HỌC NHIỀU THÌ KHÔNG BIẾT
"HỌC NHIỀU THÌ KHÔNG BIẾT" Ủa là sao? =))Học nhiều thì không biết, không phải do học không biết gì, mà do học nhiều thì hiểu những...
"HỌC NHIỀU THÌ KHÔNG BIẾT" Ủa là sao? =))Học nhiều thì không biết, không phải do học không biết gì, mà do học nhiều thì hiểu những gì mình biết chỉ là hạt cát nhỏ nhoi so với sa mạc mênh mông của những điều mình chưa biết, nên mới tự nhận mình là không biết vậy.
Không biết mọi người thế nào nhưng mình thấy tất cả mọi người mình đã từng gặp đều sẽ giỏi hơn mình một điều gì đó. Có thể những điều đó hiện tại không liên quan đến cuộc sống của mình, nhưng mà, giỏi hơn vẫn là giỏi hơn.
Những người họ chưa giỏi thì có thể là họ vẫn chưa tìm ra được sở trường hay đam mê của mình. Bởi lẽ đâu phải ai cũng may mắn có được môi trường thuận lợi để khám phá bản thân và phát triển. Nhưng điều chắc chắn là mình luôn có thể học hỏi ít nhất một điều hay ho từ bất kỳ người nào khác. Quan trọng là mình có sẵn sàng khiêm tốn lắng nghe hay chú ý vào những đặc điểm tốt của người ta hay không thôi.
Càng lớn học nhiều, biết nhiều, thì lại càng thấy mình không biết gì:)). Vì những gì mình cho là đúng, chẳng qua là mình chưa từng gặp trường hợp sai. Ngoài những quy luật tự nhiên ra thì bản thân mình thấy tất cả các định nghĩa trước giờ thật ra là được xây dựng từ niềm tin từ đa số mọi người. Vậy nên không có gì là chính xác hay chắc chắn tuyệt đối cả.
Vấn đề ở đây mình muốn nói là bản chất của con người là luôn hướng tới cái "Tôi", nên mấy ai chịu khiêm nhường để tiếp nhận những thứ "khác biệt" để khám phá chúng, mấy ai chịu thừa nhận tất cả những thứ mình biết chỉ là một phần rất rất nhỏ trong câu chuyện rộng lớn.
Mà khi con người có vị trí hay một số thành công nhất định thì cái "Tôi" của người ta lại càng cao. Ở trên đỉnh cao thì thường là lúc con người dễ đánh mất bản thân họ nhất. Mọi người luôn bảo phải học từ thất bại nhưng không ai bảo làm thế nào để "vượt qua thành công". Trèo lên đỉnh là một chuyện, nhưng bảo tồn thăng bằng ở vị trí đó là một chuyện khác. Nói ngắn gọn lại là ở trên cao thì "bệnh tự mãn" rất dễ xuất hiện nếu chúng ta không chú ý thì sẽ bị tuột dốc không phanh.
Có thể thấy chúng ta thường có xu hướng không tiếp nhận hoặc đánh giá thấp "kiến thức" hay "quan điểm" của những người có độ tuổi nhỏ hay có vị trí thấp hơn mình. Ví dụ kiến thức về tài chính, đầu tư thì cho là người lớn giỏi hơn đi, nhưng có chắc người lớn giỏi hơn bọn trẻ lớp 5 cách sử dụng công nghệ hay cách thiết kế sáng tạo. Hay có chắc kiến thức về tài chính, đầu tư đó sẽ còn phù hợp với lứa tuổi của chúng 10-20 năm nữa?
Tất nhiên là đâu ai có thể giỏi tất cả mọi thứ nhưng việc chúng ta lớn tuổi hơn mà nghĩ mình giỏi hơn thì có phải hơi tự cao.
Hay trong một tổ chức cũng vậy, người lãnh đạo có nhất thiết phải biết tất cả mọi thứ rồi phải biết làm hết mọi thứ?
Có thể người lớn hay người lãnh đạo hiểu sai vai trò của mình, kiểu là phải giỏi nhất, phải lấn át được, phải đúng, nếu sai thì sợ bị xấu hổ hay không đủ khả năng. Nếu cứ giữ cái quan niệm như vậy thì liệu có khiến họ bị tụt lùi đi không?
Đặc biệt khi bàn về những quan điểm trong cuộc sống thì có mấy người lớn sẵn sàng "không phán xét" gì mà lắng nghe tụi trẻ?
Bản thân mình thấy mọi thứ đang hoạt động rất nhanh và sẽ còn nhanh hơn trong tương lai. Nên nếu mà mình không cởi mở hơn trong tư duy thì mình sẽ thành đứa lạc hậu ngay còn khi chưa trưởng thành:)).
Như trong khoảng cách thế hệ, mình thấy cùng là GenZ nhưng những người "sinh đầu" GenZ dường như đã có suy nghĩ và quan điểm khác rất nhiều so với những bạn "sinh giữa" GenZ. Hay có những đứa em của mình kém mình có 4-5 tuổi thôi mà chúng có cách nhìn mọi thứ khác biệt lắm, kiểu như khác về quyền cá nhân, chuyện gia đình sau này, trách nhiệm, những câu chuyện sống thoáng đến giật mình=))...
Trước thì mình đánh giá do chúng trẻ trâu, ích kỷ, chưa trải đời nên mới có những suy nghĩ như vậy. Nhưng sau mình thấy mình mới là đứa bảo thủ, lạc hậu khi bám chắc vào những quan điểm cố định.
Những chuyện mà thế hệ trước đã trải qua thì chắc gì thế hệ sau phải trải qua. Có những lối sống, quan điểm mà ngàn năm nay không thay đổi thì tự dưng bị thay đổi hết khi nền công nghệ ra đời và phát triển mạnh mẽ, và vẫn còn tiếp tục thay đổi rất nhiều nữa trong tương lai... Một môi trường rộng lớn, đa dạng, nhiều màu sắc hơn khi chúng ta có cơ hội kết nối với nhiều nền văn hoá quốc tế. Vậy nên cũng không tránh được việc chúng ta bị ảnh hưởng cả cái tốt lẫn cái xấu từ môi trường văn hoá bên ngoài.
Ví dụ chuyện giới tính ngày xưa chỉ biết có nam với nữ, vậy mà ngày nay lòi ra thêm mười mấy loại giới tính khác nhau. Còn có những chuyện tràn lan như "FWF, ONS, GWTF, S*x before marriage, Mẹ đơn thân,..."(Lên Google tra khái niệm nha:v)
Những sự việc đó có sai hay không? Mình không đánh giá.
Kể cả nó có sai đi chăng nữa nhưng liệu chúng ta có ngăn chặn được chúng không? Mình nghĩ là khó=)).
Liệu cấm cản, đánh đập,... có còn tác dụng nữa không?
Nếu chúng ra cứ không chấp nhận hiện thực để tìm phương án xoay chuyển mà cứ quá bám chấp vào quan niệm xưa cũ để kháng cự lại thì hậu quả xảy ra là gì? Là không phải "nam giới" nhưng vẫn phải cưới vợ vì bị ba mẹ chèn ép và phải sống cả đời còn lại trong đau khổ? Hay tỉ lệ trẻ nữ mang thai ngoài ý muốn tăng vọt vì cha mẹ ngại chuyện giáo dục giới tính khi vẫn nghĩ nó còn nhỏ chưa biết gì?
Mình thấy tất cả mọi thứ đang vận hành đúng theo quy luật của nó. Nên việc mình cần làm là giữ trạng thái học hỏi liên tục, chấp nhận tất cả sự thay đổi và bám vào chúng để tìm cách thích nghi và giải quyết sao cho phù hợp.
Kiểu như chúng ta chống chọi mãi với Covid rồi cuối cùng vẫn phải biết chấp nhận mà sống chung với nó và tìm cách để thích nghi ấy thôi=)).
Cái khó nhất mà mình thấy là biết bỏ cái tôi xuống để đón nhận tất cả. Con người thường chống lại những gì vượt tầm hiểu biết của họ. Tất cả mọi người trong cuộc sống đều có góc nhìn, lối đi riêng và đặc điểm nổi bật riêng, và họ sẽ dạy cho mình được rất nhiều thứ nếu bản thân biết khiêm tốn nhún nhường lắng nghe học hỏi. Nói thì đơn giản nhưng rèn luyện được qua thời gian cho thành phản xạ mới là điều quan trọng.
Bây giờ mình thấy việc này vẫn còn dễ vì mình vẫn đang trong tâm thế của một người trẻ tuổi biết rất ít về sự đời, chưa có nhiều thành tựu, vai trò hay vị trí nổi bật, cái gì cũng đều mới lạ nên khả năng lắng nghe và học hỏi vẫn còn mạnh lắm:v. Nhưng cũng không có nghĩa là cái tôi nó chưa bao giờ lấn át mình. Vì nó đã lấn át rồi nên mình mới viết bài này để tự nhắc nhở lại bản thân ấy:)). Thử tưởng tượng nếu mình cứ để nó lấn át thì sau này khi mình già đời chút rồi có vị trí cao, thì chuyện thì sẽ xảy ra?
---
Có cách mà mình học được từ người bạn của mình đó là: Đồng ý với bất kì điều gì khi người khác đưa ra quan điểm.
"Đồng ý" không phải mình cho quan điểm của họ là hoàn toàn đúng, mà khi đồng ý thì lúc đó là thời điểm mình đứng trên phương diện khách quan hơn để đánh giá thay vì phản biện bằng quan điểm cá nhân ngay lập tức. Mình sẽ tập trung vào việc hỏi sâu câu chuyện của người khác hơn. Như vậy tâm thế mình sẽ bình tĩnh thoải mái hơn, dễ đón nhận kiến thức mới của họ.
Cái tôi là cái bẫy rất nguy hiểm khi mình cứ không để ý một cái thì nó lại ngoi khiến mình nghĩ giỏi mình, đã biết rồi lại phán xét này kia, rồi kết cục của những cuộc trò chuyện chỉ là mình đang cố gắng chứng minh quan điểm của mình là đúng. Điều đó sẽ ngăn chặn khả năng học hỏi, nhìn nhận sự việc đa chiều và giảm sự phát triển bản thân mình. Mình không thể cứ khoanh vùng mãi những thứ mình đã biết hay những việc mình đã làm tốt và giỏi. Vì những thứ đó có thể phù hợp ở thời điểm hiện tại nhưng không có nghĩa sắp tới nó sẽ phù hợp. Năm 2023 này phù hợp, năm 2024 có thể sẽ không phù hợp rồi:)).
Cởi mở với tất cả những con người mới, cá tính mới, văn hoá mới có lẽ sẽ là điều bản thân mình phải luôn cố gắng tập luyện, bây giờ hay sau này vẫn nên vậy, vì mình sợ mình bị lỗi thời, không bắt kịp với xu thế và sẽ dễ bị đào thải:)).
À mà khiêm tốn không có nghĩa là mình tự ti hay không được khoe gì cả. Những khái niệm này hoàn toàn khác nhau.
Nếu bạn có thành tích, tài năng mà bạn không show ra cho nhà tuyển dụng thì cũng khó có cơ hội phát triển trong công việc. Nếu bạn giỏi mà không show cái giỏi ra thì mấy ai chịu dành thời gian quan tâm tới bạn vì họ không ai biết bạn có thể làm được bất cứ điều gì.
Mình nghĩ là, chúng ta cần thể hiện những tài năng, phẩm chất, thành tích của mình đúng người, đúng lúc, đúng chỗ. Còn lại cần giữ thái độ khiêm tốn, khiêm nhường để trở thành con người ưu tú. Vậy đó.
Cảm ơn bạn đã đọc bài biết của mình.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất