Giới hạn của hành tinh loài người
Không giống như bất kì loài nào từng phát triển trong lịch sử, con người đã có sự tiến hóa vượt bậc và phát triển thành những xã hội...
Không giống như bất kì loài nào từng phát triển trong lịch sử, con người đã có sự tiến hóa vượt bậc và phát triển thành những xã hội phức tạp. Chúng ta sống, xây dựng, tìm tòi, hưởng thụ, và chết. Qua thời gian, xã hội của chúng ta hoàn thiện hơn, các thế hệ con người sống lâu hơn, thoải mái hơn với các nhu cầu được đảm bảo. Nhưng giống như các quy luật bảo toàn, sự phát triển của con người phải trả giá bằng những gì, và liệu chúng ta có thể tiếp tục trường tồn như cách làm hiện tại?
Những nhu cầu không giới hạn
Con người là một loài động vật đặc biệt. Sự nhận thức cho phép chúng ta tiếp cận thế giới với đầy sự tò mò. Ánh nhìn của tổ tiên loài người về lửa, đá và gậy chắc hẳn phải rất khác với những con vật khác vì sự nhận thức đã thôi thúc khả năng tìm tòi và lao động của con người, giúp cho giống loài này hưởng thụ được những tiện nghi đầu tiên: sự ấm áp của ngọn lửa, sự thơm ngon của thịt chín, sự tiện lợi của những công cụ lao động sắc bén. Và cứ như vậy, loài người tiếp tục phát triển và mỗi bước tiến đều nhằm thỏa mãn nhu cầu của con người để cuộc sống trở nên dễ dàng hơn.
Thực tế là con người không có điểm dừng (hay ít nhất là chưa thấy điểm dừng) trong hành trình thỏa mãn cuộc sống của mỗi cá nhân. Chúng ta chưa bao giờ thấy cuộc sống này là đủ. Lấy ví dụ về viễn thông và liên lạc: đã quá xa rồi thời đại của thư tay, điện tín và cả điện thoại bàn, chúng ta đang ở trong thời đại của internet và điện thoại di động. Nhưng bạn hãy thử tưởng tượng thời điểm mà thế giới chưa từng biết đến 2 thứ này, liệu trong một khoảng thời gian trước khi internet và điện thoại di động ra đời, con người ta có thấy thỏa mãn không? Một người chỉ biết đến điện tín khi trải nghiệm về điện thoại bàn hẳn sẽ nghĩ "Ồ, thật tiện lợi"... cho đến khi thiên tài tiếp theo của thế giới bắt đầu nghĩ "Tại sao mình không thu nhỏ nó lại để đút túi mang đi và quay số ở bất cứ đâu mình thích?". Cũng với tâm thế đó, hãy thử nhìn chiếc smartphone đầy tiện nghi trong tay bạn, có thể bạn thấy "như này là quá hoàn hảo", nhưng sẽ có người thấy là chưa đủ, rồi 5 năm nữa sẽ là những thay đổi mà nhiều người không hình dùng ra tại thời điểm này. Câu chuyện cũng tương tự với đĩa hát, walk-man, ipod rồi đến tai nghe không dây (Cái này thì chắc là mình có thể tưởng tượng được - tiếp theo là nghe nhạc một mình mà không cần tai nghe qua một tần số riêng biệt chăng?)
Và một nhu cầu rất quan trọng, không chỉ loài người mà bất kì sinh vật nào cũng muốn, đó là sinh sản. Đó là truyền lại bộ gen của mình. Bạn có thể nghĩ động vật làm theo bản năng nhưng chẳng phải chúng cũng cạnh tranh nhau để giành quyền giao phối đó thôi. Hầu như ai cũng muốn có con - một phiên bản sinh học của mỗi cá nhân - đối với loài người, con cái không chỉ là bộ gen sinh học của giống loài, mà còn là ước vọng ghi lại dấu ấn cá nhân của mình trong cuộc đời này: "a better and better ME for an eternal living, 'cause my life is not eternal". Hầu như ai cũng muốn để lại một tượng đài hoặc một sự tiếp nối gì đó cho thực tại vì biết mình sẽ chết.
Bản chất của nền kinh tế hiện đại
Với những nhu cầu kể trên, con người không thể tự mình thỏa mãn hết tất cả: bạn không thể nào tự sản xuất chip cho chiếc iPhone của mình. Vậy nên xã hội sẽ giúp làm điều đó, chúng ta gọi là chuyên môn hóa lao động. Và điều vô cùng quan trọng là cần một cơ chế để xã hội vận hành theo hướng này, bạn nào học triết thì chắc đã biết, tiền tệ được phát triển để con người trao đổi và lấy thứ mình muốn, ví dụ: tôi trồng 1000 ha lúa không phải vì tôi cần ăn lượng gạo lớn như thế, mà nhớ việc đó tôi được trả tiền để mua những tiện nghi khác, do người khác làm ra.
Nhưng tiền đã tồn tại hàng nghìn năm trong lịch sử loài người, vậy thì điều gì là khác biệt để tạo nên bước ngoặt phát triển của nền kinh tế hiện đại? Theo mình, đó là lợi nhuận và nhu cầu. Không thể có các nhà tư bản nếu không có nhu cầu hàng hóa dịch vụ của xã hội, nhưng nếu các nhà tư bản không có lợi nhuận trong quá trình sản xuất thì cũng không có nhu cầu nào được thỏa mãn. Làm thế nào mà một đất nước nghèo trở nên giàu có? Câu chuyện như thế này: bạn từ bỏ cuộc sống đủ ăn, làm việc để phục vụ nhu cầu "cao cấp hơn việc ăn" của người khác, qua đó được trả tiền để hưởng thụ nhu cầu "cao cấp hơn việc ăn" do người khác cung cấp, đó chính là chuyên môn hóa. Đó chính là câu chuyện làm giàu: khi cả thế giới đã đủ ăn, việc tiếp theo là sản xuất ra iPhone và nhận về xe Mercedes - cả giống loài đều đang thừa mứa sức lực và thiếu thốn nhu cầu mà.
Theo đó, tăng trưởng kinh tế - thước đo bằng GDP chẳng hạn - chỉ là sự tăng lên của việc thỏa mãn nhu cầu cá nhân của từng người. Giống như một cán cân, bên này là nhu cầu luôn luôn có, bên kia là sức lực, tài nguyên và điều quan trọng nhất là động lực lợi nhuận để đáp ứng. Lý giải thêm một chút là tại sao lại cần đến sức mạnh của đồng dollar, euro, yen mới khiến các nước đang phát triển vực dậy. Đó là bởi vì nhu cầu tiêu dùng của Mỹ, EU hay Nhật lớn hơn nhiều so với dân các nước đang phát triển. Với một đồng tiền được mặc định là "dự trữ an toàn", các nước này có thể dễ dàng nhập khẩu hàng hóa kết tinh từ tài nguyên và sức lực của các nước đang phát triển.
Nhu cầu càng nhiều, hàng hóa tạo ra càng nhiều, nhưng giá cả thì không thể rẻ đi bởi vì để sản xuất ra hàng hóa thì luôn cần có động lực lợi nhuận. Thêm vào đó, quá trình sản xuất cũng là một chuỗi trao đổi hàng hóa rất lớn, vì thế tiền được tạo ra thông qua vay mượn giữa các chủ thể trong xã hội và lượng tiền ngày một nhiều. Hai yếu tố này làm nên lạm phát của tiền tệ hiện đại, một yếu tố mà một số quan điểm kinh tế cho rằng là động lực của nền kinh tế.
Trong khi đó, tiền tệ truyền thống như vàng, bạc hay các loại bank note đảm bảo bằng vàng biến mất vì người ta không thể sản xuất đủ nhanh và nhiều để tương thích với hàng hóa trên thị trường. Câu chuyện đổ vỡ này đã xảy ra vào năm 1974, thời điểm Mỹ chấm dứt neo USD với vàng sau khi nước này in vô tội vạ USD vượt quá dự trữ vàng của mình để nhập khẩu và chi tiêu công dẫn đến lo sợ về việc trao đổi Usd làm cạn kiệt kho vàng và khiến Usd mất hoàn toàn giá trị. Như vậy, tiền mà NHTW hiện đại phát hành tùy ý không hề được đảm bảo bởi bất kì điều gì ngoài nền kinh tế hàng hóa. Và khi người ta có nhu cầu càng lớn thì tiền được in càng nhiều, giữ cho lưu thông và giá cả ổn định (tưởng tượng xem nếu tiền không được in thêm khi hàng được làm ra nhiều thêm, giá cả sẽ giảm chóng mặt vì tiền khan hiếm và chẳng có ai muốn sản xuất nữa)
Sự trói buộc giữa nhu cầu và tiền tệ giúp duy trì nền kinh tế hiện đại. Ngoài ra, quan hệ vay mượn chằng chịt trong xã hội cũng là một động lực. Tại sao một nước đông dân lại là một tiềm năng? Dân đông thì nhu cầu nhiều. Nhưng dân nghèo thì tiền đâu mà tiêu? Vô tư đi, chưa có thì đi vay! Đồng tiền luôn đi trước, chưa làm ra giá trị gì thì vay để tiêu trước, rồi tham gia vào chuỗi sản xuất, làm việc để trả lại. Chưa có ai mua hàng nhưng vẫn phải sản xuất trước, vẫn cần tiền để trả chi phí. Hai luồng này đều dẫn tới một việc: phải tìm cách kích thích nhu cầu và tiêu dùng để giữ cho nền kinh tế hoạt động và tăng trưởng, và làm điều đó bằng tiền in ra, bơm ra trước, trói buộc xã hội bằng nợ nần. Điều này lý giải vì sao khi dịch COVID 19 xảy ra và không ai bán được hàng, việc đầu tiên người ta làm là bơm thêm tiền ra.
Và một hành tinh hữu hạn
Đáng buồn thay là hành tinh của chúng ta lại hữu hạn. Để thỏa mãn nhu cầu của con người, chúng ta phải đào xới tài nguyên ở mức độ không bền vững. Chỉ ví dụ một việc vô cùng đơn giản là đánh răng. Nếu mỗi người dùng 2gr kem đánh răng mỗi ngày (khuyến nghị của PS nhé) và có 5 tỷ người đánh răng mỗi ngày, thì lượng kem đánh răng sử dụng hàng năm là khoảng 3.6 triệu tấn. Kéo theo là số lượng lớn hơn nhiều bao gồm nước sạch, hóa chất sản xuất, bao bì, nhựa (bàn chải), năng lượng sử dụng. Thêm nữa là tất cả các bạn có dùng PS không (mặc dù thành phần chính của kem đánh răng là giống nhau)? Không, chúng ta dùng vô số loại kem đánh răng khác nhau chỉ vì được quảng cáo và tin theo nó - cũng tốn khá nhiều năng lượng cho ngành này đấy, và nó cho thấy là con người sử dụng nhiều thứ hơn so với cần thiết vì được marketing trong một nền kinh tế mà tạo ra nhu cầu là điều sống còn.
Thử suy nghĩ tiếp về vô số những nhu cầu khác, chúng ta sẽ thấy con người bóc lột tài nguyên trái đất nhiều như thế nào. Còn việc dọn dẹp ư? Quá tốn kém! Và động lực lợi nhuận sẽ khiến chi cho việc phục hồi môi trường bền vững là xa xỉ.
Một giống loài sinh trưởng không giới hạn, với nhu cầu hưởng thụ không giới hạn trên một nền tảng tài nguyên hữu hạn là điều không tưởng. Chưa kể đến các mối đe dọa về khí hậu, một khi tài nguyên cạn kiệt, con người sẽ quay ra cắn xé nhau, dòng Mekong là một ví dụ báo trước. Muốn tồn tại lâu dài, loài người sẽ phải suy nghĩ lại về cách "phát triển" của mình.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất