GAP-YEAR - NĂM NGÂN NÉM MÌNH RA CUỘC SỐNG và cảm thấy có nhiều điều mới trong chính cuộc sống đang diễn ra xung quanh. Ngân cũng sắm vai chính diện, phản diện này nọ để tranh luận với những lý lẽ do chính mình đưa ra, thuyết phục cho lựa chọn này. Và rồi Ngân bắt đầu với những công việc từ tư vấn khóa học, trợ giảng, cùng các bạn tổ chức team-building, bán đồ cũ ở hội chợ cuối năm, bán bông vào lễ Tình nhân, học nghiệp vụ truyền thông, làm bán thời gian ở văn phòng sale, học ngoại ngữ hai, đi thi cuộc thi trong ngành quảng cáo, dịch thuật về ngành bất động sản, tham gia dự án dạy tiếng Anh online, trở lại trường và ngẫu nhiên chạy truyền thông cho sự kiện hai năm một lần của khoa, đến đi thi thực tập ở một công ty quảng cáo lớn, cả đi tham quan công ty đa quốc gia mơ ước sau này sẽ làm việc nữa. Rồi sau đó là ngồi và ngẫm lại những gì đã qua trước thềm năm mới. Nhìn lại mọi thứ thật gọn như đã lên kế hoạch hẳn hoi. Thật sự là Ngân chẳng có kế hoạch gì cả. Haha. Lý do cho Ngân có cái Gap-year này là vì Ngân thấy mình ôm một khối vuông kiến thức học thuật ở trường và giờ thì nên để cuộc sống mài nhẵn nó đặng lăn đi trên đường đời cho dễ. Ngân còn thích cái cảm giác đi nhiều, gặp nhiều người đến nỗi mỗi lúc kể hay viết lại là để y chang cảm xúc với người đó vô từng câu chữ. Tuyệt lắm!

Bạn bè và người thân của Ngân nói gần tới đích rồi sao không tốt nghiệp luôn. Có lúc nhìn thấy các bạn cùng khóa tốt nghiệp, đi làm, lương rủng rỉnh thì hay quay sang nhắc nhẹ Ngân một cái. Thật ra lúc ấy Ngân chưa tưởng tượng được mình sẽ ra sao nếu 40 đến 45 giờ một tuần mặc độc có bộ váy và sơmi đi làm trong những chiếc hộp có gắn máy lạnh công nghiệp. Chắc lúc đó Ngân “chuẩn hết chỉnh nổi” rồi. Bởi mình còn trẻ, còn làm này làm kia là còn sai, sai mà lắng nghe và sửa là còn đi tiếp, thậm chí đi được đường trường nữa là đằng khác. Và sao Ngân lại cảm thấy được có gì đó mới mẻ trong chính cuộc sống xung quanh mình? Tại sao Gap-year không đi thực tập ở nước ngoài hay đi du hí đâu đó ngoài Việt Nam đi, cứ vòng vòng nhà hoài? Có chứ sao hông, cũng nộp mà rồi thấy mình đi đến nước người ta đâu chỉ có học hỏi mà còn để người ta học từ mình nữa, vậy sao không rành nước mình trước cái đã, đi còn có cái mà kể. Thời gian đầu, tiếng Anh nó thấm trong máu cho nên nói hay viết gì mình hay xài tiếng Anh cho nhanh. Đừng cười Ngân “chảnh” này kia, không có đâu, cũng bởi nói vậy cho nhanh gọn thôi. Rồi cũng tới lúc “bị” hỏi câu hỏi tu từ, quăng ra đó mà làm Ngân nghĩ ghê lắm: “Viết cho người Việt sao không dùng tiếng Việt!” Vậy đó, có những câu vu vơ mà làm con người ta cứ đau đáu mãi. Nhưng nói chung với dân ngôn ngữ thì tiếng nào cũng đẹp cũng hay. Đó, cái mới mẻ mà Ngân thấy được là đây. Cái tiếng chung mà nói ai nấy đều gậc lia hay trầm ngâm rồi tặc lưỡi rồi lâu lâu nhớ lại là cười. Có lúc còn làm theo luôn cho biết. 


Ngân may mắn có một người anh cũng có thể gọi là mentor* (ở đây chắc không nên dùng kèm tính từ mô tả vì tả xong hết cây viết mực mà chưa hết tám trang giấy ahihi) hay có ý để sách báo “lung tung” cho đàn em đọc lỏm. Rồi Ngân đọc được một bài viết hay, về nhà tìm hiểu và sau một năm làm làm, ghi ghi, chép chép Ngân vẽ ra được cho mình cái cây tầm nhìn (vivid vision tree). Thật ra bạn muốn vẽ thế nào cũng được miễn là dễ hình dung những điều bạn cần, muốn, và thích làm. Cả hy vọng và mơ ước một ngày nào đó trong đời có dịp làm cũng được. Bạn hãy cho vô một frame (hình mẫu cụ thể) như một cái cây, một ngọn núi, một ngôi nhà, hay đơn giản là một chiếc lá. Mà hình như càng nhiều người biết thì những điều vẽ ra càng dễ thành sự thật thì phải? 

Vậy đó, Gap-year của Ngân đơn giản là đi làm này làm kia và gặp được nhiều người với nhiều câu chuyện hay quá trời quá đất ơi luôn. 

P.s: Bài viết ban đầu có cách xưng là “tôi" nhưng sau đó được viết lại thành Ngân. Vì một lẽ, xưng “tôi” thì người nói nhớ lâu còn người nghe có khi quên mất người tôi đó là ai. Và vì cuộc đời có nhiều cái “tôi” lắm nên không biết ai mà lần. Nghỉ giữa hiệp một lúc, đâu đó lại thay đổi được cách nhìn cuộc đời. Theo hướng tươi mới hơn. Tất nhiên là Ngân cũng đã tốt nghiệp và đang đi làm trong lĩnh vực nghề yêu thích rồi nhé! 

Nếu đang chênh vênh hay lưng chừng đâu đó, sao không thử một Gap-year nhỉ? 

(*) Mentor: Nôm na là người mà giang hồ hay đồn sẽ đưa ta cái cần câu thay vì cho ta con cá ấy.