Game hóa và giáo dục, sự kết hợp hoàn hảo?
Blog game hóa đã có bài viết về trường học game hóa đầu tiên trên thế giới, còn trong bài lần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về game hóa trong giáo dục nói chung cùng phương pháp áp dụng hiệu quả.
2020 vừa qua đi, ta càng thấy rõ được sự phát triển của ngành game lớn đến mức nào. Chỉ tính riêng game mobile, vào quý 2/2020, doanh thu game mobile đạt khoảng 19.3 tỷ USD, tương ứng mức tăng hàng năm và so với quý trước lần lượt là 27% và 10.3%.
Trên đà phát triển đó, thật không thể không nói đến khái niệm “Game hóa” (gamification) đã được biết tới rộng rãi. Trong mỗi phần thuyết trình bài giảng mới, thường sẽ có những bài tập rèn luyện kĩ năng. Giáo viên thay vì chỉ đưa ra những câu hỏi, họ sẽ tạo dựng một mini game (như trò chơi ô chữ, ô cửa may mắn) nho nhỏ để học sinh chú ý hơn. Đấy chính là “Game hóa”. Để hiểu một cách đơn giản, “Game hóa” chính là đưa các yếu tố của game vào trong công việc giúp mọi người thích thú hơn, hăng say nghiên cứu hơn.
Nhưng, game hóa không chỉ dừng lại tại phạm vi nhỏ bé đó. Hôm nay, Level Up xin được giới thiệu một vài ứng dụng game hóa thú vị, “có một không hai”!
Biến việc học thành một game
Thay vì học sinh chỉ học với mục đích qua môn, mỗi ngày đến trường đều lặp đi lặp lại nhạt nhẽo, tại sao chúng ta không thử đưa học sinh vào một hệ thống game, điển hình như game giải đố? Học sinh từ việc trả lời những câu hỏi giáo viên đưa ra trong các tiết học, làm bài tập nhóm, tham gia các hoạt động ngoại khóa, tham gia các cuộc thi của nhà trường,... mà họ sẽ kiếm về được những “Mảnh ghép”. Để rồi đến cuối kì, từ những “Mảnh ghép” ấy, học sinh sẽ được giải một “Câu đố bí mật” từ đó nhận được giải thưởng đặc biệt của trường. Để tăng thêm phần thích thú, hãy chia các học sinh thành các party, mỗi em sẽ có một skills riêng biệt để kích hoạt lúc cần thiết. Hãy để học sinh được kết nối nhiều hơn với nhau, từ việc giúp đỡ nhau, mỗi em sẽ đều tích lũy thêm kinh nghiệm, bài học mới. Để tránh trường hợp chỉ một mình em học giỏi “gánh team”, giáo viên phải có khả năng đưa ra thật nhiều câu hỏi đa dạng để những em khác giỏi về những mảng khác nhau có cơ hội để thể hiện tài năng.
Điểm số là EXP
Áp lực điểm số luôn là vấn đề nhức nhối với Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung. Học sinh thường chỉ chạy theo điểm để được 9, 10, cuối năm được học sinh giỏi, học sinh giỏi xuất sắc. Vậy tại sao chúng ta không nghĩ đến việc thay điểm bằng EXP (điểm kinh nghiệm)? Lấy ví dụ một em học sinh trả lời được câu hỏi của giáo viên, em ấy sẽ được cộng 300 EXP, những em còn lại trong party sẽ được cộng bonus thêm 100 EXP. Việc này khá tương đồng với cách tính điểm các nhà trong Harry Potter. Hẳn những bạn nào đã đọc bộ truyện này, sẽ đều ấn tượng với cách đánh giá điểm của trường Hogwarts. Khi các học sinh thật sự cố gắng cả về học tập lẫn cách cư xử sao cho nhà mình sẽ được nhất cả năm.Tùy vào EXP bạn nhận được, điểm của bạn sẽ được quyết định. Để cho các em thêm phần yêu thích học chứ không ỷ lại có EXP mà học hành sa sút. Các thầy cô có thể xem xét thay bài tập về nhà hay bài tập nhóm thành các “Nhiệm vụ (Quest)”. Quest có thể bắt buộc và nếu hoàn thành quest, học sinh sẽ nhận được nhiều EXP hơn bình thường, ngoài ra có thể thêm phần thưởng như “Mảnh ghép” đã nói ở phần trước
Chốt lại, chúng ta có thể thấy rằng, việc áp dụng game vào ngành giáo dục là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Hẳn sẽ mất thời gian, mất công sức, song, chúng ta nên nhìn những mặt tốt đẹp của nó mang lại. Thời đại 4.0 ép con người phải luôn đổi mới mỗi ngày. Vậy thì tại sao chúng ta không thử bước ra ngoài vùng an toàn và áp dụng dần dần game hóa vào cuộc sống?
Bài viết gốc được đăng tải trên Blog Game hóa:
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất