Forsavingpurpose - Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ
(Viết lại lần 2, vì lần thứ nhất đang viết dở thì công ty có việc gấp, lại bỏ cả người cả máy tính chạy đi mất). Tôi đã không thể...
(Viết lại lần 2, vì lần thứ nhất đang viết dở thì công ty có việc gấp, lại bỏ cả người cả máy tính chạy đi mất).
Tôi đã không thể ngăn được bản thân đặt ngay một cuốn trên Tiki về sau khi đọc xong Người Đua Diều. (và nhắc đến Người Đua Diều, tôi hứa là tôi sẽ review trong một ngày sớm nhất. Bệnh lười chắc đầu thai mới hết.) Và ngay khi tôi đọc những chương đầu tiên của cuốn sách này, tôi đã nhanh chóng (có phần hơi hấp tấp nhưng đầy tự tin) rằng Khaled Hosseini và những tác phẩm của ông sẽ list vào Top favorite của tôi năm nay.
Với Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ, đất nước Afghanistan trong những năm tháng đầy đau thương của cuộc Thánh chiến trở nên rõ ràng, chân thực đến mọi ngóc ngách đối với tôi. Thật sự là vậy. Tất cả đau thương, và mất mát, và yêu thương, và cả khát vọng. Tôi có thể thấy tất cả những điều ấy, gọn gàng nằm trong cuộc sống và trái tim của những người phụ nữ trong tác phẩm.
Và tôi muốn nhắc đến Mariam, như một ánh mặt trời rực rỡ nhất trong tác phẩm. Trong suốt cuộc đời, Mariam hiện ra đối với tôi là một cô bé, rồi đến một người con gái, rồi đến một người phụ nữ, luôn khát khao tình yêu. Sự mưu cầu tình yêu thương của Mariam thổn thức, khắc khoải đến ngây thơ. Và mỗi lần Mariam xuất hiện, tôi luôn nhớ tới câu nói của mẹ Nana, rằng:
Giống như chiếc kim la bàn luôn chỉ về hướng Bắc, ngòn tay buộc tội của người đàn ông luôn hướng về người phụ nữ.
Sự ra đời của Mariam dưới định kiến nặng nề của xã hội Afghanistan lúc bấy giờ đã là một tội lỗi. Cô là con gái của một thương nhân giàu có quyền lực bậc nhất và một cô hầu gái của gia đình, cô sinh ra đã không được thừa nhận, sinh ra đã bị đẩy ra khỏi gia đình mình và cuộc sống hạnh phúc mà cô đáng được hưởng. Tôi đã thật sự mong cha của Mariam yêu thương cô thật lòng, và tôi nghĩ là ông ấy có, chỉ là ông ấy quá hèn nhát để dám đứng lên mọi định kiến của xã hội, sẵn lòng che chở cho đứa con gái ngoài giá thú của mình, đưa cô đi xem bộ phim hoạt hình Pinochio và cho cô đi học như cô mơ ước. Phải, Mariam có một người cha giàu có, quyền lực nhưng không hề mạnh mẽ.
Chính điều đó đã đẩy Mariam, từ một cuộc sống không được xã hội thừa nhận sang một trang mới thậm chí còn đen tối hơn. Cái ngày cô đặt bút ký tên mình lần đầu tiên trong cuộc đời, cái ngày cô nhìn lướt qua gương mặt Rasheed qua tấm gương dưới tấm màn che, cũng là cái ngày cô kiên quyết quay lưng lại với người cha của mình, bước lên chuyên xe chật kín người xô đẩy, những mơ ước được yêu thương thuần khiết trong trẻo của cô gái ấy đã bị nghiền nát, cuốn theo đám bụi sau khi xe lăn bánh, quấn lấy người cha giàu có lập bập chạy theo sau, mà tôi nghĩ là ông có đau khổ và hối hận, chỉ là ông không cương quyết.
Mười tám năm sau, sau những năm tháng dài chịu đựng câm lặng, Mariam cầm bút ký tên mình lần thứ hai, và cũng là lần cuối cùng trong cuộc đời. Nhưng tôi biết lần này, Mariam không một chút mơ hồ. Lần đặt bút dứt khoát chấm dứt cuộc đời bà, nhưng lại mở ra tương lai và cuộc sống hạnh phúc của những người Mariam thực sự quan tâm yêu thương.
Với Laila thì khác. Cô bé sinh ra trên cõi đời với đầy đủ mái ấm, với bạn bè, với chàng trai thanh mai trúc mã đối diện, và được đến trường. Laila được xây dựng là một cô gái thông minh và xinh đẹp, tự do và yêu đời. Cô sống trong những tháng ngày tuổi thơ được coi là thời kỳ tự do và công bằng đối với người phụ nữ Afghanistan, thời kì chuyển giao nhiều biến động nhưng hẳn phải tốt đẹp.
Nhưng rồi cuộc sống của Laila (và tất cả những người phụ nữ Afhanistan khác nữa) lại bị hằn lên cả thể xác lẫn tâm hồn những hố sâu đạn bom mà cuộc thánh chiến mang lại. Cô sống tại Kabul, nơi đạn bom và những quả rocket hàng đêm bay qua mái nhà, nơi tiếng súng rền, tiếng bom rơi át cả tiếng kinh cầu nguyện buổi sáng. Cũng chính chiến tranh đã cướp hết của Laila tất cả: bố mẹ, người yêu, bạn thân và cả tương lai, đẩy cô gái nhỏ vào cuộc sống đen tối cùng người đàn ông ác quỷ. Và cũng từ đây, cô gặp Mariam.
Đối với Laila, tôi dành nhiều cho cô sự khâm phục vì ý chí mạnh mẽ và không thôi hy vọng vào tương lai. Laila nhân hậu, kiên cường và giàu tình yêu thương, dù cho phải bọc mình trong bộ Burga, dưới những đạo luật khắc nghiệt dành cho người phụ nữ của quân lính Taliban, tôi bẫn chưa bao giờ thấy Laila khuất phục và yếu đuối. Trong Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ, Khaled Hosseini không hề khắc hoạ những người phụ nữ của đất nước mình để mang lại cho người đọc sự thương hại. Tất cả những gì tôi dành cho họ là sự khâm phục.
Vượt lên trên tất cả những đau thương, những bom đạn, những ngôi nhà đổ nát, những mất mát và cả những bất công mà cuộc thánh chiến mang lại trong suốt 4 thập kỷ tại Afhanistan, Khaled Hosseini vẫn mang tới cho chúng ta ánh nhìn lạc quan đầy hy vọng vào tương lai. Tôi có thể nhìn thấy điều đó, qua hình ảnh hai đứa nhỏ Aziza và Salma, qua những nỗ lực gây dựng của Laila và Tariq sau này, và tất nhiên, qua cả sự hy sinh của Mariam, như một cách để hồi sinh cho những sự sống mới rực rỡ hơn.
Và chúng ta cũng có quyền hy vọng vào một Afhanistan sẽ thôi đau thương, sẽ quay trở lại xinh đẹp và rực rỡ. Đó là câu chuyện của tương lai, nhưng chúng ta có thể nhìn thấy cả ngàn mặt trời rực rỡ ngay bên trong những đổ vỡ ấy kia mà.
Không ai đếm được bao nhiêu mặt trời toả sáng trên những mãi ngói của nàng, hay ngàn mặt trời rực rỡ trốn sau những bức tường của nàng."
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất