta gieo vào tâm hồn của mình, và cả của những người xung quanh bạn mỗi ngày nhé. Nếu đứa trẻ trong tâm hồn bạn đang kêu cứu, xin đừng chối bỏ nó như hũ cơm kia, để rồi nó sẽ chết ở tuổi 25 mà đến 75 tuổi mới có thể hội ngộ cùng bạn ở phía bên kia chân trời.
Mình viết những dòng này, vì mình cũng đang nghe tiếng đứa trẻ bên trong mình đang òa khóc vì rệu rã và mỏi mệt, nếu bạn cũng thế, chúng ta hãy cùng giúp nhau cứu nó, được không?