Giáo dục quan trọng như thế nào?
Đừng nhìn nhận giáo dục chỉ đơn giản là những bài học, những kì thi ở các ngôi trường mà bạn hay con em bạn đang học. Giáo dục là tất...
Đừng nhìn nhận giáo dục chỉ đơn giản là những bài học, những kì thi ở các ngôi trường mà bạn hay con em bạn đang học. Giáo dục là tất cả những gì được truyền tải và tác động lên cách tư duy, cách hành xử, làm việc của mỗi con người trong chúng ta. Một nền giáo dục tốt, một ý thức giáo dục tiến bộ là điều vô cùng quan trọng trong mỗi tổ chức xã hội.
Tôi thường nghe lớp trẻ ngày nay nói họ chán ghét trường lớp, và thường đi khá xa trong những lời bình phẩm về những thầy giáo, cô giáo của họ, về cả giáo dục nói chung. Tôi nghĩ rằng mỗi người đều có những trải nghiệm riêng của mình, và vì thế mỗi người đưa ra những nhận định khác nhau dựa trên cơ sở của trải nghiệm đó. Tuy vậy nhưng đôi khi những nhận định đưa ra chưa thực sự xuất phát từ những suy nghĩ chín chắn, có phải nó chỉ xuất phát từ những cảm xúc nhất thời?
Tôi nhớ lại những năm tháng khi còn đi học, đặc biệt là ngày học phổ thông. Tôi cũng như nhiều bạn trẻ ngày nay, trải qua những năm tháng khó khăn của giáo dục trong nước. Tôi cũng từng rất bức xúc với nhiều thầy giáo, cô giáo, có người mà đến tận bây giờ nếu ai hỏi tôi vẫn thẳng thắn mà nói đó là kẻ lẽ ra đã không bao giờ được phép đứng trên bục giảng. Nhưng bên cạnh đó, tôi cũng biết những người thầy tuyệt vời, có người giỏi về tri thức, cũng có người đơn giản là nhiệt tâm với nghề, và tôi kính trọng họ.
Bên cạnh đó, mỗi khi tôi nghĩ về những năm tháng học phổ thông, tôi lại thấy vui thích và nhiều lúc ước gì mình có thể sống lại một ngày của cái thời đó, với những người bạn, những trò vui mà chỉ với cái đầu óc của một đứa trẻ tôi mới có thể cảm nhận được hết về nó...
Vì vậy, mở đầu bài viết này, điều tôi muốn nói chỉ đơn giản là hãy có một cái nhìn rộng hơn, đa chiều hơn về những ngôi trường, về môi trường giáo dục mà bạn đã hoặc đang trải qua, bởi vì như tôi sẽ nói dưới đây, giáo dục là vô cùng quan trọng.
Nelson Mandela, vị anh hùng giải phóng dân tộc Nam Phi từng nói:
Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà bạn có thể dùng để thay đổi thế giới.
Mandela là một nhà cách mạng, một nhà chính trị, nhưng ông hiểu rõ rằng ở những quốc gia như của ông, khi mà nhận thức còn kém, giáo dục còn chưa tốt thì mọi cuộc cách mạng đều khó mà đi tới thành công, hoặc chỉ thu được những thành công tạm thời, không bền vững. Chỉ có giáo dục, làm thay đổi nhận thức của nhân dân, mới mang đến cho họ cuộc sống mới, thế giới mới.
Thế giới này không phải được điều hành chỉ bởi một hay nhiều tổ chức, chính phủ... mà quan trọng hơn tất cả, là những con người đang cùng tồn tại trên đó. Khi con người thay đổi, thì thế giới thay đổi. Muốn con người thay đổi, thì sự thay đổi phải đến từ nhận thức, vì nhận thức quyết định cách hành xử, làm việc của mỗi con người.
Muốn thay đổi nhận thức, chúng ta cần có giáo dục.
Giáo dục và các trải nghiệm
Trước hết, xin khẳng định rằng không có một con người nào trên đời này có thể tự mình khám phá ra thế giới xung quanh một cách đầy đủ nếu không có các trải nghiệm bản thân và sự kế thừa, học hỏi từ cộng đồng xung quanh.
Trải nghiệm là thứ mà bản thân mỗi con người thu nhận được trong quá trình sống của mình, họ tự đúc kết nó để thành các kinh nghiệm và kĩ năng sống, làm việc, hành xử. Bản thân văn minh loài người được tới ngày nay là nhờ quá trình tích lũy trải nghiệm của nhiều thế hệ qua hàng nghìn năm. Với mỗi con người, trải nghiệm luôn giúp người ta hoàn thiện hơn chính bản thân mình, thể hiện đơn giản ở việc tất cả các công việc khi bạn thực hiện lần thứ hai, thứ ba thì sẽ có tính chính xác cao hơn lần thứ nhất; nếu lần đầu làm thất bại thì lần sau bạn sẽ thành công, hoặc ... không làm nữa nếu thấy nó thật sự bất khả thi... Trải nghiệm là thứ không thể thiếu trong cuộc sống của con người, trải nghiệm càng nhiều con người càng hoàn thiện về kĩ năng và phong phú, hạnh phúc về tâm hồn.
Vậy vai trò của giáo dục đối với những trải nghiệm là gì?
Như trên đã nói, văn minh loài người ngày nay là quá trình hàng nghìn năm tích lũy. Nhưng quá trình tích lũy đó không phải của một người hay nhóm người duy nhất, vì con người không ai có thể tự tích lũy cùng lúc mọi trải nghiệm về nhiều lĩnh vực và góc cạnh khác nhau của cuộc sống, và hơn nữa, quá trình sống của con người là ngắn ngủi. Nếu mỗi người tự tích lũy trải nghiệm cho riêng mình và sau đó ra đi vĩnh viễn cùng những trải nghiệm đó, thì văn mình loài người đã chẳng bao giờ phát triển. Những gì chúng ta có ngày nay là từ sự kế thừa trải nghiệm của những người đi trước hàng nghìn năm đó, chọn lọc và phân loại để có được hệ thống kiến thức như ngày nay. Sự chia sẻ và kế thừa trải nghiệm đó chính là một phần của giáo dục.
Nếu không có giáo dục, con người phải tự mình trải nghiệm để tìm ra những cách suy nghĩ, hành xử, làm việc cho riêng mình, quá trình đó diễn ra rất chậm và thậm chí còn nguy hiểm. Chẳng hạn bạn không bao giờ thò tay vào lửa, vì biết mình sẽ bị bỏng, ngay từ khi còn rất nhỏ bạn đã biết điều đó. Đó không phải một bản năng tự nhiên của con người, mà là cha mẹ, ông bà, những người nuôi dưỡng bạn đã nói cho bạn biết điều đó, họ biết điều đó vì cũng như bạn, họ đã được chỉ cho như vậy bởi các thế hệ trước. Và cuối cùng, các thế hệ trước biết điều đó vì ở một quá khứ xa xôi nào đó khi con người lần đầu tiên tạo ra ngọn lửa đã có người trải nghiệm điều đó giúp bạn và các thế hệ trước của bạn. Nếu không có một (hay những) ai đi trước đó thì ông bà, cha mẹ bạn và cả chính bạn sẽ chỉ có thể biết điều đó khi tự mình trải nghiệm, và cái giá của trải nghiệm đó thì chắc các bạn cũng biết rằng nó không rẻ lắm.
Tất nhiên, như tôi đã nói, trải nghiệm là không thể thiếu với mỗi con người. Có những trải nghiệm bạn buộc phải trải qua, mà sách vở hay các lời chia sẻ, dạy dỗ chỉ là những gợi ý tham khảo. Nhưng cũng có những thông tin không cần và không nên kiểm chứng, chẳng hạn như chạm vào lửa sẽ bỏng, dao đâm vào ngực hay vào cổ sẽ chết, ... những thông tin như vậy không cần kiểm chứng qua trải nghiệm, và chúng ta may mắn được trang bị bởi thứ gọi là giáo dục.
Giáo dục và cách tư duy
Thông qua việc trang bị bằng các trải nghiệm (của bản thân hoặc học hỏi và kế thừa), con người tự tạo cho mình một thế giới quan và một hệ thống các phương pháp tư duy.
Phương pháp tư duy là gì?
Đó là các cách thức mà con người phản ứng và đưa ra nhận định với bất cứ thứ gì họ gặp phải. Có thể là giải thích một hiện tượng tự nhiên, nhận xét một yếu tố xã hội, giải một bài toán kĩ thuật hay tìm kiếm những giải pháp cho một công việc cụ thể...
Mỗi người có một hệ thống các phương pháp tư duy khác nhau, do đó họ thường nhận định và đưa ra cách giải quyết các tình huống khác nhau. Người có hệ thống tốt và đa dạng thì luôn là người giải quyết các tình huống tốt trong khi những người có hệ thống phương pháp nghèo nàn hơn sẽ gặp rất nhiều bế tắc.
Vậy làm sao để có một hệ thống tư duy tốt?
Một hệ thống phương pháp tư duy tốt không chỉ dựa vào việc bộ não của một người bẩm sinh là thông minh hay kém may mắn hơn, mà phụ thuộc rất nhiều vào quá trình học tập.
Nắm được các qui tắc Toán học cơ bản và hiểu về nó, bạn sẽ dễ dàng làm việc với các con số đời thường như ước tính độ dài, số lượng, những khoản thu chi cơ bản ...
- Nắm được các qui luật Vật lý bạn sẽ tự giải thích dễ dàng hơn các hiện tượng diễn ra xung quanh như các qui luật thời tiết, giải quyết được nhiều vấn đề kỹ thuật cơ bản mà bất cứ ai cũng có thể gặp bất cứ lúc nào
- Nắm được lịch sử, văn hóa, bạn dễ dàng hơn để giải thích và dự đoán sự biến đổi của xã hội, giao tiếp tốt hơn với những người cùng và khác cộng đồng ...
...
Như vậy, kiến thức nền tảng là rất cần thiết, không phải chỉ để giải quyết một bài toán cụ thể mà bạn gặp trong các kì kiểm tra ở nhà trường hay các khóa đào tạo, mà trên hết nó trang bị cho bạn một hệ thống kiến thức vững chắc phục vụ cho các kĩ năng tư duy. Để trang bị nền tảng kiến thức này, giáo dục là điều không thể thiếu, vì bạn không thể tự khám phá ra những qui luật tự nhiên và xã hội do hàng triệu người đã đức kết ra trong hàng nghìn năm.
Giáo dục không phải chỉ ở nhà trường, nhà trường chỉ là một công cụ tốt phục vụ giáo dục. Giáo dục cần nằm trong tiềm thức của mỗi con người, mỗi người đều cần sẵn sàng cho học hỏi và chia sẻ tri thức bản thân.
Giáo dục không phải những dòng thông tin trên sách vở, giáo dục phải là mang lại cho người học thế giới quan rộng lớn, những trải nghiệm phong phú và phương pháp tư duy hiệu quả.
Với người học, hãy nhớ học không phải vì tấm bằng cuối khóa, mà để bổ sung kiến thức, hoàn thiện kĩ năng tư duy.
Với người dạy, đừng quên rằng chúng ta không biến học sinh thành những cái máy ghi âm, mà phải làm trí tuệ con người trong họ ngày một hoàn thiện hơn.
Bài viết được thực hiện vào tháng 11 năm 2012
Source: Giáo Dục Khoa Học
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất