GÓC NHÌN TRONG PHÂN TÍCH VĂN HỌC?
“Hãy nêu cảm nhận của em về tác phẩm…” hay “Phân tích tác phẩm…” vốn đã chẳng phải cụm từ gì xa lạ, đặc biệt là đối với các bạn học...
“Hãy nêu cảm nhận của em về tác phẩm…” hay “Phân tích tác phẩm…” vốn đã chẳng phải cụm từ gì xa lạ, đặc biệt là đối với các bạn học sinh. Đây có lẽ là những câu từ lặp đi lặp lại mà bạn gặp được rất nhiều lần nhưng liệu, bạn đã hiểu nó? Vậy rốt cuộc, phân tích và cảm nhận là gì? Và giữa chúng có điểm gì khác biệt hay không?
Theo như tôi tìm hiểu, phép phân tích trong văn học “là phép lập luận trình bày từng bộ phận, phương diện của một vấn đề để nhằm chỉ ra nội dung của sự vật, hiện tượng. Để phân tích nội dung của sự vật, hiện tượng, chúng ta có thể vận dụng các biện pháp như nêu giả thuyết, so sánh, đối chiếu, … và cả phép lập luận giải thích, chứng minh.” (*) Nếu như định nghĩa này là đúng thì phép phân tích trong văn học đồng nghĩa với việc nêu cảm nhận của bản thân về những ý nghĩa sâu xa trong tác phẩm đó. Vậy thì trong phân tích văn học sẽ không có ý kiến nào là sai, ý kiến nào là đúng, không phải sao. Bởi sau cùng, những thế hệ sau như chúng ta cố gắng tìm hiểu nét giàu đẹp của ngôn ngữ dân tộc thông qua những tác phẩm lâu đời, tất cả những ý kiến đưa ra có lẽ hầu như chưa qua sự xác thực của tác giả, tất cả chỉ mới nằm ở mức “giả thuyết” vậy thì sao mà lại có đúng sai.
Nhưng nếu như khi làm phép phân tích hay cảm nhận mà không có đúng sai thì chúng ta biết phải làm như thế nào? Bản thân tôi nghĩ, văn học là nghệ thuật mà nghệ thuật thì không rạch ròi đúng sai, mỗi bài phân tích khác nhau chỉ thể hiện và nêu lên những góc nhìn khác nhau chứ không nói lên bất cứ điều gì khác. Gần đây tôi có một bài viết nêu cảm nhận của mình về thân phận những người phụ nữ trong tác phẩm Truyện Kiều (Nguyễn Du). Sau khi đăng tải, tôi đã ngay lập tức nhận được rất nhiều những ý kiến trái chiều. Từ đó dấy lên trong lòng tôi một nghi vấn: “Khi cảm nhận tác phẩm văn học, chúng ta nên nhìn nó theo góc nhìn hiện đại hay góc nhìn của chính tác phẩm? Và nếu sử dụng góc nhìn hiện đại thì có gọi là sai?” Bản thân tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều, có lẽ là cả hai chăng.
Nguyễn Đình Thi đã từng nói: “Tác phẩm nghệ thuật nào cũng được xây dựng bằng những vật liệu mượn ở hiện tại. Nhưng người nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì đó mới mẻ”. Chúng ta hay ví von nhà văn với người thư kí trung thành của thời đại nhưng bản thân họ vẫn luôn muốn mang tới những điều mới mẻ trong tác phẩm của mình. Trong một vài tác phẩm, những đổi mới sáng tạo có lẽ sẽ không nhiều, bằng bút pháp của mình, nhà văn có thể thuyết phục người đọc hiểu và công nhận sự mới mẻ của mình. Nhưng trong một vài tác phẩm, sự khác biệt trong tư tưởng của người viết và người đọc quá lớn, phải một thời gian dài sau đó người ta mới có thể chấp nhận và hiểu được tác phẩm ấy một cách khách quan. Vậy nếu như bất cứ ai trong chúng ta cũng nhìn một tác phẩm theo chính góc nhìn của mọi người thời bấy giờ, liệu có bao quát được hết “cái mới mẻ” mà tác giả muốn truyền tải hay không? Hay chính đại thi hào Nguyễn Du cũng từ có câu:
“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”
Bản thân ông cho rằng phải ba trăm năm có lẻ nữa thì trên đời mới có người thấu hiểu ông. Một nhà văn cả đời cô độc, khao khát có người hiểu mình như vậy bởi tư tưởng của ông đã hoàn toàn vượt xa so với thời đại. Một vài người không chấp nhận cái nhìn tác phẩm một cách hiện đại như vậy nhưng mọi người có để ý tới những chi tiết vô cùng hiện đại mà các bạn đã vô tình tiếp nhận hay chưa? Trong tác phẩm “Đoạn Trường Tân Thanh” của đại thi hào Nguyễn Du, tác giả đã có những mới mẻ táo bạo bỏ xa cái nhìn của thời đại bấy giờ. Ông công nhận cái gọi là tài năng cầm kì thi họa của Kiều, ông ủng hộ người con gái bất hạnh theo đuổi, mưu cầu hạnh phúc cho chính mình. Trong ông mang một tư tưởng vô cùng mới lạ về hôn nhân nếu đem so với những con người đương thời, người con gái dưới ngòi bút của ông được tự nguyện đính ước với người đàn ông mình thích, được mang đặc quyền theo đuổi tình yêu của chính mình. Đây chính là những ý nghĩa vô cùng sâu sắc khi chúng ta cảm nhận tác phẩm “Truyện Kiều” dưới góc nhìn hiện đại mà hiếm người để ý.
Đã có ý kiến phản hồi lại với tôi rằng: “Thúy Vân so với thời ấy đã là sung sướng lắm rồi, nàng ta không mưu cầu hạnh phúc thì sao phải khóc mướn làm chi” Quả thực, so sánh cuộc đời Thúy Vân với mười lăm năm lưu lạc của Kiều thì có lẽ chẳng thấm vào đâu nhưng tại sao mọi người cho phép bản thân nhìn đời Thúy Kiều dưới con mắt hiện đại nhưng lại nhìn đời Vân bằng con mắt đương thời thiển cận? Đặc biệt là trong một tác phẩm lưu danh sử sách có giá trị đời đời như “Đoạn Trường Tân Thanh”, một tác phẩm truyện thơ mang những bứt phá vượt xa cả thời đại. Điều đó liệu có công bằng cho Vân hay không? Bản thân Thúy Vân có thể bàng quan, vô tâm, tuân phục với các tiêu chuẩn truyền thống nhưng không có nghĩa rằng đời nàng không có những cái khó. Tôi nhìn cuộc đời nàng bằng lăng kính của chính mình và thấy được điều ấy, tôi không thấy một Thúy Vân tự thương cho mình nhưng tôi thấy một người con gái lớn lên trong xã hội phong kiến, bị chính tư tưởng thiển cận thời bấy giờ ăn sâu vào trong trong cốt tủy, trở nên bàng quan, vô tâm với những mảnh đời bất hạnh. Dẫu sao hình ảnh một nhân vật hiện hữu như thế nào còn tùy thuộc vào cảm nhận của mỗi người độc giả. Sẽ chẳng có góc nhìn sai hay đúng, chỉ có ý kiến được công nhận rộng rãi hay không.
Nhưng nếu nói tới cái nhìn của hiện tại thì cũng phải nói tới góc nhìn đương thời. Dẫu biết chúng ta là người con người thuộc thế hệ sau, chúng ta có những cái nhìn bao trùm và tổng quát hơn thế hệ trước nhưng khi cảm nhận một tác phẩm cũ, có những chi tiết cổ xưa, những hủ tục đôi khi chúng ta chẳng thể thấu hiểu. Từ ấy có những cái nhìn sai lệch về tác phẩm. Vẫn là câu nói của Nguyễn Đình Thi phía trên, bản chất của văn học vẫn là ghi lại những gì có trong đời sống vậy nên chúng ta đôi khi cần phải nắm được góc nhìn của đương thời để hiểu và chấp nhận những ý kiến đó, từ ấy có cảm nhận sâu sắc và đúng đắn. Bản thân tôi nghĩ, cái nhìn đương thời giúp chúng ta chấp nhận những mặt khác biệt giữa hai tầng lớp xã hội cũ và mới. Tựu trung, xã hội phong kiến dẫu mục nát nhưng cũng là những gì ta đã trải qua để có ngày hôm nay, ta không thích nhưng không thể vứt bỏ hoàn toàn đi nguồn gốc lịch sử lâu đời. Góc nhìn đương thời giúp chúng ta chấp nhận nó như một mặt tồn tại không thể thiếu của xã hội, hiểu và có cái nhìn khách quan hơn về những vấn đề tiêu cực trong xã hội cũ.
Sau cùng, bản thân tôi nghĩ chúng ta có thể lấy hai góc nhìn này làm nền tảng, đưa ra những phương hướng lựa chọn cảm nhận khác nhau. Bản thân văn học không có đúng hay sai, bạn có quyền được nhìn nhận văn học bằng chính lăng kính của bạn.
Chú thích: Nguồn trích dẫn (*): https://thuvienkhoahoc.net/phep-phan-tich-va-tong-hop-la...
#Jannie
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất