"VUI" TẾT KIẾN XƯƠNG-THÁI BÌNH
Như mọi năm, bác giúp việc nhà mình xin về trước Tết vài ngày. Bác đã kể lể với chúng tôi nhiều lần, là Tết thành phố khổ một, thì...
Như mọi năm, bác giúp việc nhà mình xin về trước Tết vài ngày. Bác đã kể lể với chúng tôi nhiều lần, là Tết thành phố khổ một, thì Tết ở quê khổ mười, mà Quang Bình-Kiến Xương-Thái Bình nhà bác khổ một trăm. Có mấy lần chúng tôi định cho trẻ con về thăm quê bác dịp cuối năm để xem Tết quê thế nào, nhưng bác can luôn mồm, “khổ lắm!”...
Bác ấy chuẩn bị từ tháng 9, tháng 10 dương lịch. Ở đâu có gì bán rẻ thì bác tích cóp lại: mỳ ăn liền, bột canh, xà phòng, kẹo bánh, bia lon... thậm chí đường sữa-cứ như là sắp có chiến tranh đến nơi. Chẳng lẽ để chật cả phòng, lâu lâu bác ấy lại gửi một chuyến về quê, thể tích có lần đến cả khối. Hai đứa con bác đang làm việc ở Hà Nội cũng phải tham gia vào công cuộc chuẩn bị Tết vĩ đại này, tức là khi bác có thông tin ở đâu bán gì rẻ (“hội đồng hương” thính nhạy lắm) thì bọn trẻ nhà bác phải tranh thủ thời gian ra đó mà mua, rồi mang về cho bác đóng hàng. Khá giống cảnh cán bộ đi học ở Liên Xô, Đông Đức ngày xưa! Nhưng mệt nhất là sau ngày ông Táo...
Bác và hai con về sớm, việc đầu tiên là dọn dẹp cửa nhà, chia quà ra các túi, tính toán sao cho thiếu gì phải bổ sung ngay. Việc quan trọng nhất là ra mộ, mời vong linh các cụ nội ngoại về ăn Tết cùng con cháu. Người xe đi như mắc cửi ngoài nghĩa địa làng - dân chả giàu gì nhưng phong trào xây mộ lan đến quê bác lâu rồi, mộ nào mộ nấy trông bề thế cứ như nhà lầu - đói cũng phải vay tiền làm mộ cho dòng họ này chả kém cạnh gì họ khác! “Chỉ” phải giã giò, gói bánh chưng rồi luộc thôi, nhưng đi thăm họ hàng thì chưa, phải sau Tết...
Giao thừa hai năm nay buồn - ít đứa dám đốt pháo lậu rồi, chứ trước kia pháo nổ thâu đêm. May có tivi kéo lại, đàn bà con gái ở nhà xem, cánh đàn ông thì rượu bia tí ti rồi xong giao thừa đi xông nhà cho người khác-ai xông nhà đều được lì xì nên có đứa chả hợp tuổi chủ nhà cũng xông, chủ nhà đành cười trừ chứ biết làm sao. Tuy vậy ngày khổ nhất là mồng một...
Tục lệ: cứ trong họ (cả họ bố, họ mẹ nội ngoại) chi dưới phải đi chúc Tết chi trên. Bác này nhà tôi cả hai bên đều là chi dưới, mấy mẹ con cứ thế là đi chúc từ sáng đến tối. Đến chúc là phải bê quà đến, giá trị mèng ra cũng phải trăm bạc - thường là túi đường, túi mì chính, thêm chai bia, thêm trầu cau, nén hương để để lên bàn thờ, nếu nhà họ không có bàn thờ (các cụ còn cả) thì phải lì xì cho bọn nhỏ, còn tốn hơn nữa. Mấy năm trước cứ đến là phải ăn, phải uống rượu, nhưng giờ “đời sống mới” rồi, chỉ đến chúc nhau xã giao, làm chén nước chè với cái kẹo, đôi ba hạt hướng dương...thế là xin phép đi về, cũng mất hai chục phút. Nhà trưỏng nam của hai bên nội ngoại phải đến trước (chưa kể phải qua nhà tổ đường họ - dâng bánh kẹo, trầu cau, hoa quả, tiền tùy tâm), sau rồi mới đến nhà các bác, cô chú họ xa hơn, cấm thiếu một nhà. Kể các các bác, các cô chú ở huyện khác, ví dụ ở Thái Thụy, cũng phải đi sang cho bằng đủ! Xa nữa, ở Hà Nội chẳng hạn, thì thôi châm chước sẽ cho phép đến trước Tết. Trong khi ba mẹ con tất tưởi đi, thì ông bố phải ở nhà tiếp khách, cũng phải chào hỏi, nâng lên đặt xuống chả sướng gì hơn - có lúc mệt quá cứ để cửa nhà mở đấy, lánh đi đâu ngả lưng một chút cho hả rượu, thì khách khứa cứ thế mà tự đến, tự lấy đĩa để lễ lên bàn thờ, rồi tự lấy kẹo thuốc mà ăn hút, rồi về. Khách đây là hàng xóm, và bọn con cái của các cô bác anh chị mà bác gái đã đi chúc Tết rồi, nhưng phải là đứa đã lập gia đình. Sau hai ngày tướt bơ thì nhà bác giúp việc nhà tôi mất 2 triệu tiền mừng tuổi, và một cơ số quà rất lớn (tuy rằng đã khéo léo quay vòng được một số quà được nhà khác tặng rồi!) và nhận là một số quà không nhỏ. Còn tươm hơn mấy nhà neo người, lại không có điều kiện, không đi đủ được các nhà trong họ, sẽ bị người làng ì xèo sau lưng suốt cả năm tới, còn nhà đụng có việc gì thì đừng có trông họ mạc, xóm giềng sang nhé...
Bắt đầu mồng ba là lúc các nhà hóa vàng, nhà nào hóa phải mời họ hàng, thường họ cũng bận nên thoái thác, nhưng phải có bác trưởng chứng lễ mới “uy tín”. Bác trưởng họ cũng vất vả mấy hôm liền đón khách ở nhà, quà thì nhận nhiều nhưng mất toi 6 -7 triệu tiền mừng tuổi trẻ con và người lớn. Thế là xong nghĩa vụ bọn thanh niên, sau đó là tụ bạ, nhậu nhẹt thôi, nhưng người lớn thì còn chưa hết việc. Mấy hôm tới phải đi đủ chùa, đình làng, mấy cái miếu xung quanh nhà (gần nhà bác có hai thôi, thế là ít). Ra chỗ nào cũng phải có xôi, hoa quả, rượu thuốc, trầu cau, tiền và tiền mã, hương, chè thuốc-và riêng chùa bắt buộc phải có gà, chí ít là chân giò hoặc giò (!!!), chùa và đinh từ trong năm đã nhờ người viết sẵn sớ cho cả nhà, cả họ rồi, chờ các thầy đọc xong lại mang lễ về nhà chén, xôi thì chịu không ăn được hết, nhà nào cũng phải đổ! Thanh niên thì nhậu thôi...
Mồng năm mồng sáu dân làng bắt đầu lục tục ra đồng rồi, còn nhà bác tất cả chuẩn bị ra thành phố, còn một việc khá nhẹ nhàng thôi, nhưng do mấy hôm lao lực quá nên đâm ra cũng nặng nề: chia cái đống đồ được người ta tặng - cái nào để lại cho người ở quê, cái nào mấy mẹ con lại chở ngược ra Hà Nội. Ra đến đây bác ấy thở hắt ra, bảo cả tuần nay không được ăn bữa nào thong thả, mệt quá nên chẳng nhớ được gì mùi vị Tết năm nay, ấn tượng duy nhất là mấy lát đùi gà tây của Hàn Quốc bác ấy mang từ Hà Nội về đưa ra đãi khách, mà họ cũng mệt nên chả ăn được mấy, nhưng bác ăn thấy ngon thật! Vậy thôi, thế là lại hết một cái Tết ở Kiến Xương...
P.S. viết xong (ghi lại đúng những gì được bác ấy kể lại) có người bảo làm gì có chuyện đó, có người confirm là đúng như vậy (xem comments). Hôm qua chú lái xe cơ quan cũng dân Thái Bình mới bảo tôi: "anh viết thế vẫn ít, huyện em còn "hơn" Kiến Xương nhiều!". Về bảo bác giúp việc, bác ấy bảo "chả biết huyện chú ấy thế nào, tôi phải ra Hà Nội sớm - nếu ở lại làng thì bây giờ là lúc họp họ, hết họ nội ngoại lại đến họ lớn họ bé, rồi các tổ phụ nữ, các bạn cũng lớp ngày xưa, ngày nào cũng hội cũng họp... Cứ thế chả làm ăn được gì, để chờ đến rằm tháng giêng - dịp này quan trọng ghê lắm, tôi cũng phải xin về một buổi! Sau đó là đến hội làng..."
/quan-diem-tranh-luan
- Hot nhất
- Mới nhất