Nội dung bài viết này trích và tóm tắt một phần rất nhỏ từ quyển Nhân tố enzyme (quyển I) của tác giả Hiromi Shinya. Mình thấy quyển sách khá hay và có nhiều thông tin thú vị. Quyển sách đưa ra một số sai lầm về chế độ ăn uống mà mọi người vẫn tin là tốt; đồng thời, đưa ra chế độ ăn Shinya và những thói quen tạo nên cơ thể khoẻ mạnh. Mọi người có thể tìm và đọc thử nhé!
Ảnh từ Zingnew.

Trà xanh

Catechin có nhiều trong trà xanh có tác dụng diệt khuẩn và chống oxy hoá. Vì thể mới có nhiều người tin rằng uống thật nhiều trà xanh Nhật Bản thì có thể sống thọ hoặc phòng chống ung thư. 
Catechin có trong trà xanh là một loại polyphenol có tác dụng ngăn cản quá trình oxy hoá là đúng. Tuy nhiên, khi một lượng catechin kết hợp lại với nhau sẽ thành một chất khác gọi là "tannin". Tannin là thành phần chát có trong thực vật, tannin có đặc tính dễ oxy hoá, khi gặp nhiệt độ cao hay tiếp xúc với không khí, dễ dàng chuyển hoá thành axit tannin. Các axit tannin này làm đông cứng protein, gây ra ảnh hưởng xấu đến niêm mạc dạ dày và khiến dạ dày ngày càng kém. 
Thực tế, khi soi dạ dày của những người uống trà có nhiều axit tannin, kết quả cho thấy niêm mạc dạ dày của nhiều người đang bị mỏng đi và xuất hiện tình trạng teo dạ dày. Tình trạng viêm teo dạ dày mãn tính hay viêm teo dạ dày rất dễ chuyển thành ung thư dạ dày.
Hơn nữa, các loại trà bán trên thị trường đều sử dụng các loại thuốc nông nghiệp trong quá trình trồng trọt. Lời khuyên cho những ai thích uống trà là hãy uống loại trà không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, uống sau khi ăn để tránh tổn thương đến niêm mạc dạ dày, và mỗi ngày chỉ nên uống từ 2-3 cốc trà thôi.

Bò sữa

Dinh dưỡng chủ yếu có trong sữa bò gồm: protein, chất béo, đường, canxi, vitamin. Vì trong sữa bò có nhiều canxi nên sữa bò rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, theo tác giả không có thực phẩm nào khó tiêu như sữa bò. Casein, chiếm 80% số protein trong sữa bò, ngay khi vào dạ dày sẽ bị đông cứng lại nên rất khó điểu tiêu hoá. 
"Đồng hoá sữa" là khuấy sữa mới vắt để các chất béo trong sữa phân bố đồng đều. Quá trình đồng hóa sữa này không tốt ở chỗ khi khuấy sữa đồng thời cũng khuấy luôn không khí vào sữa, khi đó các chất béo sẽ bị oxy hoá thành lipit peroxide. Lipit peroxide là "chất béo bị oxy hoá cao" gây ảnh hưởng rất xấu đến cơ thể. Loại sữa chứa nhiều lipit peroxide làm gia tăng hại khuẩn, ảnh hưởng xấu đến môi trường đường ruột. Kết quả là các chất độc như gốc tự do oxy hoá , hydro sulfua, amoniac... được sinh ra trong đường ruột.
Nhầm lẫn lớn nhất của mọi người về sữa bò là sữa bò giúp phòng tránh bệnh loãng xương. Tuy nhiên, đây là một sai lầm tai hại. Chính vì uống sữa bò quá nhiều nên mới dẫn đến bệnh loãng xương. Canxi trong sữa bò được cho là hấp thụ tốt hơn trong cá nhỏ, và vấn đề chính là nằm ở đây. Nồng độ canxi trong máu người ổn định từ khoảng 9-10mg (100cc). Khi uống sữa bò, nồng độ canxi trong máu tăng lên nhanh chóng. Thế nên nếu như nhìn qua mọi người sẽ cho rằng cơ thể hấp thụ được nhiều canxi, tuy nhiên, chính cái gọi là "tăng đồng độ canxi trong máu" này lại gây bi kịch cho chúng ta. Thực ra, khi nồng độ canxi trong máu tăng lên, cơ thể sẽ điều chỉnh sao cho nồng độ canxi quay về giá trị cân bằng ban đầu, lượng canxi thừa sẽ được thận bài tiết qua nước tiểu. Nói cách khác, chính lượng canxi trong sữa bò vốn được uống để hấp thụ thêm canxi lại làm giảm lượng canxi trong cơ thể. Bốn nước có nền công nghiệp sữa bò lớn trên thế giới là Mỹ, Thuỵ Điển, Đan Mạch, Phần Lan lại có tỷ lệ loãng xương, gãy xương cao. 
Theo tác giả,  các loại tôm nhỏ, cá nhỏ, sau khi được tiêu hoá trong ruột sẽ để lại canxi và chất khoáng cần thiết cho cơ thể hấp thu, mới chính là thực phẩm tốt cho sức khoẻ.

Sữa chua

Nhiều người cho rằng ăn sữa chua giúp họ có đường ruột tốt hơn, bụng thoải mái hơn. Và họ tin rằng, sữa chua có công dụng như vậy là nhờ có khuẩn lactic. Tuy nhiên, khuẩn lactic mới là điều đáng nghi ngờ nhất.  Trong đường ruột người đã có sẵn vi khuẩn lactic - gọi là "vi khuẩn thường trú trong ruột". Cơ thể con người có một hệ thống an ninh đối kháng lại tất cả các vi khuẩn hay vi rút từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể. Thế nên dù đó là vi khuẩn lactic có lợi cho sức khoẻ, nếu không phải là vi khuẩn thường trú trong đường ruột thì cũng bị hệ thống an ninh trong cơ thể tiêu diệt.
Tầng an ninh đầu tiên chính là axit dạ dày. Khuẩn lactic có trong sữa chua, ngay khi vào đến dạ dày, hầu hết sẽ bị tiêu diệt bằng axit dạ dày. Vì thế, trong thời gian gần đây xuất hiện các loại sữa chua được xử lý đặc biệt để khuẩn lactic có thể đi đến đường ruột. Tuy nhiên, dù các khuẩn lactic có đến được đường ruột đi chăng nữa thì chúng có khả năng hỗ trợ cân bằng đường ruột hay không? Tác giả nghi ngờ sữa chua là do nghiên cứu lâm sàng cho thấy, những người thường xuyên ăn sữa chua không hẳn đã có một đường ruột tốt. Vì vậy, các khuẩn lactic trong sữa chua dù có thể sống sót đi đến đường ruột cũng không thể giúp hoạt động cân bằng đường ruột.
Vậy tại sao lại có nhiều người cảm thấy sữa chua công hiệu? Một trong những nguyên nhân có thể là do sự thiếu hụt enzyme phân giải lactose trong cơ thể. Lactose là thành phần đường có trong các sản phẩm từ sữa, và emzyme phân giải lactose là lactase. Theo thời gian, lượng lactase trong cơ thể giảm dần. Tuy nhiên, đây là đều hết sức bình thường, bởi sữa là đồ uống cho em bé, không phải thức uống người trưởng thành nên uống. Nói cách khác, lactase không phải là enzyme cần thiết cho cơ thể người trưởng thành. Trong khi đó, sữa chua có chứa rất nhiều lactose, thế nên khi ăn sữa chua, do thiếu enzyme phân giải nên lactose không được tiêu hoá, dẫn đến tình trạng tiêu hoá kém. Nói một cách dễ hiểu, khi ăn sữa chua nhiều sẽ xuất hiện tình trạng tiêu chảy nhẹ. Và tất nhiên, mọi người sẽ nhầm việc phân đóng từ lâu trong đường ruột bị đào thải do tiêu chảy nhẹ thành "bệnh táo bón được chữa khỏi nhờ công dụng của sữa chua".
Cảm ơn mọi người đã đọc đến đây nhé. Nếu thấy thú vị mọi người hãy đọc sách để có một sức khoẻ tốt nha.
Chúc mọi người một ngày tốt lành!!!