Không gian phát triển – John Stuart Mill {DỊCH}
*Bài được dịch từ cuốn sách Die kürzeste Geschichte der Philosophie (Nigel Warburton) Ví như phần lớn tuổi thơ của chúng ta phải...
*Bài được dịch từ cuốn sách Die kürzeste Geschichte der Philosophie (Nigel Warburton)
Ví như phần lớn tuổi thơ của chúng ta phải sống xa cách với các bạn cùng trang lứa thì sẽ như thế nào? Nếu như ta không được phép chơi cùng những đứa trẻ khác, mà thay vào đó bị gửi cho một gia sư riêng dạy toán và tiếng Hy Lạp, và vì vậy chỉ có thể tiếp xúc với những người trưởng thành giàu học thức. Nếu vậy, chúng ta sẽ phát triển ra sao?
Stuart Mill (1806-1873) đã có một tuổi thơ như thế. Ông từng là đối tượng thí nghiệm trong một nghiên cứu giáo dục. Bố ông là James Mill – bạn của Jeremy Bentham và là người có cùng quan điểm với John Locke, rằng hiểu biết của một đứa trẻ thì giống như một tờ giấy trắng. James Mill tin vào sức mạnh của giáo dục, tin rằng nó có thể đem lại cơ hội lớn biến trẻ trở thành thiên tài. Bởi thế, ông tự dạy John- con trai mình ở nhà, đảm bảo bé không lãng phí thời gian để chơi cùng những đứa trẻ khác hay bị lây các tật xấu từ chúng. Nhưng, việc học được đề cập tới ở đây không đồng nghĩa với phương pháp học thuộc lòng cứng nhắc. James sử dụng phương pháp đặt câu hỏi của Sokrates và khuyến khích con mình tìm hiểu sâu thêm những ý tưởng đã được truyền dạy thay vì đơn thuần học thuộc lòng chúng.
Kết quả kinh ngạc là, 3 tuổi John đã học xong tiếng Hy Lạp cổ, lên sáu thì thông tường lịch sử La Mã, đến 7 tuổi đã có thể hiểu hết những cuộc đối thoại của Platon được ghi chép lại bằng nguyên ngữ. Lúc lên 8 ông đã bắt đầu học tiếng Latinh và tới 12 tuổi thì nắm vững kiến thức về lịch sử, kinh tế và chính trị, có thể giải những phương trình toán học phức tạp và đem lòng say mê đặc biệt với những môn khoa học tự nhiên. Ông trở thành một thiên tài nhí. Khi bước vào tuổi 20, ông đã được người đời ca tụng là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất thời bấy giờ. Tuy nhiên, ông không bao giờ có thể thoát khỏi cái bóng tuổi thơ khác thường của mình, sống một cuộc đời cô độc và hướng nội.
Dù sao đi nữa thì ông cũng đã trở thành một kiểu thiên tài, thế nên thí nghiệm của bố ông coi như đã thành công. Ông đã trở thành một nhà tiên phong đấu tranh chống lại sự bất công và một trong những người đầu tiên ủng hộ nữ quyền (ông từng bị bắt giam vì lên tiếng bênh vực cho việc phá thai), ông trở thành một chính trị gia và đồng thời là nhà báo. Ngoài ra, ông cũng là một trong những triết gia lớn của thế kỷ 19.
Mill lớn lên trở thành nhà chủ nghĩa vị lợi (utilitarianism) và chịu ảnh hưởng lớn từ Bentham. Vào mỗi kỳ hè, gia đình nhà Mill đều tới nghỉ ngơi ở nhà của Bentham tại Surrey. Mặc dù Mill và Bentham đều có chung quan điểm rằng hành vi đúng đắn luôn luôn là thứ mang lại niềm hạnh phúc lớn lao nhất, nhưng Mill tin rằng ý niệm về hạnh phúc của thầy giáo mình, trong đó cho rằng nó chỉ đơn thuần là gia tăng sự hứng thú vẫn còn thiếu sót. Vì vậy chàng trai trẻ đã tự mày mò, phát triển một phiên bản khác của học thuyết này, trong đó ông phân biệt rõ giữa niềm vui bậc cao và bậc thấp.
Nếu như ta được tự do chọn lựa giữa việc làm một con lợn yêu đời, ngày ngày ngâm mình trong hố bùn và sục mõm vào máng ăn đầy ắp, hay làm một con người đầy phiền muộn, chán nản, thì ta sẽ quyết định như thế nào?
Về phần Mill, ông cho rằng chúng ta sẽ chọn làm kẻ đau khổ thay vì con lợn hạnh phúc. Nhưng điều này lại trái ngược với tư tưởng của Bentham. Hãy nhớ rằng: Bentham đã từng nói, mọi khoảnh khắc của hạnh phúc ta được trải nghiệm đều đáng giá,mà không cần màng tới cách để đạt được nó. Mill không đồng tình với quan điểm đó. Ông thấy sự vui thú hay thỏa mãn cũng có nhiều hình thức khác nhau, và ở đó vài thứ sẽ tốt hơn những thứ còn lại, nhưng hơn hết, không có khối lượng niềm vui bậc thấp nào có thể so sánh với cái vui thú bậc cao. Niềm vui bậc thấp là những thứ động vật cũng có thể cảm nhận được mà không yêu cầu tới những thú vui cao hơn, trí tuệ hơn, ví dụ như đọc sách hay tới dự buổi hòa nhạc. Mill tiếp tục tiến thêm một bước nữa và khẳng định, làm một ngài Sokrates luôn trăn trở còn tuyệt hơn làm một gã ngốc vui vẻ. Từ đó, nhà triết gia Sokrates có thể hưởng thụ những niềm vui tinh tế hơn rất nhiều so với kẻ ngốc kia.
Tại sao chúng ta tin vào thuyết của Mill? Câu trả lời của ông chính là, bất cứ ai dù đang trải nghiệm những thú vui thấp hay cao thì đều mong muốn có những hoạt động giải trí cao hơn nữa. Con lợn không thể đọc sách hay nghe nhạc, thế nên nó chẳng bao giờ để tâm tới những thứ đó. Nếu một con lợn có thể đọc, nó chắc hẳn sẽ chọn đọc sách thay vì lăn tròn trong bùn
Ít nhất thì đó là theo quan điểm của Mill. Nhưng một vài người lại chỉ ra rằng, không phải ai cũng nghĩ giống như ông và rằng là việc đọc sách thì cao cấp hơn việc nằm quây trong bùn. Thêm vào đó, khi Mill nói tới chất lượng khác nhau của hạnh phúc (cao hơn hay thấp hơn) cũng như số lượng khác nhau của chúng, thì nó càng khiến việc đưa ra quyết định trở nên khó khăn hơn. Một trong những ưu điểm lớn trong góc nhìn của Bentham nằm ở tính đơn giản của nó, vì mọi loại niềm vui và nỗi buồn đều được đánh giá trên cùng một thang đo. Còn Mill rất tiếc lại không giải thích đủ cho ta rõ, làm cách nào để có thể xác định được tỷ giá giữa các đơn vị tiền tệ khác nhau của niềm vui cấp thấp và cấp cao.
Mill áp dụng cái hệ tư tưởng vị lợi lên mọi mặt của cuộc sống. Ông so sánh loại người với cây cỏ. Nếu một cái cây không tìm đủ không gian sống cho mình, thì nó sẽ còi cọc và yếu ớt. Nhưng nếu nó có đủ không gian phát triển, cái cây có thể phát huy tiềm năng nội tại của mình và bắt đầu to ra, cao lên. Con người cũng thế, cũng có thể phát triển vượt bậc dưới điều kiện tốt. Điều này không chỉ mang lại tác động tích cực cho cá nhân liên quan, mà còn cho cả xã hội – nó tối đa hóa niềm hạnh phúc. Năm 1859, Mill công bố một cuốn sách mỏng nhưng rất ấn tượng. Trong đó, ông bảo vệ tư tưởng của mình cho rằng phương pháp tốt nhất để tổ chức xã hội là cung cấp cho mỗi cá thể một không gian đủ để phát triển. Tiêu đề của cuốn sách đó là Bàn về tự do, nó vẫn được đọc trên khắp thế giới cho tới ngày hôm nay.
Tính gia trưởng (paternalism, trong đó pater theo tiếng latinh nghĩa là cha) được coi là một hình thức cai trị, trong đó một cá nhân hay nhóm người bị ép buộc phải thực hiện hành vi nào đó nhằm đảm bảo điều tốt nhất cho chính bản thân họ (ta cũng có thể dùng định nghĩa này cho chủ nghĩa “mẫu” trưởng, maternalism với mater chỉ mẹ). Ai lúc còn nhỏ bị buộc phải tỏ ra can đảm khi ăn rau, thì sẽ hiểu rõ những gì được nói tới ở trên. Mill cho rằng chế độ gia trưởng có thể chấp nhận được, nếu như nó được áp dụng lên trẻ, bởi trẻ cần phải được bảo vệ khỏi chính nó và lối ứng xử của chúng cũng cần được điều chỉnh theo nhiều phương cách khác nhau. Nhưng trong một xã hội văn minh, tính gia trưởng đối với người trưởng thành theo ông là không thể chấp thuận, ngoại trừ 2 trường hợp sau: 1 là khi hành động của người đó gây nguy hiểm lên những người khác, 2 là khi họ có vấn đề nghiêm trọng về mặt tâm lý tinh thần.
Thông điệp của Mill khá đơn giản. Tư tưởng chính của ông được biết đến với tên gọi nguyên tắc gây hại (harm principle).
Mỗi người trưởng thành có thể sống như họ muốn, miễn là không gây tổn hại hay nguy hiểm tới bất kỳ ai
Ở Anh Quốc vào thời Victoria, đây là một quan điểm đầy khiêu khích, bởi nhiều người cho rằng việc một người nên sống như thế nào thuộc về nhiệm vụ quản lý của chính phủ. Chính phủ sẽ đưa ra các quy định cho các công dân về những tiêu chuẩn đạo đức cần có. Nhưng Mill lại nghĩ khác. Ông thấy là, cá nhân sẽ sống trong hạnh phúc lớn lao hơn, nếu như họ được tận hưởng cái tự do thực sự trong việc chọn lựa cách hành xử. Và Mill chẳng mảy may nghĩ tới việc chính phủ có quyền quy định lối sống của con người. Ông căm ghét cái được gọi là “sự chuyên chế của tính đám đông” - một cách để tạo nên áp lực xã hội nhằm ngăn cản mỗi cá nhân được làm hay trở thành điều họ muốn.
Người khác có thể tự tin rằng, họ biết rõ điều gì tốt cho chúng ta. Nhưng rồi, họ lại hay gây ra sai lầm. Không ai ngoài ta có thể biết tường tận nhất điều gì ta thật sự muốn thực hiện trong cuộc đời của mình. Và kể cả không phải như thế đi chăng nữa, thì Mill vẫn thấy tốt hơn cả nếu để cho ta tự gây ra những sai lầm, thay vì cứ bắt ép phải tiếp nhận một lối sống nhất định nào đó. Tư tưởng này hài hòa, nhất quán với chủ nghĩa thực dụng của ông, vì ông tin rằng việc đẩy cao tính tự do cá nhân sẽ lan tỏa hạnh phúc mãnh liệt hơn cái tự do cá nhân đầy những ức chế.
Theo đó, Mill cũng giành sự quan tâm lớn tới những thiên tài (bản thân ông cũng là một thiên tài), hơn là tới người bình thường khác. Họ rất cần tự do để phát triển bản thân. Rất hiếm khi những người tài hoa, sáng tạo lại đáp ứng chuẩn sống, cư xử của xã hội, thông thường họ hay tỏ ra gắt gỏng và kỳ quặc. Nếu ta giới hạn sự phát triển của họ, thì coi như vô nghĩa, bởi họ có thể sẽ không còn cống hiến cho xã hội được nữa.
Nếu ta muốn chạm tới mức cao nhất của hạnh phúc, thì ta nên để mỗi người tự làm chủ cuộc sống của mình, không can thiệp cho đến khi hành động của một cá nhân làm nguy hiểm tới cá nhân khác. Cho dù hành xử của họ có vẻ khó chịu đi chăng nữa, thì nó cũng không đồng nghĩa với việc người khác được ngăn cản họ được sống theo họ muốn. Mill nhấn mạnh rất rõ rằng: sự tức giận không nên bị đổi nghĩa với sự tổn hại.
Điểm nhìn của Mill mang lại những kết quả không mấy khả quan. Theo đó, nếu như một người đàn ông độc thân quyết định mỗi tối ông ta sẽ uống hai chai vodka, chuyện gì sẽ xảy ra. Rất dễ để nhận ra rằng ông ta đang uống đến chết thì thôi. Các nhà lập pháp có nên can thiệp để ngăn cản ông ấy không? Theo tư tưởng của Mill thì câu trả lời sẽ là không, nếu ông ta vẫn chưa làm hại tới ai cả. Ta có thể nói chuyện với ông, giải thích cho ông ta nghe về hành động tự hủy diệt của mình. Nhưng không ai được phép ép buộc ông phải thay đổi cách hành xử, kể cả chính phủ cũng không được dùng các giải pháp ngăn chặn, bởi đó là quyết định tự do của một cá nhân. Nếu ông ta còn phải chăm sóc cho một đứa trẻ, thì lúc đó nó không còn được coi là quyết định tự do nữa, nhưng vì ông ta vẫn chưa gây hại đến bất cứ ai sống phụ thuộc vào mình, thế nên ông vẫn có thể làm điều như ông muốn.
Mill không những muốn mang lại tự do về mặt lối sống cho cá nhân con người, mà còn cả tự do tư tưởng và tự do ngôn luận không giới hạn – mà theo ông đây là những yếu tố sống còn. Ông cho rằng, những cuộc tranh luận mở đem lại lợi ích to lớn cho xã hội, vì thông qua đó con người bị bắt phải tìm hiểu, suy nghiệm kỹ càng về thứ họ tin tưởng. Nếu những điểm nhìn của chúng ta không được thắc mắc hay đặt câu hỏi bởi những người có các quan điểm khác, thì rồi ta sẽ vô tư xem những ý tưởng yếu ớt đó là “những giáo điều đã chết”, những điều luôn luôn đúng, không chối cãi được. Ông bảo vệ cho quyền tự do phát biểu, ngoại trừ một điều cấm kỵ: Không ai được phép kêu gọi bạo lực. Ông đã từng nói, một phóng viên phải có quyền viết nên bài báo mà trong đó giải thích rõ “thương nhân bán ngũ cốc cần chịu trách nhiệm trước nạn đói của người dân nghèo”. Nếu nhà báo thực sự đứng trước ngôi nhà của một thương nhân ngũ cốc và cố gắng xoay xở trước đám đông giận dữ với những câu từ đó, thì chắc hẳn chúng sẽ trở thành một mồi lửa kích thích bạo lực cũng như nguyên tắc gây hại của Mill cũng sẽ bị cấm tiệt.
Nhiều người đã phản đối quan điểm của Mill. Một số cho thấy rằng, cách nhìn của ông về tự do quá tập trung vào tính cá nhân (về mặt này thì quả thực, Mill cá nhân hơn nhiều so với Rosseau). Số khác cáo buộc ông đã tuyên truyền luận điệu về “tự do luyến ái” và không có chút tôn trọng nào trước thể thức hôn nhân cả. James Fitzjames Stephen – một trong những tri thức cùng thời Mill đã tranh luận về tính cần thiết vô cùng để buộc mọi người phải nhét vừa trong một cái áo corset chứa đựng những quyền lợi có hạn, bởi vì nếu không, họ sẽ bối rối, không biết nếu bắt đầu như thế nào với cái tự do của mình và rồi sẽ đưa ra những quyết định tệ hại hay tự hại.
Ngoài ra, Mill còn được biết đến rộng rãi vào thời đó trong phong trào nữ quyền. Anh Quốc TK 19 không cho phép những người phụ nữ đã kết hôn được có tài sản riêng. Ngoài ra, luật pháp không hề quy định bất cứ điều gì để bảo vệ họ khỏi bạo lực gia đình như chúng ta biết ngày nay. Mill đã lập luận đanh thép trong tác phẩm “Cảnh nô lệ của đàn bà. Cùng với một báo cáo sơ bộ” (1869), rằng cả hai giới nên được đối xử bình đẳng trước pháp luật và trong xã hội. Hầu hết mọi người (tất nhiên trên hết là đàn ông) cho rằng phụ nữ vốn dĩ phải bị chế ngự bởi đàn ông. Mill hỏi ngược lại, làm thế nào họ có thể biết được điều đó, bởi vì phụ nữ khắp thế giới đều đã bị ngăn cản không cho bộc lộ hết tiềm năng của mình: hệ giáo dục bậc cao cũng như nhiều ngành nghề đều từ chối tiếp nhận họ. Mill đòi hỏi hôn nhân nên là một mối bằng hữu giữa hai người có vai vế bình đẳng với nhau. Mối lương duyên duy nhất của ông với góa phụ Harriet Taylor – vốn được kết lại trong độ tuổi “thập cổ lai hy”, cũng dựa trên một tình bạn đích thực và mang lại cho đôi bên niềm vui trọn vẹn. Kể cả trong suốt thời gian vị hôn phu đầu của bà còn sống, họ đã là những người bạn thân thiết (thậm chí là người tình), nhưng Mill phải chờ đến năm 1851 mới kết hôn được cùng với bà. Taylor đã giúp đỡ ông trong hai tác phẩm Bàn về tự do và Cảnh nô lệ của đàn bà. Rất tiếc bà lại ra đi trước khi hai công trình này được xuất bản.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất