Điều mà chúng ta không thể đoán được, ngờ được và chống cự được chính là những thử thách bất ngờ mà cuộc sống này đem lại. Đó có thể nỗi đau về thể xác, cũng có thể về tinh thần hoặc là cả hai. Đúng vậy, cuộc sống này thật không công bằng! Rất nhiều người sẽ không bao giờ có thể sở hữu khoảng thời gian quý báu như người khác, họ sống trong những nỗi đau và luôn phải đấu tranh với chúng từng giây, từng phút. Bệnh tật luôn khiến con người ta bất hạnh. Chúng làm ta kiệt quệ, tàn tạ và rồi gục ngã hẳn. Nó luôn cướp đi sức khỏe, tinh thần và thời gian. Bệnh tật luôn đáng sợ, nhưng chúng ta thì cũng không thể hoàn toàn khống chế nó và như một vận “may-rủi” ai trong chúng ta đều có thể rơi vào bi kịch ấy. Vậy nếu là một người đứng ngoài nỗi đau ấy, mỗi chúng ta sẽ có cảm giác thế nào khi nghĩ về nó? Chúng ta có thể phần nào cảm nhận được nó không?
Ung thư có lẽ là một trong những căn bệnh khủng khiếp nhất. Nó ăn mòn người bệnh rồi hút cạn sức lực họ. Nó luôn gắn liền với xạ trị, hóa trị, trị liệu, phẫu thuật, … Sẽ là một mớ máy móc, đủ các loại thuốc và có cả tác dụng phụ. Khi người ta quá quen với những nỗi đau, nỗi ám ảnh ấy thì dường như chẳng còn gì khiến họ ngừng nghĩ về “ngày tốt lành cuối cùng”. Theo như Hazel Grace chia sẻ thì đó chính là “tác dụng phụ của bệnh ung thư” mà đúng hơn là “tác dụng phụ của việc chờ chết”. Có phải thật mệt mỏi khi phải chống chọi với một thứ mà bạn biết trước sau gì bạn cũng sẽ bị nó nuốt chủng? Cô bé Hazel 16 tuổi ấy đã nói cho tôi biết rằng “Tôi tin rằng trên đời này, chúng ta có quyền được chọn cách để kể những câu chuyện buồn. Nói cách khác, bạn có thể thêm vào đó những hương vị ngọt ngào…”. Cảm ơn John Green đã cho chúng ta một cuốn sách thật tuyệt vời, mang đến một cô gái Hazel kiên cường, một chàng trai Augustus hóm hỉnh cùng chuyện tình quá đẹp đẽ của họ.
“Khi lỗi thuộc về những vì sao” đã mang đến rất nhiều cảm xúc mà thật hiếm có ai trong chúng ta có thể trải qua. Ở đó ta thấy những nỗi đau, những điều hạnh phúc theo nhiều khía cạnh khác nhau để rồi có những cảm nhận vô cùng chân thật. Mỗi nhân vật đều để lại những ấn tượng riêng, rất đặc biệt. Hazel Grace khiến chúng ta phải bất ngờ với những hành động, suy nghĩ của cô từ những trang sách đầu tiên. Một cô bé 16 tuổi với căn bệnh ung thư tuyến giáp di căn vào phổi có những tư tưởng “thực tế” đến mức hơi tiêu cực. Cô mang một mảng màu hơi ảm đảm nhưng lại cực kì lôi cuốn người khác. Chính anh chàng Augustus Waters cũng đã thừa nhận điều đó ngay lần đầu tiên gặp cô. Đó là một cuộc gặp gỡ đặc biệt dưới trái tim của Chúa, của những bệnh nhân trẻ tuổi mang trong mình nỗi đau mà căn bệnh ung thư mang lại. Và chàng Augustus bảnh trai cũng không ngoại lệ. U xương ác tính đã lấy mất một chân của cậu. Nhưng Augustus lại gợi đến một mảng màu rực rỡ khác biệt. Anh chàng này điển trai, hóm hỉnh, có chất giọng rất thu hút và thật biết gây ấn tượng với người khác. Và chẳng có gì khó khăn để hai người kết bạn với nhau. Và cũng giống như những cặp đôi khác, đó là một quảng thời gian thật tuyệt vời!
Chưa bao giờ tôi thấy sách tuyệt vời đến thế khi nghe chia sẻ của Hazel về cuốn sách yêu thích của mình. Cô yêu thích nó với tất cả tấm lòng và tình cảm. “Nỗi đau tột cùng” của Peter Van Houten với Hazel là một sự đặc biệt, rất hiếm hoi, rất riêng “đến mức giới thiệu nó và chia sẻ cảm giác yêu thích của mình cho người khác thì chẳng khác gì phản bội cả”. Chính những cảm nhận rất thú vị này của cô khiến anh chàng Gus đã dành ngay ba ngày liền để khám phá hết cuốn sách ấy. Nhưng việc đầu tiên anh hỏi cô sau khi đọc xong cuốn truyện là có phải quyển sách thiếu mất 10 trang cuối cùng hay không. Chính anh cũng cảm thấy thật có phần không thỏa mãn với chính cái kết của tác phẩm. Và phải thừa nhận, Hazel cũng cảm thấy có quá nhiều băn khoăn sau kết thúc của câu chuỵện. Nhưng bao nhiêu năm qua dù có cố gắng liên lạc với tác giả cuốn sách thì cô cũng đều không nhận được một lời hồi đáp nào cả. Lúc mọi thứ dường như dừng lại ở sự bỏ ngỏ ấy thì Augustus lại mang đến một bất ngờ không tưởng. Anh liên lạc được với email trợ lí của Peter Van Houten và nhận được thư hồi âm của ông ấy. Augustus chia sẻ ngay niềm vui này với Hazel và rồi họ nhận được một lời mời đến Amsterdam để nghe những giải đáp của Peter Van Houten về cuốn sách “Nỗi đau tột cùng”. Đó dường như là điều tuyệt vời nhất mà Hazel có thể cảm nhận. Nhưng điều kiện kinh tế lại không cho phép cô bé thực hiện chuyến đi ấy. Điều đó làm Hazel không khỏi thất vọng nhưng cô hiểu bố mẹ đã cố gắng vì mình thế nào. Gus biết cô mong muốn chuyến đi như thế nào. Vì thế giới này là một xưởng điều ước nên Gus đã dành chính điều ước của mình để đưa Hazel đến Amsterdam. Họ sẽ có một chuyến đi ba ngày đến Amsterdam và thực hiện điều mình muốn. Một chuyến bay gồm Gus, Hazel và mẹ của cô đã cất cánh suốt nhiều tiếng đồng hồ đến với đất nước Hà Lan – đất nước của cô bé Anna cùng những người thân của cô bé trong “Nỗi đau tột cùng”. Chuyến bay ấy khiến cho Gus và Hazel thêm gần nhau hơn. Họ có bao nhiêu niềm vui suốt chuyến bay và luôn có một sự háo hức to lớn trong lòng mỗi người. Amsterdam thơ mộng và đẹp đẽ mang đến cho họ bao cảm xúc tuyệt vời, bao trải nghiệm mới mẻ. Augustus đã chia sẻ đi điều ước của mình và sẵn sàng cùng cô đến một đất nước xa xôi. Dù thật khó khăn với chính bệnh tật của cả hai nhưng điều đó đâu thể ngăn cản sự quan tâm mãnh liệt của họ đến những nhân vật trong cuốn truyện yêu thích của mình.
Tác giả Peter Van Houten đã khiến tôi thật sự ngạc nhiên khi bức chân dung của ông dần hiện ra. Peter Van Houte đã khiến cả Hazel và Gus phải thất vọng với chính suy nghĩ và lời giải thích của ông. Nhưng điều khiến cho mọi thứ tồi tệ không phải là chuyến đi đến Amsterdam mà là bệnh tình của Gus. Anh đã được xác nhận là NEC 14 tháng nhưng rồi căn bệnh ấy vẫn quay trở lại và gần như đánh gục Gus. Từ một chàng trai hóm hỉnh vui vẻ, Augustus trở nên cảm thấy bất lực và ghét bỏ chính bản thân mình. Anh muốn Hazel và cậu bạn thân Issac viết điếu văn cho mình. Mọi thứ trở nên thật tồi tệ với Augustus. Anh bạn thân của Gus bị ung thư võng mặc đã mất đi thị lực nói với anh rằng nếu có một đôi mắt robot giúp Issac nhìn được, thì anh cũng sẽ không thử vì anh không muốn thấy một thế giới thiếu vắng Augustus Waters. Nhưng điều gì đến cũng phải đến, Gus vẫn ra đi. Đó là nỗi buồn lớn với tất cả, với Hazel, với những con người biết Gus và kể cả chúng ta- những người theo dõi mọi chuyện. Cuối cùng thì thế giới cũng chẳng phải một xưởng sản xuất điều ước, “ngày tốt lành cuối cùng” cũng sẽ đến cho dù “rất khó thừa nhận nó là sự thật nhưng nó chính là sự thật”.
Có thể cô bé Hazel một ngày nào đó cũng sẽ ra đi như Gus nhưng khoảng thời gian họ trải qua cùng nhau sẽ luôn đẹp mãi như vậy. Đó là một tình cảm rất trong sáng, tuyệt vời. Đến trang viết cuối cùng ta vẫn có cảm nhận được tình yêu của họ. Gus ra đi nhưng lời nhắn anh để lại thì vẫn ở mãi trong tim Hazel và trong chính trái tim và trí nhớ của độc giả chúng ta. “Trên thế gian này, ta sẽ không lựa chọn nếu biết mình tổn thương, nhưng ta vẫn lựa chọn một số người mà ta biết là sẽ làm tổn thương ta. Tôi thích sự lựa chọn của tôi. Tôi hi vọng cô ấy cũng thích sự lựa chọn của ấy”. Tôi nghĩ họ đã làm đúng!
“Nếu không có nỗi đau, làm sao chúng ta cảm thụ được niềm vui”. Vậy nỗi đau có tỉ lệ thuận với niềm vui hay không? Tôi nghĩ là không. Nhưng chúng ta có thể nghĩ về nó, nói về nói theo một cách “ngọt ngào nhất” như Hazel. Trong bức thư gửi cho Hazel, Peter Van Houten đã nói: “Viết lách không thể hồi sinh sự mất mát. Thực chất chỉ là sự chồi vùi”. Con người chúng ta sẽ lắm lúc phải tự tìm cách đối diện với chính nỗi đau của mình, của những người xung quanh. Nó có thể sẽ chẳng bao giờ mất đi được nhưng đừng để nó đánh gục chúng ta.
Tôi đã xem cả bộ phim “The fault in our stars” được chuyển thể từ cuốn sách này. Một bộ phim hơn 2 tiếng thì thật sự khó để mang vào hết các chi tiết, tình tiết của truyện nhưng các diễn viên cũng đã mang đến phần nào những cảm xúc chân thật của các nhân vật trong đó. Issac- cậu bạn thân của Gus đã có những cảm xúc thật sự khiến người ta cảm động trong bài văn điếu viết cho Gus. Tình bạn của họ thực sự rất đẹp đẽ và chân thành. Bố mẹ Hazel thì luôn là những ông bố bà mẹ tuyệt vời nhất tôi từng biết. Họ luôn đồng hành suốt chặng đường khó khăn của con. Bố Hazel là người rất tình cảm và rất dễ khóc. Mẹ Hazel thì kiên cường hơn. Họ luôn cố gắng mang đến những thứ tốt đẹp nhất cho cô. Bố mẹ Augustus cũng là những người mạnh mẽ không kém. Cách họ trang trí những câu khích lệ trong ngôi nhà của mình để cổ vũ thêm cho cậu cô trai của mình và cũng cổ vũ cho chính cuộc đời họ. Hazel và Augustus là hai người mà tôi không chỉ yêu mến mà còn khâm phục. Họ đẹp với con người của họ, nghị lực của họ và tình yêu của họ. Tôi cảm thấy có quá nhiều thông điệp ý nghĩa mà mình nhìn thấy được trong cuốn sách này. Cô bé Anne Frank đã nói: “…. Giây phút đó, tôi không thể nghĩ về sự đau khổ mà chỉ nghĩ về những vẻ đẹp còn tồn tại. Hãy cố vực dậy những niềm hạnh phúc có sẵn bên trong bạn. Hãy nghĩ đến những vẻ đẹp của vạn vật xung quanh bạn và hãy thật hạnh phúc”. Giữa những nỗi đau, những con người nghị lực ấy lại kể, nói với chúng ta những điều tích cực và tốt đẹp. Hãy biết hạnh phúc với cuộc đời, với nỗi đau, với niềm hạnh phúc, với những sự lựa chọn của chúng ta và đừng quên nở nụ cười với chúng.
“Pain demands to be felt” (Nỗi đau cần được cảm nhận). Tôi nghĩ có lẽ mình đã phần nào cảm nhận được nỗi đau ấy. Thứ họ thiếu là sức khỏe, là thời gian nhưng họ không nghèo nàn tình cảm và vô vàn điều tích cực. Họ biết hi sinh và chia sẻ những điều tốt đẹp cho nhau. Sự ra đi có nghĩa lí gì khi ta có những tháng ngày được sống vui vẻ và hạnh phúc. Tôi đã nhìn thấy được một tình yêu “lãng mạn hơn nhiều khi so với cảnh hoàng hôn trên biển”. Những thách thức mặc cảm nhất về thể chất, tinh thần cũng chẳng là gì khi ta biết chấp nhận và giúp đỡ nhau cùng vượt qua nó. Vậy nỗi đau ở đây có phải là sự ngắn ngủi của thời gian mà họ sở hữu? Có lẽ chỉ họ mới hiểu hết nỗi đau ấy.