HÀ NỘI VÀ CÂU CHUYỆN MUÔN THỦA: NGẬP ÚNG
Một chút thông tin về tình trạng úng ngập của Hà Nội.
Trong khoảng mười năm trở lại đây, hẳn không ít người dân Hà Nội đã quen với cảnh cứ mưa là ngập. Mưa nhỏ thì nước dâng lênh láng cả cung đường, mang theo sóng sánh nào bùn, nào rác vào đến tận cửa nhà dân. Còn mưa to thì… cứ phải gọi là “lụt từ ngã tư đường phố”, những tuyến đường bị biến thành “sông”, những cư dân đô thị bỗng chốc trở thành “ngư phủ” trên những con phố lớn dưới ánh đèn rực rỡ, tráng lệ của những tòa nhà cao tầng hiện đại… Ngay cả những khu vực trọng điểm, được đầu tư hệ thống bơm thoát nước nhiều ngàn tỷ đồng cũng không thoát khỏi cảnh nước ngập mênh mông. Dường như, việc Hà Nội bị ngập là một điều tất yếu cứ mỗi đợt mưa về.
Nhưng bạn có bao giờ thắc mắc rằng, tại sao một thành phố được tổ chức Economist Intelligence Unit xếp hạng thuộc top 200 thành phố đáng sống nhất và thuộc top 100 thành phố được quan tâm nhất trên thế giới lại phải chịu đựng tình trạng như vậy trong suốt hơn 10 năm qua không? Và đâu là nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, cũng như liệu trong một tương lai không xa Hà Nội có thể giải quyết được tình trạng này hay không? Cùng chúng mình tìm hiểu về vấn đề nhức nhối này nhé.
1, Điều kiện tự nhiên
Người ta nói “nắng mưa là chuyện của trời”, vì rõ ràng là những yếu tố tự nhiên thì không ai cưỡng lại được. Vậy nên khi nói về tình trạng ngập úng của Hà Nội, việc đầu tiên chúng ta cần phải làm là xem xét về những yếu tố khách quan - điều kiện tự nhiên của khu vực này.
1.1, Địa thế
Cần phải khẳng định rằng Hà Nội có một địa thế dễ ngập úng. Đại bộ phận lãnh thổ thành phố nằm trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, tương đối bằng phẳng với độ cao trung bình chỉ khoảng trên 6,5 mét so với mực nước biển (thấp hơn từ 4 tới 5 mét khi so sánh với độ cao mặt nước sông Hồng vào mùa mưa). Và mặc dù nhìn chung là bằng phẳng, thế nhưng địa hình của Hà Nội thực tế lại là một tập hợp các vùng trũng được hình thành từ vô số lòng sông, hồ, đầm cổ bị rút cạn và san lấp nhân tạo. Đó chính là các ổ trũng tự nhiên, rất dễ bị tích tụ nước khi có mưa lớn. Những khu vực tiêu biểu cho dạng địa hình này là các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Thanh Oai, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức.
“Nước chảy chỗ trũng”, đây là thực tế mà ai cũng hiểu. Vậy nên ngay từ thời xưa, việc xây dựng hệ thống thủy lợi để giải quyết tình trạng nước chảy về những vùng trũng này đã được chính quyền cai trị hết sức lưu tâm. Từ việc cho đắp đê quai vạc thời Trần, cho tới dự án tôn tạo và đắp mới hệ thống đê sông Hồng thời Lê Sơ… Tuy nhiên, có một nhược điểm của việc đắp đê đó là sự bồi tụ phù sa theo thời gian sẽ khiến lòng sông dần nông lại, kéo theo mực nước so với mặt đất phía trong đê sẽ dần cao hơn. Cũng bởi vậy mà càng về sau, việc thoát nước ra những con sông lớn càng trở nên khó khăn hơn trước. Cho tới thời hiện đại thì các lòng sông chảy qua khu vực Hà Nội đã trở nên rất nông, việc thoát nước một cách tự nhiên ra sông Hồng là không thể còn với sông Đáy thì rất hạn chế.
1.2, Hệ thống điều tiết nước tự nhiên
Hệ thống điều tiết nước tự nhiên của Hà Nội ngày càng bị thu hẹp. Dành cho những bạn chưa biết, thì hệ thống điều tiết nước tự nhiên chính là các sông, hồ và mặt đất chưa bị bê tông hóa của khu vực. Chúng sẽ đảm nhận vai trò giữ lại và luân chuyển một phần lượng nước mưa (khoảng 36%) khi hệ thống cống thoát nước không thể tải hết. Như vậy, có nói rằng hệ thống này cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc hạn chế ngập úng. Tuy nhiên, bởi tốc độ đô thị hóa nhanh nên hiện nay thành phố Hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng bê tông hóa cao và hệ thống sông hồ liên tục bị thu hẹp đến mức chóng mặt.
Trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020, diện tích mặt nước của Hà Nội bị giảm hơn 200 hecta. Nhiều ao hồ, sông ngòi đã bị san lấp, cải tạo để làm quỹ đất phát triển đô thị, chưa kể đến tình trạng người dân lấn chiếm diện tích mặt nước để kinh doanh khai thác… Tính đến năm 2022, tổng diện tích mặt nước trong địa bàn Hà Nội còn khoảng 6000 hecta, chiếm 2% diện tích tự nhiên. Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho biết con số ít ỏi trên là hoàn toàn không đủ. Để điều tiết nước được diễn ra hiệu quả, các đô thị cần có ít nhất từ 5 đến 6% diện tích tự nhiên là mặt nước.
Cùng với đó, việc rải bê tông phủ kín mặt đất vô tội vạ đã khiến nhiều khu vực của Hà Nội mất đi khả năng thấm hút nước mưa tự nhiên. Hệ quả là việc thoát nước tại những khu vực gặp này phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống thoát nước nhân tạo, dẫn tới tình trạng quá tải nếu mưa diễn ra với cường độ lớn và thời gian dài. Tính từ năm 2020 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã thực hiện thanh tra tại 30 quận, huyện, thị và phát hiện gần 63.000 vụ cố tình chuyển đổi trái phép đất nông nghiệp sang mục đích khác (mà chủ yếu là xây dựng các công trình bê tông kiên cố) dẫn đến hơn 1.892 hecta đất bị tổn hại.
1.3, Khí hậu
Và yếu tố khách quan cuối cùng, đó là sự biến đổi khí hậu cực đoan trong những năm qua. Chúng ta đều biết rằng miền Bắc Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng thuộc đới khí hậu nhiệt đới gió mùa, với đặc điểm là sẽ có nhiều đợt mưa lớn vào mùa hè. Lượng mưa trung bình năm của thành phố khoảng 1800mm và mỗi năm có khoảng 145 ngày mưa. Theo chia sẻ của GS.TS Dương Thanh Lượng – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủy Lợi thì đặc điểm của mưa ở khu vực Hà Nội là mưa ngắn giờ với lưu lượng cao. Dựa trên các thông số và đặc tính mưa kể trên, chúng ta có thể hình dung rằng tần suất và lượng mưa trong mỗi đợt mưa tại Hà Nội về cơ bản đã là tương đối lớn. Nhưng trong khoảng 10 năm trở lại đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu cực đoan thì tần suất và lượng mưa trên thực tế còn lớn hơn nữa.
Các thống kê khí tượng cho thấy, kể từ năm 2008 tới nay, các đợt mưa lớn vượt ngưỡng thông thường được ghi nhận tại Hà Nội có tần suất tăng dần mỗi năm. Theo đó, những trận mưa gần đây có lưu lượng rất lớn, vài giờ đồng hồ đã đạt xấp xỉ 300mm/ngày. Với những biến đổi ghê gớm như thế, ngập lụt là tất yếu, bởi hệ thống thoát nước được đầu tư trước đó chưa tính hết diễn biến của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, vào ngày 29 tháng 5 năm 2022, Hà Nội ghi nhận đợt một mưa lớn trong vòng 2 tiếng đồng hồ với tổng lưu lượng là 140mm, đạt mức kỉ lục về lưu lượng đối với 1 trận mưa trong vòng 36 năm qua. Do đó, dựa trên xu thế biến đổi khí hậu hiện tại, rất có thể trong tương lai gần những đợt mưa lớn vượt ngưỡng thông thường sẽ có tần suất ngày một nhiều, góp phần dẫn tới gia tăng nguy cơ xuất hiện ngập úng tại Hà Nội.
2, Hệ thống thoát nước nhân tạo không đáp ứng được nhu cầu
Như đã nói ở trên, địa thế của Hà Nội rất dễ dẫn đến việc ngập úng do độ cao trung bình thấp, nhiều vùng trũng cũng như thiếu hụt hệ thống điều tiết nước tự nhiên. Nghĩa là để chống ngập úng thì buộc phải dùng tới hệ thống thoát nước nhân tạo hỗ trợ. Với một hệ thống thoát nước nhân tạo tốt, chúng ta có thể dễ dàng bù đắp và khắc phục những bất lợi của điều kiện tự nhiên. Đáng buồn thay, đó lại là điều mà thành phố Hà Nội đến giờ vẫn chưa có.
2.1, Hệ thống cống kém
Vấn đề đầu tiên, đó là hệ thống cống thoát nước của Hà Nội tương đối lạc hậu, thiếu thốn và kém hiệu quả. Mật độ cống hiện trung bình của hệ thống thoát nước của thành phố tính đến nay là 62 mét / 1 hecta, một con số cực kì khiêm tốn trên một diện tích lớn với mật độ dân cư 240 người / 1 hecta như Hà Nội. Để dễ hình dung, chúng ta có thể quy đổi sang tỷ lệ bình quân đường ống thoát nước trên đầu người của Hà Nội là 0,26 mét, tương đương 1/2 mức trung bình đô thị toàn Việt Nam (0,5 mét) và chỉ bằng 1/8 trung bình đô thị toàn thế giới (2 mét).
Lý do cho sự yếu kém này được Công ty Thoát nước Hà Nội đưa ra là bởi hệ thống thoát nước của thành phố Hà Nội hiện nay vốn được chắp nối từ 4 hệ thống gồm hệ thống cống cũ thời Pháp; hệ thống cống mới xây dựng từ năm 1954 trở lại đây; hệ thống cống thoát nước của Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 1 và cuối cùng là hệ thống cống thoát nước các ngõ xóm, các khu đô thị. Cho tới thời điểm hiện tại, chỉ có hệ thống thoát nước thuộc Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 1 là tương đối bài bản, còn lại 3 hệ thống kia hoặc là thô sơ kém hiệu quả, hoặc là đã xuống cấp, hư hỏng. Đặc biệt là hệ thống cống có từ thời Pháp hầu hết là cống có tiết diện nhỏ, khớp nối không hoàn chỉnh, khó bảo dưỡng nên không còn có thể đáp ứng với nhu cầu cao của các khu đô thị hiện đại nữa.
Với riêng khu vực nội thành (nơi thường xuyên xảy ra ngập úng cục bộ nhất), hệ thống thoát nước được chia thành 4 khu vực bao gồm sông Tô Lịch, Tả Nhuệ, Hữu Nhuệ và Long Biên với tổng diện tích xấp xỉ 236km2. Hiện chỉ có hệ thống thoát nước khu vực sông Tô Lịch được đầu tư cải tạo ở mức đồng bộ, hoàn chỉnh còn hệ thống thoát nước của các khu vực còn lại, nhất là các trạm bơm, hồ điều hòa chưa được đầu tư theo quy hoạch, vẫn chủ yếu thoát tự chảy. Ví dụ có thể kể tới như trạm bơm Liên Mạc; trạm bơm Gia Thượng, Cự Khối và các công trình đầu mối kèm theo như kênh dẫn, kênh xả, hồ điều hòa... chưa được đầu tư xây dựng. Trạm bơm Yên Nghĩa đã hoàn thành từ năm 2021 nhưng kênh La Khê được thiết kế để dẫn nước về trạm bơm thì hiện vẫn thi công dang dở và đang đình trệ do công tác giải phóng mặt bằng có nhiều bất cập. Sông Nhuệ, con sông thoát nước chính của Hà Nội thì lại chưa được cải tạo, nạo vét và kè bờ…
Một trong những bằng chứng khác cho sự lạc hậu và thiếu hiệu quả của hệ thống thoát nước của Hà Nội, đó là cho đến hiện tại nước mưa và nước thải vẫn đang được thu gom cùng một hệ thống. Theo công bố của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, tính đến năm 2022, lượng nước thải được thu gom xử lý riêng mới chỉ đạt 28,8% tổng thể, kém xa mức dự kiến 60% được đặt ra vào năm 2020. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ tính riêng năm 2022 thôi thì 81,2% lượng nước thải của toàn thành phố được xả thẳng vào hệ thống thoát nước (cả tự nhiên lẫn nhân tạo). Lượng nước thải này mang theo nhiều rác không hòa tan và lượng lớn chất thải lắng đọng xuống các đường cống thoát nước, lâu dần dẫn tới tình trạng nhiều đoạn cống thoát nước bị tắc nghẽn, không thoát kịp lượng nước mưa trong khu vực, gây ra tình trạng ngập úng cục bộ thường xuyên mỗi khi có mưa.
2.2, Quy hoạch tệ
Thứ hai, đó là thực trạng quy hoạch của Hà Nội rất tệ, dẫn đến việc hệ thống cống thoát nước chưa được tận dụng tối đa cũng như không thể phát huy tác dụng tối ưu. Theo VTV đưa tin, phần lớn chuyên gia đều đánh giá rằng quy hoạch của Hà Nội có nhiều bất cập như điều chỉnh cục bộ và tuỳ tiện, tăng bê tông, giảm diện tích công cộng của công viên cây xanh, ao hồ… Đặc biệt, tốc độ phát triển hạ tầng nhà ở quá nhanh, dày đặc đã khiến rất nhiều tuyến phố Hà Nội luôn trong tình quá sức chịu tải, ảnh hưởng tiêu cực tới hệ thống cống thoát nước bên dưới.
Trong khi đó, trái ngược với tốc độ đô thị hóa, mạng lưới thoát nước nội đô lại không được đầu tư cải tạo đúng mức hoặc có đầu tư thì chậm tiến độ, ì ạch vướng mặt bằng, thậm chí đầu tư theo kiểu thiếu tầm nhìn xa, “rách đâu vá đấy” và không được đồng bộ. Nhiều thống kê còn chỉ ra rằng một số tuyến tỉnh lộ, quốc lộ bị ngập là do hoàn toàn chưa có hệ thống thoát nước đô thị mà chỉ có hệ thống thoát nước nông nghiệp, vốn phụ thuộc nhiều vào mực nước các dòng sông lân cận. Thậm chí, một số vị trí do quy hoạch kém mà còn tồn tại cả những công trình ngầm cắt ngang hệ thống cống thoát nước như loạt nhà ga tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội; hầm chui nút giao Lê Văn Lương - Vành đai 3... ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận hành của các trục thoát nước chính.
Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ thêm rằng, thực ra các cấp chính quyền thành phố Hà Nội rất quan tâm đến việc quy hoạch hệ thống thoát nước cho thành phố, nhưng chủ yếu là dưới dạng tầm nhìn ngắn hạn, không giải quyết được các vấn đề lâu dài cho tốc độ đô thị hóa tăng mạnh và biến đổi khí hậu khó lường. Ông cũng nhận xét rằng với một thành phố trọng điểm Hà Nội thì không thể tư duy đơn giản như vậy mà cần phải có điều chỉnh phù hợp để ứng phó theo hướng nâng cao khả năng chống ngập úng lâu dài cho cả vùng nội thành và vùng ngoại thành.
2.3, Chưa được đầu tư đủ?
Thứ ba, đó là vấn đề thoát nước của Hà Nội chưa được đầu tư đủ tài lực. Về khó khăn trong đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật của Sở Xây dựng Hà Nội là bà Hoàng Mai Hương cho biết: trên thực tế các dự án thoát nước cần nguồn kinh phí đầu tư rất lớn, thời gian thực hiện lâu dài. Những yếu tố này cộng thêm với tình giải phóng mặt bằng rất khó khăn, cơ chế đầu tư xã hội hóa chưa hoàn chỉnh của thành phố Hà Nội nên không thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia. Trong khi đó, quỹ đầu tư công cộng của nhà nước còn nhiều hạn chế và phải phân bổ khoảng 60 đến 70% cho các dự án hạ tầng giao thông, nên nguồn lực dành cho hạ tầng kỹ thuật khác nói chung và thủy lợi nói riêng không nhiều.
Sở Xây dựng Hà Nội từng công bố rằng để phục vụ mục thoát nước từ năm 2005 đến nay, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng vào các dự án thoát nước, trong đó, đáng chú ý nhất là 3 dự án lớn đã và đang triển khai với tổng số tiền khoảng 19.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng Hà Nội nhận xét thì tổng số tiền đầu tư 19.000 tỷ đồng cho các dự án thoát nước của Thủ đô tuy nghe qua thì thấy không hề nhỏ, nhưng thực tế vẫn là quá ít ỏi (chỉ ngang bằng chi phí cho một khu chung cư trên địa bàn) và chưa thể đáp ứng được vấn đề thoát nước của một đô thị lớn có xu thế phát triển liên tục như Hà Nội.
3, Ý thức của người dân chưa cao
Đã từ lâu, mỗi lần Hà Nội xảy ra sự cố ngập lụt thì nhiều người vẫn định kiến và mặc nhiên cho rằng mọi lỗi lầm đều là của chính quyền còn người dân chỉ thuần túy là nạn nhân. Thế nhưng, trên thực tế, việc ngập lụt luôn có nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan và tình trạng ý thức kém của một bộ phận lớn dân cư đang là một trong những yếu tố chủ quan góp phần không nhỏ vào đó. Mải trách móc hệ thống thoát nước kém cỏi của Hà Nội khiến người ta trót quên đi, hay cố tình quên đi rằng, chính họ, rất nhiều người trong số họ, cũng góp phần không nhỏ trong việc khiến hệ thống thoát nước của thành phố không thể hoạt động hiệu quả.
3.1, Xả rác bừa bãi
Như đã nói qua ở trên, chúng ta đã biết rằng nước thải mang theo nhiều rác không hòa tan và lượng lớn chất thải lắng đọng xuống các đường cống thoát nước sẽ dẫn đến hiện tượng tắc nghẽn đường cống. Trong số đó, không thể không kể đến các loại dầu mỡ. Dành cho những bạn chưa biết thì dầu mỡ được xem là kẻ thù của các hệ thống ống dẫn. Lý do bởi chính bản thân dầu mỡ vốn là những sản phẩm rất khó phân hủy, có độ bám dính rất cao nên dù không chứa tạp chất nào khác thì chúng vẫn sẽ bám dọc theo thành ống dẫn, lâu dần sẽ đóng thành vô số mảng gây bít tắc. Và có một thực trạng đáng báo động đó là người dân Hà Nội có thói quen đổ dầu mỡ xuống các đường cống thoát nước. Đây là một trong những lí do mà hệ thống cống thoát nước ở các khu vực dân sinh, đặc biệt là những khu vực tập trung đông dân cư thường xảy ra tình trạng bít tắc nghiêm trọng.
Như vậy, việc xả nước thải vô tội vạ đã là một mối đe dọa với các hệ thống thoát nước. Nhưng bạn có biết rằng, việc vứt rác bừa bãi còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn nữa không? Do thiết kế của các đường dẫn nước thải của các khu chung cư và các hộ dân tương đối nhỏ nên những loại rác có thể xả xuống theo đường nước này không quá lớn và cũng không quá nhiều, tức là phải tích tụ dần trong một thời gian dài mới gây ra tình trạng tắc nghẽn. Nhưng với các loại rác thải được vứt ở gần trực tiếp xuống hệ thống thoát nước bởi một số thành phần dân cư thiếu ý thức thì lại khác. Những loại rác này thường có kích thước lớn và chủ yếu là chất liệu khó phân hủy. Do đó, tình trạng tắc nghẽn do tích tụ loại rác này sẽ xảy ra nhanh hơn rất nhiều. Và đôi khi, chỉ cần một chiếc bao nilon cỡ vừa trôi tới cũng có thể che khuất hoàn toàn một miệng cống nhỏ, hay tệ hơn là một vài túi rác cũng có thể chặn đứng dòng chảy của một lạch thoát nước. Thực tế, nhiều cuộc rà soát, nạo vét cống ở Hà Nội đã cho thấy trong lòng cống có đủ loại rác khác nhau từ chai lọ thủy tinh, bao nilon cho tới hộp xốp, những tấm gỗ... Rồi thì cứ mỗi lần mưa lớn là chúng ta lại thấy cảnh hằng hà sa số rác rưởi trôi nổi khắp nơi… Vậy nên dù có đầu tư cống lớn cỡ nào, nhiều bao nhiêu nhưng nếu quá nhiều rác tích tụ thì hệ thống thoát nước cũng không thể nào hoạt động hiệu quả được. Để tổng kết về vấn đề này, xin được trích dẫn lời của Phó Giáo sư. Tiến sĩ Đỗ Tú Lan, nguyên Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng: “Chúng ta có một hệ thống nạo vét, nhưng không xuể vì nếu ý thức cộng đồng, nếu như rác thải, các cửa cống không được kiểm soát thì không thể thoát nước được.”
3.2, Chiếm dụng mặt bằng
Ngoài vấn đề xả thải bừa bãi, còn có một tình trạng khác đó là chiếm dụng mặt bằng công cộng dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực lên hệ thống thoát nước ở một số khu vực. Thực tế, tình trạng lấn chiếm, trưng dụng mặt bằng công cộng đã không còn là một hiện tượng quá xa lạ tại Hà Nội. Những hộ gia đình có nhà mặt đường thường lấy xi măng, vôi vữa đắp đường dẫn từ lòng đường lên vỉa hè làm lối đi cho phương tiện của gia đình đi lại, và đồng thời cũng vô tình hoặc cố ý che lấp luôn miệng cống, rãnh thoát nước ở vị trí đó. Cũng có những trường hợp các hàng quán sẽ cố tình chặn các miệng cống gần đó lại để tránh mùi bốc lên ảnh hưởng đến việc kinh doanh… Nhìn chung, các hành vi này đều dẫn đến một hậu quả, đó là khiến những cống thoát nước bị ảnh hưởng không thể hoạt động đúng chức năng mà chúng phải làm, kéo theo nguy cơ ngập úng cục bộ cho khu vực khi có mưa lớn.
4, Liệu có giải pháp nào khả thi?
Qua các phân tích phía trên, chúng ta đã thấy được rằng việc ngập úng của Hà Nội là sự kết hợp của 3 yếu tố: điều kiện tự nhiên dễ ngập úng, hệ thống thoát nước nhân tạo không đáp ứng được nhu cầu và ý thức người dân kém. Vậy, liệu có một giải pháp khả thi nào cho những vấn đề phía trên không?
Rất may mắn, câu trả lời là có. Theo các chuyên gia, việc giải quyết tình trạng ngập úng của Hà Nội không phải là bất khả thi, nhưng cũng sẽ đặt ra rất nhiều yêu cầu khắt khe đối với chính quyền Hà Nội nói riêng và người dân Hà Nội nói chung.
4.1, Giải pháp nhất thời
Trước hết, chúng ta sẽ nói về những giải pháp tình thế, mang tính chất đối phó trong ngắn hạn. Những giải pháp này gồm thiết lập bản đồ nguy cơ úng ngập để cảnh báo thời gian thực để người dân tự ứng phó, sơ tán khi cần thiết, hoặc tu bổ, gia cố cho các hệ thống thoát nước hiện tại… Những giải pháp ngắn hạn nêu trên sẽ mang lại chuyển biến tích cực trong thời gian đầu, thế nhưng để giải quyết triệt để cho tình trạng ngập úng của Hà Nội thì vẫn cần những giải pháp dài hạn.
4.2, Giải pháp lâu dài
Xét về mặt dài hạn, có 3 vấn đề cốt lõi cần được giải quyết, đó là khắc phục những bất lợi về mặt tự nhiên, nâng cấp hệ thống thoát nước nhân tạo và cải thiện ý thức của người dân.
Về mặt điều kiện tự nhiên, điều quan trọng nhất đó là các cấp chính quyền và lãnh đạo Thành phố Hà Nội cần cần đặc biệt quan tâm hơn tới việc quy hoạch trả lại các khoảng trống, các không gian lớn như lưu vực sông, hồ, vùng đất trũng, thấp… là nơi chứa, tích nước, thoát nước tự nhiên có tính tống thể, lâu dài, bền vững. Cần thay đổi quan điểm trong quy hoạch không gian theo xu hướng lợi dụng ưu thế tự nhiên để tăng mức độ thích nghi, giảm bớt rủi ro, tăng tỷ lệ diện tích cây xanh, không gian mặt nước trong các đồ án quy hoạch đô thị.
Tiếp đến, về mặt nâng cấp hệ thống thoát nước, chúng ta cần rà soát lại quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, trong đó có hệ thống thoát nước dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn và tính khả thi, gắn với quy hoạch chung đô thị Hà Nội đã điều chỉnh theo giải pháp nói trên. Việc đầu tư, duy tu, bảo dưỡng, xây dựng mới hệ thống thoát nước phải đảm bảo tiêu chuẩn quốc gia, quy trình, chất lượng theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, các địa phương cần ưu tiên nguồn vốn đầu tư vào thoát nước, xây dựng bể chứa lưu trữ, trạm bơm tại các điểm úng ngập cục bộ. Một số phương biện pháp khả thi là khống chế cao độ nền; quy hoạch, tính toán lại hệ thống thoát nước; cập nhật danh mục ao, hồ, đầm phá không được san lấp để tăng khả năng thoát nước tự nhiên… Đồng thời, có thể phát triển không gian ngầm trong đô thị làm bãi đỗ xe, đường giao thông, hồ ngầm chứa nước mưa để tận dụng làm nước tưới cây, rửa đường, chữa cháy… Nếu có giải pháp kỹ thuật kết hợp được đa chức năng như vậy, vừa tiết kiệm tiền xây dựng, vừa sử dụng tài nguyên tiết kiệm trong điều kiện nước ngọt ngày càng hiếm, đô thị thông minh. Về mặt này, có thể học tập, tham khảo kinh nghiệm của các đối tác nước ngoài để đảm bảo bắt kịp với trình độ khoa học - kỹ thuật của thế giới.
Cuối cùng, để cải thiện ý thức của người dân, chúng ta cần phải xây dựng chế tài đủ mạnh để răn đe các hành động gây cản trở hoặc làm giảm thiểu năng lực của hệ thống thoát nước như san lấp lưu vực chứa, thoát nước sông, hồ, ao; xả chất thải, rác thải, đất, cát xuống hệ thống thoát nước chung của thành phố… Kết hợp với công tác tuyên truyền, vận động ý thức tự giác giữ vệ sinh công cộng của người dân.
KẾT LUẬN
Các bạn có cảm nghĩ thế nào về tình trạng ngập lụt mỗi đợt mưa của thành phố Hà Nội - thủ đô ngàn năm văn hiến, bộ mặt của đất nước chúng ta? Và theo bạn, đâu là giải pháp thực tế nhất cho tình trạng hiện thời? Cùng để lại ý kiến của mình trong phần cmt để chia sẻ quan điểm của bản thân về thực trạng nhức nhối này với mọi người nhé.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất