Chúng ta muốn sống trong một xã hội như thế nào?
Đó là câu hỏi mà chúng ta phải tự đặt ra cho chính mình, nếu chúng ta là những người muốn sống trong một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Để hướng đến một xã hội tốt đẹp hơn, chúng ta cần làm hai việc:
Một là có những triết lý sống muốn phổ quát cho người khác;
Hai là công khai những triết lý sống đó.
Thời đại mà ta đang sống, là một thời đại được bảo bọc bởi chủ nghĩa tiêu dùng, chủ nghĩa kiếm tiền và giải trí, việc tranh luận về triết lý sống dường như được gạt bỏ ra khỏi các thói quen hàng ngày, cuộc sống dường như là một điều gì đó quá dễ dàng. Chúng ta được nuôi lớn, cho đi học, sau đó đi làm, mua sắm những gì mình cần, sử dụng những dịch vụ giải trí, dường như không có gì đáng phải phàn nàn hay tranh luận trong một xã hội như vậy.
Nhưng chúng ta có thực sự cảm thấy hài lòng hay không? Có khi nào chúng ta có cảm giác rằng có cái gì đó không đúng đang diễn ra hay không? Có khi nào chúng ta nghĩ rằng thực tế có thể khác đi hay không? Chúng ta có cần nó khác đi hay không?
Nếu tất cả câu trả lời đều là không, thì chúng ta đúng là những kẻ ngu dốt thậm tệ, chúng ta không cảm thấy hài lòng, nhưng cũng không có nổi một ý nghĩ rằng chúng ta có thể đạt đến sự hài lòng. Đó là bởi vì chúng ta không có khả năng tư duy phản biện về thế giới xung quanh, không có gì lạ, vì chúng ta có được dạy đâu. Thậm chí là đến nghề luật, một nghề cần kỹ năng lập luận và phản biện cũng không được dạy có hệ thống kỹ năng này.
Có rất nhiều yếu tố khiến chúng ta không có hoặc rất yếu về khả năng tư duy phản biện. Đó có thể là truyền thống văn hóa, chúng ta được dạy rằng người dân thì phải nghe theo chính quyền, con cái thì phải nghe theo cha mẹ, học sinh thì phải nghe lời thầy cô, người trẻ thì phải nghe lời người lớn … có khi nào chúng ta được hỏi “Em nghĩ sao?” “Con nghĩ thế nào?”. Đó có thể là hệ quả của chủ nghĩa tiêu dùng, chủ nghĩa hưởng thụ một cách dễ dàng, một trạng thái tinh thần thỏa mãn, chỉ cần bạn có tiền, bạn sẽ được cung cấp mọi thứ. Thế đấy, chúng ta giống như một con thú trong rạp xiếc, chúng thì được dạy bởi người quản trò, còn chúng ta được dạy bởi những thứ chúng ta nhìn thấy, nghe thấy và trải qua, những thứ bên ngoài.
Chúng ta không có tư duy phản biện, bởi vì chúng ta không có khả năng nhìn vào bên trong, chúng ta được dạy là phải nhìn ra bên ngoài, nhìn thành công của người khác, nhìn con cái nhà người ta. Nhưng chỉ khi chúng ta nhìn vào bên trong, chúng ta mới có thể tìm về được những giá trị thiêng liêng của tinh thần và đạo đức, những điều chúng ta thực sự muốn trong cuộc đời. Một khi ta hiểu rõ, khi ta có cho mình một hệ thống nguyên tắc và triết lý, đó là khi chúng ta phóng chiếu chúng ra bên ngoài xã hội, để thấy xã hội đúng chỗ nào, sai chỗ nào, chỗ nào có thể sửa, chỗ nào phải bỏ đi, nguyên nhân vấn đề ở đâu.
Và để bắt đầu một sự phổ quát các triết lý và quan điểm sống của mình, ta phải hình thành thói quen tranh luận công khai. Đó là một thói quen đòi hỏi sự can đảm, sự thấu hiểu, sự thỏa hiệp.
Tất cả những thứ đã được nói ở đây, để có thể thực hiện được, mỗi người phải bắt đầu bằng việc nhìn vào bên trong, đồng thời mở mang trí óc bản thân bằng việc nhìn ra thế giới. Nhìn vào bên trong để biết bản thân thực sự muốn điều gì trong cuộc sống, cuộc sống lý tưởng là như thế nào, muốn mọi người hành xử như thế nào, thứ gì có thể mua bán, giá trị đạo đức nào là bất khả xâm phạm. Nhìn ra thế giới để biết được chỗ đứng của thời đại, đồng thời xem xét các ý niệm của bản thân, học hỏi những tri thức lịch sử và nhân văn.
Đó là tiền đề để chúng ta sẵn sàng tranh luận công khai quan điểm của mình, để hướng đến một xã hội tranh luận, một xã hội với những cá nhân biết phản biện. Chỉ có sự va chạm và sự thỏa hiệp của các cá nhân mới có thể hình thành lên một xã hội tốt đẹp. Sự im lặng không có giá trị trong việc xây dựng xã hội, nó đơn giản chỉ là việc chấp nhận là một “con khỉ trong rạp xiếc”.