Ghi nhớ từ vựng tiếng Trung bằng lâu đài ký ức
Làm sao thuộc mặt chữ Hán khi trí tưởng tượng không phong phú?
Đối với một người có trí nhớ không tốt như tôi thì việc nhớ mặt chữ Hán quả là một nhiệm vụ khó nhằn. Lúc ban đầu, tôi thiên về cách học đi từ gốc rễ. Thật ra nói như vậy cũng khá chủ quan, vì khó có nguồn tài liệu nào được xác thực là "gốc rễ" cả. Kể từ khi ra đời cách đây khoảng 3300 năm, chữ Hán đã trải qua nhiều thời kỳ thay đổi như chữ Giáp cốt văn → Kim văn → Triện thư → Lệ thư → Thảo thư → Khải thư → Hành thư. Do đó mà chữ viết Giản thể hiện nay khác rất nhiều so với chữ mà người Trung Quốc quan sát và ghi nhận sự vật, hiện tượng lúc ban đầu. Và vì vậy, nó cũng không giúp ích nhiều cho việc ghi nhớ số lượng mặt chữ khổng lồ, trừ những chữ cơ bản và đơn giản như 人(nhân), 水(thủy), 木(mộc),金(kim),火(hỏa),土(thổ),月(nguyệt),日(nhật),天(thiên),地(địa).
Sau đó, tôi tham khảo một số cách học khác trên Youtube, như Tiếng Trung thần truyền, vốn là do một thầy giáo theo phái Pháp luân công giảng dạy cho những người trong hội. Cách học này khá hay khi nói về quan niệm của người Trung Quốc như Ngũ hành, Thiên Địa, Thần thánh... thể hiện qua chữ viết. Cách học chiết tự từng chữ theo bộ thủ và giải thích ý nghĩa của những bộ thủ cũng giúp tôi ghi nhớ thêm một số chữ, đồng thời cũng hiểu hơn cách quan sát, suy nghĩ, quan điểm của người Trung Quốc về vạn vật. Tuy vậy, nhược điểm của những bài học này là thầy dạy khá chậm, ưu tiên dạy chữ Phồn thể hơn Giản thể, thường xuyên đọc thơ cổ và các đoạn văn thường khá đơn giản. Những điều này làm tôi nhanh chán và thấy phụ thuộc nhiều vào cách giải thích của thầy, khó để tự suy luận và mở rộng vốn từ.
Sau vài ngày lang thang trên Youtube xem đủ thể loại phỏng vấn đường phố, phim Trung, kinh nghiệm học tiếng Trung... Tôi tình cờ bắt gặp các video của bác Steve Kaufmann, một người có thể nói hơn 20 ngoại ngữ, bao gồm cả tiếng Trung. Lời khuyên của bác là không nên quá chú trọng những cái "cơ bản" và ngữ pháp, mà nên tiếp cận ngay với tài liệu mà mình ưa thích. Ví dụ tôi muốn đọc sách thì hãy làm luôn chứ không đợi đến khi học được 1000 từ thông dụng mới bắt đầu đọc. Vì vậy, tôi quyết định luôn là sẽ đọc sách, dù lúc này tôi chỉ mới thuộc được khoảng 50 bộ thủ và số lượng từ đã biết thì vô cùng ít ỏi. Ban đầu, tôi chưa có kinh nghiệm chọn sách, nên nghĩ bụng là nếu tôi thích xem phim Chân Hoàn Truyện thì đọc sách chắc cũng dễ dàng. Tuy nhiên, thể loại cung đấu pha chút ngôn tình lại sử dụng nhiều từ xa lạ với cuộc sống thường ngày, lại thêm cốt truyện các bà phi tần đấu đá không có gì hấp dẫn (khác hẳn lúc xem phim thì ngắm nhan sắc Tôn Lệ cũng đủ mãn nhãn =)) nên tôi chỉ đọc được nửa trang là bỏ. Tôi cũng tham khảo thêm cuốn Tam thể, đọc review là cuốn này phác họa về con người Trung Quốc hiện đại khá thú vị, nhưng vì bối cảnh có liên quan đến cuộc Cách mạng văn hóa, thêm nữa lại sử dụng nhiều từ ngữ khoa học nên cũng sớm khiến tôi nản chí =))).
Sau vài lần nếm đau thương, vừa đọc vừa quăng lên Hanzii dịch thì cuối cùng tôi chọn được cuốn sách phù hợp với nhu cầu của mình, đồng thời tìm ra được quy trình đọc phù hợp. Tôi chọn cuốn tiểu sử của Lý Gia Thành - 1 doanh nhân giàu có của Hồng Kông, cuốn này cuốn tới nỗi tôi phải chọn dịch màn hình để đọc cho hết chương, chứ vừa đọc vừa tra từ thì trí tò mò của tôi không cho phép =)). Về cơ bản thì quy trình đọc của tôi là:
- Chọn chế độ dịch màn hình
- Chọn lại chế độ chữ Giản thể, quăng lên ChatGPT dịch từng câu. Phải công nhận là ChatGPT dịch mượt và giải thích nghĩa của từ rất dễ hiểu.
- Tra cứu từ trên app Hanzii (cách phát âm, nghĩa Hán Việt) và lưu vào flashcard (function này có sẵn trên app, học rất tiện)
- Kể chuyện để nhớ từ.
Công đoạn khoai nhất hiển nhiên là ghi nhớ từ. Ban đầu tôi chưa có kinh nghiệm, nên tự kể những câu chuyện rất vô tri và nhàm chán.
Ví dụ: 无耻|Phiên âm: wúchǐ|Hán Việt: Vô sỉ|Nghĩa: Không biết xấu hổ.
Thì "câu chuyện" của tôi là: Vô: con người (儿) so với trời (一) và đất (一) thì không là gì. Sỉ: khi xấu hổ thì tai (耳) đỏ, chân (止) run.
Nhìn qua cũng có thể biết là chỉ với vài chi tiết rời rạc, thiếu liên kết như vậy thì khó mà ghi nhớ sâu sắc được. Tôi cứ suy nghĩ mãi về điều này, tôi muốn tìm ra 1 cách mà bản thân mình có thể sáng tạo không giới hạn, thú vị và dễ truyền đạt cho người khác. Và cuối cùng, tôi quyết định là nếu mình không biết kể chuyện, thì mượn truyện của người khác =)). Tôi là một con mọt Harry Potter, không biết tôi đã đọc nó bao nhiêu lần, xem đi xem lại bộ phim bao nhiều lần. Mà lần nào tôi cũng vẫn hào hứng y như lúc nhỏ. Sẽ thế nào nếu tôi kết hợp Harry Potter và chữ Hán? Thế giới phù thủy không khác biệt nhiều lắm với Muggle, thậm chí thú vị hơn vì có phép thuật, nên hẳn sẽ không thiếu tình tiết hấp dẫn để biến hóa với chữ nghĩa. Và nếu coi Harry Potter là một thế giới sống động, thì đó cũng chính là lâu đài ký ức của tôi. Từng ngóc ngách trong lâu đài Hogwart, Hẻm Xéo, trang trại Hang Sóc, rồi cả những trò đùa ngớ ngẩn của anh em nhà Weasley, những cuộc phiêu lưu liều lĩnh của bộ ba, cảm giác rùng rợn khi đối mặt với Chúa tể Hắc ám, sự cô độc và thèm khát tình yêu gia đình của Harry... tất cả đều khiến tôi xúc động. Và cảm xúc là yếu tố quan trọng nhất để ghi nhớ, sau đó là đến bối cảnh, tình huống cụ thể.
Sau đây là một vài ví dụ về cách nhớ từ của tôi.
Hiển nhiên rằng những mẩu chuyện này có tính tương đối, không phải lúc nào áp dụng nghĩa chính xác của bộ thủ cũng giúp ghi nhớ tốt, và hẳn là người xưa không có ý truyền đạt những ý nghĩa như tôi tự "dịch" như ở trên. Tôi nghĩ rằng hành trình học tiếng Trung không hề dễ dàng, vì vậy khiến nó thú vị, gắn nó với những điều có ý nghĩa với bản thân là một cách để vượt qua. Hi vọng rằng tôi có thể đọc sách một cách trôi chảy càng sớm càng tốt.
Giáo dục
/giao-duc
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất