Lịch sử là do người chiến thắng viết ra. Vậy nên thắng làm vua, thua làm giặc. Trong bất kỳ cuộc tranh giành quyền lực nào, bên chiến thắng sau đó sẽ luôn tô hồng những thành tựu, che mờ những tội ác của mình, đồng thời bôi đen đối phương để tuyên truyền cho sự thống trị của mình. Người chiến thắng sẽ là nhân đức, kẻ thua cuộc luôn là bạo tàn. Người chiến thắng có mưu trí, kẻ thua cuộc thiếu ngu xuẩn. Người chiến thắng thuận thiên mệnh, kẻ thua cuộc trái lòng dân.
Ví dụ như trong trận chiến giữa nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn, dù người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ có đại phá quân Thanh, đánh tan quân Xiêm, thực hiện nhiều chính sách có lợi cho nhân dân thì cuối cùng vẫn bị sử nhà Nguyễn coi là giặc “ngụy Tây”. Trái lại, dù cho Nguyễn Ánh có rước voi Xiêm về giày mả tổ, bán đất ông cha cho người Pháp, góp gạo giúp quân Thanh xâm lược, ông vẫn được sử quan nhà Nguyễn ca ngợi là người “Dấy lại nghiệp cũ, dựng nên nghiệp mới, công đức đều to, từ đời Hồng Bàng trở xuống, chưa bao giờ có.” (trích Đại Nam thực lục chính biên).
Điều tương tự cũng xảy ra trong cuộc tranh hùng giữa Hán và Sở. Do nhà Hán là bên thắng cuộc, các triều đại sau này của Trung Quốc đều coi nhà Hán là chính thống nên sử gia các đời đều ca ngợi Hán Cao Tổ lên chín tầng mây và dìm Tây Sở Bá Vương xuống tận đáy vực. Tiểu thuyết Hán Sở Tranh Hùng (Tây Hán diễn nghĩa) của Chân Vĩ được viết với quan điểm “ủng Lưu phản Hạng” lại càng in đậm trong nhiều người hình tượng của Lưu Bang và Hạng Vũ khác xa so với thực tế. Lưu Bang thường được khắc họa là bậc minh quân tài trí, khéo dùng người, khiêm cung mà nhân đức nên được thiên hạ. Còn Hạng Vũ là tay võ biền hữu dũng vô mưu, ngạo mạn, tàn bạo lại bất nghĩa nên cuối cùng chuốc lấy bại vong. Đến thời hiện đại khi các bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết này được phổ biến lại càng khắc sâu 2 hình tượng đối lập này vào nền văn hóa đương thời.
Nhưng rất tiếc, đó chỉ là hình tượng được hư cấu nhằm tuyên truyền cho sự thống trị của nhà Hán. Sự thật lịch sử về hai con người này được khắc họa trong tác phẩm “Sử Ký”[¹] (sử liệu sớm và khách quan nhất còn tồn tại về Hạng Vũ và Lưu Bang) của Tư Mã Thiên lại hoàn toàn trái ngược với những gì mà chúng ta thường biết.
LƯU BANG: HUNG TÀN ĐƯỢC THIÊN HẠ
Khác với hình ảnh mà chúng ta thường thấy trong tiểu thuyết và phim ảnh, Lưu Bang thực sự là một tay đáng ghét. Trong Sử Ký, Lưu Bang được khắc họa là một người lỗ mãng, ngạo mạn và khinh người. Tính cách này được thể hiện rõ nét qua chính những hành vi của Lưu Bang đối với những người đương thời.
Vị vua sáng lập nhà Hán thường tiếp khách một cách rất vô lễ. Khi Lưu Bang đánh Tần ông cho mời danh sĩ Lịch Sinh đến để cùng bàn kế sách. Lúc Lịch Sinh vào yết kiến, Lưu Bang thản nhiên “ngồi xổm trên giường, sai hai người con gái rửa chân” để tiếp đón. Lịch sinh vào (thấy thế) chỉ vái dài mà không lạy, nói:
Túc hạ muốn giúp Tần đánh chư hầu sao? Hay là muốn cầm đầu chư hầu đánh bại Tần?
Lưu Bang thấy thế nổi giận mắng ngay:
Thằng khốn nạn! Thiên hạ đều khổ cực vì nhà Tần đã lâu rồi, cho nên chư hầu mới kéo nhau đi đánh Tần. Sao mày lại bảo tao giúp Tần đánh chư hầu?
Lịch sinh nói:
Nếu túc hạ thật tình muốn họp bè đảng, tập hợp nghĩa binh giết nhà Tần vô đạo thì không nên ngồi xổm mà tiếp bậc trưởng giả.
Lưu Bang thấy thế mới thôi không rửa chân, đứng dậy, sửa áo, mời Lịch Sinh ngồi ghế trên và xin lỗi.[²]
Sau này khi tranh phong với Hạng Vũ, Lưu Bang nghe theo kế của Trương Lương dụ hàng Anh Bố để tăng thêm vây cánh. Khi Bố vào chầu, Hán vương cũng “ngồi xổm trên giường rửa chân gọi Bố vào yết kiến”, làm cho Anh Bố uất hận (vì đã bỏ Sở theo Hán) đến mức muốn rút gươm tự sát. Kể cả khi đã lên ngôi hoàng đế, Lưu Bang vẫn không từ bỏ nét tính cách “ngồi xổm” đã ăn vào máu của mình. Sử Ký - Trương Nhĩ, Trần Dư liệt truyện chép “Năm thứ bảy nhà Hán, Cao Tổ từ Bành Thành đi qua Triệu. Triệu Vương (Trương Ngao, con trai Trương Nhĩ, con rể Lưu Bang) sáng chiều cuốn bao tay lên, tự đưa đồ ăn cho nhà vua, rất cung kính, theo lễ của hàng con rể. Cao Tổ ngồi xổm mắng nhiếc, hết sức ngạo mạn khinh thường Triệu Vương”. Điều này gây mâu thuẫn đến mức “Bọn tướng quốc nước Triệu là Quán Cao, Triệu Ngọ, hơn sáu mươi người là khách của Trương Nhĩ, vốn bình sinh là người chuộng khí tiết bèn nổi giận, nói: …. nay nhà vua thờ Cao Tổ rất cung kính mà Cao Tổ lại rất vô lễ, chúng tôi xin vì nhà vua mà giết Cao Tổ”[³]. Hành xử với hiền sĩ, danh tướng, vương chư hầu lỗ mãng như vậy khiến ngay cả Tiêu Hà là người thân thích của Lưu Bang cũng phải thừa nhận: “Tính nhà vua vốn ngạo mạn lại vô lễ”. Đặc điểm này của Lưu Bang thậm chí còn vang xa đến mức rất nhiều danh sĩ không đến chầu Cao Tổ vì biết “Bệ hạ khinh kẻ sĩ, hay mắng người, bọn thần nghĩa khí không chịu nhục, cho nên sợ mà trốn tránh”.
Việc hành xử không ra gì đã đành, nhưng điều làm tôi bất ngờ nhất khi đọc Sử Ký là tuyệt nhiên không thấy một chi tiết nào thể hiện sự nhân từ của Lưu Bang đối với công thần và dân chúng. Ngược lại, ông là một người vô cùng tàn nhẫn, tàn nhẫn đến mức bạc bẽo.
Vì đế nghiệp, ông sẵn sàng vứt bỏ cả gia đình mình. Khi thua trận ở Bành Thành và bị quân Sở truy kích quyết liệt, Lưu Bang thẳng tay ném hai con nhỏ của mình khỏi xe ngựa cho khỏi nặng để ông có thể thoát thân nhanh hơn. Lúc Hạng Vũ đem cha Lưu Bang lên đoạn đầu đài để uy hiếp, Hán Vương thản nhiên cười bảo: “ Ta và Hạng Vũ đã “giao ước làm anh em”, cha ta tức là cha ngươi, ngươi muốn nấu cha ngươi thì chia cho ta một bát canh với!”[⁴]. Có thể đây chỉ là thủ đoạn chính trị để uy hiếp Hạng Vũ, nhưng việc không mảy may có chút cảm xúc nào khi thấy cha mình nằm trên thớt chứng tỏ Lưu Bang là người sẵn sàng hy sinh người thân để tranh thiên hạ.
Sau khi đã lên ngôi, Cao Tổ lại thẳng tay đồ sát những công thần đã từng kề vai sát cánh bên mình trong lúc lập nghiệp gian khổ. Mọi mối nguy có thể đe dọa đến đế nghiệp của họ Lưu đều bị Lưu Bang loại trừ không thương tiếc, dù cho đó có là những đệ nhất công thần của Hán triều. Hàn Tín là anh hùng quân Hán, nhưng cuối cùng bị lừa bắt trói vào sau xe, rồi kết tội mưu phản và giết cả ba họ. Khi thấy Tín chết rồi, Cao Tổ như trút được nỗi lo trong lòng nên “vừa mừng vừa thương”. Bành Việt bị ghép cho tội mưu phản rồi đầu bêu dưới chân thành Lạc Dương, thân đem làm mắm gửi cho chư hầu để thị uy.  Cả những người cùng Lưu Bang khởi sự từ buổi đầu gian nan cũng không tránh khỏi kết cục tàn khốc. Phàn Khoái vừa là bạn thân từ thuở cơ hàn, vừa là anh em cọc chèo của Lưu Bang, lại từng có công lớn hộ vệ tại Yến Hồng môn cũng bị Cao Tổ ghép tội mưu phản rồi ra lệnh đem chém. Tiêu hà cùng Lưu Bang khởi nghĩa ở huyện Bái, mấy chục năm sống thanh liêm mà cuối cùng cũng không tránh khỏi kết cục bị Lưu Bang ngờ vực rồi bắt giam, sau đó bạc đã chẳng ra gì.
Người ta nói Hạng Vũ tàn bạo khi chôn sống quân Tần, nhưng thực ra thì Lưu Bang cũng chẳng kém là bao. Thời còn cộng tác cùng Hạng Vũ, 2 “anh em” đã cùng nhau “làm cỏ” quân dân ở Thành Dương. Đến khi Lưu Bang tiến binh đánh nhà Tần “bạo ngược”, ông cũng “làm cỏ” dân thành Dĩnh Dương. Qua những chuyện kể trên, có thể nói Cao Tổ là người nhân đức, độ lượng được chăng?
HẠNG VŨ: NHÂN ĐỨC CHUỐC BẠI VONG
Mặc dù tiểu thuyết Hán Sở tranh hùng hư cấu hình tượng Hạng Vũ và Lưu Bang vô cùng xa so với sự thật, nhưng tác phẩm vẫn đúng ở một điểm đó là Hạng Vũ và Lưu Bang là 2 người có nhân cách đối lập với nhau. Nếu như Lưu Bang ngạo mạn, vô lễ, tàn nhẫn với công thần thì Hạng Vũ lại là người nhân từ, khiêm cung, chan hòa với kẻ dưới, yêu sĩ tốt và thương dân.
Rất hiếm thấy có nhân vật nào bước lên vũ đài lịch sử giai  đoạn đó mà thấu hiểu được cái khổ của nhân dân, binh lính như Hạng Vũ. Sử ký - Hạng Vũ bản kỷ chép khi còn làm phó tướng cho Tống Nghĩa đem quân đi cứu Triệu, thấy Nghĩa dùng dằng không tiến quân, chỉ ngồi yên xem Tần - Triệu đánh nhau để làm ngư ông đắc lợi, Hạng Vũ nghĩ thầm “Đáng lý phải cố sức đánh Tần, thế mà lại cứ dằng dai mãi không chịu đi. Nay năm đói, dân nghèo, sĩ tốt ăn rau ăn khoai, quân không có lương thực sẵn sàng. Thế mà cứ uống rượu, hội họp linh đình, không đem binh vượt Hoàng Hà để dùng lương thực nước Triệu, cùng Triệu chung sức đánh Tần. Lại còn (định) “lợi dụng khi nó kiệt quệ”! Một nước mạnh như nước Tần, đánh nước Triệu là nước mới thành lập, thì nhất định là lấy đứt rồi! Nước Triệu mất, Tần lại càng mạnh, chứ có mong gì nó kiệt quệ mà lợi dụng kia chứ? Vả chăng, quân ta vừa bị tan tác, vua ngồi không yên chiếu, vét tất cả binh lính, lương thực trong nước, giao cho một mình tướng quân, nước nhà yên hay nguy là ở trận này. Nay không thương xót sĩ tốt, lại mưu đồ việc riêng, thật không phải hạng bầy tôi trung thành với nước”[⁵]. Vì thế mà Hạng Vũ giết Tống Nghĩa, giành quyền thượng tướng rồi nhanh chóng đem binh vượt sông “phá phủ trầm châu”, đại phá quân Tần. Suy nghĩ và hành động này thể hiện Hạng Vũ là người dũng mãnh, mưu trí và yêu sĩ tốt.
Sau này khi đã làm Bá chư hầu, Hạng Vũ khi đi đánh trận vẫn “thân hành mang ván mang chày để làm gương cho binh sĩ”. Chẳng thế mà quân Sở “ai cũng đủ sức một người chống lại mười người, tiếng reo hò của quân Sở vang trời, quân chư hầu không ai không run sợ”[⁶]. Đến tận lúc Hạng vương thế cùng ở Cai Hạ, ta vẫn thấy thân binh của ông cùng lâm trận mà không hề run sợ, chứng tỏ bình sinh Hạng vương rất gần gũi với kẻ dưới, được quân sĩ tin yêu. Việc này cũng được chính người từng bỏ Sở đầu Hán là Hàn Tín thừa nhận: “Hạng Vương tiếp người thì cung kính, thương yêu, nói năng dịu dàng; người ta đau ốm thì chảy nước mắt khóc, cùng chia thức ăn, thức uống”[⁷].
Về tấm lòng với nhân dân, Hạng Vũ cũng hơn hẳn so với Lưu Bang. Sau này khi “Quân Sở và quân Hán giằng co nhau, chưa ai thắng ai, trai tráng khổ sở vì phải đi lính, người già yếu mệt nhọc vì lo vận tải lương thực, Hạng Vương nói với Hán Vương:
- Mấy năm nay, thiên hạ xao xuyến khốn khổ, chỉ vì hai chúng ta.
Hạng Vương muốn cùng Hán Vương khiêu chiến, quyết một phen sống mái, không nên làm khổ nhân dân thiên hạ nữa.”[⁸]
Việc khiêu chiến có thể chỉ là kế khích tướng của Hạng Vương khi quân Hán thủ vững không ra đánh, nhưng chi tiết nghĩ cho cái khổ nhân dân thể hiện Hạng Vũ là người có lòng nhân. Những chi tiết như vậy rất hiếm để thấy ở một nhân vật nào khác trên vũ đài chính trị ngoài Hạng Vũ, và tuyệt không hề thấy có ở Lưu Bang trong Sử Ký.
Những chi tiết trên chẳng phải đều cho thấy Hạng Vũ là người có nhân, có đức hay sao? Có phải vì tính cách của Hạng Vũ đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người nên dù bại trận, người đời vẫn kiêng húy (Tịch) mà gọi ông bằng tên tự (Vũ). Còn Cao Tổ nhà Hán với tính cách sỗ sàng của mình, dù là người chiến thắng nhưng người ta vẫn gọi thẳng tên húy (Bang) mà không dùng tên tự (Quý) chăng? [⁹]
VÌ SAO NHÂN ĐỨC KHÔNG THẮNG ĐƯỢC HUNG TÀN?
Vậy tại sao Lưu Bang, một người có phẩm chất đạo đức thua kém hoàn toàn, ít nhân nghĩa hơn so với Hạng Vũ lại vẫn là người chiến thắng sau cùng?
Ngôi cửu đỉnh của đế vương được dựng nên bởi xương máu của kẻ dưới. Không có bá chủ nào tranh thiên hạ mà không giết người, không có quân vương nào mưu đại nghiệp mà không dẫm đạp lên sinh mạng của bá tánh. Thế nên những người bước chân lên vũ đài lịch sử xưa nay đều phải là những người tàn nhẫn, đều phải làm ít nhiều chuyện bất nghĩa để tranh quyền. Người ta bảo Hạng Vũ bạo ngược chôn sống 20 vạn quân Tần, thì Lưu Bang cũng từng làm cỏ dân thành Dĩnh Dương. Người ta bảo Hạng Vũ bất nghĩa giết Sở Hoài vương, thì Lưu Bang cũng bội ước Hồng Câu, giết Hàn Tín, bắt Tiêu Hà, đày đọa Bành Việt, tiêu diệt Phàn Khoái. Đã tranh thiên hạ, thì ai cũng có tính tàn nhẫn như vậy cả. Những người làm chính trị mà không tàn nhẫn, không lọc lừa thì kết cục cuối cùng chỉ như Nhạc Phi đời nhà Tống, tự chuốc lấy cái chết thê thảm mà thôi.
Việc tranh đoạt thiên hạ thực chất là một việc mưu lợi cho bản thân mình, nên nó không phải là một cuộc đua xem ai nhân đức hơn. Không phải người nhân nghĩa sẽ chiến thắng, và kẻ bạo tàn sẽ thất bại. Tư tưởng đó chỉ là cách mà các quân chủ tuyên truyền thông qua sử sách để hợp thức hóa sự cai trị của mình mà thôi. Công lý luôn chiến thắng, vì người chiến thắng chính là công lý. Lưu Bang dù có tàn nhẫn đến đâu vẫn sẽ là người nhân đức trong sử nhà Hán, còn Hạng Vũ dù có đạo đức vượt trội vẫn sẽ bị bôi xấu để làm nền cho vương triều của họ Lưu.
Hạng Vũ thua Lưu Bang không phải là vì ông kém đức độ hơn và tài năng hơn, mà vì ông không có được nhiều nhân tài theo về bằng Lưu Bang. Lưu Bang không cầm quân giỏi như Hạng Vũ, nhưng ông có Hàn Tín “đã đánh là thắng” phục vụ. Lưu Bang không cơ trí như Hạng Vũ, nhưng ông có Trương Lương “bày mưu trong trướng mà quyết thắng ngoài ngàn dặm” hiến kế. Lưu Bang không nhân nghĩa bằng Hạng Vũ, nhưng ông lại được Tiêu Hà giỏi “ trị nước nhà, vỗ yên trăm họ, vận tải lương thực không bao giờ đứt” thay ông thu phục lòng dân [¹⁰].
Nhưng tại sao Hạng Vũ đối người cung kính, Lưu Bang cư xử lỗ mãng mà người ta vẫn theo về với Lưu Bang mà không theo Hạng Vũ? Xin được trích trong Sử ký 2 câu chuyện sau.
Trần Bình là người từng bỏ Sở đầu Hán có nói: “ Hạng Vương là người cung kính, yêu người, những kẻ sĩ thanh liêm, khí tiết, ưa lễ, thường theo ông ta. Nhưng về việc luận bàn công lao, phong tước, cấp đất, thì ông ta tiếc không muốn cho, nên kẻ sĩ cũng vì vậy mà không theo. Nay đại vương khinh người, ít để ý đến lễ, những kẻ sĩ thanh liêm, khí tiết không đến, nhưng đại vương có thể rộng rãi đối với người ta về mặt phong tước và cấp đất; cho nên những kẻ sĩ, vô sĩ, ham lợi phần nhiều theo Hán”. [¹¹]
Lời trên cho thấy tính cách và việc đối nhân của Lưu Bang và Hạng Vũ khác hẳn nhau. Lưu Bang tuy đối người chẳng ra gì, nhưng ông trả công cực hậu cho những người đi theo. Ai có công là ông cắt đất phong hầu, ai có lời hay là ông ban thưởng hậu hĩnh. Mưu sĩ hiến được kế hay thì dù chiến trận chưa xảy ra, thắng bại chưa định cũng được Lưu Bang thưởng cho rất nhiều của cải. Tướng lĩnh chiếm được thành, cướp được đất thì thì Lưu Bang thưởng ngay cho ngay nơi vừa bình định. Ngược lại, Hạng Vũ tuy cung kính và đối xử tốt với những người đi theo, cùng chia gian khổ, nhưng ông ban thưởng ít hơn cho những người dưới quyền. Hạng Vũ đối nhân trọng về nghĩa, Lưu Bang đối nhân trọng về lợi. Mà người đời thường trọng lợi hơn trọng nghĩa, nên nhiều nhân viên như Hàn Tín, Trần Bình, Anh Bố đều lần lượt rời công ty Tây Sở mà theo về doanh nghiệp Hán dù vẫn cảm cái đức của giám đốc Hạng, là vì chính sách đãi ngộ của chủ tịch Lưu rộng rãi hơn vậy. Lưu Bang khéo ban phát lợi ích,  nên người ta theo về với ông nhiều hơn Hạng Vũ. Nói Cao Tổ khéo dùng người hơn Bá Vương, chính là ở chỗ đó. 
LỜI KẾT  
Sau khi bình định thiên hạ, Cao Tổ đặc tiệc rượu ở phía nam cung Lạc Dương. Cao Tổ nói:
-Liệt hầu và các tướng đừng giấu giếm. Tất cả đều nói tình thực. Tại sao ta lấy được thiên hạ? Tại Sao họ Hạng mất thiên hạ?
Vương Lăng là người cùng quê, thuở hàn vi được Cao Tổ coi như anh bèn tiến lên nói rằng:  
“Bệ hạ ngạo mạn và khinh người. Hạng Vũ nhân từ và thương người. Nhưng bệ hạ sai ai cướp được thành, lấy được đất, hàng phục được nơi nào thì cho ngay nơi ấy, cùng chung lợi với thiên hạ. Hạng Vũ ghen người giỏi, ghét người có tài, hại người có công, nghi người hiền. Khi đánh thắng thì không thưởng công cho người ta, khi được đất, thì không cho người ta hưởng lợi, do đó cho nên mất thiên hạ”. [¹²]
Bài tuy dài, nhưng đoạn hội thoại trên cũng đủ tóm lược cả nhân cách của Lưu Bang và Hạng Vũ, lẫn lý do thành bại giữa 2 người vậy.
______________________
CHÚ THÍCH:
Bài viết tham khảo từ Sử Ký, bản dịch của Phan Ngọc.
[¹] Sử Ký (Thái Sử Công thư) được biên soạn bởi Tư Mã Thiên (145 TCN? - 86 TCN) là công trình sử học lớn nhất của Trung quốc và là một trong những quyển sử có tiếng nhất của thế giới. Một trong những điểm đặc biệt khiến Sử Ký sống mãi qua thời gian là tác phẩm được viết dưới góc nhìn rất khách quan. Dù cho Tư Mã Thiên là quan nhà Hán, ông vẫn dám lên án sự tàn bạo của người sáng lập vương triều là Lưu Bang, đồng thời không giấu diếm sự ngưỡng mộ với kẻ thù của nhà Hán là Hạng Vũ.
[²] Sử Ký - Lục Giả, Lịch Sinh liệt truyện
[³] Sử Ký - Trương Nhĩ, Trần Dư liệt truyện
[⁴], [⁵], [⁶] Sử Ký - Hạng Vũ bản kỷ
[⁷] S ử Ký - Hoài  Âm hầu liệt truyện
[⁸] Sử Ký - Hạng Vũ bản kỷ
[⁹] Người xưa quan niệm gọi thẳng tên húy là vô lễ với người khác. Trong các tác phẩm sử chính trị, các sử gia thường gọi vua của vương triều mình bằng tên tự và gọi đối phương bằng tên húy. Ví dụ trong sử nhà Nguyễn, Gia Long được gọi bằng tên tự là (Ánh), kiêng húy là (Chủng), còn Quang Trung bị gọi thẳng tên húy là (Huệ) mà không bọi tên tự là (Bình).
[¹⁰] Sử Ký - Cao Tổ bản kỷ
[¹¹] Sử Ký - Trần thừa tướng thế gia
[¹²] Sử Ký - Cao Tổ bản kỷ