Giằng co tiền bảo hiểm
Ở tuổi 38, anh Khánh đã có gần 20 năm đi làm công nhân trong các nhà máy, nhưng số năm đóng bảo hiểm xã hội ghi nhận trên hệ thống...
Ở tuổi 38, anh Khánh đã có gần 20 năm đi làm công nhân trong các nhà máy, nhưng số năm đóng bảo hiểm xã hội ghi nhận trên hệ thống chỉ vỏn vẹn 4 năm, do cứ 4-5 năm, anh lại nghỉ việc để rút BHXH một lần.
Trước khi truyền thông xôn xao về chuyện có hàng triệu lao động rút bảo hiểm xã hội một lần trong những năm qua, rất nhiều lao động như anh Khánh đã xem đây là một việc làm quen thuộc sau mỗi lần “nhảy” việc. Hai năm trước, khi lần đầu tiên gặp và nói chuyện với anh Khánh, tôi đã rất ngạc nhiên vì cách anh “đối xử” với bảo hiểm xã hội. Bởi ai cũng hiểu được rằng đây sẽ là bệ đỡ an sinh của mỗi người khi về già. Nhưng anh cho rằng "tiền của mình, tội gì lúc khó khăn mình lại không lấy ra tiêu". Khi được hỏi có lo lắng không nếu như khi không đủ sức để làm việc nữa mà không có bất kỳ một khoản lương hàng tháng nào, anh Khánh trả lời: “Từ giờ đến lúc nghỉ hưu vẫn còn đủ thời gian để đóng bảo hiểm”.
Đầu năm nay, tôi gặp anh Khánh đang lang thang tìm việc thời vụ ở trong các cộng đồng mạng xã hội. Từ 5 năm trước, anh đã xác định tinh thần ổn định một chỗ, đóng bảo hiểm xã hội đều đặn đến lúc nghỉ hưu, nhưng hóa ra mong muốn được làm một công việc ổn định lại không dễ dàng như thế, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất ổn như hiện nay. Anh nằm trong nhóm bị sa thải vì công ty cắt giảm đơn hàng. Hai tháng qua, anh buộc phải chấp nhận làm các công việc thời vụ như phụ hồ, giao đồ ăn,… vì không công ty nào nhận lao động từ 40 tuổi trở lên. Dự định xa nhất anh có thể nghĩ đến ở thời điểm này là một năm nữa, anh sẽ lại rút BHXH một lần. Đây cũng có thể là khoản bảo hiểm xã hội cuối cùng anh có thể rút.
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 2016-2021, hơn 4,25 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội và 4,06 triệu người rút một lần. Trong đó, nhóm từ 20 đến 40 tuổi chiếm 77,5% tổng số người rút, độ tuổi sau 40 chiếm 22,5%. Lao động nam rút BHXH một lần có độ tuổi bình quân 34 với 4,5 năm đóng, và nữ là 32 tuổi với trung bình 4 năm tham gia.
Có rất nhiều lý do và hoàn cảnh khác nhau để người lao động quyết định rút BHXH một lần. Tuy nhiên, có một điểm chung giữa những người này: họ xem BHXH chính là một khoản tiền tiết kiệm được đóng vào hàng tháng. Bất kể khi nào họ cần, họ có thể tạm nghỉ để rút khoản tiết kiệm này ra để chi tiêu.
Trong khi đó, theo Khoản 1, Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, BHXH là sự đảm bảo thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm, hiểu một cách nôm na, là một hình thức để quản lý rủi ro, bảo vệ người tham gia trước những tổn thất về tài chính.
Rõ ràng có sự lệch pha giữa cách hiểu của người lao động với mục tiêu hướng đến của bảo hiểm xã hội và bảo hiểm nói chung. Trong khi về bản chất, BHXH là sự đảm bảo thay thế hoặc bù đắp một phần, tức có sự phân bổ và cân đối theo công thức đưa ra của cơ quan bảo hiểm ở nhiều trường hợp như: thất nghiệp, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí, tử tuất,... Còn người lao động hiểu đơn giản như mình đang lấy tiền từ chính “ống heo tiết kiệm” của mình.
Vì sao lại có sự lệch pha này?
BHXH hiện nay được vận hành theo nguyên tắc đóng – hưởng, đóng càng nhiều thì hưởng càng cao và ngược lại. Người lao động đóng tiền vào quỹ BHXH, đến một lúc nào đó họ sẽ được nhận lại một khoản tương ứng.
Trong một lần phỏng vấn người cao tuổi được nhận chế độ hưu trí tại TPHCM, tôi hỏi 20 người chung 1 câu hỏi: Lương hưu hiện tại có đủ sống không? Có 18 người trong số đó nói không. Nhiều người đang trong độ tuổi lao động hiện nay cũng băn khoăn về câu hỏi tương tự. Bởi so với vật giá của hiện tại, tiền lương cách đó hàng chục năm không đáng là bao. Họ hiểu được rằng không thể kỳ vọng thêm, bởi khoản tiền mà họ đóng vào quỹ BHXH lúc đang trong độ tuổi lao động cũng không đáng kể. Do đó, BHXH không còn được kỳ vọng là một bệ đỡ an sinh, nó đơn giản chỉ là sự trả lại tương đương với những gì mình đã đóng.
Như vậy, nguyên tắc đóng - hưởng máy móc và chưa sát với biến động thực tế của đời sống khiến cho người lao động cảm thấy BHXH không khác gì một khoản tiền tiết kiệm lâu dài.
Chưa kể, việc người lao động đóng BHXH gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính hoặc hưởng các chính sách hỗ trợ cũng khiến cho cách nhìn của họ về hệ thống này không còn mang ý nghĩa nguyên bản. "Chán. Chắc tới đây chị nghỉ đóng BHXH luôn cho khỏe. Đóng vào thì trừ trực tiếp mà hưởng quyền lợi thì khó hơn lên trời". Chị Võ bức xúc vì suốt cả tháng trời không làm được thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Lý do là công ty cũ của chị nợ BHXH 3 tháng.
Dù chưa từng gặp vấn đề gì để phải phàn nàn về BHXH, tôi vẫn hiểu được tại sao có nhiều kêu ca khi ngồi nói chuyện với những lao động thất thểu chờ từ 5h sáng để được rút BHXH một lần ở Thủ Đức. Như một sự lan tỏa rất tự nhiên, việc chờ đợi mỏi mòn kèm theo phàn nàn của những người xung quanh khiến cho nhiều lao động cảm thấy quyền lợi của mình đang bị ai đó cố tình giữ lại.
Cơ quan BHXH nhiều năm qua vẫn đang tìm cách để giữ chân người lao động ở lại với hệ thống an sinh bằng việc thay đổi các quy định. Có nhiều đề xuất chỉ chi trả cho người lao động 8% họ đóng vào hàng tháng, giữ lại 14% doanh nghiệp đã đóng. Cũng có đề xuất hạ số năm tối thiểu đóng BHXH để được nhận lương hưu xuống còn 15 năm, tiến tới còn 10 năm. Tất cả những đề xuất này đều khiến cho người lao động phản ứng gay gắt. Chủ tịch công đoàn một doanh nghiệp dệt may quy mô hàng nghìn công nhân ở TPHCM chia sẻ với tôi: “Ngay khi nghị trường rục rịch đề xuất thay đổi luật, phía người lao động đã chuẩn bị nghỉ việc để chờ lãnh BHXH một lần”. Khi người lao động không tin vào hệ thống BHXH, mọi thay đổi về chính sách đều khiến cho họ cảm thấy quyền lợi của mình đang bị đe dọa.
Bởi vì nó chính là quyền lợi và tương lai, người lao động luôn đặt ra những phép tính và bàn cân để xem xem đâu là lựa chọn tốt nhất cho mình. Cách tính của anh Thắng, 35 tuổi, quê Bến Tre mà tôi có dịp trò chuyện là một ví dụ. Sau khi nghỉ việc một năm, anh quyết định rút hơn 120 triệu tiền BHXH một lần sau 17 năm đóng để về quê chăn nuôi. Theo như anh tính toán, 120 triệu này cộng với khoảng 70 triệu đồng tích lũy được, anh định đầu tư chuồng trại, hệ thống tưới tiêu để nuôi heo và làm vườn cây ăn quả. May mắn thì anh có thể kiếm được một khoản lớn mỗi năm, còn nếu không may thì anh vẫn có thể tự chủ được, không đến nỗi bấp bênh như đi làm công ăn lương trên thành phố. Trường hợp giữ lại bảo hiểm xã hội để chờ đến tuổi hưu, phải mất hơn 20 năm nữa, anh mới có thể nhận khoản tiền này hàng tháng. Số tiền lương hưu anh ước tính cũng chỉ khoảng 6-7 triệu đồng một tháng, so với mức sống của 20 năm nữa, anh không chắc nó có đủ đáp ứng cho cuộc sống của mình hay không. Đấy là trong điều kiện lý tưởng, khi công việc của anh vẫn ổn định và đều đặn cho đến thời điểm nghỉ hưu.
Tính toán của anh Thắng rất thực tế và hoàn toàn có cơ sở. Bởi anh không thấy được BHXH có thể sinh lợi như thế nào. Còn đầu tư vào những việc khác thì có. Rất nhiều lao động đặt ra những phép tính như anh Thắng rồi chọn rút một lần với một logic: Thà rút ra để làm gì đó, còn có lợi hơn là chờ hưởng lương hưu.
Với nguyên tắc bắt buộc, BHXH đã chủ quan trọng việc nắm bắt tâm lý của người lao động. Khi Covid-19 xuất hiện, người lao động tính toán nhiều hơn và lo sợ về việc “Cuộc đời ngắn ngủi không cho phép ta ước vọng quá nhiều”. Do đó, họ chọn những giá trị có thể lớn lên từng ngày, có thể nhìn thấy và có thể kiểm soát được. Còn BHXH không làm được điều đó.
Dưới góc nhìn thực dụng hơn, mỗi cá nhân đóng BHXH chính là một cổ đông trong công ty bảo hiểm. Nếu gửi ngân hàng, mỗi khách hàng sẽ được cập nhật tiền lãi gửi hàng tháng, thậm chí còn được hưởng các chính sách ưu đãi và nhiều phần quà đi kèm. Còn BHXH bên cạnh tính chất bắt buộc, người lao động lại không được cập nhật đầy đủ và thường xuyên nguồn tiền đó được sử dụng vào việc gì, sinh lợi ra sao trong suốt thời gian họ tham gia. Theo quy định, quỹ BHXH được đầu tư vào 3 lĩnh vực chính: Cho Ngân sách Nhà nước cho vay, Mua trái phiếu chính phủ và cho Ngân hàng thương mại vay. Không nhiều lao động hiểu được bản chất của những thông tin này. Hơn nữa, nếu số tiền trong quỹ BHXH có được sinh lợi lớn thế nào, thì số tiền họ nhận được theo quy định cũng không đổi. Vậy nhưng họ vẫn luôn được khuyến khích giữ lại khoản bảo hiểm để đảm bảo an sinh. Việc tin vào một hệ thống họ không thực sự hiểu là điều rất khó khăn. Họ không có nhiều lý do để gắn bó với một hệ thống không biết có sinh lợi hay không, không cho họ cảm giác được quan tâm và có vẻ như nhận lại được không nhiều về mặt giá trị.
Suy cho cùng, cách vận hành của BHXH chính là yếu tố khiến cho hàng triệu người hiểu khác đi so với mục tiêu cốt lõi của hệ thống này.
Bức tranh BHXH thời gian qua như một cuộc giằng co giữa người lao động với cơ quan bảo hiểm. Vì người lao động mong muốn những điều khác với những nỗ lực của cơ quan quản lý quỹ, cuộc giằng co ấy sẽ không bao giờ dừng lại. Và người ta sẽ lại liên tục xôn xao về làn sóng rút BHXH một lần vào khoảng một năm sau khi biến cố trên thị trường lao động xảy ra.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất