Cách đây đúng 8 năm là ngày đầu tiên tôi đặt chân tới Canada. Ở cái tuổi 18, tôi nhìn mọi thứ rất ngây thơ và tràn ngập hy vọng, vì đi đến đâu “tôi cũng chỉ mới 18 thôi mà”. Rất nhiều những ưu ái dành cho đứa trẻ vừa chập chững trưởng thành, trẻ nhất trong môi trường làm việc, học tập và lúc nào cũng mới “toanh” nên được châm chước cho rất nhiều chuyện. Nhưng từ ngày tôi nhập học và bắt đầu tự loay hoay với mớ giấy tờ của mình tôi shock toàn tập và rơi vào hoang mang cực độ. 
Có lẽ một phần tôi chưa đủ trưởng thành như những người đồng trang lứa, hoặc phần nhiều là tuổi 18 và 19 cách nhau nhanh quá. Chớp mắt tôi đã qua cái tuổi mà người ta có thể cảm thông cho mình, mà thật ra kể từ lúc vừa 18 tuổi, mọi thứ đã dần trở nên khắc nghiệt hơn cho một đứa trẻ. Đặc biệt là khi nó ở nước ngoài. 
Khi mọi thứ đều phải dùng tiếng Anh để giải quyết, tôi loay hoay và nhận ra sự hiểu biết hạn hẹp của mình với mọi vấn đề, và đặc biệt là không biết bắt đầu từ đâu. Thiếu thông tin, thiếu sự chuẩn bị, và xa gia đình, mọi thứ đổ dồn vào cùng một lúc và tôi quyết định đình trệ. Tôi đưa ra nhiều lý do cho sự trì trệ của mình dù được người ở đó khuyên nên xác định ngành học, thi bằng lái xe, làm giấy tờ gì đó. Vì tôi nghĩ mình có thời gian mà, từ từ rồi làm cũng chẳng sao. 
Sau một khoảng thời gian cũng chẳng rõ là bao lâu, nhưng mà cho tới lúc nhận ra thì tôi đoán là nó cũng lâu lắm đấy, thì tôi nhận ra việc bản thân cứ đình trệ đống giấy tờ và kế hoạch cho cuộc đời mình có tác hại kinh khủng hơn tôi tưởng. Tôi từ hoang mang rơi vào hoang mang tột độ hơn vì mọi thứ lại dồn đống vào lúc tôi bận rộn nhất từ tìm việc đến học hành. Ơn trời là tôi cũng tỉnh ngộ rằng mình đã lớn và chẳng ai có thể giúp cho mình ngoài chính mình. Ít nhất là trong khoảng thời gian còn kịp, tôi biết mình nên bắt đầu lại và chấp nhận rằng chẳng ai sẽ đối xử dịu dàng với mình hay ưu ái với mình nữa.
Cũng đã một thời gian sau mớ trì trệ của bản thân, tôi lại gặp những đứa trẻ khác rơi vào tình trạng của mình khi ở nước ngoài. Khác ở Việt Nam thì tôi cảm thấy môi trường cấp ba ở nước ngoài vừa dễ thở mà cũng vừa dễ chết. Lớp 10 và 11 ở nước ngoài hầu như là không học gì cả, học sinh cấp ba không cần quan tâm đến điểm số ở hai lớp 10 và 11 vì điểm này không tính vào điểm đại học, chỉ cần bạn đủ đậu là được. Đương nhiên nó cũng có những quy định riêng như trên bao nhiêu điểm thì mới vào được lớp 12 tốt để vào đại học (hệ thống giáo dục của Canada thì mình sẽ đề cập vào một bài khác vì nó khá rắc rối và dài - Nếu các bạn quan tâm thì có thể follow mình ở những bài tiếp theo nhé). Quay trở lại câu chuyện cấp ba thì hầu như bọn trẻ không phải học, chỉ có đến lớp kết bạn và có thêm vài môn ngoại khóa để đến lớp chơi. Nên hầu như những đứa trẻ ở nước ngoài đi học mà không bị áp lực gì từ nhà trường đến gia đình, và đồng thời bọn chúng biết rõ quyền lợi của một đứa trẻ dưới 18 nên dù có đi làm thì cũng chẳng ai dám bắt nạt bọn nó. Nhưng mọi thứ sẽ thay đổi ở năm lớp 12, khi mọi điểm số đột nhiên trở nên quan trọng và thái độ của thầy cô nghiêm khắc hơn, bọn chúng hoang mang và mất luôn cả định hướng cho cuộc đời. Chúng sẽ chẳng biết nên chọn ngành nào để học, học như thế nào và làm thế nào với cuộc đời của mình. Thường thì với dân bản xứ sẽ đỡ áp lực hơn vì chúng có thể nghỉ một năm đi làm và chọn ngành học sau đó mới đi học đại học, còn với du học sinh từ cấp ba thì đúng nghĩa nó là địa ngục. Giống như việc vừa ngủ một giấc dậy thì bạn đột nhiên trở thành người lớn. 
Từ việc phải lo giấy tờ để đăng ký vào trường đại học, thi bằng lái xe, tìm việc làm cho đến làm thế nào để chọn ngành cũng trở thành mớ hỗn độn trong cuộc đời vốn dĩ đang tốt đẹp. Cứ tưởng tượng như nếu bạn học 6 năm ở Việt Nam với một đống áp lực thì đột nhiên được xả hơi hai ba năm liền rồi đột nhiên lại một ngày đẹp trai mớ áp lực học hành đó lại ập đến. Không ngơi nghỉ và mọi thứ trở nên loạn xạ cả lên thì tự khắc sự trì trệ sẽ đến ngay vào lúc này, và tôi lại thấy tôi như những người tôi gặp trong lúc tôi trì trệ, tôi không ngừng đưa ra lời khuyên và thúc giục chúng nên làm gì. Nhưng tôi biết chắc là chẳng có kết quả gì đâu vì tôi cũng đã từng như thế. 
Tôi chẳng biết người khác trải qua tuổi 18 tại Việt Nam thế nào, nhưng cảm giác của những đứa trẻ bơ vơ ở nước ngoài là đùng cái chúng phải lớn, phải lo liệu hết mọi thứ. Và câu cửa miệng của chúng sẽ là “Mới 18 tuổi thôi mà đòi tui biết cái gì trời”. Đúng là 18 tuổi thì không thể biết hết giấy tờ cần làm là gì, tìm việc ra sao và nên chọn lựa cho cuộc đời mình thế nào. Nhưng mà thời gian lại không biết đợi chờ ai, nếu càng tìm cho mình một cái cớ về tuổi tác, cuộc đời của mình sẽ lại càng trì trệ. Đúng là bạn sẽ được ưu ái khi là trẻ con, sẽ được châm chước khi chỉ vừa trưởng thành. Nhưng từ năm 18 đến 19 tuổi chỉ vỏn vẹn một năm, và trong một năm đó mọi thứ lại phải hoàn thành để chạy theo dòng chảy của cuộc đời. Sau cái tuổi 18 sẽ chẳng ai xem bạn là đứa trẻ nữa. Không quá muộn để bắt đầu bất cứ thứ gì, nhưng cũng chẳng còn sớm để tập chịu trách nhiệm cho bản thân.
Có rất nhiều người hay bảo mỗi người có một dòng đời riêng cho cuộc đời mình, có người thành công ở tuổi 20 và mất ở tuổi 40, có người thì thành công ở tuổi 40 và mất ở tuổi 80 vân vân và mây mây. Nhưng cho dù cuộc đời bạn có kéo dài hơn hay không thì bạn cũng chẳng biết được, nhưng càng trì trệ thì người mất nhiều hơn là bạn chứ chẳng phải là ai khác. Cuộc đời vốn dĩ không có trạm dừng chân, càng sắp xếp cuộc đời của mình sớm lúc nào thì bình yên sẽ kéo dài thêm chừng ấy. Mình nghĩ đây cũng là một sự chuẩn bị dành cho các bậc phụ huynh khi đưa con sang nước ngoài lúc còn quá bé. 
Giáo dục nước ngoài thì tốt thật, nhưng lại quá dễ chịu và không mấy dễ dàng cho những đứa trẻ du học xa nhà. Mà cho dù ở Việt Nam hay nước ngoài, lớn chậm thôi cũng chẳng được gì ngoài việc những thứ bạn cần làm cứ càng ngày càng chất đống. Chịu trách nhiệm và tìm hiểu mọi thứ có thể rất khó khăn nhưng không đối diện với nó thì chúng ta lại mãi như Peter Pan nhưng lại không có Wonderland ở thế giới thực. 
Nên đừng có lớn chậm thôi! Thử ngồi lại và sắp xếp mọi thứ để làm từng việc một. Đến lúc những thứ cần đã hoàn thành, những thứ để chịu trách nhiệm đã gánh được trên vai thì chúng ta cũng đã lớn lúc nào cũng không hay.
-Lâm Duệ Nghi- 
P/s: Sẵn đây thì bạn nào đang du học hoặc chuẩn bị du học ở Calgary thì theo dõi tips du học của mình tại đây nhé