Kim Dung

Cảnh giới trong kiếm đạo của ông rất rõ ràng với bốn thanh kiếm trong kiếm mộ của Độc Cô Cầu Bại.
- Kiếm sắt thường . nặng về rèn luyện chiêu thức tinh diệu trong đối địch. Kiếm tầm thường nhưng do người phi thường mà có thể tung hoành thiên hạ.

- Tử Vi Nhuyễn Kiếm . biến hoá đa đoan, cả cứng lẫn mềm, khó nắm bắt.
Có thể còn có cả nhanh, hiểm, tàn nhẫn trí mạng và có vẻ cực đoan, khó khống chế.
Câu sau chỉ là suy đoán thôi nhưng vẫn có khả năng. Vì thanh nhuyễn kiếm này bị vứt bỏ sau khi giết nhầm nghĩa sĩ.
Một người như Kiếm Ma mà không khống chế được kiếm của mình thì điều đó đáng suy nghĩ. Có thể tại vì hiểu lầm và lâu sau này người nghĩa sĩ mới được minh oan.
Vậy thì vẫn chứng tỏ sự cực đoan trong kiếm tâm của Kiếm Ma lúc đó.
Tâm đã cực đoan thì kiếm không thể hiền lành được.
- Huyền Thiết Trọng Kiếm . được sử dụng sau 40 tuổi-trung niên. Tuổi tác đoán chừng đã bình đạm hơn. Kiếm không mũi, không lưỡi có lẽ thể hiện kiếm tâm tranh đấu đã nhạt dần.
Sự nặng nề to bản và khó dùng của kiếm thể hiện kỹ năng của ông đã bước sang cảnh giới khác. Trong miêu tả thì cách dùng kiếm của Dương Quá là dùng nội công cường đại để vung kiếm gần như phá hủy bất cứ biến hoá nào của kẻ địch.
Nhưng có một chi tiết là Dương Quá chủ yếu học kiếm từ Thần Điêu. Một con chim dùng cánh đánh nhau với người. Không phải tôi coi thường, nhưng vấn đề hình thể khiến tôi không cho là là Thần Điêu có thể học hết cái tinh diệu ẩn dưới cái xù xì cục mịch trong kiếm chiêu của Độc Cô Cầu Bại.
Dù có thoát ý và không trong hình thức cỡ nào thì kiếm của Kiếm Ma vẫn là sự tinh giản từ những chiêu kiếm pháp huyền ảo vượt trên cả 'kĩ' thuật.
Đương nhiên cũng có khả năng nhờ vào học cảm đơn giản và có phầm chắt lọc qua tâm trí thuần khiết của Thần Điêu mà kiếm của Dương Quá có phần nào chạm tới cái thần thái tinh tủy của Độc Cô Cầu Bại.
- Mộc kiếm . kiếm gỗ . thảo, mộc, trúc, thạch đều có thể làm kiếm. Ý là tất cả các vật tự nhiên, tầm thường nhất, vô tri vô giác xung quanh con người đều chịu sự chi phối của kiếm tâm mà trở thành kiếm. Người đời sau tổng hợp ý nghĩ này vào bốn chữ: 'vạn vật hoá kiếm'
- Độc Cô Cửu Kiếm Với cảnh giới 'vô chiêu' của Độc Cô Cửu Kiếm. Tôi không có gì nhiều để nói. Nói không rõ.
Tôi không muốn thần thánh hoá một nhân vật quá.
Nhưng theo lý thuyết thì bản thân việc Độc Cô Cầu Bại chấp nhất trong chuyện PHÁ hết thảy các hình thức võ công trong thiên hạ nó không quá đúng cho lắm.
Nó có khả năng, nhưng nó hơi 'phèn'. Dù có thể là lúc tạo ra những chiêu kiếm đó ông vẫn còn trẻ. Và tung hoành giang hồ khiến ông gặp đủ thứ võ công quái dị để ông phải 'phá' chiêu.
Nhưng theo tôi Kiếm Ma thật sự sẽ không chấp nhất chiêu thức của người đời đến mức tạo cả một môn kiếm thuật chỉ để 'phá' kẻ khác mà không xây dựng gì cho mình.
Cấp độ của Độc Cô Cửu Kiếm chỉ dừng ở hai kiếm đầu tiên, hơi chạm đến kiếm thứ ba trong kiếm mộ là hết đát. Cá nhân tôi cho là ngay từ khi Độc Cô Cầu Bại dùng Huyền Thiết Trọng Kiếm ông đã không còn câu nệ ở 'chiêu' thức nữa rồi.
Nên khả năng rất lớn là Độc Cô Cửu Kiếm là do Dương Quá hoặc hậu nhân của anh ta tạo ra để tổng hợp kiếm thuật của chính bản thân mình. Còn cái tên Độc Cô đặt ra là do kỷ niệm Độc Cô Cầu Bại mà không phải là kiếm thuật ấy do Kiếm Ma sáng tác.
Tôi nghiêng về khả năng là chính Dương Quá nhiều hơn. Vì với tính cách của Dương Quá thì: "sáng tạo thứ kiếm thuật đánh bại mọi loại chiêu thức trong thiên hạ" có khả năng là điều anh sẽ làm.
Xét đến nền tảng cá nhân và những trải nghiệm võ học cực ký đa dạng của Dương Quá thì điều này càng có cơ sở. Thêm nữa, Ảm Nhiên Tiêu Hồn Chưởng là thứ võ thuật liên quan đến cảm xúc rất nhiều. Mà đến khi cùng Tiểu Long Nữ ẩn cư Cổ Mộ thì anh lấy đếch đâu ra đau khổ với cả bi ai mà nghiên cứu thứ võ công F.A đấy.
'Nhàn cư vi bất thiện', 'rảnh rỗi sinh nông nổi'. Khi đủ đầy vì tình cảm thì thói tinh nghịch ác nghiệt trong xương lên ngôi.
Lại nhìn lại cuộc đời thì ơn huệ 'cách thế truyền công' của Độc Cô Cầu Bại với Dương Quá thật sự lớn không tả siết. Tổng hợp ra thứ kiếm thuật thuần túy lấy KIẾM làm chủ để truyền lại và vinh danh vị "sư phụ" chưa từng gặp mặt này cũng cực hợp lý với Tây Cuồng.
Có một luận điểm khác cho là: cả hai hướng phân tích từ kiếm mộ và Độc Cô Cửu Kiếm thật ra đều là một góc của vấn đề. Phân tích có kỹ đến đâu cũng chỉ là thầy bói xem voi. Sự thật là thứ kiếm thuật vô địch của Kiếm Ma Độc Cô Cầu Bại đã không còn tại thế.
Ừ thì, không cãi. Nói tôi 'thày bói xem voi' thì tôi chịu. Không cãi nổi, vì ông Kim Dung có viết thêm nữa đâu.
- Quỳ Hoa - Tịch Tà
Nói đến Độc Cô Cửu Kiếm mà không nói đến Tịch Tà Kiếm Phổ và Quỳ Hoa Bảo Điển thì thật thiếu sót.
Ai xem truyện kiếm hiệp chả biết mấy môn ấy. Giới thiệu hơi thừa. Nên tôi muốn nói về cái tư duy trong võ thuật đối địch của hai môn võ thuật này.
Đó là tư duy 'duy khoái bất phá'. Chỉ có 'nhanh' là không bao giờ bị chặn phá.
Kẻ địch tấn công mà lại bị mình né tránh, đến chạm còn chạm không được thì mình đã đứng ở thế bất bại rồi. Công địch nhanh hơn, kẻ địch chặn không kịp, thậm chí nhìn còn không thấy thì 'phá' thế nào.
Lối tư duy này đã có từ lâu trong văn hoá võ học. Lâu như hoặc hơn cả chính câu nói 'duy khoái bất phá' ấy.
Tôi nói lối tư duy là vì nó không chỉ xuất hiện trong Vịnh Xuân Quyền hay Tiệt Quyền Đạo thời nay. Mà đã có trong tư duy con người từ lâu lắc khi chúng ta tạo ra những thứ như ná, cung, nỏ, súng ống...
Chúng không chỉ để tấn công từ xa mà còn được cải tiến để bắn mạnh hơn, để viên đá, đầu tên, đầu đạn nhanh hơn, đối thủ càng không thể phòng bị. Nỏ lợi thế hơn cung ở tốc độ nhắm bắn và nạp...
Mô hình tư duy ấy cũng áp dụng tương đương với các thể loại tên lửa hay các biệt đội phản ứng NHANH.
Không chỉ trong đối địch hay chiến trường mà cả đối địch thương trường. Mua trước, bán trước, cập nhật thông trước người khác cũng là lợi thế không thể phá bỏ.
Hay tình trường, câu nói 'nhất cự ly, nhì tốc độ" cũng chỉ là giải nghĩa thêm cho chữ NHANH mà thôi.
Các cuộc thi đấu từ thể thao đến tri thức thời nay đều dùng tốc độ làm phân định cuối cùng.
Trong truyện tranh Comic còn có cả một hệ liệt câu truyện liên quan đến Flash. Quay đi quay lại với đủ thứ lý thuyết đúng, sai không nói nhưng vẫn là chữ NHANH mà thôi.
Một chữ NHANH bao hàm cả một phương pháp tư duy và phương pháp BẤT BẠI.
Lan man rồi. Nói chung tôi nghĩ tác giả phải viện đến thứ tư duy võ thuật 'duy khoái bất phá' mới đối trọng nổi với thứ kiếm pháp được ổng buff lên tận giời là có thể 'phá' hết võ công trong thiên hạ. Moé.
Thêm một chút là sự đối địch không chỉ về tư duy chiến đấu mà còn là về tư tưởng chiến thuật.
Khi Tịch Tà Kiếm Phổ và Quỳ Hoa Bảo Điển đều phải luyện 'công' rồi kiếm pháp là thứ diễn sinh của 'công' lực thâm hậu - như Khí tông của Hoa Sơn.
Còn Độc Cô Cửu Kiếm là chung cực của 'kĩ'. Không cần viện dẫn đến 'công' lực siêu việt mà dùng sự nhìn xa trông rộng của đôi mắt, sự thuần thục của đôi tay và trí tuệ sáng tạo của đầu óc để đối địch - như Kiếm tông vậy.
Còn khá nhiều dính dập, liên quan trong tình tiết nhưng chung quy lại: Cuộc đấu của hai hướng tư tưởng này dù không hiện rõ hoàn toàn nhưng gần như xuyên suốt từ trong câu chữ của Tiếu Ngạo Giang Hồ kéo đến tận suy ngẫm của người đọc.
- Kiếm thứ sáu . kiếm của việt nữ A Thanh trong truyện ngắn Việt Nữ Kiếm. Nhưng nói thật nó là khá khó miêu tả.
Thoát thai từ những động tác vượn trắng chỉ dạy cho A Thanh. Sau đó A Thanh nhờ tâm trí đơn thuần mà tự nhiên vốn dĩ không câu nệ là kiếm hay là gậy thứ cô cầm trong tay là cái gì là do cô quyết định.
'kiếm tùy ý động' để tư duy vừa động là kiếm động theo (đây là loại thần kinh phản xạ truyền đạt rõ ràng, không có thừa thãi những mảnh vụn suy tưởng gì khác như tại sao, cái gì, làm gì tiếp và phản ứng tự nhiên của cơ bắp cũng gần như không có độ trễ. Đây là ý hiểu kiểu khoa học của tôi)
'kiếm tâm thông minh'. 'thông minh' không phải sự sáng dạ, năng lực suy tưởng tốt. Mà có khả năng thăng hoa tâm trí liên 'thông' được với cõi u 'minh' khó diễn tả. Phóng đại các giác quan và phản ứng, khiến bản thân vượt trội về cảm giác, tốc độ và độ chuẩn xác giống như được thần thánh trợ giúp mà làm ra những điều không tưởng (một lần nữa đây là những giải nghĩa có phần tầm thường cố hướng tới từ ngữ khoa học cho dễ hiểu)
Ý hiểu về thứ kiếm pháp này là một loại tâm tư sơ khai, chân thành.
Về bản chất là sự tự nhiên của kiếm thuật, kiếm pháp thật ra chỉ là những động tác mà thôi. Hình dáng của 'kiếm' cũng là do con người nghĩ ra, tiện cho sử dụng thì làm như vậy.
Con người đưa quá nhiều ý nghĩa sâu xa, phức tạp và khó hiểu vào 'kiếm' mới khiến suy nghĩ mù mịt, thiếu tự nhiên.
Tâm tư bình thản, không mong cầu hay sợ hãi gì sẽ bỏ qua động tác loè loẹt mà hướng thẳng đến hạch tâm vấn đề như một điều đương nhiên.Cái cảnh giới này mông lung và khá khó tả. Dùng một từ gần sát thôi là: "tự nhiên" thì có vẻ hợp.
Dài quá rồi. Tôi còn muốn viết về kiếm đạo của Cổ Long, Huỳnh Dị, Ôn Thụy An rồi cả Mã Vinh Thành trong một bài nữa chứ. Lan man vơ vẩn cả ngày viết được mỗi ông Kim Dung mà người nào cũng biết mất rồi. Mệt. Thôi nhé.